Nhà sư và nhà triết-học

10 - Sự khôn ngoan, khoa-học và chính-trị

Mathieu - Ba nghĩ thế nào về lời tuyên bố sau của Ervin Schrodinger, nhà vật-lý-học đã đoạt giải Nobel về vật-lý năm 1933: "Hình ảnh mà khoa-học cho ta về thế-giới chung quanh thì rất thiếu sót. Nó cung cấp cho ta một số lượng về các tin-tức thực tế về đo lường và sắp đặt các kinh-nghiệm của ta có hệ-thống vững chắc và đẹp đẽ nhưng lại thiếu sót gần như im lặng về những gì liên quan mật thiết với ta, là những thứ ta thật sự cần thiết..
Jean-Francois. - Ba coi đó là một sự nhàm chán. Ý-nghĩ rằng khoa-học không khảo sát về những sự tìm kiếm cá nhân để đạt tới hạnh-phúc không có gì là mới mẻ! Hơn nữa, khoa học không hề có mục-đích trả lời cho câu hỏi đó, ngoại trừ khoa-học nhân-văn. Sự thất bại của Tây-phương không phải ở khoa-học. Ngược lại, khoa-học là sự thành công của Tây-phương. Vấn đề là xem khoa-học có đủ không. Hay là có lãnh vực, mà theo những chứng cớ hiển nhiên, khoa-học không đầy đủ. Hơn nữa sự thất bại của Tây-phương là sự thất-bại của văn-hóa chớ không phải khoa-học, nói rõ hơn thì đó là sự thất-bại của triết-học. Theo nghĩa nào triết-học đã thất-bại? Về tổng thể, có thể nói cho tới thế-kỷ thứ XVII, hay tới Descartes và Spinoza, khía cạnh song hành của triết-học từ khi được thành lập vẫn được thông dụng. Phần thứ nhất, khía cạnh khoa-học -- hay chủ đích khoa-học; và phần hai, việc chinh-phục sự khôn ngoan, sự khám phá về ý nghĩa của đời sống con người và hơn nữa cuộc sống sau khi chết. Khía cạnh song hành này của triết-học hãy còn tìm thấy nơi Descartes, dù Descartes nói tới một luân-lý "tạm thời". Nhưng triết-học vẫn là tổng hợp của khoa-học và sự khôn ngoan. Trong khi đó, triết-học sau cùng mà hai khía cạnh còn được trình bày và hợp nhất lại là triết-học của Spinoza. Nó trình bày lần cuối cùng về sự hiểu biết cùng tận và niềm vui của một người hiểu rõ về thực tại, hưởng niềm vui thật sự, sự tốt đẹp vô biên.
M. - Nhưng tại sao triết-học không tiếp tục cung cấp những mẫu về cách sống?
J.F. - Trong ba thế-kỷ sau này, triết-học từ bỏ nhiệm vụ về khôn ngoan. Nhưng, cũng trong thời gian ấy, khoa-học đã cướp ngôi khía cạnh khoa-học của nó. Dần dà xuất hiện những môn như thiên-văn, vật-lý, hóa-học, sinh-vật học và những khoa-học này phát-triển để rồi trở nên tự đầy đủ và tuân theo những tiêu-chuẩn không còn dính dáng gì đến những phương cách suy luận của triết-học. Kể từ lúc ấy -- như Kant nói rõ trong Critique de la raison pure (Tranh-luận về thuần lý) -- khía cạnh khoa học của triết-học cũng không còn nữa. Như thế triết-học đã bị giết chết do chính sự thành công của nó, vì mục-đích của nó là làm sinh ra các môn khoa-học khác. Còn về khía cạnh kia, sự khôn ngoan, gồm có sự tìm kiếm lẽ công bằng, và hạnh-phúc thì không còn được tuân theo trên bình diện cá-nhân nữa; nghĩa là sự chinh-phục một sự khôn ngoan cho bản thân, như còn thấy nơi Montaigne hay Spinoza.
M. - Đó có phải là một vấn-đề trọng đại của Tây-phương?
J.F. - Không hẳn như thế, vì vào thế-kỷ thứ XVIII, khía cạnh thứ hai này di chuyển qua lãnh vực chính-trị. Sự chinh-phục lẽ công bằng, hạnh-phúc trở nên nghệ-thuật tổ-chức một xã-hội công-bằng, giúp cho mọi người được sung-sướng trong nền tư-pháp công cộng. Nói cách khác, việc chinh-phục sự tốt đẹp, lẽ công bằng, và hạnh-phúc là cuộc Cách-Mạng về xã-hội, văn-hóa và chính-trị. Trong thế-kỷ thứ XX, chúng ta bước vào những lý-tưởng lớn muốn xây-dựng lại xã-hội từ gốc rễ trở lên.
Lý-tưởng chính trong số này là chủ-nghĩa xã-hội, và đặc-biệt nhất chủ-nghĩa cộng-sản, trở nên áp đảo cho tới cuối thế-kỷ thứ XX. Nhiệm vụ luân-lý của triết-học theo nhãn quan (cộng-sản) này, là xây-dựng từ số không một xã-hội có sự cộng-bằng nội tại. Cố gắng quan-trọng đầu tiên là cuộc cách-mạng tại Pháp, từ đó nảy sinh ra quan-niệm cận-đại về cách-mạng. Ngay khi thủ-lãnh của một cuộc cách-mạng có trong đầu, một mẫu về một xã-hội mà người ấy nghĩ là toàn-hảo, thì người ấy nghĩ là mình có quyền áp đặt, và nếu cần thì loại trừ những gì cản trở ý định ấy. Việc ấy càng trở nên rõ nét với những người bôn-xê-vích (bolchevique) theo con đường maxít-lénin-nít (marxisme-léninisme) tại Liên-xô, và sau này Mao-trạch-Đông tại Trung-hoa. Những hệ-thống này có một điểm chung, sự tìm kiếm việc tốt đẹp, xây dựng "con người mới", phải đi qua quyền-lực lý-tưởng, để biến cải cách-mạng xã-hội.
M. - Luân-lý ở chỗ nào, hiểu theo nghĩa tự-do, và trách-nhiệm cá-nhân bị loại trừ bởi hệ-thống chính-trị?
J.F. - Đó là việc phục vụ cho lý-tưởng, và việc người ta làm cuộc Cách-Mạng tuyệt-đối. Như thế thì không còn luân-lý cá-nhân, sự tìm kiếm khôn ngoan cá-nhân. Luân-lý cá-nhân là tham dự vào luân-lý công cộng. Trong chủ-nghĩa phát-xít (fascisme) và na-dít(nazisme), người ta còn chú trọng đến việc tái tạo con người nữa. Đối với Mussolini hay Hitler, xã-hội trưởng-giả, tư-bản và hệ-thống nghị-viện của các người giàu có, các người Do-thái thì không có luân-lý. Cần phải đào tạo con người, xây dựng từ số không cho tới vô cực, một xã-hội mới và "thanh-toán" tất cả những ai bị nghi-ngờ sẽ chống đối lại. Hành-động cách-mạng đã thay thế triết-lý, và cả tôn-giáo.
M. - Với sự "thành-công" mà ta được biết ở Liên-sô, và thảm thương nữa khi còn đang tiếp diễn tại Trung-hoa. Vấn-đề đối với xã-hội lý-tưởng loại này không được đặt căn bản trên sự phát-triển những đức-tính của con người, ngay cả khi người ta rao giảng về bình đẳng, phân chia của cải chẳng hạn, những lý-tưởng này đã mau chóng bị bể cong, và những người có quyền hành đã dùng chúng như một dụng cụ để kềm-kẹp và bóc lột những "đồng-chí" của họ.
J.F. - Tất cả những hệ-thống lớn lao đó đã thất bại. Chúng rơi vào cái tuyệt đối Xấu. Và sự biểu lộ sau cùng của tham vọng này được thể hiện nơi những cá-nhân vô luân -- chẳng hạn như ở Căm-bốt, Pol Pot đã đẩy sự lý luận của hệ-thống này tới tận cùng. Để tạo ra con người mới, xóa sạch quá khứ và tạo ra một xã-hội sau cùng sẽ hoàn-toàn công bằng, thì phải bắt đầu bằng việc thanh toán những con người hiện tại vì họ đã bị tiêm nhiễm cái xấu của chế-độ trước. Không cần đi xa tới những sự quá đáng giết người này, đã từ ba trăm năm qua, những nhà trí-thức đã công nhận là việc dạy luân-lý cho con người, và việc thực thi sự công bằng chỉ thực hiện được bằng một xã-hội mới, công bằng, bình đẳng hơn.
Sự thất-bại thực tế và sự phá sản về luân-lý của những hệ-thống chính-trị lý-tưởng là một biến cố lớn lao ở cuối thế-kỷ XX, đó là điều mà ba gọi là sự thất-bại của nền văn-minh tây-phương trong phạm vi không phải khoa-học. Sự cải tạo xã-hội đáng lẽ thay thế sự cải-tạo luân-lý, đã dẫn đến sự phá sản, tới độ ngày nay người ta hoàn-toàn mất phương hướng, trước sự trống không. Đó là lý do của việc chú-ý tới những triết-lý nhỏ bé hơn, chú trọng tới việc cho những lời khuyên thực-tế, thực nghiệm, tinh-thần, luân-lý về cách cư sử hàng ngày; và đó cũng là sự tò mò trở lại những chủ-thuyết về khôn ngoan, như Phật-giáo, nói về con người và lòng từ-bi và không có tham vọng cải tạo nhân-loại bằng cách giết người. Sự lưu tâm trở lại cắt nghĩa cho sự thất-bại kinh-khủng của những hệ-thống chính-trị, những xã-hội lý-tưởng mà ba vừa kể qua. Khoa-học không có trách-nhiệm gì trong cái tai-họa này, được gây ra bởi một sự cuồng tín hoàn toàn ngoài khoa-học.
M. - Con nghĩ rằng không có người theo đạo Phật nào lại phản bác sự phân-tích của ba. Con chỉ xin thêm một hai điều không phải để chỉ-trích khoa-học, nhưng để hiểu những lý-do coi khoa-học, một cách vội vàng là một môn thuốc trị bá bệnh, đã có thể bỏ quên việc nghiên-cứu về sự khôn-ngoan. Khoa-học thì chủ yếu là phân-tích và có thể đã bị lầm lạc trong sự rắc rối bất tận của các hiện-tượng. Khoa học đã lao vào một cánh đồng khám-phá rộng lớn , và đã thu hút sự chú-ý và tò mò của những bộ óc sáng giá của thời đại chúng ta. Giống như một cuộc đổ sô đi tìm vàng. Con đường tâm-linh có một lối đi hoàn toàn khác hẳn, nó gồm những nguyên-tắc về vọng và giác, về khổ đau và hạnh-phúc của con người. Khoa-học chỉ chú trọng đến những chứng cứ vật-chất, hay toán học, trong khi tâm-linh nhìn nhận giá-trị của sự quyết tâm xâu kín phát sinh do đời sống quán-tưởng.
J.F. - Coi chừng! Cần phân biệt khoa-học và chủ-nghĩa khoa-học. Những thành-công của khoa-học làm cho người ta tin là có thể áp dụng khoa-học cho tất cả sự việc. Ba vừa nhắc lại một cách sơ lược về hiện-tượng xã-hội lý-tưởng được gọi là "khoa-học". Nó chẳng có gì là khoa-học cả. Ngược lại là khác. Nhưng điều lý-thú là người ta tin là đang dùng những phương cách khoa-học để cải-tạo xã-hội. Và điều ấy là một khúc quanh sai lầm về ý-niệm khoa-học và đã gây không biết nhiêu bao đổ vỡ.
M. - Sự bất trắc của khoa-học, sự thật, là lao tới quá xa trên con đường phân-tích và tận cùng bằng sự phân tán theo chiều ngang của những hiểu biết. Có một câu ngạn ngữ Ả-rập nói rằng: Khi người ta bắt đầu đếm thì không thể ngừng được. Khi con còn học môn địa-chất ở phân-khoa khoa-học, chúng con đã làm công việc phân định nguồn gốc các hạt cát. Có những hạt "tròn và nhẵn", "tròn và bóng", vân vân. Người ta có thể rút ra được tuổi của một con sông, hay nguồn gốc của một hạt cát là từ một con sông hay từ biển cả. Sự học tập như thế thì lý-thú, nhưng có đáng cho ta khổ công không?
J.F. - Sự khảo sát các hạt cát thì cần thiết để xây dựng lại lịch sử của Đất, khí-hậu, sự xen kẽ của những giai-đoạn nung nóng và giai-đoạn băng giá. Sau nữa, việc hiểu biết về những định-luật thiên-nhiên là một ước vọng không thể chối cãi của con người. Triết-học cũng sinh ra từ đó.
M. - Con không nghĩ rằng những sự nghiên-cứu như thế, dù hết sức lý-thú, phải dẫn đến việc tìm tòi về sự khôn ngoan.
J.F. - Khoa-học chân-chính, một hình-thức của sự khôn ngoan, khi nó hoàn-toàn bất vụ lợi. Những sự khám-phá lớn lao về khoa-học thường được thực hiện trong lãnh vực nghiên-cứu được coi là không có triển-vọng. Sự nghiên-cứu là để thỏa mãn lòng mong muốn tìm hiểu, sau đó mới đến việc hữu dụng. Hơn nữa, lịch-sử về khoa-học chứng tỏ rằng các nhà nghiên cứu chỉ khám phá ra những điều hữu dụng khi họ chỉ tuân theo óc tò mò. Nhưng họ không bắt đầu sự tìm kiếm những việc hữu dụng. Như thế có một sự xa cách trong việc nghiên-cứu khoa-học, một hình thức của sự khôn ngoan.
M. - Lòng ham muốn tìm hiểu có nên áp-dụng cho một điều gì đáng cho người ta dùng cả đời người , và "sự khôn ngoan" này làm cho người tìm kiếm và những người chung quanh trở nên những con người tốt hơn. Nếu không, có nên gọi là khôn ngoan không? Sự tò mò dù cho bất vụ lợi, có phải là cứu cánh cho chính nó không?
J.F. - Con trở về với Pascal... Theo ba, những giới hạn của sự theo đuổi khoa-học trong xã-hội tây-phương của chúng ta, là mọi người có cơ may hưởng những thành quả, mà chỉ có một số ít tham dự. Chỉ có một số rất ít người biết được vũ-trụ, vật chất, đời sống hoạt-động như thế nào. Nhưng hàng ngày cả triệu người dùng các viên thuốc Aspirine mà không hiểu tại sao -- ngay cả ba -- thuốc này hoạt động trên các sự đau nhức tạm thời. Tất cả mọi người được hưởng những phương tiện chuyên chở mà không hề có khả năng hiểu về tập hợp các sự hiểu biết, để có thể chế tạo ra được máy bay, máy điện toán. Khi ta nói nhân-loại sống trong kỷ-nguyên khoa-học, điều đó không đúng! Họ sống song song với kỷ-nguyên khoa-học. Một người mù chữ cũng hưởng những thành quả của khoa-học như một nhà bác-học. Nhưng tuy đại đa số dân chúng Âu-châu, cái nôi của khoa-học cổ-điển và cận đại, không tham dự vào trong sự suy tư khoa-học, họ được cung cấp thứ khác. Cái thứ khác ấy là tôn-giáo, và rất gần đây, những chủ-thuyết chính-trị lý-tưởng. Các tôn-giáo không làm tròn sứ mạng của nó nữa, ngoại trừ Hồi giáo, các chủ-thuyết chính-trị lý-tưởng đã đổ vỡ trong máu lửa và sự chế nhạo. Và một khoảng trống sảy ra.
M. - Con muốn đề cập đến định-nghĩa của Phật-giáo về sự lười biếng, vì nó sẽ được dùng đến trong việc đàm-luận của chúng ta về khoa-học và sự khôn ngoan. Người ta phân biệt ba loại lười biếng. Cái thứ nhất là chỉ biết ăn rồi ngủ. Cái thứ hai, nghĩa là: "Một người như con không bao giờ đi tới sự toàn hảo". Trong Phật-giáo sẽ dẫn tới việc nghĩ rằng: "Những cố gắng vô ích, con sẽ không bao giờ đạt tới sự giác ngộ". Sự thối chí làm cho ta không muốn bắt đầu sự cố gắng. Và cái thứ ba, lý thú nhất đối với chúng ta, tốn hao công sức vào những việc thứ yếu mà không động tới công việc chính. Ta dùng thời giờ để giải quyết những việc thứ yếu, chúng trói buộc ta như những cơn sóng trong một cái hồ. Ta thường nói: "Khi tôi làm xong việc này hay việc kia thì tôi sẽ lo tới việc tìm kiếm ý-nghĩa cho cuộc đời của tôi". Con tin là việc phân hóa về chiều ngang cho những sự hiểu biết rất đúng cho sự lười biếng này, dù cho người ấy đã làm việc một cách sốt sắng trong cả đời người.
J.F. - Con nói những vấn-đề "thứ yếu". Theo ba, đó không phải là sự phân biệt đúng. Tốt hơn phải nói những vấn-đề liên quan tới việc ngộ đạo và những việc không liên quan gì đến việc này. Nhưng một vất đề có thể là trọng đại mà không liên quan tới việc ngộ đạo.
M. - Tất cả tùy thuộc theo cách ta nhìn vấn-đề. Việc đổ vỡ tài chánh là một vấn-đề trọng đại với một người nhiều tham vọng trong ngành ngân hàng, và thứ yếu với một người chăm lo những vấn-đề của cả nhân-loại. Nhưng hãy trở về với sự lười biếng. Sự đối nghịch cho loại lười biếng thứ nhất -- chỉ lo ăn và ngủ --, là việc nghĩ đến cái chết và sự vô thường. Ta không thể biết được giây phút nào sẽ chết, và những điều kiện khi lâm chung. Như thế, thì không nên chậm trễ trong việc trở lại với việc chính yếu. Sự đối nghịch với sự lười biếng thứ hai -- điều làm ta nản chí trong việc tìm tòi tâm linh --, là suy luận về những sự tốt đẹp khi đạt được sự giác ngộ tâm linh. Và sự đối nghịch cho điều thứ ba -- chú trọng việc thứ yếu trước việc trọng đại --, là việc nhận ra rằng để đạt tới tận cùng của một chuỗi những kế-hoạch nghiên-cứu bất tận, chính là việc từ bỏ tất cả để hướng về việc cho ta biết ý-nghĩa của sự sống. Đời sống thì ngắn ngủi, nếu một người muốn đạt được sự chứng ngộ tâm linh, thì không khi nào là quá sớm cả.
J.F. - Con dùng lại định-nghĩa của Blaise Pascal về "xao lãng (divertissement)", cái làm chúng ta "quay mặt (détourne)" với việc chính yếu. Ông ta sắp đặt trong mục xao lãng, sự nghiên-cứu khoa-học, libido sciendi, là điều mà ông ta thành công nhất. Đó là một sự sai lầm. Cũng thế, không nên đòi hỏi ở khoa-học sự chứng ngộ tâm-linh, cũng không nên coi sự chứng ngộ tâm-linh thay thế cho khoa-học. Khoa-học và kỹ-thuật đáp ứng cho một số câu hỏi. Chúng thoả mãn trước hết lòng khát khao hiểu biết, đây là khía cạnh chính yếu của con người. Và việc áp dụng vào thực tế giải quyết được một số lớn những vấn-đề của nhân-loại. Về quan niệm này, ba là một người con của thế-kỷ thứ XVIII. Ba tin vào sự tiến-triển kỹ-thuật. Ba tin vào những điều tốt lành của sự tiến-triển kỹ-thuật khi chúng được dùng đúng. Ba tin vào sự cải thiện thân phận con người bằng sự tiến-triển kỹ-thuật. Nhưng nó để lại một khoảng trống không, điều mà về tổng quát, ta gọi là lãnh vực luân-lý, lãnh vực khôn ngoan, lãnh-vực nghiên-cứu thăng bằng cá-nhân và cứu rỗi linh-hồn.
Theo ba, sự trống vắng ấy có thể được làm đầy bằng hai cách. Cách thứ nhất, như Phật-giáo chẳng hạn. Và điều ấy cắt nghĩa sự phổ biến hiện tại ở Tây-phương, và cũng là nét lý-thú, nó không có những màn võ trang tuyên-truyền như Hồi-giáo chính-thống. Nó chỉ tới khi người ta mời tới, hay -- đau khổ hơn --, nó phải đi, vì người ta tống khứ nó đi (phải lìa bỏ Tây-Tạng). Và cách thứ hai, dụng cụ thứ hai để làm đầy sự trống vắng -- điều này ba sẽ nói thêm về sau --, ba nghĩ rằng đó là sự tổ-chức lại xã-hội về phương diện chính-trị. Ba nghĩ rằng trực-giác vào thế-kỷ thứ XVIII vẫn còn đúng. Chỉ có việc người ta đã giải quyết sai vấn-đề. Ba, ba tin ở một xã-hội dân-chủ -- hơn nữa đức Đạt-Lai-Lạt-Ma cũng đồng ý với điều này --, về vấn-đề luân-lý xâu đậm là đem lại cho mỗi cá-nhân cơ-hội tham dự một cách có trách-nhiệm dân chủ, và việc đòi hỏi những người được bầu, chịu trách-nhiệm về các điều họ hứa-hẹn khi ứng cử. Sự lệch đường của xã-hội chủ-nghĩa không phải là điều là ta phải từ bỏ giả-thuyết về việc xây-dựng một xã-hội công bằng. Sự xụp đổ của các chế-độ độc tài cũng không phải là việc làm ta quay đi khỏi ý-nghĩ rằng trong một phạm vi nào đó của sự công bằng cần một xã-hội toàn cầu công-bằng, nhưng trái lại, nó nhắc nhở chúng ta là chúng ta đã trễ nải quá đáng, để cho chủ-nghĩa độc-tài lợi dụng ước vọng dân-chủ đó.
M. - Điều mà chúng ta thiếu sót trong lãnh vực này, là một viễn ảnh rộng lớn hơn, điều mà đức Đạt-Lai-Lạt-Ma gọi là "trách-nhiệm toàn cầu". Vì việc một khu vực phát-triển trên sự nghèo đói của một khu vực khác thì không thể chấp-nhận được.
J.F. - Ừ, nhưng mỗi phần của thế-giới được làm những gì mà họ muốn, dù đó là việc điên rồ.
M. - Bây giờ trở lại với sự thất-bại của triết-học cận-đại, kể từ thế-kỷ thứ XVII trở đi, điều làm con ngạc nhiên không thấy có việc tìm kiếm những điểm chuẩn, những nguyên-tắc giúp cho đời sống có ý-nghĩa. Không có những áp dụng thực-tế mà con đường tâm-linh đòi hỏi -- với mục-đích làm một sự thay đổi thật sự về nội tâm --, những triết-học ấy lại cho phép một sự phát-triển không ngăn cấm về các ý-nghĩ, các trò chơi trí-não hết sức phong-phú nhưng công dụng gần như không có. Sự phân chia giữa thế-giới của các ý-nghĩ và con người đến độ những người phổ biến các hệ-thống triết lý không cần phải là người sống với triết-lý ấy. Ngày nay, điều được công nhận là một người có thể là một triết-gia lớn, nhưng trên bình diện cá-nhân, là một con người mà không ai muốn nhận làm người đáng noi theo. Chúng ta đã nhấn mạnh điều lôi kéo chính yếu của một hiền-triết là việc người ấy là mẫu mực bằng xương bằng thịt về sự toàn hảo mà người ấy giảng dạy. Sự toàn hảo ấy không phải chỉ giới hạn ở một hệ-thống ý-tưởng vững chắc mà phải thể hiện trong mọi khía cạnh của hiền-triết ấy. Một triết-gia có thể bị lầm lạc trong các vấn-đề của cá-nhân mình, hay một bác-học tràn ngập bởi các tình cảm của mình, trong khi ấy một người đi trên con đường tâm-linh sẽ nhận ra là mình bị sai lầm nếu người ấy nhận ra sau nhiều tháng, hay năm về các đức tính con người của mình -- lòng tốt, lòng độ lượng, hòa nhã với mình và với các người chung quanh -- suy giảm thay vì gia tăng. Con sẽ cắt nghĩa sự thất bại của nền triết-học này rằng những ý-nghĩ ấy chỉ hoạt-động trong không khí và chẳng có ảnh hưởng gì với ai hết.
J.F. - Ba nghĩ rằng những thí-dụ mà con đưa ra, và chúng có rất nhiều trong những xã-hội tây-phương, là bằng chứng rõ ràng về sự trống vắng bị bỏ qua trong việc chinh-phục khoa-học rất được trọng vong. Ba chỉ biết một triết-gia mà cách sống ở thế-kỷ XX phù hợp với những điều ông ta viết. Đó là Cioran, một nhà luân-lý Pháp có gốc Lỗ-ma-ní. Cioran là một tác-giả rất bi quan, với một lương-tâm bén nhạy về những giới hạn của đời sống con người -- sự bất cập, như các triết-gia nói --, sống đúng như những nguyên-tắc của ông ta. Theo ba biết, ông ta không giữ một công việc nhà nghề rõ ràng nào, luôn luôn từ chối các vinh dự. Một lần ba điện thoại cho ông ta, đề-nghị ông ta nhận một giải về văn-chương với một số tiền khá lớn. Theo ba biết thì ông ấy đang cần, ba nghĩ rằng ông ta sẽ sung sướng nhận lãnh. Ông ta từ chối và nói rằng ông ta không cần những đền đáp chính thức, dù bất cứ dưới hình thức nào. Đây rõ ràng là trường-hợp một nhà trí-thức sống đúng theo các nguyên-tắc của mình, hay trong mọi trường-hợp sự phân-tích về tình-trạng con người.
Bức tranh con vừa kẻ ra là một tóm tắt điều mà người ta có thể gọi là vết thương trầm trọng của nền văn-minh tây-phương, nghĩa là, ở nơi sâu kín, sự không phù hợp, sự tương-phản, sự đối nghịch giữa những người gọi là trí-thức hay nghệ-sĩ về những gì họ thực hiện được và sự nghèo nàn về đời sống luân-lý, hay luân-lý cho gọn. Và điều đó phản ảnh sự trống vắng khi triết-lý từ bỏ sự tìm tòi về sự khôn ngoan cá nhân. Kể từ thế-kỷ thứ XVII, công việc đó theo truyền-thống, được làm bởi các nhà luân-lý. Những kho tàng của La Rochefoucauld, La Bruyère hay Chamfort đem lại điều mà ta gọi là tâm-lý con người. Nhưng chúng không vạch rõ con đường chính xác phải cư sử. Chúng tận cùng như một loại luân-lý xa lìa thế gian. Chúng thừa nhận rằng con người đều là những kẻ điên. Chỉ có những người đầy tham vọng, những nhà chính-trị say mê quyền-lực, những người hay bợ đỡ đi theo các nhà chính-trị để mưu cầu danh vọng, những người giả nhân nghĩa cố gắng tìm hư danh dù có bị đày đọa thân xác. Hậu quả là chúng ta không nên vướng mắc vào, mà đứng ngoài cười nhìn. Tốt... ta có thể nói đó là sự bắt đầu của sự khôn ngoan, nhưng đáng tiếc đó không phải là một luân-lý mà mọi người có thể dùng được. Luân-lý duy nhất chính là xây dựng một xã-hội công bằng.
Sự xụp đổ của các hệ-thống lý-tưởng và độc-tài, là một căn bệnh chính-trị cận đại, và sự trống vắng về luân-lý của triết-học cận đại, dẫn tới một nền luân-lý rất mù mờ ngày nay mà người ta gọi là nhân-quyền, bác ái... Lòng bác ái gồm việc xoa dịu kẻ bất hạnh và mang cho họ lương thực thì đáng khen, ba rất ngưỡng mộ những người như thế. Tuy nhiên, không giúp ích gì khi thấm máu một vết thương, nếu không khâu nó lại. Hay gởi các bác-sĩ tới Liberia bên Phi châu, nếu người ta tiếp tục để cho thủ-lãnh các phe phái hoạt động, hay giúp khí giới cho họ. Hậu quả là chỉ có một sự thay đổi chính-trị mới có thể giải quyết mọi vấn-đề. Và trên phương diện này, quyền chính-trị của mỗi cá nhân trong một thể chế dân chủ, được đề cập trên đầu môi của một vài bản tuyên ngôn khi người ta tiếp đón, hay đi gặp các đại diện của Trung-hoa hay Việt-nam, và phản đối dưới chân họ để mong ký kết một thoả ước thì không đủ!
M. - Ba nêu thí-dụ về Cioran, một triết-gia bi quan sống theo lý-tưởng của ông ta. Con thấy có một sự khác biệt quan trọng với một hiền triết. Sống theo những điều mình nghĩ chưa đủ để làm một hiền triết. Sự suy-nghĩ này phải phù hợp với sự khôn ngoan thật sự, một sự hiểu biết có thể giải thoát ý-thức khỏi mọi sự rối loạn và mọi khổ đau, sự khôn ngoan được phản ảnh nơi một người hoàn toàn. Nếu không, đi cho đến cùng tận, một Arsène Lupin, hay tệ hơn nữa một Joseph Staline cũng sống đúng theo những điều họ nghĩ. Đối với một hệ-thống chính-trị, không ai, ngoại trừ những người có quyền lợi đối nghịch với thể chế dân chủ, cũng đều công nhận thể chế dân chủ là một hệ-thống chính-trị tốt nhất. Nhưng nền dân chủ cũng như một căn nhà trống... Cần phải biểt những người ở trong đó sẽ làm gì với căn nhà đó: sẽ bảo trì nó, làm nó đẹp hơn hay là để cho nó xụp đổ dần dần?
J.F. - Đúng lắm.
M. - Điều bị bỏ qua trong khái niệm về nhân quyền, là trách-nhiệm của cá-nhân đối với xã-hội. Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma thường nhấn mạnh ý-niệm về trách-nhiệm toàn cầu, một việc rất cần trong thế-giới của chúng ta, nó đã bị "thu nhỏ" lại, vì người ta có thể tới phần kia của trái đất trong một ngày. Việc trở nên hiển nhiên là nếu không có một khái niệm về trách nhiệm đối với tất cả mọi người cùng sống trên trái đất này, thì rất khó có thể áp-dụng những ý-tưởng về dân chủ.
J.F. - Điều mà con vừa trình bày, được gọi một cách đơn-giản là trách nhiệm công cộng.
M. - Những gì con nhớ lại ở những lớp học công cộng, mà con học ở bậc tiểu-học thì không có gì lý-thú! Người ta luôn luôn trở về điều cần thiết là cá-nhân phải tự làm tốt đẹp hơn bằng những giá-trị thuộc về sự khôn ngoan hay con đường tâm-linh, điều phải hiểu ở đây là tâm-linh không hẳn phải là tôn-giáo.
J.F. - Làm sao định nghĩa được?
M. - Việc đó dẫn chúng ta tới khái-niệm vị tha, rất khó hiểu một cách chính xác. Vị tha không phải chỉ là làm một vài việc tốt cho các người chung quanh khi này, khi khác, nhưng là luôn luôn bận tâm lo cho những người chung quanh. Đó là một khái niệm rất hiếm trong xã-hội tây-phương chúng ta. Trong một hệ-thống thật sự dân chủ , xã-hội phải duy trì một sự thăng bằng giữa ý-muốn của những cá-nhân muốn đạt sự tối đa cho họ, và sự đồng ý tổng quát, được định-nghĩa là quá giới hạn này thì những ý muốn kia không thể chấp nhận được. Nhưng số người thật sự quan tâm đến quyền lợi của người khác thì rất ít. Cách suy-nghĩ này cũng ảnh hưởng đến lãnh vực chính-trị, vì những người có trách nhiệm trông nom sự an bình của mọi người thường biến việc này thành một nghề, và họ trở thành nhân vật chính yếu trong việc này. Trong điều kiện này, họ rất khó bỏ qua những nhu cầu gần -- đặc biệt là sự ủng hộ của cử tri -- để cứu xét những gì là tốt đẹp về lâu về dài cho đại đa số.
J.F. - Đó là điều hiếm có đối với các nhà làm chính-trị!
M. - Mục-đích của người làm chính-trị và xã-hội không thể là để nhận những lời ca tụng và sự công nhận của những người khác, nhưng là cố-gắng một cách thành thực để cải thiện đời sống của họ. Về phương diện này, hội bảo vệ môi sinh là một thí-dụ hiển nhiên về sự thiếu trách-nhiệm rộng lớn. Mặc dù những hậu quả tai hại của ô-nhiễm không-khí, sự tuyệt chủng của các thú vật, sự tàn-phà các rừng rú trong đa số các trường-hợp là điều không thể chối cãi được, đa số các cá nhân không làm gì cả, cho tới khi những việc này ảnh hưởng trực tiếp đến họ. Những biện pháp nghiêm chỉnh để giảm thiểu sự suy giảm của tầng ô-dôn (ozone) có thể sẽ không thể áp dụng được cho tới khi các người bình thường không thể tắm nắng được nữa, đó là điều đang bắt đầu sảy ra ở Úc-châu, và việc cấm các trẻ em nhìn thẳng vào mặt trời vì các tia cực tím sẽ quá hiểm nguy cho mắt của chúng, điều ấy cũng đang sảy ra ở Pantagonie của Á căn-đình (Argentine). Những hậu quả như thế đã được tiên đoán từ lâu, nhưng chưa trở nên một nguy cơ gần cho sự êm ấm vị kỷ của mỗi người. Hậu quả là, theo con nghĩ sự thiếu sót trách-nhiệm ấy, là một sự yếu kém lớn lao của thời đại chúng ta. Và cũng theo nghĩa ấy, một sự khôn ngoan cá nhân và một sự tu tập tâm-linh có thể là một điều hữu ích.
J.F. - Ba rất đồng ý... Tuy nhiên, ngày nay ở Tây-phương đang có các chủ nghĩa như "chủ nghĩa con người", chủ nghĩa môi sinh, đó là những điều được dùng để thay thế cho lý-tưởng chính-trị xã hội đã thất bại. Những người thuộc cánh tả, từ lâu không có một chủ nghĩa kết hợp để thay đổi xã-hội, chớp lấy chủ-nghĩa con người và môi sinh để có thể tiếp tục đè nén đồng loại.
M. - Chúng ta không nên giết chết vấn đề môi sinh đang còn phôi thai! Nó cần phải lớn mạnh lên và hữu hiệu hơn. Con còn nhớ khi con được 15 tuổi, quyển Printemps silencieux (Những mùa xuân lặng lẽ) của Rachel Carson được xuất bản, vào thời đại ấy mới có một số ít người quan tâm đặc-biệt đến việc bảo-vệ thiên-nhiên, và họ bị coi là bất bình thường "những người của rừng rú".
J.F. - Ba về phe tôn trọng nhân quyền, và bảo vệ môi sinh. Chỉ có điều thảm thương là gánh nặng của những chủ-nghĩa đã thất bại còn tiếp tục đè nặng trên những lý-tưởng mới. Người ta nhận thức được rằng những người bảo vệ nhân quyền và bảo vệ môi sinh thường có hai tiêu chuẩn đo lường. Thí dụ đa số các người ủng hộ nhân quyền thì thuộc phía tả. Họ sẽ mau mắn kết án là có tù-nhân chính-trị tại Ma-Rốc. Tại sao? Vì Ma-rốc là một xứ quân-chủ, thân Mỹ, thuộc phe tư-bản tây-phương, và đó là một xứ sở tư-bản. Ngược lại, họ rất khó khăn trong việc kết án những vi phạm nhân quyền trầm trọng hơn của Algérie.
M. - Hay là ở Tây-tạng...
J.F. - Hay ở Tây-tạng... Ba nói tới Algérie vì Algérie là một xứ có tiếng là tiến-bộ, đó là cả một trò cười chua chát. Và Tây-tạng bị chiếm đóng bởi Trung-hoa, một xứ 'tiến-bộ" khác. Trong khi ấy, hai phần ba giới trí-thức Pháp nhảy múa vui vẻ quanh đôi chân băng giá và đầy máu của Mao-trạch-Đông trong suốt mười năm. Tình-trạng tương tự cũng sảy ra với nhóm bảo vệ mội sinh: Greenpeace, trong khi sảy ra vụ nổ ở Tchernobyl (bên Nga), đã phản đối những trung-tâm nguyên-tử nào? Của Tây-phương! Những trung-tâm này thì an toàn hơn! Nhưng Greenpeace không hề tổ chức một cuộc phản đối nào với Liên-bang Sô-viết!... Nhóm Greenpeace có thể phản đối việc Pháp thử nghiệm nguyên-tử tại Thái-bình-dương vào năm 1995, đó là quyền của họ... Nhưng cũng chính cái tổ chức này lại kín đáo với những ô nhiếm trầm trọng hơn của những phế phẩm nguyên-tử của "cựu Liên-bang Sô-Viết", trong vùng Bắc-cực, mà nơi ấy còn lãnh không biết bao nhiêu triệu thùng dầu thô của các ống dẫn dầu bị chảy của Nga tuôn ra... và như thế! ba không còn tin-tưởng ở sự lương thiện của họ. Cho tới khi nào sự tranh-đấu cho nhân quyền, hay chống ô nhiễm còn bị làm nghiêng lệch bởi ý-thức-hệ cũ kỹ, của những nhóm mà người ta gọi là "môi sinh" thì đa số đều thiên tả thì người ta sẽ không đạt được kết quả gì! Cuộc chiến như thế phải được tiến hành dựa trên thực-tế, chớ không phải bằng những thiên-kiến của các người lãnh đạo.
M. - Con muốn mở một dấu ngoặc để nhấn mạnh về điều mà người ta gọi là nhân quyền hay quyền "con người" nhưng lại giới hạn những quyền phản ảnh giá-trị Do thái-Thiên chúa giáo của các nền dân-chủ thế-tục tây-phương. Theo quan-điểm ấy các thú vật không có linh hồn và chúng có mặt cho loài người ăn thịt. Đó là ý-nghĩ đặc-biệt của vài tôn-giáo, nhưng không thể chấp-nhận được trên bình diện toàn cầu.
J.F. - Ở Tây-phương cũng có Hội của những người bảo vệ xúc vật.
M. - Hình như họ không có thẩm quyền để sửa đổi những luật lệ coi các súc vật là các sản-phẩm "nông-nghiệp". Và con muốn dẫn ra đây câu của Léona de Vinci viết trong sổ tay của ông ta: "Thời gian sẽ đến khi mọi người coi việc giết một con thú như là giết một người vậy". Còn George Bernard Shaw nói: "Các con thú là bạn của tôi... và tôi không ăn thịt các bạn của tôi". Đó không phải là việc chối bỏ có sự khác biệt về trí thông minh giữa súc vật và con người, và trên phương diện tương đối, đời sống một người thì có giá-trị hơn đời sống một con thú. Nhưng tại sao quyền được sống chỉ được dành cho con người? Tất cả mọi sinh vật đều mong muốn hạnh-phúc và muốn xa lánh sự khổ đau. Như thế việc tự cho mình quyền giết hàng triệu súc vật hàng năm, thì chỉ đơn giản là việc dùng quyền của kẻ mạnh. Trong vài thế-kỷ trước, người ta còn coi việc buôn bán "gỗ mun" -- những người nô-lệ Phi-châu -- là chấp nhận được. Trong thời đại chúng ta, nạn nô-lệ hãy còn tại Ấn-độ, Pakistan, Sudan... nơi người ta bán các trẻ em để làm việc ở các nhà máy hay đồng ruộng, và các trẻ gái cho việc mãi dâm. Nhưng về tổng quát, nạn nô-lệ bị coi như một việc ghê tởm. Dù là những con người, những dân-tộc, khi bị trục lợi hay bị áp bức thì họ đoàn-kết lại và vùng dậy... Những thú vật thì không có khả năng đó nên bị giết hại. Con nghĩ rằng đó là một vấn-đề cần phải được suy xét trở lại. Và con cũng muốn thêm rằng sự mù quáng này càng rõ nết trong vụ "bò dại" gần đây. Bộ-trưởng bộ nông-nghiệp của Anh quốc và những người cùng chức vụ trên lục-địa ban đầu trù tính việc họ sẵn sàng "phá hủy", như họ nói nhiều triệu con bò! Nếu mười lăm triệu con bò biết tràn ngập các đường phố Luân-đôn để bày tỏ ý-định muốn sống của chúng, thì chính-phủ đã phải xét lại vấn-đề.
J.F. - Điều ấy không chắc!
M. - Ngay khi ấy, người ta vẫn chưa biết chắc là mười lăm hay hai mươi người chết về bệnh thần-kinh là thật sự do ăn phải thịt nhiễm độc của các con bò ấy. Nếu đó là sự thật thì lỗi không phải nơi những con bò ấy, mà của các người chăn nuôi đã cho chúng ăn đồ ăn không hợp với thiên-nhiên. Tống quát, họ đánh giá mạng sống một con bò bằng một phần mười lăm của một triệu so với mạng sống một con người.
J.F. - Con lý luận như con người là sinh vật duy nhất giết các thú vật. Thú vật cũng giết hại lẫn nhau vậy! Chỉ cần coi bất cứ phim ảnh nào về đời sống dưới đáy biển cũng thấy chúng ăn thịt nhau. Mỗi con luôn luôn sống trong lo sợ bị con khác ăn thịt! Như thế theo quan-điểm của Phật-giáo, thì cắt nghĩa làm sao?
M. - Sự khổ đau mà mọi sinh vật phải trải qua ở thế-giới này là một trong bốn sự thật (sinh, lão, bệnh, tử) được dạy dỗ bởi đức Phật. Kinh sách cũng đề cập đến điều mà ba vừa nói. Trong một quyển có đoạn: " Những sinh vật lớn, nuốt trôi một số không thể đếm được những sinh vật nhỏ, trong khi có một số lớn các thú vật nhỏ cũng xúm lại ăn thịt những con vật lớn". Vì người ta nói đến "tiến bộ" của thế-giới văn-minh, theo con người ta có thể đem việc làm giảm sự thống khổ toàn cầu của các sinh vật để làm lợi nhuận cho con người. Có những phương cách khác để mưu sinh, không cần phải làm tuyệt chủng các loài vật.
J.F. - Nhưng trong khi chờ đợi cho toàn thể các người Tây-phương trở thành người ăn chay, điều mà còn lâu mới sảy ra, người ta có thể trong mọi trường hợp -- bắt đầu làm -- đối với các gia súc được nuôi dưỡng trong các điều kiện ít man rợ hơn như đang được nuôi trong các trung-tâm kỹ-nghệ hiện đại. Vì số phận của chúng thì tệ hại hơn so với cách nuôi thông thường, mà ba được biết khi còn nhỏ, ở Franche-Comté... Các con thú được đi thong thả trong cánh đồng. Về mùa đông, ở trong các tàu, chúng được ăn rơm giạ, không bao giờ có các đồ ăn nhân tạo, các chất hóa học -- hay xương cừu được bào chế thành đồ ăn, đã gây ra bệnh bò dại. Ngày nay, những con vật đáng thương ấy được nuôi, chuyên chở trong các điều kiện ghê tởm...
M. - Điều ngụy tiến-bộ kỹ-thuật, trên quan-điểm ấy, vừa gây ra khổ đau cho các súc vật, cũng hình như vừa gây ra những nguyên nhân mới cho căn bệnh con người. Sự tiến-bộ đáng buồn.
J.F. - Ba cũng đồng ý.

| |