Nhà sư và nhà triết-học

18 - Ảnh-hưởng văn-hóa và truyền-thống tinh-thần

Jean-Francois. - Quan-điểm của Phật-giáo về khoa phân tâm học thì thật rõ ràng. Bây giờ đối với các khoa-học xã hội-lịch sử, sự nghiên cứu về tương lai và cơ cấu của các xã-hội, Phật-giáo có rút tỉa được bài học nào không? Tất cả tôn-giáo, tất cả triết-lý đều sinh ra trong môi trường của một xã-hội nào đó. Nó thường được coi như những sự thật vĩnh cửu, những sự tin tưởng mà thực tế là những phong-tục của xã-hội ấy. Các vị đại thần của triết-học thời Thượng cổ được coi như luôn luôn đúng, nạn nô lệ là việc tự nhiên, hay định kiến đàn bà thì thấp kém hơn đàn ông.
Mathieu - Và quyền của các xúc vật thì lại càng thấp nữa, như là quyền sống của chúng thì không đáng kể so với các chủng loại khác!
J.F. - Như thế Phật-giáo có tự coi hay tự hỏi, một người sinh ra ở một địa điểm nào đó, thuộc một thành phần xã-hội nào đó, gia-đình hay điều gì khác có những nguyên-tắc phổ quát về các sự việc mà thật ra chỉ là những phong-tục địa-phương?
M. - Nếu những cơ cấu của hạnh-phúc và khổ đau chỉ là những tập tục địa-phương, thì chúng là địa-phương ở khắp mọi nơi, nghĩa là phổ quát! Ai là người không quan tâm tới những nguyên-tắc ấy? Ai là người không lo nghĩ điều gì dẫn tới khổ đau hay sự hiểu biết? Tất cả mọi người đều mong ước được hạnh-phúc và mong muốn không bị khổ đau. Như thế, ta phải phán đoán những sự cư sử tốt lành hay có hại, không trên hành động bề mặt, nhưng trên dụng ý -- vị tha hay vị kỷ -- thúc đẩy một người hành động và những hậu quả là hạnh phúc hay khổ đau. Sự thanh-liêm thoát ra từ những nguyên-tắc đó thì không thể bị ảnh hưởng bởi các điều kiện văn-hóa, lịch-sử hay xã-hội.
J.F. - Nhưng điều buồn rầu là khi người ta bị ảnh hưởng bởi một hệ-thống xã-hội đặc-biệt nào đó, người ta không ý-thức được! Đặc tính của tiên kiến là việc người ta không nghĩ rằng người ta có tiên-kiến. Tuy thế cũng có tiên-kiến xấu và tiên-kiến tốt. Trên phương diện triết-lý, điều quan trọng là không coi chúng khác hơn là sản-phẩm của lịch-sử. Khi một tôn-giáo hay một triết-lý có tham vọng muốn áp dụng một phần nào, vào xã-hội mà nó được phát triển, thì nó không ý-thức được rằng đó chỉ là một khía cạnh đặc-biệt của xã-hội ấy.
M. - Trong truyền thống Phật-giáo, người ta cố gắng liên tục để loại bỏ những điều ấy. Người ta xem xét tỉ mỉ sự thúc đẩy của những hành động như từ-thiện chẳng hạn. Người ta hành động quảng-đại vì tôn-trọng những quy-ước xã-hội hay được thúc đẩy bởi một động lực vị tha tự phát? Muốn hoàn hảo, của cho phải hoàn toàn tự-do, không có sự chờ đợi được đền đáp lại, lòng hy-vọng được đề cao, cám ơn hay đạt được một sự "xứng đáng" nào. Để làm không những một nguồn của sự xứng đáng, mà còn của sự khôn ngoan, sự bố-thí phải hội đủ ba yếu tố: không sự quyến luyến về sự hiện hữu của cái tôi của người cho, và đối tượng -- người được cho -- và vật cho (tam luân không tịch: cả ba đều không thật). Sự bố-thí thật sự thì được làm với một ý muốn hoàn toàn không có một mảy may sự quyến luyến. Điều cần yếu là không được tự gắn chặt mình với những khía cạnh bên ngoài của một hành-động và phải tự tách mình khỏi những điều-kiện văn-hóa và đặc-biệt là xã-hội, vì ta có thể lấy một công-thức tây-tạng, mà người ta cũng tìm thấy bên Tây-phương, với Fénelon: Những sợi giây xích bằng vàng thì cũng không khác gì sợi dây xích bằng sắt, chúng đều là dây xích".
J.F. - Nhưng điều đó có thể được không? Sự nguy-hiểm ở đây là ảo-giác được tự-do khỏi các điều kiện mà vẫn còn bị trói buộc?
M. - Cũng cần phải hiểu sự khác biệt giữa những điều-kiện văn-hóa và những truyền-thống tinh-thần. Truyền-thống tinh-thần được đặt căn-bản trên một kinh-nghiệm xâu xa, trên sự cần thiết của việc truyền bá. Nó cũng nhấn mạnh trên mối nguy của hình thức hơn là thực chất.

| |