Nhà sư và nhà triết-học

16 - Quan niệm con người là chúa tể

Jean-Francois. - Cho tới giây phút này, chỉ có ba hỏi về Phật-giáo nhân danh Tây-phương. Những người theo đạo Phật như con, có khi nào tự hỏi rằng những tiến-bộ của khoa-học tây-phương như đã sảy ra từ gần hai thế-kỷ qua, có đem lại gì thêm cho khoa-học về tâm-linh? Hay coi như khoa-học về tâm-linh đã có từ hơn 2500 năm, không có gì cần phải học từ những khoa-học gọi là vị nhân-sinh?
Mathieu - Thái độ của Phật-giáo thì cởi mở với tất cả những sự suy nghĩ cũng như ước vọng của mọi người. Một phật-tử luôn luôn thấy cần phải học hỏi để là giầu thêm cho những kinh-nghiệm của mình. Phật-giáo không tự đóng cửa như Tây-phương đối với các khoa-học về tâm-linh. Nhưng cũng không nên quên rằng về tổng quát, Tây-phương đã không còn lưu tâm đến những khoa-học quán tưởng, để chỉ chú trọng đến những khoa-học gọi là thiên-nhiên -- Vật-lý, Sinh-vật-học, vân vân. Điều đáng chú ý là môn tâm-lý-học, như tên gọi của nó, đáng lẽ phải là một "khoa-học của ý-thức", lại tránh né sự suy sét tự phản, và coi nó như không khách quan, và cố gắng biến đổi những biến chuyển của não bộ thành những hiện-tượng đo lường được. Khoa tâm-lý học trên nguyên-tắc, bỏ qua phương-pháp quán-tưởng. Đối với phật-giáo thì ngược lại, nếu muốn hiểu rõ về ý-thức thì điều hiển nhiên là phải xem xét nó bằng sự quan-sát trực-tiếp, trước hết bằng phương pháp giải tích, rồi quán-tưởng, hay thiền định -- và thiền định, người ta thường hiểu là sự nghỉ-ngơi của của tâm trí như đa số những người ở Tây-phương thường hiểu. Phật-giáo gọi thiền là một sự khám phá thăng tiến về bản thể của ý-thức và những diễn biến của não bộ, bằng sự tu-tập trong nhiều năm dài. Dưới nhãn quan phật-giáo, phương cách mà Tây-phương dùng thì có vẻ vỡ vụn và phiến diện, hiểu theo nghĩa chiết tự, vì tâm-lý-học chỉ mới chạm tới vỏ của ý-thức.
J.F. - Đối lại, đối với những khoa-học chính xác, ba nghĩ là Phật-giáo có quan-điểm rõ ràng.
M. - Đúng thế, trong trường-hợp một định-luật về toán-học hay về vật-lý đã được minh chứng một cách rõ ràng, không còn nghi ngờ nào nữa, thì thái-độ của đạo Phật là chấp nhận tất cả những hiểu biết gì có giá-trị và từ bỏ tất cả những gì đã được chứng minh là sai lầm. Nhưng điều mà ba gọi là các "khoa-học chính xác" thì chủ yếu chỉ ở trong lãnh vực những gì có thể đo lường được và toán-học. Những khám phá trong lãnh vực ấy không xác nhận hay phủ nhận những nguyên tắc của đời sống tâm-linh. Chính vì lẽ đó mà Phật-giáo không có gì khó-khăn trong việc thay đổi nhãn quan về vũ-trụ vật-lý, như của khoa thiên-văn chẳng hạn; vì trong thực tế, dù cho trái đất có bằng phẳng hay hình tròn thì cũa không thay đổi cho nhiều tới guồng máy chính yếu của hạnh-phúc và khổ đau. Đức Đạt-lai-lạt-ma thường nói rằng ông được dạy rằng trái đất thì hình thang, nhưng ông ta không hề thấy khó khăn để hiểu và công nhận là nó tròn!
J.F. - Đó là điều người ta gọi trong triết-học tây-phương là sự phủ nhận một lý-luận từ một quyền năng.
M. - Có một vũ-trụ phật-giáo thời cổ, đã được sửa đổi bởi các đệ tử của đức Phật và phản ảnh về sự hiểu biết vào thế-kỷ thứ VI - V trước Thiên chúa bên Ấn-độ. Có ngọn núi tên Mérou, coi như trục của vũ-trụ, mặt trời và mặt trăng quay chung quanh trục này, và các lục địa thì tỏa ra từ đó. Vũ-trụ này thuộc vào loại mà ta gọi là "sự thật tương-đối" hay "thông thường", một sự thật có giá-trị khi đương thời.
J.F. - Đối với những khoa-học về vật-chất, khoa-học về đời sống, về sinh-vật-học, vật-lý thiên-thể (astrophysique), lý-thuyết về sự tiến-hóa của các chủng loại, thì Phật-giáo có vẻ có nhãn quan cởi mở hơn tất cả, kể cả Tòa thánh, và Thiên-chúa-giáo nói chung cho tới những năm gần đây. Tòa thánh đã giữ quan điểm giáo lý về sự cắt nghĩa việc hình thành của vũ-trụ, và sự sáng tạo ra các chủng loại bị đánh đổ bởi khoa-học -- vì thế Tòa thánh coi khoa-học như kẻ thù. Ngay cả vào thế-kỷ thứ XIX, ta còn thấy phản ứng thù nghịch của phía công giáo đối với thuyết tiến hóa. Tòa thánh cũng chấp nhận một cách trễ nải, vì vào những năm 50 và 60, có một nhà truyền giáo cố gắng dung hòa thuyết tiến hóa với giáo lý Thiên-chúa-giáo. Ba muốn đề cập đến Teilhard de Chardin, người bị tòa thánh điểm mặt khiển trách, vì đã chấp nhận thuyết tiến hóa trong khi nghiên cứu về thần học. Phật-giáo có một quan điểm rõ ràng là không giáo lý như thế.
M. - Khái niệm mà Phật-giáo có về sự thật tương đối của thế-giới các hiện-tượng không phải là một "giáo lý", vì thế-giới hiện-tượng được cảm nhận thay đổi tùy chủng loại và tùy thời gian. Sự diễn tả đương thời của vũ-trụ mà chúng ta có ngày nay, Phật-giáo chấp nhận như vậy. Đó không phải là sự phủ nhận khoa-học về việc khoa-học diễn tả các hiện tượng hay những định-luật thiên-nhiên. Trái lại Phật-giáo cũng không chấp nhận quan điểm rằng khoa học sẽ cắt nghĩa tất cả, từ vật chất tới phi vật chất, về bản thể của các hiện-tượng. Phật-giáo cũng không có lý do gì để thay đổi quan điểm theo luồng gió khám phá khoa-học. Lòng vị tha đem lại hạnh-phúc, và lòng thù hận đem tới khổ đau không dính dáng gì đến việc trái đất tròn, hay vũ trụ bắt đầu từ "vụ nổ lớn big bang". Người ta có thể chấp nhận một cách tiên khởi rằng những lý-thuyết liên tiếp của khoa-học càng ngày càng diễn tả đúng hơn sự thật, nhưng cũng nên nhớ là trong dòng lịch-sử, đôi khi nó cũng có những quan-điểm trái ngược nhau, và lúc nào cũng nói tới "cách mạng khoa-học" và có sự dè bỉu với những ai không cùng một quan điểm đương thời. Con không nói rằng phải bám víu lấy quá khứ, nhưng con nghĩ là cũng không nên võ đoán với tương lai hay coi rẻ những quan điểm khác về thực tại.39.
J.F. - Thôi, chúng ta hãy đề cập tới khoa-học về con người...Con có nói rằng trong những khoa học gần đây, con chú ý tới khoa học chính-trị, nghĩa là việc nghiên cứu về những hệ-thống chính-quyền.
M. - Mục-đích của Phật-giáo là loại trừ tất cả mọi khổ đau, điều hiển nhiên là sự hiểu biết về những nguyên-tắc của một xã-hội công bằng, dựa trên những giá-trị tâm-linh, và trên ý-nghĩa không phải chỉ có những nhân quyền, nhưng cũng có những bổn-phận của từng cá-nhân, là một việc hết sức quan-trọng.
J.F. - Làm sao để xây dựng được một xã-hội công bằng? Nói cách khác, tỉ mỉ hơn về một xã-hội có một hệ-thống chính-quyền bảo đảm sự chính thống của quyền-lực, sự việc rằng quyền lực này thật sự đến từ những công dân mà nó sẽ áp dụng; và trong khi ấy bảo đảm cho sự bình đẳng của tất cả công dân, bắt đầu bằng trước những quyền lợi, và trước pháp-luật? Đó là điều người ta gọi nhà nước của lẽ phải. Và trên hết, làm sao bảo đảm sự bình đẳng của các công dân trước những thực tại của đời sống? những thực tại về kinh-tế, về học vấn, về ốm đau, về tất cả những chi tiết của sự sinh sống, từ những điều kiện về chỗ ở cho tới những điều kiện làm việc và nghỉ ngơi?
M. - Những nền tảng của nền dân-chủ thì lẽ dĩ nhiên đáng đề cao: loại trừ sự bất công và bảo đảm cho việc cứu xét một cách công bằng cho sự an bình của mọi công dân -- nhưng những nguyên-tắc sinh hoạt ấy cũng cần được tôn trọng bởi tất cả như là một sự minh chứng không chối cãi được. Về tiên thiên những lý-tưởng của phía cộng-sản cũng đáng đề cao, như phân chia những của cải. Nhưng tất cả tùy thuộc vào cách thức áp dụng
Trong những năm gần đây, đức Đạt-lai-lạt-ma đã áp dụng một hệ-thống dân chủ cho Chính-phủ lưu vong, vì ông ta nghĩ sự kính trọng mà ông ta đang có trên bình diện tâm-linh cũng như thế tục, ngăn cản cho việc thành lập một hệ-thống dân chủ, khi ông ta không còn nữa, và đó là điều duy nhất mà các người Tây-tạng chứng tỏ họ xứng đáng trước cộng-đồng thế-giới. Ông ta cũng cho lập hai bản hiến-pháp, một cho chính-phủ Tây-tạng lưu vong -- nghĩa là ở Ấn-độ, nơi có hơn một trăm ba chục nghìn người tị-nạn --, và bản khác cho Tây-tạng, khi xứ này dành lại được độc-lập, hay ít ra là sự tự-trị. Trong dịp ấy, các nghị-viên đã tổng hợp những giá trị truyền-thống với những khía cạnh tốt của nền dân chủ.
Trong dịp viếng thăm Úc-đại-lợi, đức Đạt-lai-lạt-ma và con nhận thấy các chính-phủ của tiểu bang được hưởng một số các sự tự-trị, người rất chú ý đến hình thức này, vì cũng chính người đã đề nghị với nhà cầm quyền Trung-hoa -- dựa trên thực tế, từ bỏ sự độc-lập hoàn toàn, điều mà theo nguyên-tắc, Tây-tạng được hưởng -- để thiết lập một hệ-thống mà theo đó Tây-tạng được đảm trách việc nội trị, và Trung-hoa đảm trách việc đối ngoại. Với tất cả các nhượng bộ ấy đáng lẽ đã có sự thương thuyết với nhà cầm quyền Trung-hoa, nhưng người chỉ gặp bức tường im lặng. Khi làm việc ấy, đức Đạt-lai-lạt-ma không tìm cách gây ảnh hưởng với các đại diện dân cử, hay duy trì địa vị của mình -- vì ông ta đã từ chối từ trước việc điều khiển nước Tây-tạng tự-do --, nhưng là xác định cho một thể-chế lý-tưởng cho Tây-tạng trong hiện tại. Đó là lý do ông ta đã tìm cách đem vào hiến-pháp, ngoài những ý-niệm về nhân quyền, bổn-phận của cá nhân đối với xã-hội, và quốc-gia đối với những quốc-gia khác của thế-giới.
J.F. - Đúng lắm, một trong những khía cạnh của điều mà ta có thể gọi là khủng khoảng của những nền dân chủ hiện đại, nghĩa là trong chính phủ trọng pháp như của chúng ta (Pháp), những công dân tự coi như họ có càng ngày càng nhiều quyền hơn và càng ngày càng ít bổn-phận đối với cộng đồng. Về vấn-đề này, có một chuyện vui vui. Vào năm 1995, một độc giả đã viết cho ba như sau: "Ông có biết không -- và ba đã quên mất điều này -- là không có bản tuyên-ngôn về Nhân Quyền trong cuộc cách-mạng ở Pháp? Người ta cũng làm vào năm 1795, một bản Tuyên-Ngôn về những Bổn-Phận của Công-Dân, mà ngày nay không ai làm lễ kỷ-niệm 200 năm". Ba đã viết một bài bình-luận trong tạp-chí Le Point về việc kỷ-niệm này. Ba phải thú thật là bài viết của ba bị rơi và sự lãnh đạm hoàn toàn, vì hình như vấn-đề về các bổn-phận thì không đáng chú-ý bằng vấn-đề các quyền của các cá-nhân. Mặc dù đó là hai khía cạnh của cùng một thực tại.
Còn về quan điểm chính-trị của đức Đạt-lai-lạt-ma và các người theo đạo Phật cũng nêu lên một câu hỏi đáng chú ý. Tại Á-châu, theo một lý-thuyết mà người ta gọi là "sự tương đối về nhân quyền và những nguyên-tắc dân-chủ". Những quốc-gia như Trung-hoa, là một xứ sở độc tài, và những xứ sở uy-quyền nhưng không độc tài, như Singapour, quảng bá ý-nghĩ rằng các nước Tây-phương làm họ bực mình vì những lịch-sử về nhân quyền, sự tự-do hoàn-toàn về các ý-kiến, quyền phát biểu, sự tự-do lập hiệp hội, sự dân-chủ dựa trên đa số phiếu khi bầu cử. Theo họ, mỗi một nền văn-minh có một khái niệm đặc biệt về nhân quyền. Như thế có một khái-niệm á-châu về nhân quyền không có gì đáng nói với nền dân chủ, và một khái-niệm âu-châu về nhân quyền mà chúng ta được mời gọi hảy giữ cho chúng ta! Lý thuyết lạ đời về sự tương đối của nhân quyền đã được lập ra bởi thủ-tướng nổi tiếng Lý-quang-Diệu, một chính khách lớn, vì ông ta đã lập ra nước Singapour hiện đại.
Lý-thuyết về sự tương-đối của nhân quyền tùy thuộc vào nền văn hóa cũng được trồng cho xâu hơn bởi Tổng-thống Pháp, Jacques Chirac, trong dịp viếng thăm Ai-Cập vào tháng tư năm 1996, trong một bài diễn văn, ông ta đã trình bày là mỗi xứ sở có khái niệm riêng về nhân quyền và áp dụng nó theo cách thức riêng. Đó là một cách tặng hoa cho tổng-thống Moubarak, nói cho gọn lại là, dù cho Ai-Cập là một đất nước không có gì đáng coi, với điều mà người ta thường gọi là một nền dân chủ, điều đó không có nghĩa là xứ sở ấy không bị lên án về khía cạnh nhân quyền. Việc hiển nhiên là cuộc viếng thăm của thủ-tướng Trung-hoa, Lý-Bằng tại Ba-lê vào năm 1996, gây ra những sự lộn xộn, va chạm do lời tuyên bố ấy. Dù thế nào đi nữa, lời tuyên bố ấy cũng nêu lên câu hỏi là có thực có một khái niệm Á-châu hay Phi-châu về nhân quyền khác với những điều mà các nhà tư-tưởng lớn về dân-chủ vẫn cổ võ! Phật-giáo có quan-điểm thế nào về vấn-đề này?
M. - Theo Phật-giáo, tất cả mọi sinh vật ước mong được hạnh-phúc và đều có những quyền được sung-sướng. Tất cả đều muốn giải thoát khỏi mọi khổ đau và cùng có quyền không bị đau khổ nữa. Những ước vọng và những quyền đó phải là những giá-trị phổ quát. Điều hợp lý là xem xét về tính chất và hiệu năng của những luật-lệ và những định-chế của loài người để xem chúng khuyến-khích hay ngăn cản những quyền hành căn-bản đó. Đông-phương thì nghiêng nhiều hơn Tây-phương, về việc coi sự hài hòa của một xã-hội ,thì không thể bị suy giảm bởi một tình-trạng hỗn-loạn, chủ yếu là dùng ý-niệm nhân quyền để làm bất cứ điều gì, bất cứ lúc nào, bất cứ cách nào, khi mà điều ấy được "cho phép", vì thái-độ ấy sẽ dẫn đến sự bất quân bình giữa những quyền hành và bổn phận, giữa sự tự-do của một cá nhân và trách-nhiệm đối với các người chung quanh. Đó là quan niệm "cá nhân là vua" được thịnh hành trong các xã-hội tây-phương. Trong ý-nghĩa nếu còn trong vòng pháp luật, thì cá nhân có thể làm bất cứ việc gì.
J.F. - Thông thường, ngay cả khi nó vượt ra ngoài khuôn khổ của luật-pháp! Quyền hành của một số cá nhân và một số nhóm vươn cao, thông thường, tới sự cho phép vượt ra ngoài sự hợp pháp. Đó là những quyền ngoài cả quyền.
M. - Cách hành sử như thế không phải là một nguồn của hạnh-phúc, hay sự thoả mãn cho cá nhân, và hơn nữa nó gây xáo trộn cho xã-hội mà cá nhân ấy là một phần. Trách-nhiệm của một cá-nhân là gìn giữ một cách có ý-thức sự hài hòa của xã-hội. Người ta không thể đạt tới đó, nếu những cá nhân chỉ tôn-trọng luật-lệ vị bị trói buộc, nhưng phải là dưới ánh sáng của sự thanh-liêm vừa thế-gian vừa tâm-linh. Ta hiểu về một xã-hội được điều-hành bởi một truyền-thống có tính cách tâm-linh, như trường-hợp cho tới gần đây của Ấn-độ và Tây-tạng, coi trọng sự an bình tổng-quát của cộng-đồng với bất cứ giá nào, hơn sự tôn trọng quyền lợi của một cá-nhân. Sự thất bại và thảm họa của các chế-độ độc tài vì chúng chống lại chủ-nghĩa cá-nhân bằng cách thống trị những cá-nhân một cách mù quáng và bạo hành, và làm bộ như lo lắng cho hạnh-phúc của dân-chúng, một điều thô bạo ngược hẳn với sự thật. Không nên giới hạn quyền hành của các cá-nhân nhưng là giáo-dục họ về những ý-nghĩa của trách-nhiệm. Khi nói thế, đức Đạt-lai-lạt-ma đã lập lại nhiều lần rằng điều chính yếu là phải bảo đảm sự bình đẳng quyền lợi của hai phái nam và nữ, sự bình-đảng về những quyền căn-bản của đời sống, về hạnh-phúc và sự che chở khỏi các thống khổ, bất kể nguồn gốc chủng tộc, giai tầng xã-hội, hay phái tính.
J.F. - Những điếu đó... Nói trắng ra, những sự bận tâm như thế thì không có trong sự phân biệt thân thiết với Lý-Bằng hay Lý-quang-Diệu, giữa khái niệm nhân quyền á-châu, phi-châu và khái niệm tây-phương!
M. - Khái-niệm về nhân quyền của Lý-Bằng không dính dáng gì đến ý-niệm trách-nhiệm của cá-nhân đối với sự an bình tống quát của xã-hội; nó phản ảnh sự lo sợ những xáo trộn -- nó sẵn sàng nhúng tay vào máu --, nó sợ hãi sự tự-do sẽ làm mất quân bình chế-độ độc-tài.
J.F. - Nhưng hãy trở lại những lạm dụng mà con vừa mới nói, người ta biết rõ là chúng sảy ra liên tục trong những xã-hội dân-chủ nhất. Làm cách nào mà những xã-hội dân-chủ lại để cho những nhóm -- điều mà ở Anh, và ngay cả ở Pháp gọi là "lobbies" --, những nhóm quyền lợi xã-hội, nghề-nghiệp, những nhóm hay những cá nhân được hưởng một đặc quyền nào đó, gây ảnh hưởng với cộng đồng để có những lợi thế mà gọi đó là quyền dân chủ.
Những xã-hội Âu-châu và Mỹ-châu đang theo đuổi việc bàn cãi về những "lợi thế đạt được". Một số công-ty đã thủ đắc được qua nhiều năm những lợi thế mà những công dân khác không có. Họ có được chúng nhân danh những tình trạng hay những khó khăn đặc-biệt của chính họ trong lịch sử hoạt-động cũng của chính họ. Người ta có thể, lúc đầu, biện minh cho các sự xé rào này, hay lợi thế này, nhưng trải qua thời gian, chúng trở nên những lạm dụng và trở thành những đặc quyền được bảo vệ như là giúp ích cho quyền lợi chung. Những sự suy đồi này thì liên tục, ba có thể nói không tránh được, trong các nền dân chủ! Muốn sửa chữa, thi lâu lâu lại phải san bằng mọi việc hay bắt đầu máy tính lại từ số không, nghĩa là sự bình đẳng của tất cả trong công việc dùng tiền bạc của công.
Mối nguy trông thấy một nhóm nào đó và một cá-nhân nào đó biết tổ chức để đạt được những sự cư sử đặc-biệt đối với luật-lệ, và coi thường luật-pháp, là một con quỷ xưa cũ của nền dân-chủ! Việc này đã được trình bày tỉ mỉ trong quyển République (Dân-chủ) của Platon, nó chứng-minh bằng cách nào một nền dân chủ có thể thoái hóa thành nền chuyên chế: kể từ giây phút điều mà người ta gọi "quyền dân-chủ" chỉ là sự khảm chạm của những quyền-lợi đặc-biệt tranh giành nhau bất chấp quyền lợi của đại chúng bằng cách dùng luận điệu vì quyền lợi chung, người ta tận cùng bằng một tình-trạng hỗn loạn không kiểm soát được, và việc không tránh khỏi là khuynh hướng về một chính-phủ uy-quyền nổi lên. Nguời ta đã thấy tình-trạng này sảy ra ở Ý-đại-lợi trong thập niên hai mươi, và ở Tây-ban-nha trong thập niên ba mươi. Một thể chế độc tài không vô cớ xuất hiện. Phải có một số các điều kiện thuận lợi để nó nảy nở. Theo ba, hậu quả của những quan-niệm sai lầm về sự khác biệt của nhân quyền tùy theo lục địa và nền văn-minh phản ảnh vấn đề xưa cũ của nền dân chủ, ngay cả ở những nơi có nền dân chủ lâu đời. Những điều mà Lý-quang-Diệu và Lý-Bằng nói phản ảnh một phần, uy quyền rất gần với tình trạng hỗn-loạn. Thay vì giải quyết vấn-đề, họ né tránh...một cách thô bạo.
M. - Hãy lấy một thí-dụ luôn luôn sảy ra: sự khai thác tình dục và bạo động của giới truyền-thông. Tại Hoa-kỳ, khi cơ-quan lập-pháp dự trù kiểm soát bằng luật về việc phổ biến những hình ảnh bạo-động hay khiêu dâm trên màn ảnh vô-tuyến truyền hình hay trên mạng lưới điện toán, thì họ gặp phải sự chống đối mạnh mẽ của các nhà trí-thức viện dẫn quyền phát biểu ý-kiến. Nếu người ta chỉ chú-ý tới "nhân quyền", mà không đề cập tới "trách-nhiệm cá-nhân", thì vấn-đề ấy không thể nào giải quyết được! Người ta để cho bạo lực trở nên cơm gạo hàng ngày, tới độ một trẻ vị thành niên ở Mỹ chứng kiến bốn chục nghìn vụ giết người và hai trăm nghìn vụ bạo động trên màn ảnh vô tuyến truyền hình khi nó tới tuối mười chín! Sự bạo động được trình bày một cách gián-tiếp như là cách tốt hơn, đôi khi là cách duy nhất để giải quyết một vấn-đề. Sự bạo động như thế được đề cao, trong khi tách rời sự đau đớn thể xác, vì chúng chỉ là những hình ảnh.
Thái độ ấy cũng lan tràn tới những lãnh vực khác. Võ sĩ Myke Tyson trở nên thể-tháo gia được trả lương cao nhất trong lịch-sử -- 75 triệu một năm. Và với vinh dự gì? Để đấm những cú đấm trời giáng vào người khác! Điều không thể chối cãi là thái-độ ấy gia tăng một cách tổng quát việc giải quyết bằng vũ-lực trong đời sống. Nếu người ta thử kiểm-soát những điều quá trớn, người khác sẽ nói là bóp miệng quyền tự-do phát biểu ý-kiến. Nếu người ta không kiểm-soát chúng, thì mọi người sẽ bơi trong sự bạo động. Vấn-đề sảy ra do sự thiếu sót về trách-nhiệm, vì những nhà sản-xuất cho phát những chương-trình ấy, hay tổ-chức những trận đấu ấy hiểu rất rõ, trong thâm tâm họ, họ không phục vụ nhân-loại. Nhưng công chúng thì say mê sự bạo-động và tình-dục, và "về thương mại" điều đó thành công! Các nhà sản-xuất chỉ trông thấy trong tất cả các điều ấy tiền bạc thu về, trong khi những nhà lập-pháp thì bị tê-liệt vì đụng chạm tới "tự-do phát biểu ý-kiến". Kết quả là một sự ngu dốt hoàn-toàn về khái niệm "trách-nhiệm" và sự bất lực diễn dịch khái-niệm ấy thành những luật-lệ hay tiêu-chuẩn. Vì ý-nghĩa của trách-nhiệm phải sinh ra, không từ những luật lệ cấm đoán, nhưng từ sự trưởng-thành của các cá-nhân. Và để cho những cá-nhân đạt được sự trưởng-thành này, thì những nguyên-tắc tâm-linh giúp cho sự thay đổi nội tâm cần được sinh sống trong xã-hội ấy, chớ không phải thiếu sót một cách trầm trọng.
J.F. - Những khái-niệm về tự-do trong ý-nghĩ và tự-do phát biểu thì được sinh ra trong ba khía cạnh: khía cạnh chính-trị, khía-cạnh triết-lý khoa-học, và khía cạnh tôn-giáo. Trong khía cạnh chính-trị, sư tự do về ý-nghĩ và phát-biểu muốn nói rằng tất cả mọi người, trong một chế-độ tự-do, có quyền trình bày một quan-điểm chính-trị, cổ võ nó, trình bày nó cho các cử-tri, được lập các đảng-phái với mục-đích chống đỡ và bầu những người sẽ thi-hành quan-điểm ấy, với điều-kiện là không xâm-phạm quyền của những công-dân khác. Trong khái-niệm triết-lý khoa-học, sự tự-do hai mặt này được xác-định khi va chạm với những sự kiểm-duyệt tôn-giáo, thí dụ như của Thiên-chúa-giáo ngày trước, đã đốt những sách được coi như trái với quan-điểm của Giáo-hội. Một sự đấu-tranh tương-tự cũng sảy ra trong các chế-độ độc-tài hiện đại, họ cũng làm việc đốt những sách vở, tác-phẩm nghệ-thuật, cầm tù những nhà bác-học, vì những sự nghiên-cứu của họ đi ngược lại với triết-lý mà chế-độ ấy được xây dựng nên, hay Nhà nước độc-tài. Trong khía cạnh tôn-giáo, vấn-đề ngay nay hình như rất gần, trong phạm-vi giáo-lý của một số quốc-gia, như Iran chẳng hạn, nó gần với một ý-thức chính-trị độc-tài hơn là một tôn-giáo nói cho đúng, không kể rằng những Nhà nước ấy không tương nhượng những sự thú tội khác và hành sử việc kèn cựa và đàn áp thô bạo. Tất cả những nền dân-chủ lớn hiện-đại thì được đặt căn-bản trên sự tự-do ý-nghĩ chính-trị, tự-do nghiên cứu khoa-học, triết-lý và tôn-giáo; nhưng bao giờ cũng tự giới hạn trong việc không xâm-phạm quyền tự-do của người khác.
Khía cạnh khác cũng rất quan trọng, quyền tự-do phát biểu phải ở trong phạm vi môi trường. Thí-dụ, quyền tự-do phát biểu không gồm việc khuyến-khích sát nhân: nếu ba đọc một bài diễn-văn ở công-viên Concorde nói ràng cần phải đi giết ông A, ông B, thì đó không phải là quyền tự-do phát biểu. Việc cổ võ sát nhân thì bị ngăn cấm bởi luật Hình-sự và bị trừng phạt. Cũng thế, người ta đã biểu-quyết luật cấm đặt vấn-đề về vụ tàn xát các người Do-thái dưới thời đệ tam quốc-xã. Việc đặt lại vấn-đề được ngụy trang dưới chiêu bài tự-do nghiên-cứu lịch-sử, về thực-tế, không dính dáng gì đến việc nghiên-cứu lịch-sử, vì không có gì có thể biện minh cho việc đặt vấn-đề về một sự thật đã được công nhận bởi cả ngàn nhân-chứng, và hàng trăm sử-gia. Những điều làm ra vẻ phê-bình lịch-sử giấu diếm ý-đồ làm hại một nhóm người và hậu quả là vi phạm một điều luật rõ ràng của Hiến-pháp, ngăn cấm việc cổ võ lòng thù hận chủng tộc hay tôn-giáo. Cũng thế, để ngăn ngừa sự lạm dụng, không cần phải viện dẫn tới điều giả vờ về khái-niệm á-châu của nhân-quyền. Người ta có thể coi những hình ảnh bạo động và khiêu dâm hạ cấp của giới truyền-thông, là một sự vi-phạm nhân quyền, chớ không phải là bằng chửng của tự-do phát biểu.
M. - Dù thế nào, sự lo sợ việc giới-hạn quyền phát biểu này làm cho người ta chần chờ biểu quyết những luật-lệ lên án việc dùng quyền này cho mục-đích thuần túy thương mại. Các nhà thực hiện những phim ảnh hay chương-trình truyền hình dừng chân ở giới hạn cổ võ bạo động, nhưng họ vinh danh hay làm cho nhàm chán và cũng trong lúc ấy khuyến-khích; điều ấy thì đã đuợc chứng-minh rõ ràng. Nói cho cùng, thái độ ấy phản ảnh sự thiếu sót lòng vị tha.
J.F. - Nhưng các sự ngăn cấm giáo phái như các thủ-lãnh tôn-giáo của Iran cũng không hề có lòng vị tha.
M. - Trong lúc này, các quốc-gia tây-phương lựa chọn để mặc ai muốn làm gì thì làm. Một vài chính-phủ á-châu như Singapour, quyết-định chấm dứt những việc lạm dụng này một cách quyền-thế. Cá hai giải pháp này đều không hoàn toàn thích đáng. Sự cân bằng giữa các quyền hạn và các trách nhiệm chưa thực hiện được. Vì sự thiếu sót về khôn ngoan và lòng vị tha, vì sự thiếu sót những nguyên-tắc thanh-liêm và tâm-linh, người ta không phân biệt rõ ràng giữa những khía cạnh mong muốn của quyền phát biểu và những thứ trực-tiếp hay gián-tiếp làm hại những người khác.
J.F. - Không thể nào định nghĩa những nguyên-tắc tiên liệu được tất cả mọi trường-hợp. Người ta có thể ngăn cấm những thảm cảnh như của Shakespeare, là có một thây ma cho mỗi năm phút! Phần khác là trong thập niên ba mươi, một trong số những lý-lẽ đã được dùng trong dám các nhà tư-tưởng để chống lại khoa phân tâm về việc khiêu dâm. Tại sao? Vì Sigmund Freud, cha đẻ ra khoa phân-tâm học, đã đem ra ánh sáng vai trò của nhục tính trong gien (gene) của một số người, ngay cả khi họ không có khuynh hướng khiêu dâm. Chúng ta đi vào điều mà ba gọi là áp dụng có trường-hợp của luật-pháp, nó đòi hỏi sự hết sức tế-nhị. Sự áp-dụng một cách thẳng thừng, máy móc thì không thể được. Nhưng điều ấy thì có trong tất cả mọi nền văn-minh. Nếu các nền văn-minh đều đơn-giản thì đó là điều đáng lo.
M. - Dù thế nào đi nữa, khi mà động lực chính yếu là sự thu lợi và không phải là sự đào sâu về sự hiểu biết, và những hậu quả thì xấu xa, việc tranh cãi về nguyên-tắc thiêng-liêng của quyền tự-do phát-biểu theo con chỉ là một sự đánh lừa bất nhẫn của các nhà cổ võ và là một hình thức mới mẻ của sự mê-tín của các nhà trí-thức.
J.F. - Phải, nhưng cũng không nên quên một yếu tố cũng quan trọng, đó là ý-kiến của quần chúng trong các chế độ dân-chủ. Sự giáo dục về ý-kiến của quần chúng là điều chính yếu. Các nhà lập-pháp không thôi thì không đủ. Chính vì điều ấy mà sự tự-do tin-tức, sự tự-do trao đổi các quan điểm đóng vai trò quan-trọng. Ngay bây giờ, đang có một phong-trào về ý-kiến quần chúng chống lại các hình ảnh bạo động trên vô tuyến truyền hình và trên màn ảnh. Đó không phải là các nhà lập-pháp, đó là các khán-giả, họ bắt đầu thấy chán.
Ba còn nhớ là vào năm 1975, ba có một cuộc nói chuyện với ông bộ-trưởng Văn-hóa khi ấy là Michel Guy. Vào lúc đó, bộ Văn-hóa đang tự hỏi có nên cho phép các phim loại X, những phim về khiêu dâm "loại nặng" trong các rạp chiếu bóng hay giới hạn chúng trong một số rạp, ở một số giờ... Và ba còn nhớ đã trả lời ông Michel Guy, khi ông ấy hỏi ý-kiến của ba là: "Theo ý-kiến thô thiển của tôi, -- ngoài những cấm đoán về tuổi tác -- ông phải để cho họ chiếu không một điều kiện vì những lý-do sau: những phim ảnh ấy thì xấu xa, nhàm chán, thô-tục, các khán-giả sẽ chán ngấy chúng". Tốt, ba không có thói quen nghĩ là ba luôn luôn đúng, nhưng những gì đã sảy ra; ba thấy những rạp chiếu phim về khiêu dâm "loại nặng" tự đóng của, cái nọ sau cái kia. Ngày nay gần như không còn rạp nào. Chỉ còn những rạp khiêu dâm đặc-biệt, nó không ở những nơi công cộng, nhưng trong những cửa tiệm mà người ta vào khi muốn. Quần chúng đã phản ứng hữu hiệu hơn cả sự cấm đoán.
Bây giờ trở về vấn-đề chính, người ta có thể nói rằng Phật-giáo và đức Đạt-lai-lạt-ma, trong số những lãnh tụ chính-trị và tinh-thần của Dông-phương, thừa nhận tính phổ quát của những nguyên-tắc dân-chủ và không phân biệt, mà theo ba là giả dối, giữa nhân quyền Đông-phương và nhân quyền Tây-phương.
M. - Đúng thế, nhưng cũng không nên quên quyền lợi của những người khác cũng quan-trọng không kém.
J.F. - Ba nghi ngờ những bổn-phận vị tha có thể là đầu đề của những điều luật trong hiến-pháp. Khoa học về chính-trị học, nghĩa là khoa-học về việc tổ-chức những cơ-quan của xã-hội loài người về tính chính-thống và công bằng, không thể suy đoán từ chân không. Như ba đã nói từ trước, những người tìm cách viết hiến-pháp từ số không là những người mà ta gọi là không tưởng, họ được gán cho mỹ từ là những người bị ảo giác có ý-định tốt. Sự việc không phải vậy! Các người không tưởng là những người sáng chế ra hệ-thống độc-tài! Khi người ta nghiên cứu về các chế độ không tưởng, như République (Dân-chủ) của Platon, Utopie (Lý-tưởng) của Thomas More vào thế-kỷ thứ XVI, La Cité du soleil (Thành-phố của mặt trời) của Campanella ở thế-kỷ XVII, hay những sự viết lách của Charles Fourier ở thế-kỷ XIX, để kết thúc với kẻ đáng sợ nhất trong bọn họ, vì họ có thể đem áp dụng hệ-thống này, để được biết những người maxít-leninít như Mao-trạch-Đông và Pol Pot như là kẻ nối tiếp, người ta thấy rõ những nhà không tưởng là tác giả của những hiến-pháp độc-tài. Tại sao? Đi từ một ý-nghĩ trừu tượng về sự hoạt động của con người, họ áp dụng một cách không thương tiếc những luật-lệ. Đó không phải là khoa-học chính-trị đích thực. Các người không tưởng là một sự nguy hiểm cho công-chúng.
Khoa-học chính-trị đích thực đặt căn bản hoàn-toàn trên sự quan sát các xã-hội loài người. Người ta rút tỉa từ đó những bài học. Sự quan sát lập nên những điều luật sau khi đã nhận xét được điều gì thì thi hành được, điều gì thì không. Đó cũng là cách làm việc của các nhà kinh-tế. Đó cũng là cách nói khoa-học về chính-trị không thể không vượt qua khoa-học kinh-tế, vì xã-hội loài người cần phải sống, đặt căn bản trên những khoa-học như: xã-hội học, kinh-tế học, lịch-sử. Nghĩa là từ thực-tế của các khoa-học mà người ta có thể đi ra ngoài, một cách thận trọng, của một số những nguyên-tắc chủ đạo, không bao giờ từ tiên thiên.
M. - Nhưng những khoa-học nhân văn ấy đặt căn-bản trên những quy-luật nào?
J.F. - Ba phải nói ngay, nếu không phải với ba thì ba không bao giờ gọi chúng là "khoa-học", vì chúng theo ba không phải là khoa-học theo nghĩa chật hẹp của danh từ. Tại sao? Vì các khoa-học nhân văn luôn luôn bị phơi ra với hai điều nguy-hiểm. Điều thứ nhất ba gọi là "sự nguy-hiểm triết-lý" hay ý-thức-hệ, nghĩa là tham vọng muốn xây dựng một hệ-thống phổ-quát, cắt nghĩa một lần cho mọi hoạt động của con người. Một số rất lớn những nhà xã-hội học và nhân chủng học cận-đại vướng phải điều này. Họ thừa hưởng cùng trạng thái ý-nghĩ của các triết-gia ngày xưa, muốn thiết lập một hệ-thống có thể cắt-nghĩa một lần cho tất cả và mãi mãi. Nay biết được chúng đánh đổ hết tất cả những lý-thuyết của các người đi trước và làm cho lý-thuyết của những kẻ đi sau trở nên vô dụng. Khuynh-hướng độc tài trong xã-hội học này hiện vẫn còn trong một số những tác-giả lớn cận-đại. Nhiều nhà xã-hội thuộc trường phái gọi là "cấu-trúc (structuraliste)" theo ba rơi vào bẫy này, cũng như các nhà xã-hội học maxít. Đó chính là điều nguy-hiểm thứ hai, nguy hiểm về ý-thức hệ. Khoa-học nhân văn trải qua nhiều ý-thức, cũng như nhiều bàn cãi cũng như ý tốt. Điều cũng hiển nhiên là các nhà nghiên-cứu không được coi đây là một khoa-học hiểu theo nghĩa chính-xác của chữ. Đó là những sự thử thách có thể chính xác hay không. Tất cả tùy thuộc vào người diễn giải các sự kiện, viết lại, khả năng, quyền hạn khi làm việc, sự sáng tạo trong khi nghiên cứu, và trên hết sự lương thiện: họ phải không trung thành với một trường-phái nào, một nhóm nào.
M. - Nhưng người ta không thể có những sự tự-do quái dị với Lịch-sử như Trung-hoa đang làm với lịch-sử của Tây-tạng.
J.F. - Điều ấy thì chắc chắn. Một số những nguyên-tắc khoa-học đã được lập ra, kiểm chứng, được phân chia trên bước đường đi của khoa-học hiện-đại. Nhưng không có một khoa-học lịch-sử riêng biệt. Có những sử-gia theo những phương cách khoa-học tỉ-mỉ, nhưng cũng có người khá cẩu thả. Và ba phải nói là ngay cả những nhà viết sử có tiếng, của các trường đại-học, cũng có những sự bóp méo trong sách của họ, những sai lầm này không thể nào nói khác hơn được là cố ý. Ba nói câu vào đề này là để con cảm thấy dễ chịu mà theo ba, những người theo đạo Phật phải đề cập tới việc nghiên cứu "khoa-học" nhân văn và lịch-sử tây-phương. Dù sao thì có rất nhiều tài liệu để nghiên-cứu, và suy-luận, những sai lầm cũng như thiên vị, nhưng không thể tránh được việc dùng chúng như một cái gốc của sự suy-luận chính-trị. Các phật tử có quan tâm tới các suy-luận chính trị không? Họ có tìm tòi lịch-sử tây-phương không?
M. - Nguy cơ về triết-lý và ý-thức-hệ thì rất rõ với những sự xây dựng duy ý-chí, một "sự hiểu biết ngu si" muốn giải đáp tất cả, không đặt căn bản trên một sự hiểu biết sâu sa về những nguyên-tắc điều hành sự hạnh-phúc hay khổ đau của con người trong xã-hội. Lịch-sử là một sự quan sát, hết sức nghiêm chỉnh về sự triến-triển của nhân-loại. Nó cùng lắm chỉ có thể viết lại các biến cố, nêu lên những khuynh-hướng và phân tích những nguyên nhân, nhưng nó không đề-nghị cách sống. Lẽ dĩ nhiên đa số các người Tây-tạng thì không biết rõ những chi tiết về lịch-sử và xã-hội tây-phương, nhưng cũng có người có một ý-niệm khá rõ ràng về những sự khác biệt của những khuynh hướng, và ưu tiên căn bản giữa một nền văn minh thấm nhuần những giá-trị tinh thần và một nền văn-minh khác coi nhẹ việc này. Hơn nữa, đức Đạt-lai-lạt-ma và các người trong chính chủ lưu-vong, đang bận tâm đối với tương lai của dân-tộc Tây-tạng, thì rất chú ý tới lịch sử và những hệ-thống chính-trị, tôn-giáo và thế-tục, về sự thành công cũng như thất bại của chúng. Họ cố gắng tìm xem hệ-thống nào thì thích hợp, đảm bảo cho việc hoạt động của xã-hội Tây-tạng trong thời đại của chúng ta, trong khi vẫn giữ những giá-trị căn-bản của Phật-giáo. Những giá-trị chẳng những không cản trở cho hệ-thống dân chủ, mà còn gia tăng sự hữu hiệu, vì nó giúp cho mọi người hiểu rằng tập hợp các luật-lệ phải được hiểu bằng những nguyên-tắc của trách-nhiệm cá-nhân đối với xã-hội, giúp cho sự thăng bằng giữa quyền lợi và bổn phận.

| |

Chú thích: