Nhà sư và nhà triết-học

14 - Niềm tin, nghi lễ và sự mê-tín

Jean-Francois. - Những nghi thức của một đạo, bị gán là "cuồng tín" -- nước thánh, tràng hạt, nhánh cây, sự tin tưởng vào đủ mọi thứ, sự công hiệu của các thánh tích, hay các lời cầu nguyện, sự thắp đèn cầy --, có trong hầu hết các tôn-giáo, trái hẳn với khía cạnh trong sáng mà người ta nói về Phật-giáo. Đó hình như là một trong các lý-do đã lôi kéo được giới trí thức về sự khôn ngoan khi họ chối bỏ những nghi thức của các tôn-giáo đã được thịnh hành vì chúng có vẻ đóng tuồng, hình thức hay không hợp lý. Theo ba, hình như đó là một hình ảnh lý tưởng của Phật-giáo, mà người ta có được khi quan sát từ xa, khi người ta chỉ biết về chủ thuyết mà không tham dự vào sự thực hành hàng ngày. Nhưng khi người ta đi du lịch tới những xứ sở Phật-giáo, khi vào trong các tu-viện, người ta nhận thấy sự trái ngược, sự phát triển đáng ngạc nhiên khi thực hành, những lời ca, các đám rước, sự quỳ lạy, mà đối với một người không biết như ba, hình như cũng mang sắc thái của sự mê tín, hay những nghi thức quyến rũ như của Chính thống giáo, Công giáo, Hồi giáo hay Do thái giáo. Ba có thể nói có những nghi thức đang sảy ra trước mắt chúng ta ở ngay thế-kỷ XX này, thì giống như Công giáo thời Trung cổ hơn là Công giáo hiện nay. Có thể đó là những sự không hợp lý, một cách phiếm diện, và máy móc của các nghi thức được ghép thêm vào sự khôn ngoan của đức Phật trải qua hai nghìn năm?
Mathieu - Trước hết, trong Phật giáo cũng như trong các tôn-giáo khác, cần phải phân biệt giữa các nghi thức và sự mê tín. Lòng tin trở nên mê tín khi nó đi ngược với lý-trí và đi xa khỏi sự hiểu biết sâu xa về các nghi thức. Nghi thức theo như nguyên nghĩa ritus của tiếng Latin có nghĩa là các "hành động đúng". Nó cần tới sự suy xét, sự quán tưởng, lời cầu nguyện, sự tham thiền. Nghĩa của các lời trong khi hát thì luôn luôn là sự kêu gọi quán tưởng. Đó là điều đặc biệt đúng trong Phật-giáo Tây-tạng. Khi người ta cúi mình trong khi lễ hay trên các kinh sách đang đọc, người ta tìm thấy nơi đó như một người hướng đạo, những tính chất khác nhau của sự tham thiền Phật-giáo -- sự tĩnh lặng, tình thương và lòng từ bi. Nghi thức là một sự thực hành tâm linh trong khuôn khổ gợi cảm của một tu viện, trong bầu không khí thanh tao được phụ thêm tiếng nhạc đạo, không có mục đích khêu gợi cảm súc nhưng là làm dịu chúng xuống giúp cho sự tu tập. Âm nhạc ấy được đặt ra như một sự cúng dường chớ không phải là sự biểu lộ của nghệ thuật. Có các nghi thức kéo dài không dứt, suốt ngày đêm, trong hơn một tuần lễ. Mục-đích của chúng là dẫn dắt các người tham dự cùng chung nhau trải qua một thời kỳ tinh tấn tu hành.
Trong khi thiền định về mandala: mạn -đà-la, người ta chú trọng đến những phương thức tập trung ý thức và nương tựa vào một biểu tượng rất phong phú.
J.F. - Mạn-đà-la, con có thể nói rõ hơn được không?

M. - Mạn-đà-la là một biểu tượng về vũ trụ và các sinh vật, dưới hình thức một nơi hoàn toàn với các vị thánh ở nơi đó. Những "vị thánh" của các mạn-đà-la thì không phải là các vị phật, vì như con đã trình bày, Phật giáo không phải là một tôn giáo đa thần cũng không phải độc thần. Đó là những biểu tượng về những đặc tính của Phật tính. Sự tham thiền về một mạn-đà-la là một sự tu tập người ta gọi là "cái nhìn tinh khiết", nghĩa là sự nhận ra được phật tánh sẵn có nơi mỗi người. Những phương cách hình dung này làm thay đổi nhãn quan thông thường của chúng ta về thế-giới -- một sự hỗn độn giữa tinh khiết và vẩn đục, tốt và xấu --, thành sự nhận thức được về sự hoàn hảo căn bản của thế-giới các sự vật. Khi chúng ta tự hình dung những người và vật quanh ta, đưới hình thức những biểu tượng của sự hoàn toàn, ta quen dần với ý nghĩ rằng phật tánh có ở trong mỗi chúng ta. Như thế người ta sẽ không quan tâm tới những đặc điểm bên ngoài như xấu đẹp, bạn hay thù. Tóm lại, các cách thức ấy là các phương tiện thường dùng để tìm lại sự hoàn hảo nơi mỗi chúng ta. Sau cùng, cũng nên nhấn mạnh là đối với các đạo sư Tây-tạng, các nghi thức ấy chỉ có một giá trị tương đối, và các ẩn sĩ dành trọn thời gian để ngồi thiền thì không dùng tới các nghi thức ấy. Một vài người như đạo sư về yoga Milarépa, còn đi tới việc chối bỏ một cách công khai tất cả mọi nghi lễ. Sự đa dạng của các phương cách về tâm linh đáp ứng cho các chi phái khác nhau cũng như mức độ tu tập khác nhau.
J.F. - Ừ, nhưng hôm trước ở Katmandou, chúng ta thấy một đám đông các phật-tử tới cầu nguyện chung quanh một kiến trúc lớn... gọi tên là gì?
M. - Một bảo tháp.
J.F. - Như thế họ đi vòng quanh bảo tháp theo chiều kim đồng hồ trong nhiều giờ đồng hồ, vì ba được biết trong chuyến đi Bhoutan kỳ trước là khi đi quanh một ngôi đền hay một bảo tháp thì phải đi theo chiều kim đồng hồ, vì một lý do huyền bí nào đó mà ba không biết và người ta không cung cấp cho ba câu trả lời thỏa đáng. Điều ấy có phải là sự mê tín một cách đơn giản không?
M. - Đó là một điểm quan trọng. Đa số các hành động thường ngày mà ta gọi là "đời sống hàng ngày" không phải hoàn toàn không có ý nghĩa sâu xa. Thông thường, sự đi được đồng nghĩa với di chuyển để tới một nơi nào càng mau càng tốt; ăn uống là làm đầy bao tử; làm việc là sản xuất ra càng nhiều càng tốt, vân vân. Trong một xã-hội mà đời sống tâm linh đã thấm nhập tất cả đời sống, những hành vi dù nhỏ nhặt cũng có ý nghĩa. Khi người ta đi, người ta nghĩ rằng đang đi tới giác ngộ; khi đốt một ngọn đèn, người ta nghĩ: "Cầu mong cho những cảm xúc hướng hạ bị thiêu đốt đi"; khi ăn người ta nghĩ: "Mong mỗi người nếm được hương vị của sự quán tưởng"; khi mở một cánh cửa: "Cầu mong cánh cửa giải thoát mở rộng cho mọi người", vân vân. Trong trường hợp bảo tháp, các người Tây-tạng nghĩ rằng đi vòng quanh nó trong một giờ đồng hồ thì tốt hơn là chạy bộ. Một bảo tháp là một biểu tượng của Phật tính (Các chữ tượng trưng cho lời nói của đức Phật, và các tượng nhỏ tương trưng cho báu thân). Phía bên phải được coi như một vị trí danh dự, để tỏ lòng cung kính với đức Phật và các lời dạy của ngài, người ta đi vòng quanh và giữ cho bảo tháp ở phía bên phải, nghĩa là đi theo chiều kim đồng hồ. Làm như thế tâm trí của họ hướng về đức Phật tức là các lời dạy dỗ của ngài.
J.F. - Còn những hình vẽ trên tường hình như tượng trưng cho những người siêu phàm? Ba tưởng rằng trong Phật-giáo không có các vị thánh hay phật?
M. - Con lập lại lần nữa, đó không phải là những phật hay chúa có một sự sống nội tại. Đó chỉ là những vị phật tượng trưng. Khuôn mặt của một vị "Phật" tượng trưng cho Một, tuyệt đối. Hai cánh tay là sự hiểu biết về tĩnh lặng hợp với phương pháp của sự từ bi. Có vị phật có sáu cánh tay tượng trưng cho sáu sự hoàn hảo: tính kỷ luật, lòng rộng lượng, sự kiên nhẫn, sự sốt sắng, sự chú tâm và sự khôn ngoan. Thay vì ngắm nhìn những hình ảnh bình thường, tốt hơn là có ở trong đầu một biểu tượng mang đầy những yếu tố của con đường tâm linh. Những biểu tượng như thế giúp cho trí tưởng tượng của chúng ta dễ tập trung hơn là để chúng đi hoang. Một trong những trở ngại chính là kềm giữ các ý nghĩ của chúng ta đi từ ý này sang ý khác không ngừng. Các cách thức hình dung về một "vị phật tương trưng" giúp cho những ai khó khăn tập trung ý nghĩ có thể hướng nó về một đồ vật. Sự hình dung này có khi rất phức tạp, nhưng thay vì chia rẽ ý nghĩ đi nhiều hướng, nó làm cho bình dịu đi. Một sự hình dung đúng đòi hỏi ba điều: có thể hình dung ra một cách rõ ràng, điều này bao hàm việc tập trung ý nghĩ vào vật ấy; hiểu rõ ý nghĩa tượng trưng của đồ vật trong khi đang tham thiền; và sau cùng gìn giữ phật tính có sãn nơi mỗi người.
J.F. - Nhưng ba trông thấy các phật-tử quỳ mọp trước tượng Phật trong các đền thờ! Đó là một cử chỉ mà người ta làm trước một vị thánh, một vị phật, một thần tượng, không phải trước một hiền triết!
M. - Sự quỳ lạy trước đức Phật là một sự tôn kính không phải một vị thánh, nhưng là một người có sự khôn ngoan tuyệt đối. Những lời chỉ dạy của đức Phật đối với một phật-tử có giá trị vô bờ. Tôn kính sự khôn ngoan ấy cũng là một hành động nhún mình. Điều đó được dùng như sự đối kháng cho lòng kiêu ngạo, vì tính này trở ngại cho mọi sự thay đổi sâu sa. Lòng kiêu ngạo cản trở sự nẩy nở của sự khôn ngoan và lòng từ bi. "Nước không thể tụ tập ở trên đỉnh một ngọn núi, và sự xứng đáng đích thực không có ở trên cao điểm của lòng kiêu ngạo", đó là lời một câu ngạn ngữ. Hơn nữa sự quỳ lạy không phải là máy móc. Khi người ta để hai tay, hai đầu gối và trán chạm đất -- năm điểm -- người ta mong muốn làm sạch năm cái độc: lòng thù hận, lòng ham muốn, sự ngu dốt, lòng kiêu ngạo, và lòng ghen ghét và chuyển chúng thành năm điều khôn ngoan tương xứng. Khi bàn tay còn trượt trên đất lúc đứng dậy, người ta tự nghĩ: "Cầu xin cho tôi có thể thu hết những khổ đau của mọi người và vật, và giúp họ quăng đi". Như thế mỗi hành động hàng ngày, không phải có tính trung hòa, tầm thường, nhưng kéo ta về sự tu tập tâm linh.
J.F. - Trong khi ấy, đời sống ở tu viện bên Thiên-chúa-giáo chỉ có một thực tại, đức Chúa Trời. Thế-giới (thế tục)mà chúng ta sinh sống, hay "ngoài đời" như những người theo Thiên-chúa-giáo ở Pháp vào thế-kỷ thứ XVII quen gọi (họ nói tới sống ngoài đời hay sống trong đạo), chỉ là một sự quên chú-ý tới điều chính yếu: Thiên Chúa. Trái lại, đời sống tôn giáo, của những người thoát tục, như Pascal ở Port Royal, hay những tu-sĩ trong chủng viện Chartreuse thì tìm mọi cách để không bị lãng trí -- những sự "sao lãng" như Pascal gọi --, nghĩa là những gì làm ta "quay đi" về phía những sự lưu tâm hàng ngày, giá trị sai lầm của sự thành công, sự thỏa mãn của tính khoe khoang, tiền bạc, vân vân... Những giờ phút ấy làm ta như bị dệt vào với cuộc đời, người ta bài trừ chúng để có thể chú tâm về một điều duy nhất, tương quan với Thiên Chúa. Những tu sĩ ở Grande Chartreuse xa lìa cuộc sống ngoài đời để có thể chú tâm một cách liên tục, không bị sao lãng, tới Thiên Chúa. Trong khi ấy, Phật-giáo không chấp nhận một vị thánh vượt thời gian thì sống thoát tục trong các tu-viện để làm gì? Nói cho gọn, nếu Phật-giáo không phải là một tôn-giáo, tại sao nó giống như một tôn-giáo thế?
M. - Con tưởng là chúng ta đã đề cập về đề tài này lúc trước. Dù người ta gọi nó là tôn-giáo hay thuyết về siêu hình thì điều đó không quan trọng. Mục-đích tâm linh mà phật-giáo nhắm tới là sự giác ngộ mà đức Phật đã đạt được. Mục-đích chính là đi theo con đường mà đức Phật đã đi. Điều đó đòi hỏi một sự thay đổi sâu sa dòng ý-thức của chúng ta. Người ta có thể biết rõ ai là người mong muốn đi trên con đường đó khi người ấy dành trọn thời gian của mình. Người ta cũng biết rằng đối với một người mới tu tập, những điều kiện bên ngoài có thể thuận lợi hay bất lợi cho sự tìm kiếm. Chỉ có người đã đạt đến giác ngộ thì mới không bị ảnh hưởng bởi các điều kiện bên ngoài, vì đối với người ấy thế giới các hiện tượng bên ngoài như một quyển sách với những trang là một minh chứng cho sự thật mà người người ấy đã khám phá ra. Một người đã chứng ngộ thì không còn bị những ồn ào của những thành phố, với họ cũng như một tu-viện ở trong núi. Một người mới tu tập thì cần tìm những điều kiện thuận lợi để giúp người ấy tập trung và thay đổi các ý-nghĩ của mình. Trong sự náo nhiệt của đời sống hàng ngày, những sự thay đổi tâm linh cần nhiều thời gian và có thể bị gián đoạn trước khi đạt tới đích. Đó là lý do các người tu học Tây-tạng đôi khi sống ẩn cư trong nhiều năm. Mục đích của họ là dành trọn thời gian cho sự tìm tòi tâm linh, mà không bao giờ quên lãng mục đích là đạt tới giác ngộ để có thể giúp đỡ những người khác.
J.F. - Làm sao định nghĩa được sự giác ngộ?
M. - Đó là sự khám phá ra bản thể cùng cực của chính mính và của các sự vật.
J.F. - Vậy con có thể nào nói rõ về lòng tin trong Phật giáo?
M. - Chữ ấy có một ý nghĩa hơi khác bên Tây-phương. Người ta phân biệt bốn khía cạnh của lòng tin. Điều thứ nhất là "lòng tin trong trẻo", hay cảm hứng, nó có khi người ta nghe sự chỉ dạy của đức Phật, cuộc đời của ngài hay của một hiền triết lớn: một sự quan tâm sinh ra trong chúng ta. Cái thứ hai là một sự kỳ vọng. Đó là sự mong muốn được biết thêm nữa, được thực hành những sự chỉ dạy của một đạo sư và theo như những gương mẫu của ông ta để đạt tới sự hoàn hảo mà ông ta là một thí dụ. Điều thứ ba thì lòng tin trở thành một "sự tin chắc", một sự chắc chắn đạt được do sự kiểm chứng của chính bản thân về sự chính xác của các sự dạy dỗ và sự hữu hiệu trên con đường tâm linh mà người ta thâu thập được một sự thỏa mãn và một sự dồi dào ngày một tăng trưởng: sự khám phá này giống như đi qua một vườn hoa càng ngày càng thấy đẹp hơn. Sau cùng, sự tin chắc này không bị suy giảm dù hoàn cảnh có thế nào đi nữa, người ta đạt được một sự bình tâm trong thực hành, cho phép dùng tất cả những điều kiện của đời sống thuận lợi hay không thuận lợi để tiến tới. Sự chắc chắn này trở nên một bản ngã thứ hai. Đó là lòng tin "không bị suy giảm hay không trở ngược". Đó là bốn chặng của lòng tin nơi Phật giáo, không phải là một sự "nhảy" của sự thông minh nhưng là kết quả của một sự khám phá từng bước, và sự chứng thực là con đường tâm linh đem lại kết quả.

| |