Nhà sư và nhà triết-học

9 - Vì đâu có bạo-lực?

Jean-Francois. - Những điều chúng ta đàm-luận dẫn tới một vấn-đề siêu-hình -- nếu các ma-phi-a (mafia) có thể dẫn đến việc siêu-hình -- là hiểu rõ về cái Xấu. Ba muốn biết quan-điểm của Phật-giáo về vấn-đề này, vì điểm đặc-biệt của các tôn-giáo lớn và các triết-học tây-phương là việc chấp nhận cái Xấu. Nghĩa là chấp nhận ý-niệm có cái Xấu trong mỗi chúng ta. Đó là một vấn-đề lớn về siêu-hình và luân-lý, vừa đối với tôn-giáo, và triết-học, đặc-biệt là Thiên-chúa-giáo, mà ý-niệm về cái Xấu được gắn liền với ý-niệm tội lỗi nguyên thủy. Trong các triết-lý lớn -- như triết-học cổ-điển, của Descartes, Leibniz --, cái Xấu là một vấn-đề nhức đầu cho các triết-gia, cũng là những tín-đồ Thiên-chúa-giáo, và hệ-thống triết-lý được đặt trên căn-bản một vị thánh, và cũng là một người có tình thương vô giới hạn. Tại sao lại có thể sảy ra cái Xấu? Đó là một vấn-đề mà các triết-gia và các nhà thần học gần như không vượt qua được trên căn bản siêu-hình. Tất cả những câu trả lời thì đều phản ảnh những trường-hợp đặc-biệt. Phật-giáo có chấp-nhận cái Xấu nội tại không?
Mathieu - Không, về căn-bản cái Xấu chỉ là một điều sai lầm, và mọi người thì đều toàn hảo. Sự toàn-hảo này vẫn có ngay cả khi con người bị che lấp bởi sự ngu si (vọng động), lòng ham muốn và lòng thù hận. Vấn-đề của cái Xấu gần như không giải quyết được với những ai coi sự sáng tạo là sản-phẩm của một Đấng tối cao và vị này chịu trách nhiệm về điều xấu cũng như điều tốt. Theo Phật-giáo, Phật tính có sẵn nơi mỗi người y như dầu có ở trong mỗi hạt vừng. Đó là bản thể thật sự của mọi sự vật. Sự toàn hảo ấy có thể bị che mờ, nhưng chỉ cần loại hết các màn vô-minh và những tình cảm nhiễu loạn gây ra bởi sự ngu dốt. Những màn vô-minh này không phải là một phần của Phật tính, chúng chỉ che phủ chớ không làm thay đổi Phật tính. Tuy vậy, rất dễ lầm lẫn và rơi vào lý-luận của phái nhị-thừa, thể hiện bằng những lời nói và những hành-động có hại, tức là sự đau khổ.
Sự đối nghịch biểu kiến giữa cái tốt và cái xấu thực ra không có, nó chỉ sảy ra vì cách chúng ta suy xét về các sự vật, nó chỉ sảy ra cho chính chúng ta mà thôi. Giống như một loại ảo giác. Điều sai lầm không có một sự sống thật sự nào, và không phải là một phần của sự thật. Cái Xấu cũng chỉ là một loại ảo tưởng, cũng như điều sai lầm là một cảm nhận không đúng của thực tế. Sự hỗn độn, sự thật tương đối của môi trường sống của chúng ta là phản ảnh từng phần của sự thật, vì chúng ta đã sai lầm trong việc nhận ra đâu là bản thể chân thật của sự vật. Cái Xấu chỉ hiện ra như một ảo giác. Sự lầm lẫn này có thể sảy ra, nhưng khi một người nhận ra được Phật tánh thì sẽ thấy rằng sự sai lầm thực sự không thật có.
J.F. - Như thế thì không có sự rơi vào tội lỗi như trong Thiên-chúa-giáo?
M. - Không có sự rơi vào tội lỗi, mà chỉ là sự quên bản thể của chúng ta, như người mắc bệnh mất trí nhớ. Khi việc này sảy ra, thì có sự phân biệt giữa ta và người chung quanh, với tất cả những khuynh hướng gắn liền với sự hấp dẫn và sự lạnh nhạt, lòng vị kỷ, dẫn đến những tình cảm hướng hạ và sự khổ đau.
J.F. - Chúng từ đâu ra? Nếu con người là tốt, làm sao lại có những khuynh hướng xấu?
M. - Thật ra, những cảm súc và sự khổ đau không "được làm ra", vì không có gì là có thật một cách cứng rắn, và khi một người ngộ được Phật tánh thì như người tỉnh một giấc mơ xấu. Sự ngu si hay vọng thật ra không có. Một người chứng ngộ như đức Phật trông thấy những mê vọng của một người khác như đọc những ý-nghĩ của một người đang ngủ và đang mơ một chuyện hãi hùng: người hiểu rõ bản tánh của giấc mơ chớ không bị lầm lạc bởi cơn mơ (như kẻ đang nằm mơ).
J.F. - Một hình ảnh tốt! Dù cho cái Xấu là một giấc mơ, nó hành hạ chúng ta. Việc đó chỉ di chuyển vấn đề. Nếu bản thể là tốt, thì tại sao cái Xấu hiện ra?
M. - Nó "hiện ra", nhưng nó không có đời sống của chính nó. Khi ta trông lầm một khúc dây thừng là con rắn, con rắn không thật có, bất cứ lúc nào, bất cứ hình thức nào, nó chỉ là một ảo giác. Sự sai lầm chỉ có một hình thức sống hoàn toàn giả tạo, nó không có đời sống thật sự. Vì bản tính cùng tột của vọng là sự biết được rằng cái vọng ấy có thể giải tỏa đi được. Người ta có thể rửa một thỏi vàng, nhưng không thể làm trắng một cục than.
J.F. - Dù cách đặt vấn đề có khác trong Thiên-chúa-giáo hay trong siêu hình cổ-điển hồi thế-kỷ XVII và đầu thế-kỷ XVIII, vấn-đề cũng gần giống nhau. Triết-lý Tây-phương khổ công cắt nghĩa vì sao một đấng toàn thiện lại có thể để cho cái Xấu được sảy ra. Người ta nói nhiều rằng cái Xấu chỉ là một ảo ảnh, nó chỉ tương đối với một trường-hợp, nó không có thật, nhưng không mấy người thỏa mãn với giải thích ấy.
M. - Khi người ta không rõ về bản thể đích thực của sự vật, người ta gán cho những hiện tượng của chúng. Tính chất có hai giữa ta và người khác, tốt và xấu, đáng yêu và đáng ghét vân vân, khi sảy ra sẽ lôi kéo theo những yếu tố hỗn loạn. Sự hư vọng sẽ hiện ra như một cái màn mỏng làm con người quên mất bản thể đích thật và hành động ngược lại với thật tính của mình. Đó là một sự chệch đường, một ảo giác kéo ý-thức về phía làm hại nó và hại người chung quanh.
J.F. - Nhưng tại sao lại có những yếu-tố hướng hạ, "những đại diện của cái xấu" hiện ra? Nếu con người bản thể là tốt, thì những điều ấy phải không sảy ra?
M. - Sảy ra được, nếu khi nhìn mặt trăng, ta ấn tay vào tròng con mắt, ta thấy hai mặt trăng. Việc tự hỏi xem ai hay cái gì đã làm ra mặt trăng thứ hai là vô bổ. Nhưng nếu có một người nào cứ mãi ấn tay vào mắt, thì sẽ đi đến kết-luận là có hai mặt trăng. Đối với người ấy, đó là chân-lý. Người ấy sẽ xây dựng nên các lý-thuyết để cắt nghĩa về nguồn gốc và tính-chất của mặt trăng thứ hai. Nhưng với một người nhìn mặt trăng một cách bình thường, thì vấn đề của mặt trăng thứ hai không hề được đặt ra. Người này sẽ rất khó khăn cắt nghĩa cho người kia, cho tới khi người thứ hai này không còn ấn tay vào mắt.
Sự ngu dốt, nguồn gốc của cái Xấu và của khổ đau, là "điều có thể", nghĩa là xảy ra. Cái vọng này hiện ra ngay trong cái giác, nhưng không phải là một phần của cái giác. Bản tính của vọng là ảo tưởng. Vì lẽ này, khi đạt được tới cái giác thì thật ra không có gì sảy ra. Đây là một đề tài không thể nói trong vài lời. Để dùng những ngôn từ đơn giản, cái vọng là một tai nạn, một sự quên bất ngờ không làm thay đổi bản thể của ý-thức, nhưng tạo ra một chuỗi các ảo giác, cũng như một cơn mê dữ không thay đổi điều gì với một người đang nằm trên một cái giường êm ấm, nhưng tạo một sự khổ đau về tinh-thần. Sự cắt nghĩa này rất khó hiểu, là kết quả của kinh-nghiệm về quán-tưởng. Với người thức dậy thì không cần cắt nghĩa về tính chất ảo tưởng của cơn mê.
J.F. - Nhưng những biến cố trong giấc mơ cũng làm cho người ấy đau khổ vậy?
M. - Đúng thế, ngay trong giấc mơ, những khổ đau rất thật với người đang mơ, và dù là ảo tưởng việc tìm cách giảm thiểu là cần thiết. Đó là điều biện minh cho hành động vị tha, xen lấn vào để giải tỏa các khổ đau của người khác, và con đường tinh-thần nhắm xóa tan lòng thù hận và những nguyên do khác của khổ đau. Còn sự hiện ra của khổ đau thì được điều khiển bới luật nguyên nhân và hậu quả: Tổng kết của các hành động, các lời nói, và các ý-nghĩ của ta. Dù cho sự khổ đau có thế nào đi nữa, khi phân tích đến cùng tận, thì có một điều luôn luôn hiện ra: sự toàn hảo nội tại. Vàng ròng thì không thay đổi, dù có bị chôn vùi trong đất; mặt trời thì chói sáng, dù cho có bị mây mù phủ che.
J.F. - Sau hết, thì á à... lời cắt nghĩa không làm ba thỏa mãn. Nó cũng tương tự như câu trả lời của Leibniz cho một thế-giới có cái Xấu, và Đấng Sáng tạo, hoàn toàn Tốt! người ta cố cắt nghĩa cho sự có mặt của cái Xấu trên thế-giới không phải vì Thượng-đế, nhưng vì những yếu tố bất định. Chỉ có hai điều: Nếu là đấng toàn năng thì Thượng-đế có trách nhiệm về cái Xấu, hay nếu không toàn năng, thì không còn là Thượng-đế nữa!
M. - Đó đúng là lập-luận mà Phật-giáo dùng để bác bỏ ý-niệm về một Đấng tạo hóa toàn năng.
J.F. - Leibniz dùng sự tưởng tượng phong phú về siêu-hình để lập ra một lý-thuyết về một thế-giới tốt đẹp có thể tạo ra được, mà Voltaire đã nhạo báng trong kịch Candide. Voltaire dựng cảnh Candide và Pangloss, triết-gia theo Leibniz. Trong đám kiến-trúc đổ vỡ do một cơn động đất, và khi các nạn nhân đang rên siết dưới những đống gạch vụn đầy bụi bậm, vị thầy cắt nghĩa cho học trò rằng chúng ta đang sống trong một thế-giới tốt đẹp. Đó là một hình ảnh khôi hài nhưng rất xác đáng, về một vấn-đề không giải quyết được. Manès thì trình bày trong lý-thuyết của mình là có hai nguyên-tắc vững chắc và độc lập về Tốt và Xấu; điều này dẫn đến một chủ-thuyết có tên là "manichéisme". Chủ-thuyết này bị chỉ-trích và kết tội bởi Giáo hội Thiên-chúa-giáo là tà đạo, và tổng quát cũng bị các triết-gia phản bác, nhất là Emmanuel Kant. Đó là vấn-đề siêu-hình, ngay cả trên bình diện ngôn từ, hết sửc khó khăn trong việc giải quyết. Trong mọi trường hợp, điều khác biệt giữa Thiên-chúa-giáo và Phật-giáo là sự chối bỏ ý-niệm về tội-lỗi, đặc-biệt là tội-lỗi nguyên-thủy.
M. - 'Đức-tính' chủ yếu của lỗi lầm là 'tội lỗi', thì không có đời sống thật. Không có hành động hay ý-nghĩ hướng hạ không thể xóa tan đi, làm trong sạch hay sửa đổi.
J.F. - Về phần khác, Thượng-đế không bị kết tội là tác-giả của cái Xấu, vì không có Thượng-đế!
M. - Chúng ta và chính chúng ta có trách nhiệm về mọi cái xấu đến với chúng ta. Ta là người thừa-kế của quá-khứ, và là thầy của tương-lai. Không có "sự tốt" và "sự xấu" của chính chúng, nhưng có những hành-động, những ý-nghĩ dẫn tới khổ đau, hay tới hạnh-phúc. Hơn nữa, điều chính yếu không phải là vấn-đề siêu-hình của sự khổ đau hay phương-cách giải-trừ nó. Một ngày kia, đức Phật cầm một nắm lá trong bàn tay và hỏi các đệ-tử: "Lá trong tay ta có nhiều bằng lá trong rừng không?" Các đệ-tử đồng trả lời là lá trong rừng thì nhiều hơn. Đức Phật nói thêm: "Cũng thế, ta chứng ngộ nhiều điều hơn những gì ta dạy, vì có nhiều sự hiểu biết không giúp ích gì cho việc chấm dứt sự đau khổ để đạt tới giác ngộ".
J.F. - Nếu con người là "tốt" thì tại sao lại có biết bao sự bạo động sảy ra?
M. - Ta có thể hiểu việc ấy trên căn bản "tính chất thật sự", coi "tốt" là tình trạng cân bằng, và "xấu" là sự mất cân bằng. Bằng chứng rằng sự bạo động không phải là bản thể cùng tột nơi con người là việc nó cùng lúc gây ra khổ đau cho người bị khổ và cả kẻ gây khổ. Điều mong muốn cùng tột của con người là hạnh-phúc. Người ta chả nói một người bị chế ngự bởi sự thù hận rằng người ấy "mất bình tĩnh", hay "không còn là người ấy nữa"? Làm giảm sự thù hận bằng cách giết hại một người khác không bao giờ đem lại sự an bình, hay cảm giác hoan lạc cho kẻ sát nhân, nếu không phải là sự vui mừng bệnh hoạn ngắn ngủi. Trái lại, kẻ giết người bị rơi vào trạng thái bối rối, khác khoải, đôi khi dẫn đến tự sát.
Người ta cũng có thể trở nên không còn cảm giác về án mạng, như các trẻ em ở Phi châu đã bị các tên đánh giặc thuê buộc phải hành quyết một người trong chính gia-đình của chúng, để hủy diệt hoàn toàn mọi cảm súc và trở thành kẻ giết người không gớm tay. Một số những người "serbe" chuyên bắn lén ở Sarajevo nói rằng việc giết người đối với họ thì rất tự nhiên, đến độ họ không biết làm việc gì khác. Khi có người hỏi họ rằng: "Nếu có một người theo đạo Hồi ngày trước là bạn của anh đi ngang trong tầm súng thì anh có bắn không?" Và anh ta trả lời "Bắn". Hiển nhiên là những người bắn lén này đã xa lìa bản ngã thật sự của họ. Người ta chả thường nói những kẻ sát-nhân liên tiếp là "không còn là con người nữa?" Ngược lại, khi hai kẻ thù trong một thời gian dài thù ghét nhau, một ngày nào đó làm hòa với nhau, thì họ cảm thấy một sự nhẹ nhàng bao la, một niềm vui lớn, chắc phải đến từ sự tìm thấy bản năng thật sự của họ.
J.F. - Ba thì không lạc quan như con về sự hối hận , dẫn đến việc tự sát của các kẻ giết người. Ba công nhận là Staline chết trên giường, Mao trạch Đông cũng chết trên giường, Franco cũng chết trên giường và Hitler thì tự-tử vì thua trận, không phải vì những người này cảm thấy tội-lỗi về những hành-vi giết người của họ. Ba cũng phải tiếc khi nhận rằng Sadam Hussein vẫn chưa tự-tử và hàng ngày vẫn bắn chết nhiều người, hay xẻo tai người khác, vì đó là mốt mới. Ông ta ra lệnh cắt tai những người rời bỏ hàng ngũ, và treo cổ những bác-sĩ, các nhà giải phẫu tữ chối làm việc cắt tai ấy. Việc hối hận của các kẻ sát-nhân thì rất hiếm.
M. - Không phải là sự ray rứt nhưng là sự thống khổ, sự vắng mặt hoàn toàn về sự an bình nội tâm. Mao-trạch-Đông đã chết gần như điên, vợ ông ta thì tự-tử; Staline khi hấp hối còn muốn người ta hạ sát vợ của ông ta, vì ông ta không chịu nổi ý-nghĩ bà ấy sẽ sống với người khác.
J.F. - Ba rất bi quan về việc làm sạch cái xấu. Ngược lại, ba tin như Rousseau nghĩ, con người thì xấu và xã-hội làm cho tốt hơn, khi xã-hội được xây dựng trên luật-pháp. Đôi khi vài loại xã-hội có thể làm con người ít xấu hơn. Vì sao? Vì cái Xấu thì không hợp lý.
M. - Con sẽ nói là: ngược với thiên nhiên.
J.F. - Nếu có sự dùng vũ lực và hành xử cái Xấu mà ba có thể định nghĩa như ... thực-tế, thì điều ấy chắc sẽ bị kết án trên phương-diện luân-lý, ít ra ta cũng có thể tranh-luận về điều ấy! Ba hiểu thực-tế theo nghĩa: người ta chỉ dùng bạo-lực nhắm đạt được lợi, theo một sự tính toán để đạt được một mục-đính xác-định. Đó là một sự dùng ích-kỷ và nham hiểm của bạo-lực, nhưng thuần lý. Theo như thế, thì việc dùng bị giới hạn. Vì được đặt căn bản trên một lý-luận phi luân-lý, mà người ta có thể chống đối lại bằng một việc còn thực-tế hơn nữa.
Thật là đau lòng khi nhận ra rằng đa số việc dùng vũ-lực là điên rồ, đi xa hơn là việc đạt một mục-đích thực-tế. Việc dùng bạo-lực một cách đáng lo sợ, hãy lấy những thí-dụ gần đây, như tại Algérie, cựu liên-bang Nam-tư hay tại Rwanda, đó là cách dùng bệnh hoạn. Những điều đáng làm của các sắc dân tại Nam-tư, là một cuộc hội họp để thương lượng thực-tế. Trong đa số các cuộc chiến-tranh bên có lỗi thường đi xa hơn mục tiêu về chính-trị hay chiến-lược hoạch định ban đầu. Như Hitler muốn lấy lại bờ bên trái của sông Rhin, một phần lãnh thổ của Tiệp-khắc mà ông ta coi là của Đức thì có thể coi là thực-tế. Nhưng khi tuyên chiến với cả thế-giới, giết hại những người Do-thái ở Âu-châu, và hơn nữa lại lao đầu vào một cuộc viễn chinh điên rồ với Liên-sô, là đồng-minh của Đức lúc bấy giờ, những việc ấy chỉ có thể cắt-nghĩa được là một nhãn quan tự sát, điều này cũng là của dân-tộc Đức. Dưới ánh sáng của một sự phân-tích thuần lý thì cuộc chiến tranh như thế không thể nào thành công được.
Các người dùng bạo-lực thường đi xa hơn những mục-tiêu cụ thể: vào thế-kỷ XVIII tại Pháp, khi phe Convention đã loại trừ được nhóm nổi dậy ở Vendée, không còn một nguy cơ nào về quân-sự ở biên-giới, thì các cuộc tàn sát dân thường mới bắt đầu. Lịch-sử Trung-hoa cũng đầy dẫy chuyện các vị hoàng-đế hay vua các chư hầu đã ra lệnh chặt đầu mười người, mười lăm hay ba chục nghìn người, đứng trên phương-diện mục-tiêu thực-tế thì các điều đó là hoàn toàn không cần thiết. Đó chỉ là một sự ham muốn bệnh hoạn làm cho máu chảy mà thôi. Ta hãy trở lại với một thí-dụ khác mà Luc Ferry cũng nói trong tác phẩm của ông ta rằng Phật-giáo không thể ngăn ngừa được việc giệt chủng sảy ra ở Rwanda.
M. - Điều hiển nhiên là trong ngắn hạn Phật-giáo không thể giúp gì trong việc ngăn ngừa vụ diệt chủng ở Rwanda! Nhưng con phải lưu ý ba rằng không ai có thể làm gì để chống lại vụ giệt chủng ấy và những chính-trị lớn được gọi là thực-tế được mệnh danh là Trật-tự Mới của các đại cường Âu tây cũng bất lực trong việc tiên đoán và ngăn chặn.
J.F. - Nhưng điều làm ba ngạc nhiên trong vụ giệt chủng ở Rwanda là không thấy mục tiêu. Khi các kẻ giết người để đoạt được một sự việc gì hay một vật gì, ba lên án nhưng ba hiểu được. Ba cắt nghĩa những hành động ấy bằng sự tham lam, ý muốn củng cố quyền lực, một tính toán thực-tế. Nhưng điều sảy ra ở Rwanda thì không thể cắt nghĩa được, sự giết người ấy không đem lại lợi cho ai, ta bị bắt buộc phải nhận là có cái Xấu trong mỗi người -- hay trong con người.
M. - Khi ta đánh mất bản năng thiên nhiên thật sự, thì sẽ mất hết mọi điểm chuẩn trong đời. Việc gì cũng có thể sảy ra lúc đó. Nó cũng không khác gì một người mắc bệnh mất trí nhớ. Điều ba nêu ra đã được một số tác-giả nghiên-cứu về những biến cố trong dòng Lịch-sử và họ kết luận là nếu để cho một nhóm người được toàn quyền hành động không bị một giới hạn nào -- nguyên-tắc tinh-thần hay tiêu-chuẩn con người --, thì họ sẽ giết lẫn nhau.
J.F. - Làm sao chứng-minh điều ấy?
M. - Bằng những thí-dụ như ở Bosnie hay ở Rwanda: Khi người ta nghĩ rằng mình có thể giết người láng giềng của mình, thì người ta sẽ giết hết những người láng giềng, dù cho tới khi giết người này vẫn có giao thiệp tốt đẹp với các người láng giềng. Những người sống sót sau cuộc làm loạn "Bounty", dù là đoàn kết nhau lúc đầu, đã giết lẫn nhau trên hòn đảo mà họ sinh sống. Có thể trong thời đại tiền sử, việc lập ra những nhóm này để giết nhóm khác có liên quan tới sự tiến hóa, nhưng trong thời hiện tại, đó là một việc hoàn toàn phi lý.
J.F. - Mỗi phía tự bào chữa là vì lý do tự-vệ. Điều chắc chắn là không có cách lý-luận nào có thể ảnh hưởng lên những nhóm người ấy.
M. - Dù cái khuynh hướng thích bạo-động có thật, trí thông-minh phải dùng để giải trừ điều ấy chớ không phải nhường bước cho khuynh hướng ấy. Vì sự căm thù này ở đâu mà ra? Nếu ta đi tới tận cùng của nó thì đó chỉ là một ý-nghĩ.
J.F. - Ừ, ở Rwanda thì đó chính là sự thù hận thuần tuý. Hãy trở về với vụ Bosnie, khởi thủy, mỗi nhóm có những lý lẽ về đất đai mà họ xem là chính đáng dựa theo Lịch-sử, địa-lý, chiếm giữ những đất đai bởi những người thuộc phe nhóm họ, vân vân. Ngay tữ đầu, chúng ta có một vụ địa-lý chính-trị cổ điển, mà người ta có thể thương-thuyết bằng những nhà thương-thuyết thuần-lý. Nhưng không có ai muốn thương-thuyết. Và họ lâm chiến. Ngay trên khía cạnh này, người ta cũng có thể gọi là chiến-tranh thuần-lý, vì theo Clausewitz, chính-trị được đi sau bằng các phương-tiện khác. Rồi người ta đi tới các vụ tắm máu không thể biện minh được, sự việc này đã vượt quá mục-tiêu chính-trị ban đầu, và là m cho nó không thể đạt được nữa. Vì sự giết hại sau cùng đã đến mực không thể chấp nhận được, các cơ quan quốc-tế phải xen lấn vào, với ý-định đặt mọi người dưới sự kiểm-soát, ngay cả việc gởi quân-đội tới tận nơi, nhưng mặc dù thế, sự khát máu đã đến độ hoàn-toàn nên người Croate giết người Hồi-giáo, người Hồi-giáo giết người Croate, người Serbe giết cả hai, và nhiều năm sau người ta khó có thể làm họ tôn-trọng một hiệp-ước hoà-bình nào. Như thế, trên thực-tế người ta đã phụ trợ cho việc tự hủy hoại của các nhóm vừa nói.
M. - Con muốn nêu vấn-đề ra không phải để phân-tích về những nguyên-nhân chính-trị hay địa-lý, nhưng về những tiến hành của não bộ dẫn đến sự bùng nổ của sự thù hận.
J.F. - Ba cũng nói thêm là các nguyên-nhân về chính-trị và địa-lý không cắt nghĩa được gì cả, vì nếu vấn-đề chỉ có thế thì người ta đã tìm được bằng một trình tự hữu-lý.
M. - Đó là điều mà sự phân-tích của Phật-giáo chú trọng. Dù đó là các sự tranh chấp lãnh thổ, phân chia nước để trồng trọt, vân vân, tất cả các nguyên-nhân của các vụ tranh-chấp trên thế-giới này đều phát xuất từ ý-nghĩ "người ta đã gây ra lỗi", theo sau là sự chua sót. Ý-nghĩ hướng hạ này là một sự xa lìa của trạng thái tự-nhiên, và đó là một nguyên nhân của khổ đau. Như thế, điều rõ ràng là phải làm chủ các ý-nghĩ của chúng ta trước khi chúng xâm chiếm ý-thức ta, cũng giống như phải dập tắt một ngọn lửa ngay từ đầu, chớ không để cho cả cánh rừng bị làm mồi cho thần hỏa. Việc xa lìa khỏi "sự tốt căn bản" nơi ta thì rất dễ sảy ra.
J.F. - Nhưng làm sao cắt nghĩa được khi nào người ta xa cách nhiều hơn là ở gần?
M. - Khi ta leo núi, chỉ cần một bước sai là bị rơi xuống vực thẳm. Mục-đích căn bản của một "sự tu tập" tinh thần là phải luôn luôn hoàn toàn cảnh giác. Sự lưu-ý, sự tỉnh thức là những đức-tính căn bản mà đời sống tinh-thần giúp ta phát triển. Điều lý-tưởng là lúc nào cũng thanh-tịnh và cảnh giác.
J.F. - Ừ. Nhưng nếu phải loại trừ cái xấu thì ta phải đợi cho sáu tỷ người trên trái đất này đạt tới đời sống tinh-thần như thế, chúng ta phải chờ đợi rất lâu!
M. - Ngạn ngữ Việt-nam có câu: "Có công mài sắt, có ngày nên kim". Dù đó là con đường rất lâu dài, cũng không thay đổi được gì khi không có con đường nào khác. Ngay cả trên bình diện thế-giới, sự khổ đau không ngớt xảy ra, cách duy nhất để sửa đổi là sự thay đổi của từng cá-nhân. Sự thay đổi ấy sẽ lan rộng ra từ một cá-nhân cho đến gia-đình, xóm làng rồi cả xã-hội. Một vài xã-hội đã thiết lập được những không khí hòa-bình trong một thời gian nào đó trong lịch-sử của họ. Mục-tiêu ấy có thể đạt tới được, trong khuôn-khổ mỗi người góp phần của mình, đó là ý-nghĩa của "trách-nhiệm hoàn vũ", những người nọ đối với những người kia trên toàn cầu.

| |

Chú thích: