Nhà sư và nhà triết-học

15 - Phật-giáo và sự chết

Jean-Francois. - Việc một người rút lui khỏi cuộc sống thường nhật, theo lăng kính Phật giáo, hay lăng kính Thiên-chúa-giáo, thì cũng là một cách để sửa soạn cho cái chết. Một người theo Thiên chúa giáo như Pascal, khi đã nhận ra được rằng thực tại duy nhất là Chúa Trời, thì việc sống đời thế-tục không còn ý nghĩa nữa. Ông ta phải cư sử như sắp sửa đối diện với đấng Hóa-công, và luôn luôn sống như chỉ còn vài giây phút nữa mà thôi. Trong quyển Pensées (Các sự suy nghĩ), Pascal luôn nhắc tới điều được nói trong Sáng-thế-ký: Anh không biết giây phút nào Thượng-đế sẽ gọi anh, có thể là mười năm, hay trong năm phút. Triết-lý cũng thế -- dù không đề cập tới tôn-giáo --, cũng nhấn mạnh đến việc chuẩn bị cho cái chết. Trong quyển Essais (Khảo luận), Montaigne cũng nói: "Làm triết-gia để chuẩn bị cho cái chết". Ba nghĩ rằng việc chuẩn bị cho cái chết cũng có một phần quan trọng trong Phật giáo. Sự chuyển tiếp sau khi chết mà hình như người ta gọi là "bardo". Có sách biên khảo nào về Bardo không?
Mathieu - Đúng vậy. Ý-nghĩ về cái chết luôn có nơi người tu học. Nhưng không phải là buồn rầu, nhưng ý nghĩ ấy thúc đẩy kẻ tu hành phải tận dụng đời sống để đạt cho được sự thay đổi nội tâm, mà không hoang phí những ngày giờ quý báu của đời sống. Nếu không nghĩ về cái chết, và sự vô thường, người ta dễ nghĩ rằng: "Để tôi làm xong những việc tôi đang làm. Khi tôi xong việc rồi tôi sẽ có thì giờ để lo cho đời sống tâm-linh". Và người ấy sẽ sống như còn tất cả thời giờ để làm mọi việc, thay vì sống như chỉ còn giây phút thôi; đó là sư sai lầm chết người. Vì cái chết có thể đến bất cứ lúc nào không báo trước. Ngày giờ cũng như các điều kiện của sự chết thì không ai lường được. Tất cả những trường hợp sinh sống hàng ngày -- đi, ăn, ngủ -- đều có thể trở nên các điều kiện của sự chết. Một người tu học phải luôn luôn ghi nhớ điều ấy. Khi một người ẩn cư nhóm lửa buổi sáng thì cũng nghĩ là có thể sẽ không còn nhóm lửa sáng hôm sau. Khi người ấy thở ra, thì tự coi như sung sướng biết rằng còn thở vô. Việc suy nghĩ về sự vô thường và cái chết vì thế là một cái kim khuyến khích không ngừng tu tập trên đường tâm-linh.
J.F. - Với một người theo đạo Phật, cái chết có là một sự sợ hãi không?
M. - Thái độ về cái chết thay đổi song song theo sự tu học. Đối vói một người mới bắt đầu, chưa đạt được sự già dặn về tâm linh, cái chết là một sự sợ hãi: người ấy cảm thấy như một con nai bị mắc bẫy, và tìm mọi cách để thoát khỏi. Rồi, thay vì tự hỏi một cách tuyệt vọng: "Làm sao tôi thoát khỏi cái chết?" người ấy sẽ tự hỏi tiếp: "Làm sao đi qua trạng thái bardo mà không bị đau khổ với sự tự tin và bình thản?" Sau đó người ấy sẽ như một bác nhà nông đã cày bừa, gieo giống, chăm sóc và đợi tới ngày gặt hái. Dù trời có trở ngại, người ấy cũng không hối tiếc vì đã làm hết sức mình rồi. Cũng vậy, một người đã trải cả đời để thay đổi nội tâm, sẽ không có một sự tiếc rẻ nào, và đối diện với cái chết một cách bình thản. Sau cùng, người tu học thượng thặng còn sung sướng trước cái chết. Tại sao người ấy lo sợ, khi mà tất cả các sự ràng buộc về khái niệm cái tôi, sự vững chắc của các hiện tượng, sự sở hữu đã tan biến nơi người ấy? Cái chết là một người bạn, đó chỉ là một chặng của sự sống, một sự thay đổi bình thường.
J.F. - Ba không muốn đánh giá thấp quan-niệm ấy, nhưng sự an ủi đó không có gì là độc đáo. Phật-giáo có điều gì thêm nữa không?
M. - Những chặng của sự chết và những kinh nghiệm khác nhau thì được trình bày tỉ mỉ trong các sách phật giáo. Sự ngừng thở được nối tiếp bằng nhiều chặng của sự tan rã ý-thức và thân-thể. Rồi khi thế-giới vật chất mờ đi trước mắt chúng ta, ý-thức của chúng ta chìm vào trạng thái tuyệt đối, đối nghịch với thế-giới được điều kiện hóa mà ta quen cảm nhận khi ý-thức còn tương tác với thân-thể. Ngay khi chết, ý-thức quy tụ lại trong một thời gian ngắn trong trạng thái được gọi là "không gian ánh sáng trong bình diện tuyệt-đối", rồi nó trở ra để qua trạng thái chuyển tiếp, hay bardo, dẫn tới một đời sống mới, hay sinh trở lại. Có những loại tham thiền có mục-đích là ở trong trạng-thái tuyệt-đối này, trước khi những kinh-nghiệm khác của bardo chưa kịp tới, đặng đạt được trong giây phút này sự chứng ngộ về bản thể tận cùng của sự vật.
J.F. - Sau cùng... Tất cả mọi suy luận về tình trạng của một người coi như chết thì trải dài ra theo dòng lịch sử về triết-lý và tôn-giáo. Người ta có thể nói một cách đại lược hai loại.
Phái thứ nhất dựa trên sự tin tưởng về kiếp sống kế tiếp. Kể từ khi tin là có một thế giới nữa, một sự bất tử của tâm linh, người ta chỉ cần sống theo một số các nguyên tắc -- nghĩa là trong ngữ vựng của Thiên chúa giáo, tránh những tội lỗi trầm trọng hay xưng tội ở nhà thờ, người ta sẽ chắc chắn được sống trong các điều kiện tốt đẹp ở bên kia thế-giới. Cái chết như thế thì được coi như một thử thách vật-lý, như một căn bệnh, nhưng nó giúp ta đi từ thế-giới này đến một thế-giới tốt đẹp hơn. Các tu-sĩ giúp đỡ các kẻ đang chết góp phần làm giảm sự đau khổ gắn liền với sự chuyển tiếp này. Nguyên tắc căn bản của sự an ủi này là cái chết không có thật. Sự bất an duy nhất là: tôi được cứu rỗi hay bị đọa?
Phái kia thì hoàn toàn triết-lý, có giá-trị cho cả những ai không tin vào thế-giới bên kia. Điều chính yếu là suy nghĩ rằng sự chết, sự hủy hoại cái xác thân này, một sinh vật như bao nhiêu sinh vật khác là điều không thể tránh được, nên tốt hơn là chấp nhận nó. Dựa trên chủ đề này, các triết-gia đưa ra các lý lẽ giúp cho cái chết dễ chịu hơn. Chẳng hạn Epicure đã dùng lý luận nổi tiếng. Ông ta nói: chúng ta không cần phải sợ cái chết, chúng ta không gặp nó bao giờ. Khi ta chết, nó chưa tới. Khi nó tới nơi, chúng ta không còn nữa! Như thế, thật là vô vọng khi chúng ta cảm thấy sợ hãi kinh khủng trước cái chết. Điều bận tâm chính yếu của Epicure là giải phóng cho người ta khỏi những sự sợ hãi kinh khủng vô ích -- sự lo sợ trước các vị thánh, trước sự chết, trước các hiện tượng thiên nhiên, sấm sét, động đất --, ông ta cố cắt nghĩa một cách hiện đại, như các hiện tượng và các nguyên nhân, đều tuân theo các định luật, vân vân..
Trong mọi cách người ta không thể thoát ra khỏi hai con đường cắt nghĩa hay an ủi trên. Ba xếp Phật-giáo vào loại trước. Dù Phật-giáo không phải là một tôn-giáo hữu thần, những phương cách tâm linh làm cho sự chết trở nên chấp nhận được dựa trên một nền siêu hình chết không phải là hết. Hay khi chết thì có tính cách tốt đẹp vì được giải thoát khỏi vòng sinh tử trong thế-giới khổ đau. Trong thế-giới Tây-phương hiện tại, cái chết được dấu diếm đi, coi như nó là một điều xấu hổ. Ngày xưa thì đó là một việc rõ ràng. Tất cả mọi người trong gia-đình tụ tập quanh người hấp hối để nghe những lời trối trăng sau cùng, các tu sĩ đi diễu qua, và ban phép lành... Cái chết của một vị vua là cả một biến cố gần như tất cả triều đình có mặt. Ngày nay, cái chết được trốn tránh. Nhưng cũng trong khi ấy, người ta cũng nhận ra sự im lặng không đủ, và ngày nay có những nhà điều trị giúp đỡ các người hấp hối, giúp cho họ ra đi một cách dễ chấp nhận hơn.
M. - Trong thời đại chúng ta, mọi người có khuynh hướng quay đi chỗ khác đối với cái chết và các sự khổ đau nói chung. Điều ấy là một trở ngại không vượt qua được của nền văn minh tây-phương: sống lâu hơn, và thoải mái hơn. Hơn nữa, cái chết phá-hủy điều người ta trân quý nhất: cái tôi. Không một phương tiện vật-chất nào có thể sửa đổi được giây phút không thể tránh được đó. Người ta thích kéo lùi cái chết khỏi tầm những sự bận tâm, và cố giữ sự êm dịu của đời sống hạnh phúc mong manh, phiến diện, không giải quyết được gì mà chỉ làm chậm trễ sự trực diện với bản thể đích thực của sự vật. Chúng ta tự đánh lừa là không sống trong sự ray rứt. Chắc thế, nhưng tất cả thời giờ "mất đi", ngày lại qua ngày, chúng ta không dùng chúng để đi tới căn nguyên của vấn đề, để có thể khám phá ra được nguyên nhân của khổ đau. Chúng ta không biết đem ý nghĩa cho mỗi giây phút của đời sống, và cuộc sống chỉ là thời gian trôi qua như cát chảy qua khe mấy ngón tay.
J.F. - Như thế Phật-giáo có gì để cống hiến (cho vấn đề này)?
M. - Có hai cách để đối diện với cái chết: chẳng hạn suy nghĩ như chúng ta đi hết đường đời, như là một ngọn lửa tắt, hay nước thấm hết vào đất khô, hay coi cái chết chỉ là một lối phải đi qua. Trong mọi trường hợp, dù người ta có niềm tin hay không là dòng ý-thức khi dời khỏi chúng ta sẽ có những trạng thái sống khác, Phật giáo giúp đỡ kẻ lâm chung chết trong sự an bình. Đó là một trong nhiều lý do của sự thành công của quyển sách Le Livre tibétain de la vie et de la mort (Quyển sách về đời sống và sự chết ở Tây-Tạng) của Sogyal Rinpotché, mà một phần lớn dành cho sự chuẩn bị chết, cách giúp đỡ người hấp hối và những chặng của sự chết. Theo ông ta: "Cái chết tượng trưng cho sự phá hủy không thể tránh được cái mà chúng ta trân quý nhất: chúng ta. Ta có thể hiểu được sự giảng dạy rằng cái tôi không có thật và bản thể của ý-thức giúp ích tới độ nào". Nó gợi ý cho cách tới với cái chết, bồi dưỡng cho việc không nên quyến luyến cái tôi, tính vị tha, và sự vui vẻ.
J.F. - Nếu ba hiểu rõ, Phật-giáo tổng hợp cả hai cách chuẩn bị cho cái chết mà chúng ta vừa phân biệt?
M. - Sự bất tận của ý-thức hay một nguyên-tắc tâm-linh trải qua sự chết là một chủ đề được nói tới của nhiều tôn-giáo. Trong trường hợp của Phật-giáo, người ta đặt nó trên bình diện của một kinh nghiệm trực -tiếp, sảy ra nơi một số người có cuộc sống khác với quảng đại quần chúng, nhưng cũng có khá nhiều để người ta quan tâm tới sự làm chứng của họ. Dù thế nào đi nữa, việc trải qua những tháng cuối cùng hay những giây phút cuối cùng của một đời người trong sự an bình vui vẻ thì vẫn tốt hơn trong sự khắc khoải ân hận. Nếu sống mà bị dằn vặt với ý nghĩ là ta phải bỏ lại các người thân yêu, các của cải vật chất, và sự ám ảnh là cái thân xác này sẽ bị hủy hoại, thì có sung sướng gì? Phật-giáo tìm cách gỡ dần những ràng buộc mạnh mẽ này, mà chúng thường làm cho cái chết là một sự tra tấn tinh thần hơn là một kinh nghiệm vật lý. Nhưng nó cũng dạy là không nên đợi tới giây phút cuối cùng rồi mới chuẩn bị cho cái chết, vì giây phút lâm chung không phải là giây phút lý-tưởng để bắt đầu thực hành con đường tâm-linh. Chúng ta luôn luôn bận rộn cho tương lai, chúng ta cố gắng làm các điều cần thiết để không phải thiếu tiền bạc, lương thực, gìn giữ sức khoẻ, nhưng chúng ta thích không nghĩ về cái chết, mà điều đó đối với tất cả là điều quan trọng nhất. Ý nghĩ về cái chết không có gì là chán đời, ta nên dùng nó như một điều nhắc nhở về sự mong manh của đời sống và nhắc nhở ta tìm một ý-nghĩa cho đời sống. Tây-tạng có lời dạy dỗ như sau: "Khi luôn quán tưởng về cái chết, ta hướng ý-thức về sự tu tập tâm linh, gia tăng thêm ước muốn tu tập, và sau cùng, coi cái chết như một sự hợp nhất với bản thể tuyệt đối".
J.F. - Ngày nay vấn đề của cái chết cũng là đề tài của sự trợ chết (euthanasie). Ở Tây-phương, vấn-đề được đặt ra là: người ta có quyền lựa chọn ngày giờ để chết không? Ba không đề cập tới sự tự-tử, đó là vấn-đề khác. Nhưng khi một bệnh nhân không còn hy vọng gì chữa chạy được nữa, hay khi những sự đau đớn trở nên không thể chịu đựng được nữa, người ấy có quyền đòi chết hay không? Đó là một câu hỏi dính dáng tới luân-lý, và luật-pháp, và là một phần của những vấn-đề của các xã-hội ta đề-cập đến, cũng tựa như việc phá thai. Hơn nữa, đó là một vấn-đề đương sảy ra, đến nỗi đức Giáo-hoàng cũng phải đề-cập tới nhân dịp viếng thăm Slovénie năm 1996, khi người chống lại điều được gọi là "những lực lượng của thần chết", nghĩa là những người cổ võ việc phá thai, hay giúp cho chết như bác-sĩ Kevorkian. Phật-giáo có lập-trường như thế nào về việc giúp cho chết?
M. - Đối với một người tu-tập, mỗi giây phút thì đều đáng quý. Tại sao? Vì mỗi giây phút, mỗi biến cố đều có thể dùng để tiến bước trên đường tới giác-ngộ. Bị đối diện với sự đớn đau to lớn của thể xác có thể thúc đẩy người ấy quán tưởng về bản thể cùng tận của sự vật, về căn nguyên của các khổ đau, và nhận ra rằng tính chất của ý-thức thì không thay đổi, nó không bị ảnh hưởng của sự vui cũng như sự buồn. Như thế, một người có sức mạnh tâm-linh can trường và sự bình tĩnh trong khi tu-tập thì có thể lợi dụng được những giây phút đau khổ cùng cực để tiến tới sự chứng ngộ.
J.F. - Pascal cũng bị bứt rứt về bệnh tật, nên đã viết một cuốn sách nhỏ tên Du bon usage des maladies (Phương cách dùng tốt của các bệnh tật).
M. - Sự đau đớn cũng có thể được dùng để nhắc nhở chúng ta về các sự đau khổ mà không biết bao nhiêu chúng sinh phải gánh chịu, và khơi dậy lòng thương yêu, lòng từ-bi nơi ta. Nó cũng có thể được dùng như "cái chổi" quét sạch những "nghiệp" xấu của ta. Vì những khổ đau ta hiện đang gánh chịu là kết quả của những hành động hướng hạ của ta trong kiếp trước, tốt nhất là hãy trả những món nợ của chúng ta khi chúng ta đang có sự giúp đỡ của sự tu-tập tâm-linh.
Với những lý lẽ trên, sự trợ giúp cho chết, hay sự tự-tử đều không chấp nhận được. Nhưng điều đó không có nghĩa là phải kéo dài sự sống một cách phi lý và vô ích khi không còn hy vọng gì nữa. Việc dùng "các máy giúp sống", những cố gắng y-lý để kéo dài đời sống trong vài giờ của một người đang lúc lâm chung, hay đang bị mê man không cứu chữa được thì không đáng mong muốn, vì ý-thức của người ấy "trôi nổi" giữa sự sống và sự chết khá lâu, và người ta chỉ làm nhiễu loạn nó. Tốt hơn là để cho những người đang lâm chung sống nốt những giây phút cuối cùng cuộc đời của họ trong sự tĩnh lặng của ý-thức.
J.F. - Nhưng nếu người ấy không phải lả một phật-tử?
M. - Nếu một người cảm thấy sự khổ đau như một ám ảnh không thể chịu đựng được, thì chỉ điều đó thôi cũng đủ phá hủy sự bình tĩnh mà người ta mong muốn người ấy có trong giây phút cuối cùng của cuộc đời...
J.F. - Đó là điều thông thường sảy ra.
M. - Người ta có thể quan-niệm là sự kéo dài thêm đời sống không giúp ích gì, mà chỉ là một hình thức tra tấn. Trong khi ấy, như con đã nói, Phật-giáo không quan niệm sự khổ đau là một điều bất định, kết quả của định mệnh, hay của một đấng thần linh nào, nhưng là nghiệp quả của các hành động trong kiếp trước. Tốt nhất là trả cho hết nghiệp của mình hơn là đem theo nó qua thế-giới bên kia. Ai biết được hình thức sinh sống của mình sau khi chết? Sự trợ giúp cho chết không giải quyết được gì.
J.F. - Câu hỏi về vấn-đề luân-lý của sự trợ giúp cho chết không phải được đặt ra cho người muốn cắt ngắn sự đau khổ của mình, nhưng cũng đặt ra cho người giúp đỡ, mà người này theo hậu quả, đã giết một người, trừ khử một mạng sống. Điều ấy, ba nghĩ là Phật giáo có lập trường dứt khoát. Không bao giờ hủy hoại đời sống.
M. - Không của chính mình, không của người khác. Tình cảnh đau buồn này, việc phải nghĩ đến trợ giúp cho chết, phản ảnh sự biến mất gần như hoàn toàn những giá-trị tinh-thần trong thời đại chúng ta. Con người không tìm thấy một nguồn cảm hứng nào trong tâm cũng như bên ngoài. Đó là một tình trạng không thể quan niệm được trong xã-hội Tây-tạng, nơi đó những người hấp hối thì được nâng đỡ bởi những sự dạy dỗ mà người đó đã ngiền ngẫm suốt đời, và nhờ vào chúng người ấy đã chuẩn bị cho cái chết. Họ có những điểm chuẩn, một sức mạnh bên trong. Vì họ biết làm cho đời sống có ý nghĩa, họ cũng biết làm cho cái chết có ý-nghĩa.
Hơn nữa, sự hiện diện của một vị đạo sư thì thường là cả một sự cảm hứng tâm-linh nồng nàn. Điều đó trái ngược hẳn với sự xuất hiện của những bác-sĩ đao phủ như bác-sĩ Kevorkian ở Mỹ. Dù các vị này có bị thúc đẩy bởi điểu gì đi nữa, thì đó cũng là một tình trạng tồi tệ. Cung cách xử sự với cái chết của Đông-phương cũng trái ngược về tình cảm, khung cảnh tai hoạ, hay sự đơn độc nặng nề về thể xác và tâm thần mà các người bên Tây-phương phải chịu.
J.F. - Những người theo đạo Phật nghĩ thế nào về việc cho những bộ phận trong người khi chết?
M. - Điều lý tưởng của Phật-giáo là lòng vị tha với tất cả các phương tiện có thể được. Như thể việc cho các bộ phận trong người là điều hữu ích cho cái chết của ta.
J.F. - Còn về sự tự sát?
M. - Giết chết một người khác hay tự tử cũng là việc lấy đi một đời sống. Hơn nữa, muốn "không sống nữa" là một sự điên rồ, đó là một hình thức của sự quyến luyến, nhưng tàn phá, không thể thoát khỏi "nghiệp", vòng sinh tử. Khi một người tự tử, họ chỉ làm thay đổi trạng thái, không hẳn sẽ khá hơn.
J.F. - Đúng, bên Thiên-chúa-giáo cũng tin như thế... Người ấy bị đọa có thể cũng vì lý do ấy?
M. - Không có việc bị đọa trong Phật-giáo. Sự bù trừ của "nghiệp" không phải là một sự trừng phạt, nhưng là một hậu quả hiển nhiên. Người ta chỉ gặt hái được những gì đã gieo trồng. Một người tung một hòn đá lên trên trời thì không nên ngạc nhiên khi nó rơi trúng đầu mình. Như thế thì hơi khác với ý-niệm bị "đọa". Hơn nữa theo như cha Laurence Freedman: "Péché: đọa, theo nghĩa của tiếng Hy-Lạp có nghĩa là "trật mục tiêu"; người bị đọa là người quay ý-thức khỏi sự thật. Do hậu quả của ảo tưởng và ích kỷ, người bị đọa tự khép mình trong sự đày đọa. Chúa không trừng phạt". Con không nhớ đã nhấn mạnh đầy đủ chưa, nhưng khái niệm về cái tốt và cái xấu không tuyệt đối trong Phật-giáo. Không ai viết luật ra rằng việc này hay việc kia thì tốt hay xấu tại chính nó. Những hành động, những lời nói và những ý-nghĩ là tốt hay xấu dựa theo những động lực gây ra chúng hay những hậu quả của chúng, hạnh-phúc hay khổ đau mà chúng đem tới. Sự tự sát, theo nghĩa này, thì hướng hạ vì đó là một sự thất bại trong cố gắng của chúng ta để làm cho đời sống có một ý-nghĩa. Khi tự sát, người ta phá hủy cơ may trong đời hiện tại, cái khả năng để thay đổi sẵn có nơi chúng ta. Người ta gục ngã dưới một khủng khoảng mãnh liệt của sự thất vọng, mà như ta thấy, là một sự yếu kém, một hình thức của lười biếng 38. Khi tự nghĩ: "sống thêm có ích gì?", người ta tự chấm dứt việc có thể thay đổi trong nội tâm. Vượt qua một trở ngại, đó là sự thay đổi phụ thêm cho sự tiến bộ. Những người vượt qua được một thử thách lớn lao trong đời thì sẽ rút tỉa ra được một sự dạy bảo, và một cảm hứng mạnh mẽ trên con đường tâm linh. Tóm lại, tự sát không giải quyết được gì, nó chỉ dời vấn đề đến một trạng thái khác của sự sống.
J.F. - Hãy trở lại với bardo, nó có những bước như thế nào?
M. - Bardo có nghĩa là "sự chuyển tiếp", trạng thái tạm thời. Người ta phân biệt ra nhiều thứ. Trước hết có bardo của đời sống, trạng thái tạm thời giữa sống và chết. Rồi bardo trong lúc vừa chết, giây phút mà ý-thức rời khỏi thân xác. Người ta nói tới hai giai đoạn của "sự tan rã", sự tan rã bên ngoài của các khả năng vật lý, cảm giác, và sự tan rã bên trong của những chặng của ý-nghĩ. Giai đoạn một tương đương với sự hấp thụ trở lại năm yếu tố hợp thành vũ-trụ. Khi yếu-tố "đất" tan ra, thân thể trở nên nặng nề, chúng ta khó khăn để giữ vững thân mình, như là bị đè bẹp bởi một ngọn núi. Khi yếu-tố "nước" tan ra, những tế-bào về chất nhờn bị khô lại, ta cảm thấy khát nước, ý-thức trở nên lộn xộn và nói xàm như bị một con sông cuốn đi. Khi yếu-tố "lửa" tan ra, thân thể bắt đầu mất hơi ấm, càng ngày càng khó cảm nhận rõ ràng thế-giới bên ngoài. Khi yếu-tố "gió" tan ra, chúng ta cảm thấy khó thở, không cử động được và mất ý-thức. Những ảo giác xuất hiện, cả cuốn phim về cuộc đời của ta được quay lại trong ý-thức chúng ta. Đôi khi ta cảm thấy một sự an bình rộng lớn, thấy một không gian ánh sáng êm ả. Sau cùng hơi thở chấm dứt. Nhưng một năng lực sống, "làn gió bên trong", còn tiếp tục trong ít lâu, rồi cũng ngừng. Đó là sự chết, sự rời rã giữa thể xác và dòng ý-thức.
Dòng ý-thức khi ấy là một chuỗi những trạng-thái tế-nhị hơn nữa -- đó là sự tan rã thứ hai, sự tan rã bên trong. Người ta sẽ theo thứ tự cảm thấy một sự trong sáng rộng lớn, một niềm hạnh-phúc bao la và một trạng thái tự do không còn vướng mắc một khái niệm nào. Đó là giây phút, trong khoảnh khắc, người ta có kinh nghiệm về tuyệt-đối. Một người tu-tập kiên cường thì có thể ở trong trạng thái này và đạt chứng ngộ. Nếu không, ý-thức sẽ đi tới trạng thái chuyển tiếp giữa sự chết và sự sinh kế tiếp. Những kinh-nghiệm mà ý-thức chúng ta có tùy thuộc vào sự trưởng thành về tâm-linh của chúng ta. Đối với một người không có chút giác ngộ về tâm-linh, sự tổng-hợp của tất cả các ý-nghĩ, lời nói, hành-động trong cuộc đời sẽ quyết-định sắc-thái đau khổ ít hay nhiều của bardo ấy. Nó cũng tựa như một cái lông bị cuốn theo luồng gió của nghiệp. Chỉ có những ai có đôi chút giác-ngộ tâm-linh thì mới có thể hướng dẫn cái lông ấy đi như thế nào. Rồi thì tới bardo của "cái sẽ tới". Đó là sự bắt đầu hiện ra những sắc thái của đời sống kế tiếp.
Những phương cách của sự tái sinh của các người bình thường và các người đã đạt được sự chứng ngộ thì đều giống nhau, nhưng những người thuộc nhóm đầu là do tổng hợp của các hành động trong quá-khứ, còn đối với nhóm người thứ hai, không còn vướng mắc những nghiệp xấu, tái sinh do sự tự lựa chọn rõ ràng trong các điều kiện đầy đủ để có thể giúp đỡ người khác. Đó là lý do mà người ta có thể xác định một đứa trẻ mới sinh là hậu thân của một đạo sư vừa qua đời.
J.F. - Tốt... chúng ta sẽ không đề cập tới vấn-đề tái sinh nữa. Nói cho cùng, điều quyến rũ các người Tây-phương với Phật-giáo cũng là một công-thức cổ điển trong lịch-sử triết-học, đó là một trường-phái về làm chủ chính bản thân.
M. - Sự làm chủ chính bản thân là điều cần thiết, nhưng nó chỉ là một dụng cụ. Các người đi đu giây, các người chơi vĩ-cầm, các người đánh võ judo, các kẻ đôi khi sát nhân, thì đều là những người làm chủ được chính mình, nhưng với những sự thúc đẩy và kết quả khác nhau. Sự làm chủ chính mình, cũng như những đức tính khác, chỉ đạt được giá-trị đích thực trong khuôn khổ của sự thúc đẩy về những nguyên-tắc siêu-hình đúng đắn. Theo như Phật-giáo, sự làm chủ là giữ sao cho không bị gục ngã bởi sự lôi kéo của các ý-nghĩ hướng hạ, và không bao giờ quên được đặc tính của sự chứng ngộ. Người ta có thể nói một cách chính ngôn rằng đó là "khoa học của ý-thức".
J.F. - Như thế là việc làm chủ con người tâm-linh hướng về cái Thiện. Sự làm chủ cả về các ý-nghĩ, các tình cảm, và hậu quả là, cách sử sự ở đời. Đó là điều người ta gọi từ hồi Thượng cổ là cách cư sử của các hiền triết, nói theo cách biến hình, là sự tu tập bên trong. Trên phương diện ấy, người ta thấy một sự tò mò cho đủ loại phương cách tại Tây-phương, nhất là yoga. Con có thể nào nói về sự tương quan giữa yoga và Phật-giáo không?
M. - Yoga, hay sự tương đượng bên Tây-tạng là naldjor, có nghĩa là "hợp nhất với thiên-nhiên". Đó là cách người ta nói về sự hợp nhất ý-thức của ta với ý-thức của đức Phật hay với ý-thức của đạo sư của ta, theo nghĩa du nhập sự chứng ngộ của họ vào ý-thức của ta. Ấn-độ giáo có nhiều hình thái yoga khác nhau. Raja-yoga chú trọng về phát-triển một năng lực tâm-linh cao trên con đường hành động. Bhakti-yoga chú về lòng mộ đạo. Jnana-yoga của người tu Gnose (hy vọng chứng ngộ sự thật tâm linh bằng lòng tin), và sau cùng là hatha-yoga, là loại được biết đến nhiều nhất ở Tây-phương, với sự tu tập về vị thế của thân thể (như thu mình trong một hình lập phương), gắn liền với việc kiểm soát hơi thở. Những sự tu tập đó dẫn tới một trạng thái thoải mái, an lành trong tâm giúp cho ta có nhiều khả năng để đảm đương một cách bình tĩnh các biến cố của đời sống. Phật giáo Tây-tạng cũng có một phái chuyên tập về hơi thở và các vị thế của thân thể, mà chỉ được dạy cho những người sống ẩn dật trong thời gian lâu dài, chớ không cho các người mới học, ra ngoài một môn phái rõ ràng. Tuy thế có thể gặp được những người biết về việc này. Trong một cuộc hội thảo ở Harvard, mà chúng ta đã nói tới, giáo-sư Herbert Benson đã trình bày một thông cáo tựa đề "Sự hỗ tương giữa thân-thể và ý-thức bao gồm những ghi chép về sự khôn ngoan Tây-tạng". Được khuyến khích bởi đức Đạt-lai-lạt-ma, giáo sư Benson đã nghiên cứu trong hơn mười lăm năm trời, những ảnh hưởng của sự tham thiền và vài phương cách khác có được trên cơ thể. Ông ta đã nghiên-cứu về tummo, hay sức nóng bên trong, đã được diễn tả lại một cách sống động bởi Alexandra David-Neel trong tác phẩm Voyage d'une Parisienne à Lhassa (Cuộc du hành của một người Ba-Lê ở Lhassa):
"Tôi trông thấy vài vị đạo sư tummo, ngồi trên tuyết, đêm qua đêm, hoàn toàn không manh áo, bất động, đắm mình trong sự tham thiền của họ, trong khi đó cơn bão tuyết kinh khủng đang gào thét chung quanh họ. Tôi trông thấy, dưới ánh trăng rằm, cuộc biểu diễn ngoạn mục của các môn đệ của những vị này: vài người trẻ tuổi, đã biểu diễn, ngay giữa mùa đông trên bờ một cái hồ hay bên một dòng sông, tại nơi này, không một manh vải, họ dùng da thịt mình để làm khô những tấm vải trải giường ướt xũng nước băng giá. Ngay khi một tấm vải vừa khô thì được thay thế bằng cái khác. Đang cứng ngắc khi vừa ra khỏi nước, tấm vải trở nên bốc hơi ngay khi được máng trên vai của ứng viên rékiang, như là được để trên một cái chảo nóng bỏng. Tôi cũng tập phương cách này trong năm tháng của mùa đông đó, mang một cái áo mỏng của kẻ mới học ở độ cao 3900 mét".
Benson đã nghiên cứu cách tu tập ở Hy-mã-lạp-sơn, được thực hành bởi các người ẩn tu Tây-tạng đang sống lưu vong. Ông ta nhận thấy là lượng dưỡng khi cần dùng trong khi đang tham thiền giảm xuống còn 64% của lượng bình thường, lượng lactate trong máu cũng giảm, nhịp thở cũng giảm, vân vân... Ông ta cũng quay phim những người thực hành trong khi họ làm khô không phải một tấm vải mà nhiều tấm, khi nhiệt độ là 1 độ (bách phân). Theo bác-sĩ Benson, bất cứ ai chỉ cần run thôi thì có thể bị chết vì lạnh. Khắp da thịt của những người thực hành yoga này, chẳng những không lạnh giá, mà nóng hổi. Đó không phải là sự biểu diễn. Chính con cũng có những người bạn thực tập phương pháp này. Sự thực hành nhằm mục-đích làm chủ thể-xác và năng lực bằng tham thiền, nhưng đó không phải một cứu cách. Có câu nói rằng : "Mục đích của sự tu tập khắc-kỷ là làm chủ ý-thức. Ngoài việc ấy, tu tập khắc kỷ để làm gì?

| |

Chú thích: