Nhà sư và nhà triết-học

20 - Nhà sư hỏi nhà triết-học

Mathieu - Ba thường nói rằng: Nếu đức Phật nhắm mục-đích lột mặt nạ "kẻ mạo nhận" cái tôi, và cái tôi này không có đời sống thật, thì làm công việc để làm gì? "Ai" sẽ là người chịu trách nhiệm cho những hành động của mình? Về thực-tế, dù cho ý-niệm về "con người" không có một thực thể nào, tất cả mọi hành động đều có hậu-quả. Cũng như khoa vật-lý hiện đại, chúng ta bị giản lược thành những vi thể nổi tiếng "quark". Tới phiên con cũng có thể hỏi ba câu sau: "Vì chúng ta chỉ là những vi-thể, mà hiển nhiên là không có một dấu vết gì về con người chúng ta, vậy theo ba chúng ta hành-động để làm gì? Có ích gì trong việc suy-nghĩ, yêu thương, lo lắng cho hạnh-phúc và khổ đau? Đó có phải là những "quark" bị đau khổ không?
Jean-Francois. - Đúng... Đó là lý-luận rất xưa cũ, cũng có ở ngay trong một vài triết-học ở Tây-phương. Nếu con theo lý-thuyết của nhóm hình-thể (structuralisme), thì lý-luận cũng tương tự. Đó cũng là phản ứng chống lại nhóm hiện-sinh (existantialisme), nhóm này đặt trọng tâm trên sự tự-do lựa chọn của con người, cũng như trách-nhiệm tuyệt-đối cho các hành-động của mình. Nhóm hình-thể bác lại: "Không! Con người không hiện-hữu, họ hành-động do các hình-thể đi xuyên qua họ.
M. - Hình-thể theo họ là gì?
J.F. - A.. Giống như các nhà triết-học, họ định nghĩa một cách mơ hồ! Hãy nói một cách đại lược, đó là những thực-thể đã có sẵn hay bao gồm những định-luật, gây ra những cách hành sử có hệ-thống. Những điều phản bác này có thể thấy nơi nhóm của Epicure: Chúng ta được cấu tạo bởi những nguyên-tử, và cái mà chúng ta gọi là linh-hồn thì chỉ là một tổ-hợp của các nguyên-tử. Hậu quả là chúng ta không nên coi trọng những tình-cảm mà mình cảm thấy, những khổ đau, những ham muốn, những sự sợ hãi. Lý-luận để chống lại các hiện-tượng là đẩy lùi mọi sự vật về hậu-trường, thế-giới ở đằng sau, đó là một sự phản bác xưa cũ. Nhưng người ta trả lời lại là điều ấy không ngăn cản trên bình diện kinh-nghiệm sống hàng ngày, con người có những cảm giác và kinh-nghiệm, và đó là những thực thể duy nhất đối với họ.
M. - Đó cũng chính là điều mà Phật-giáo nói: dù cho sự khổ đau chỉ là ảo tưởng, nó được cảm nhận như là khổ đau, việc làm tan biến chúng là điều hợp lý và nên làm. Con không hiểu lập luận chống đối đạo Phật khi họ nói rằng: nếu cái "tôi" hiểu như là một hằng số xác-định đời sống của chúng ta, một thực thể trải qua những sự thay đổi của các kiếp sống, nếu cái tôi này là ảo tưởng thì lo lắng cho hạnh-phúc để là gì?
J.F. - Được, ba sẽ cắt nghĩa! Giả dụ có một tảng đá rơi xuống nhà của con, nó làm xập nhà và giết chết một phần gia-đình con. Con kêu cứu nơi làng xóm, các bác-sĩ, những người cứu trợ, nhưng người ta gởi đến nhà địa-chất học, ông ta nói với con: "Nghe đây! những gì sảy đến thì hết sức bình thường...Như anh biết, quả đất quay tròn; lúc nào cũng có những sự di chuyển đất đai, các tầng lục-địa cọ sát nhau... Chẳng có gì là bất thường cả". Điều đó đúng nếu ba đặt mình vào kích thước vài nghìn năm, một khoảng thời gian tối thiểu để ứng hợp với nhà địa chất. Nhưng hai kẻ đối nghịch ấy không nói về cùng một hiện tượng hay sự việc. Điều thứ nhất, nhà địa chất rất có lý. Nhưng không ngăn cản điều thứ hai, người xấu số có nhà bị xập với các người trong gia-đình đang trải qua một thảm cảnh cá-nhân. Hai phương cách ấy, cái này không thể thay thế cái kia. Sự việc có những người bị bão tố cuốn đi bằng những sự cắt nghĩa thuần lý của khoa khí-tượng, gió to, áp-xuất không-khí; không làm suy giảm sự nguy-hiểm và sự khổ đau dính liền việc sinh sống ở những vùng hay có bão tố. Chúng ta có hai thực-thể, cái nọ không phủ nhận cái kia. Hai mực độ kinh-nghiệm phải được xét trên bình diện khác nhau, vì chúng đều có thật..
M. - Như thế, ba đồng ý khi Phật-giáo xác-định rằng cái tôi chỉ là một thực-thể ma, không có đời sống thật, sự xác-định ấy không là bằng chứng về sự lãnh đạm với hành động, đối với hạnh-phúc hay sự khổ đau của bản thân hay của các người chung quanh?
J.F. - Ý-nghĩ chung của tất cả những sự khôn ngoan thuộc loại này có thể tóm tắt như sau: ảnh-hưởng mà ba có dựa trên sự hiểu biết rằng các sự vật chỉ là áo tưởng, điều này làm ba có những hy-vọng và tuyệt vọng to-tát, nó làm ba sống liên tiếp giữa sự vui-vẻ và sự sợ-hãi gậm nhấm nội tâm; nếu ba đi tới nhận xét rằng cái tôi không có thật, mà ba chỉ là một môi trường tạm thời của một dòng ý-thức có thật, thì ba sẽ đạt được sự an bình. Dù các sự khôn ngoan nói như thế! Tất cả lập luận của các người Khắc kỷ (Stoicien) và của Spinoza cũng nói thế! Nhưng than ôi, kinh-nghiệm sống thì chống lại cách lý-luận này.
M. - Chính sự nổi loạn của kinh-nghiệm là nguyên-nhân cho sự thảm khốc của chúng ta. Chúng ta gắn bó với cái tôi mạnh mẽ đến độ không thể hiểu được khi loại bỏ được ảo tưởng này, thì chúng ta giải quyết xong tất cả vấn-đề của chúng ta. Chúng ta giống như một người bị thương lo sợ dứt bỏ những vết khâu của vết thương khi nó đã thành sẹo. Theo con thì hình như các người Khắc kỷ tận cùng bằng sự an phận thụ-động, trong khi đó đối với một người theo đạo Phật, cái không tôi ấy là một kinh-nghiệm giải phóng.
J.F. - Không! Một người khắc kỷ thì chủ động trong việc coi thiên-nhiên đã quyết-định hành động. Đó không phải là thụ động. Người ta không nhận chịu những gì xảy đến như là số phận, người ta xác-định nguyên-nhân đầu tiên của vũ trụ, cũng chính là đấng Tạo-hóa. Spinoza cũng nhấn mạnh quan-điểm ấy khi nói "Tạo hóa hay là Thiên-nhiên". Ông ta phi tôn-giáo trong việc đạt tới sự khôn ngoan, khi không còn là một món đồ chơi thụ động của vũ-trụ, nhưng là tự đóng vai chủ động.
M. - Về tổng-quát, điều đó gần với quan-điểm về nghiệp trong Ấn-độ giáo: cách lý-tưởng để sống ở đời này là chấp nhận hoàn-toàn định-mệnh đã dành sẵn cho ta mà không nổi loạn trở lại. Quan-điểm của một người theo đạo Phật thì khác: chấp nhận những gì đến với mình vì đó là quả của các hành động trong quá khứ. Nhưng tương lai thì tùy thuộc nơi mình. Kiếp hiện tại là một giao-điểm. Chấp-nhận cái tôi không thực có không hẳn phải lựa chọn thái-độ của các nhà khắc-kỷ chấp-nhận sự việc đến với mình, nhưng là để có tự-do hoạt-động, không còn bị ràng buộc bởi cái "tôi" mà ta trân quý, nghĩ rằng cái tôi thì thường hằng, cụ thể, vân vân, mà nó lôi kéo theo một lô những sự cám dỗ và ghét bỏ. Khi được giải-phóng khỏi đầu óc vị kỷ, chúng ta sẽ có phạm vi hoạt động rộng lớn hơn. Quá khứ thì đã qua, tương-lai thì chưa tới.
J.F. - Ba hiểu rõ về giá-trị của sự khôn-ngoan này, nó giúp cho ta có thể đứng lùi ra xa với những điều đặc-biệt sảy ra, với sự ham muốn của chính mình, để có thể có những quyết-định lớn hơn là cái tôi, một thực tại rộng lớn tối đa. Đó là một sự bảo-đảm rằng sẽ làm chủ được những hành-động có tính cách phổ quát, có ý-nghĩa cho nhiều người khác, và biết rõ hơn về vũ-trụ và hành-động trở lại chính mình. Tuy thế, ba tin rằng tất cả mọi cố-gắng để làm tê-liệt cái tôi, đặng đánh thuốc mê nó mãi mãi trong những cảm giác phải đương đầu với những tình trạng nan giải, những sự khó khăn, những cảm giác khi có những lựa chọn về luân-lý, những sai lầm phải tránh, mà những hành động của con người thì không phải luôn luôn rõ ràng, can-đảm, trong sáng và hữu hiệu, tóm lại, ba nghĩ rằng những cố gắng của ý-nghĩ con người để làm chúng ta được bình an bằng cách loại bỏ sự băn khoăn, và trách-nhiệm ấy thì đều thất bại.
M. - Tây-phương hình như khó hiểu rằng sự công nhận cái tôi không thực có, không hề cản trở cho sự quyết tâm, về sức mạnh của tâm-linh và hành động, nhưng nó mở rộng đôi mắt của chúng ta về những nguyên nhân của hạnh-phúc và khổ đau. Sự công nhận ấy giúp chúng ta có những hành-động đúng. Sự quyến luyến cái "tôi" không phải là sức mạnh sống động cho sự phán xét của chúng ta, nó ngăn trở điều này. Nếu những hành động của chúng ta không luôn luôn rõ ràng, can đảm, trong sáng và hữu hiệu, như ba nói, thì chỉ vì chúng ta là món đồ chơi của sự quyến luyến cái tôi. Người ta thường nói: Tầm nhìn của các người khôn ngoan (hiền triết) thì cao hơn cả bầu trời, và sự phân biệt về các nguyên-nhân, hậu quả thì mịn màng hơn cả bột". Ta không thể nổi loạn với các điều mà ta đã gieo trồng, hay gây ra trong quá khứ, nhưng ta có thể xây dựng tương lai của mình khi phân biệt được điều gì dẫn tới khổ đau, điều gì dẫn tới giải thoát. Như thế thì không nên có thái độ cuồng tín về một tương lai không tránh được.
J.F. - Về phương diện đó, ba hoàn-toàn đồng ý, trên quan điểm của các nhà khắc-kỷ, như Spinoza, để chúng ta được bình an, chứng minh rằng những gì sảy đến thì không thể khác đi được.
M. - Chúng ta đã nói nhiều về Phật-giáo như một cách đem lại ý-nghĩa cho cuộc sống. Nhưng theo ba, cái gì đem lại ý-nghĩa cho dòng ý-thức mà con diễn tả?
J.F. - Trước hết, ba không phải là hiện thân của một dòng ý-thức nào. Ba cố-gắng hiểu những gì hiện-hữu hay đã hiện hữu, đó không phải là điều dễ. Để tìm cách trả lời con, ba muốn dùng những phương cách gián-tiếp mà một đầu óc tây-phương đã theo. Từ khi có nền văn-minh Hy-lạp, vì đó là đểm khởi đầu của nền văn-minh Tây-phương, đã có ba loại trả lời cho câu hỏi về ý-nghĩa của đời sống.
Câu trả lời đầu tiên là tôn-giáo, nhất là từ khi có những tôn-giáo độc thần như Do-thái giáo, Thiên-chúa giáo, và Hồi giáo. Đó là câu trả lời cho ý-nghĩ sau cùng về sự sống bên kia bờ sinh tử, hay là một sự thật có ý-nghĩa xuyên xuốt, và hậu quả là một lô những cách ứng sử phải chu toàn, những luật-lệ phải theo để đạt được sự cứu rỗi, linh-hồn bất tử. Những tôn-giáo này công nhận có một đời sống bất tử sau khi chết dựa trên những sự xứng đáng nơi trần-thế này. Tổng quát, trên căn bản này, và với những sự giúp đỡ của các tôn-giáo đến từ miền Trung-đông, Tây-phương đã đi trên con đường tìm hiểu về ý-nghĩa của sự hiện hữu trong nhiều nghìn năm. Điều này không hề ngăn cản mỗi cá-nhân nơi trần thế này dùng những hành động khác nhau để đạt được những thực thể của trái đất này. Từ bác nông phu tìm cách cho được mùa, cho tới nhà vua tìm sự vững bền cho ngai vàng, hay một thương-gia tìm cách làm giầu. Người ta có thể nói ngoài những người tu hành nói cho đúng, những tu sĩ khổ hạnh, mà đời sống hàng ngày gắn liền với sự cứu rỗi lý-tưởng, tất cả những người khác cũng tìm hạnh-phúc theo kinh-nghiệm, điều này không loại trừ những người mà tôn-giáo gọi là kẻ sa đọa, về một niềm hạnh-phúc vĩnh cửu bên kia bờ tử sinh. Hai mục-tiêu thì tương đồng, vì sự tìm kiếm hạnh-phúc vĩnh cửu có hàm ý tha thứ, xưng tội, xá tội, chuộc tội về những điều quấy đã làm nơi trần thế.
M. - Có nền văn-minh nào được xây dựng trên quan điểm siêu-hình về những trạng thái sống khác nhau sau khi chết và trước khi sinh ra ở cõi đời này, mà những giá-trị tâm-linh thấm nhuần toàn bộ những hành-động của đời sống thường nhật, tới độ không có những hành động có thể gọi là "bình thường"?
J.F. - Trên nguyên-tắc, đó là điều mà Thiên-chúa-giáo muốn! Nhưng khả năng của con người làm ngược lại những điều lý-tưởng mà người ta rao giảng thì vô giới hạn.
M. - Tuy thế, một tôn-giáo lâu đời không phải chỉ nhắm tới hy-vọng bên kia bờ sinh tử, nhưng cũng cho ý-nghĩa của từng hành động của đời sống hiện tại.
J.F. - Theo lý-thuyết thì đúng. Thiên-chúa giáo, trước hết là một tập hợp của những chỉ dẫn về cách làm sao để hành sử trong cõi đời này. Tùy theo cách thức một người hành xử trong cõi đời này mà người ấy được lên thiên đàng hay không.
M. - Có nên thêm vào những chỉ dẫn một viễn khải siêu hình của đời sống, nó gây cảm hứng và không giới hạn trong phạm vi của cách hành sử?
J.F. - Coi chừng! Ba đang nói cho con về những gì đã sảy ra ở Tây-phương. Ba không nói cho con chỉ vì, theo như giải pháp tôn-giáo, người ta có thể làm bất cứ điều gì trong đời sống này và vẫn xứng đáng vào nước chúa, dù đó là phần lớn các việc sảy ra! Vì những người Tây-phương đã sống một cách ngoạn mục ngược lại với những luân-lý thiên-chúa giáo trong hai nghìn năm qua. Họ giết lẫn nhau, bắt nhau làm nô-lệ, cướp của nhau, ngoại tình và sống như những kẻ tội lỗi gia trọng, mà tất cả đều nuôi hy-vọng sẽ được lên Thiên đàng; vì họ được đề nghị sự xóa tội, và tha tội, chỉ cần trước khi chết thì thú tội và làm các phép thánh. Tốt! dĩ nhiên đó không phải là những điều họ được khuyên bảo làm theo. Tòa thánh, những người hướng dẫn ý-thức, những ông cha, dành thời giờ để nhắc lại cho các con chiên điều gì là những xa đọa và việc phải sống đúng theo lời dạy của đức Chúa trời. Điều ba muốn nhấn mạnh là, những sự tìm kiếm về ý-nghĩa của đời sống trên căn bản một tôn-giáo không hề ngăn cản, trên bình diện thông thường, tìm kiếm những hạnh-phúc hàng ngày, mà đa số là phù hợp với luân-lý thiên chúa giáo: việc xây dựng một mái ấm gia-đình, có vợ con, vui hưởng một mùa gặt tốt, được phép làm giầu bằng các phương tiện hợp pháp -- tất cả những điều đó thì không hề bị cấm cản. Nhưng có những hành động khác thì hoàn toàn trái ngược với những nguyên tắc thiên-chúa giáo. Tuy vậy, vì Thiên-chúa giáo là một tôn-giáo của những người tội-lỗi, của sự ăn năn và tha tội cho các kẻ tội lỗi, nó hoạt động theo chiều hướng đó.
M. - Trong trường hợp đó, ta có thể xem xét những khá năng khác nhau của những tôn-giáo lớn, và những truyền-thống tâm-linh gợi lên một sự tương hợp giữa lý-thuyết và thực hành. Không ai chối cãi là con người rất khó thay đổi, đạt được sự hoàn hảo (phật tánh) có sẵn nơi mỗi người. Một truyền-thống tâm linh như thế có thể được phán xét, một phần sự chính xác về những quan-niệm siêu-hình và phần khác, trên sự hữu hiệu của các phương pháp mà tôn-giáo ấy cung cấp để thực hiện được sự thay đổi nội tâm, từng mỗi giây phút của sự sống.
J.F. - Phải lắm, một sự tương hợp tối thiểu giữa lời nói và hành-động là điều rất tốt!
Con đường thứ hai để đem lại ý-nghĩa cho sự hiện-hữu là đường mà ba gọi là triết-lý, theo nghĩa cổ-điển. Sự tìm kiếm điều khôn ngoan, sự an bình nội tâm, kết quả của một viễn khải mà ta thường nêu ra trong cuộc đối thoại, đó chính là sự tách rời khỏi những sự say mê và tham vọng phù phiếm; để dành năng lực cho những cao vọng to tát hơn, về tinh-thần, tâm-linh, thẩm-mỹ, triết-lý hay luân-lý, mục-đích là làm cho các tương-quan có tính cách người hơn giữa cá-nhân và cộng-đồng và sự hoạt-động của thành-phố (thời cổ-điển). Đó là khái-niệm mà ta thường thấy nơi các triết-gia thời thượng cổ; đôi khi nơi Platon, với sự nhấn mạnh có tính cách tôn-giáo, siêu-hình; đôi khi nơi nhóm của Epicure và nhóm khắc-kỷ, với sự nhấn mạnh về sự thanh tịnh vĩnh cửu và sự thăng bằng bên trong của các tài năng con người, khoảng cách lựa chọn của những tương-quan với khát-vọng về các thành-phố, chính-trị, tình yêu, các sự ngon miệng. Sự khôn ngoan này có thể tìm thấy trong Lettres à Lucilius (Những bức thơ gởi Lucilius) của Sénèque, và trong hình thức mới nơi Montaigne, nó cho ta những chỉ dẫn để chinh-phục sự tự-do bên trong, sự tách rời (khỏi cái tôi). Điều đó không ngăn cản ta hưởng những thú vui của đời sống và nhất là thú vui của trí tuệ. Con đường thứ hai về triết-lý này thì đã bị vứt bỏ cả toàn cầu kể từ thế-kỷ thứ XVII và XVIII. Triết-lý, bằng việc đối thoại với khoa-học hiện đại mà được sinh ra hồi thế-kỷ thứ XVII, đã chuyển hướng dần dần về sự hiểu biết thuần túy, diễn giải Lịch-sử, và bỏ rơi sự lo lắng về đời sống con người và sự tìm kiếm một ý-nghĩa cho đời sống.
M. - Nghĩa là về sự hiểu biết các "dữ-kiện".
J.F. - Phải. Nhờ vào sự xuất-phát của khoa-học, người ta đi tới niềm xác tín rằng có một cái gì có thể gọi là sự khách quan, một sự hiểu biết mở rộng ra cho tất cả mọi người, không phải chỉ cho một thiểu số người khôn ngoan.
M. - Sự khôn ngoan về tâm linh cũng mở rộng cho tất cả mọi người muốn chịu khó tìm hiểu. Đó là điều mà người ta trở thành một người khôn ngoan. Nếu không, một sự hiểu biết "khách quan" mà mọi người có thể tới được, không cần một cố gắng nào, thì đó chỉ có thể là mẫu số chung nhỏ nhất của sự hiểu biết. Ta có thể nói bằng phương cách định lượng hơn là phương cách định phẩm.
J.F. - Hãy nói rằng ở Tây-phương, người ta đi từ văn minh của niềm tin tới nền văn minh của các chứng cớ.
M. - Kết quả của sự tu tập tâm linh -- sự thanh khiết, sự tỉnh táo, sự trong sáng của ý-thức -- và những biểu lộ bên ngoài -- lòng tốt, sự tách rời (khỏi cái tôi), sự kiên nhẫn -- là bằng chứng hơn niềm tin. Người ta thường nói lòng vị tha và sự làm chủ được chính mình là dấu hiệu của sự hiểu biết, và vượt qua được những cảm xúc là dấu hiệu của sự tham thiền. Những đức tính ấy ăn xâu bén rễ trong chúng ta và biểu lộ một cách không dự báo trong các hành động của chúng ta.
J.F. - Theo lịch sử, kể từ thế-kỷ thứ XVIII, niềm tin vào khoa-học thay thế cho niềm tin vào sự khôn ngoan. Đó chính là chặng đầu, đó là "triết lý của ánh sáng". Đó là ánh sáng gì? Ánh sáng của sự lý luận, cho phép ta hiểu được sự vận hành của thực tại, làm ra các ảo tưởng, sự khao khát, niềm tin vô lý, sự mê tín. Từ bây giờ, sự chinh phục cho sự khôn ngoan bên trong của cá nhân đi theo con đường hiểu biết khách quan. Nếu dùng khuôn sáo của thời đại, đó là "ánh lửa của lý luận", nó sẽ soi sáng vấn đề hạnh-phúc của con người.
M. - Phật giáo nói tới "ánh lửa của sự hiểu biết"; không có sự khôn ngoan, sự lý luận chỉ phân tích chi ly hạnh-phúc con người mà không bao giờ đạt tới được.
J.F. - Nếu con muốn, có một ý-nghĩ mới được sinh ra vào thế-kỷ thứ XVIII, và còn được dùng cả ở thế-kỷ thứ XIX, đó là sự tiến-bộ -- một danh từ khái quát gồm cả sự tiến bộ luân-lý và sự tiến bộ khoa học -- tuôn ra từ sự lý-luận, nó sẽ cắt nghĩa những nơi bí ẩn của vũ trụ và sự hoạt động của con người. Khía cạnh lưỡng diện lý-luận và tiến-bộ sẽ đem lại cho chúng ta niềm hạnh-phúc. Trong một ý-nghĩa nào đó điều này không sai. Khoa-học đã giúp cải thiện đáng kể sự sinh sống của con người. Cũng không nên quên là ngay tại Pháp, cho tới năm 1830, tuổi thọ trung bình là hai mươi lăm năm! Người ta gần như không biết chữa chạy các bệnh nhân. Rất hiếm có ai còn răng ở tuổi ba mươi. Nếu còn sống đến năm ba mươi! Sự khám phá ra ở bên Anh vào thế-kỷ thứ XVIII, thuốc chủng ngừa bệnh đậu mùa, đã giết hại không biết bao nhiêu người, là một sự việc đáng kể. Voltaire đã nói rất nhiều về việc này. Sau cùng thì mọi sự đang thay đổi. Con nói: đó là định lượng. Dù sao thì những sự cải thiện về thực tế và vật chất, có tầm ảnh hưởng đến đại đa số dân chúng, làm ta nói đến: chúng ta đang bước vào kỷ-nguyên mới; thế-giới không còn như những người ngày xưa tin tưởng. Sự lập lại liên tục đối với chính nó, thế-giới có thể thay đổi, và đó là sự tiến-bộ đem lại bởi khoa-học và soi sáng các định-luật của thiên nhiên cho phép thay đổi những điều kiện con người sinh sống, và hơn hết sẽ sống.
M. - Phương cách ấy nhằm thay đổi các điều kiện sinh sống hơn là cho nó một ý-nghĩa. Nhưng tại sao một khía cạnh lại phải phát triển một cách phương hại đến khía cạnh khác?
J.F. - Nhờ vào sự thay đổi về các điều kiện sinh sống, một con người có nhiều cơ may đạt tới được sự khôn ngoan cá-nhân. Thật là một sự vô dụng khi rao giảng về triết lý khôn ngoan với một đám những nông dân mù chữ, lo bị lạnh vào mùa đông và chết như những con muỗi khi có một bệnh dịch. Nhưng để cho họ có thể hưởng được những lời chỉ dạy của Sénèque, họ cần phải còn sống tới khi họ có thể áp dụng các điều đã học! Theo ba, nếu chống lại các điều tốt lành mà sự tiến bộ của khoa-học đem lại, để hướng về các thành đạt của tâm-linh, mà mỗi người có thể chinh-phục được thì là một sự phản động. Đó là một phản đề hoàn toàn sai lầm. Khi các người của thế-kỷ thứ XVIII nói về những tiến bộ của ánh sáng, họ không hề nghĩ rằng khoa-học riêng chính nó có thể giải đáp tất cả các vấn-đề hạnh-phúc cá-nhân! Họ nghĩ rằng nó cho họ một khuôn khổ mà trong ấy họ có nhiều cơ may và thời giờ để đạt được một sự an bình nào đó. Vì chỉ có vua Marc Aurèle và vài quan lại hay các triết-gia ký-sinh trùng sống ở Triều đình mới có điều kiện đạt tới những sự khôn ngoan của phái khắc kỷ, thật vô dụng!
M. - Ta hãy trở về với các nông dân bị lạnh! Họ làm con nhớ tới các người du mục Tây-tạng, họ cũng phải gánh chịu những cơn lạnh kinh-khủng và có một đời sống hết sức đơn giản về vật chất. Và những người du mục này có một viễn khải về một đời sống đem cho họ niềm vui y như người của thành phần ưu tú. Ngay trong thời đại chúng ta, các nông dân du mục ấy đạt được sự hiểu biết khôn ngoan trong đời sống hàng ngày. Con đã trải qua nhiều tháng ở các thung lũng của xứ Bhoutan và Tây-tạng, không có đường xá, không có đèn điện, và không có gì chỉ dẫn cho biết là chúng ta đang ở thời cận đại. Nhưng phẩm chất của các sự giao-tế thì trái ngược với những gì sảy ra ở các thành phố lớn của Tây-phương. Nếu nói về thái cực đối diện, khi sự phát triển vật chất dẫn tới việc chế tạo ra các món đồ không thực dụng, người ta bị cuốn vào sự dư thừa. Không có các giá-trị tâm-linh, sự tiến bộ vật chất chỉ dẫn đến tai họa. Chúng ta không nên trở về với thiên nhiên lý-tưởng -- hay những gì còn sót lại -- nhưng là hiểu được về "mức độ của cuộc sống", theo nghĩa vật chất mà người ta hiểu bây giờ, thì quả có được cải thiện rất nhiều, nhưng phẩm chất của đời sống thì cũng bị giảm đi rất nhiều. Những kẻ du mục Tây-tạng và các nông dân Bhoutan không "được sống" tiện nghi bằng một doanh gia người Mỹ, nhưng họ biết làm sao không bị mất đời sống của họ!
J.F. - Đó là sự chỉ trích xã-hội tiêu thụ mà người ta nói từ năm 1968, việc này được nhiều người trong nền văn-minh tây-phương nói tới. Nhưng đó là một sự bàn cãi bao hàm một sự thành công từ trước. Một lần nữa, các triết-gia ở thế-kỷ thứ XVIII không hề nói rằng khoa-học sẽ giải quyết những vấn-đề về định mệnh con người hay ý-nghĩa của đời sống, vì chính họ và nhất là Rousseau, cổ võ việc trở về nguồn gốc thiên nhiên; nhưng viễn ảnh của họ kèm theo lòng tin về sự hữu hiệu của việc giảng dạy, về khả năng tìm biết về những cung cách sống khác nhau, những chủ-thuyết khác nhau, các tôn-giáo khác nhau để rồi lựa chọn hoàn toàn tự-do lấy một. Từ đó ý-nghĩ của sự rộng lượng được nảy sinh, hay ít ra tầm vóc của nó được gia tăng trong thời kỳ này. Khi con nói về các người nhà nông tây-tạng được hạnh-phúc nhờ vào Phật-giáo, vì người ta không hề cho họ biết một điều gì khác! Họ không có các thư-viện của tây-phương để có thể tự nói: "A, Tôi sẽ cải đạo thành con chiên của phái Presbytérien, hay theo triết-lý của Heidegger...". Cũng giống như Thiên-chúa-giáo đối với các nông dân tây-phương vào thời Trung cổ, đó cũng gần như sự bắt buộc. Một người dân du mục tây-tạng có thể được hạnh-phúc, ba mừng cho người ấy, nhưng ta không thể nói rằng những người ấy được tự do lựa chọn một hình thức khôn ngoan nào đó. Họ đã lựa chọn điều mà xã-hội đã đề-nghị với họ. Nếu việc ấy làm họ sung-sướng, càng tốt, nhưng đó không phải cùng trường-hợp để so sánh.
M. - Con không nghĩ là cần phải thử tất cả để hiểu được giá-trị của một sự việc gì. Hãy lấy thí-dụ nước ngọt và nước mặn của biển. Một người đã hưởng đuợc hương vị tươi mát thì không cần phải nếm nước của những ao, hồ, hay những nơi khác. Cũng thế, một người đã cảm được niềm vui trong sự thực-hành, và những giá-trị tâm-linh thì không cần những sự xác nhận khác về kinh-nghiệm của bản thân. Niềm hạnh-phúc tỏa ra có một sức mạnh và một sự chắc-chắn nội tại không chứa đựng điều gì gian dối. Con muốn trích ra đây vài lời hát của một ẩn-sĩ tây-tạng khi ông ta chứng ngộ:



Người đã viết nên các lời này không cần phải du lịch khắp thế-giới và nếm các thú-vui ở Nữu-Ước hay được tiếp đón ở nhà thờ Presbytérien để có một ý tưởng rõ ràng về sự thật của đời sống này.
Hơn nữa, sự tự-do trong việc lựa chọn mà ba nói thì không chắc chắn. Điều này không thoát khỏi sự khảo sát của đức Đạt-lai-lạt-ma, khi ông ta nói: "Sau khi xem xét đời sống trong các đô thị, người ta có cảm tưởng rằng tất cả các khía cạnh của đời sống một cá-nhân thì được xác-định với sự chính xác như một con ốc vừa vặn cho một cái lỗ. Theo một khía cạnh, một người không kiểm soát được đời sống của chính mình. Để sinh tồn, người ta phải theo khuôn mẫu và nhịp sống có sẵn".40.
J.F. - Tuy nhiên, nếu Tây-phương cảm thấy có một sự ham muốn mới về sự khôn ngoan tâm-linh, cắt nghĩa cho việc chú ý đến Phật-giáo, là vì nó muốn so sánh những kinh-nghiệm quá-khứ với kinh-nghiệm hiện tại. Nền triết-lý của Ánh-sáng kèm theo một hy-vọng đặt căn bản trên khoa-học, nhưng cũng trên sự đòi hỏi về phổ biến sự giáo-dục. Đó cũng là việc sảy ra một thế-kỷ sau, của sự giáo-dục bắt buộc, thế-tục và miễn phí trên thế-giới. Điều đó không có nghĩa là chống đối tôn-giáo, nhưng phi tôn-giáo, không đại-diện cho một tôn-giáo đặc-biệt nào. Tất cả các việc đó, cộng thêm sự phát triển về lòng khoan dung của sự tự-do lựa chọn, phải chính là gán cho cuộc sống một ý-nghĩa. Hơn nữa, cái nền văn-minh vật chất này của khoa-học thực dụng, của kỹ-nghệ có gây nên những nhu cầu dư thừa, không vừa phải thì quả đúng. Phái của Epicure đã từng nói mỗi nhu cầu khi được thoả mãn sẽ tạo ra những nhu cầu khác và gia tăng tình cảm bất mãn. Đó chính là điều mà ngày nay có nhu cầu lớn lao về các triết-gia, từ thời Hy-lạp xưa cũ cũng như Phật-giáo, được dịp có tiếng nói.
M. - Dù sao sự giáo-dục cũng không nên chỉ là một sự thu-thập những sự hiểu biết -- khoa-học, kỹ-thuật, lịch-sử --, chúng quả thật đào tạo nên một con người.
J.F. - Đúng thế.
Nhưng hãy đề cập tới phương cách thứ ba của Tây-phương để trả lời cho câu hỏi về ý-nghĩa của đời sống kể từ thế-kỷ thứ XVIII. Phương cách thứ ba, hay cửa sổ thứ ba, thể hiện bằng sự chệc hướng của các chủ trương lý-tưởng về việc cải tạo xã-hội, nghĩa là ý-niệm về cách-mạng được cất cánh bằng cuộc cách mạng tại Pháp. Cho tới giờ phút này, chữ cách mạng chỉ là một hành tinh quay chung quanh mặt trời. Ý-nghĩ rằng cách mạng, hiểu theo nghĩa người ta phải phá hủy để xây dựng lại một xã-hội từ dưới lên trên, trong mọi lãnh vực, kinh-tế, tư-pháp, chính-trị, tôn-giáo và văn-hóa, đó chính là "ý-nghĩ của thời '89'", hay ít ra là từ 1793. Cũng nằm trong sự xác-tín này là các người chủ chốt của cuộc cách mạng này, họ nghĩ mình có quyền, nhân danh lý-tưởng cao cả, được quyền tiêu-diệt tất cả những ai chống đối chương trình vĩ -đại này! Không cần phải đi tới cực đoan, than ôi đây là việc thường sảy ra, ý-nghĩ ấy đã bén rễ xâu xa rằng hạnh-phúc của con người chỉ có thể đạt được bằng cách cải tại xã-hội. Cần phải tạo dựng một xã-hội công bằng. Trong bối cảnh đó, việc cố trình bày một phương cách hợp-lý và trong sáng để cải tạo từng con người là việc vô ích. Cần phải cư xử với xã-hội như một khối. Hậu quả là, giải-pháp về ý-nghĩa của cuộc sống không còn là câu hỏi của từng cá-nhân nữa.
M. - Làm sao hy-vọng rằng một tổng-hợp thì tốt khi những thành-phần thì không? Người ta không thể làm thành một thỏi vàng từ một nắm đinh sắt!
J.F. - Vì cái tổng-thể ấy sẽ ảnh hưởng đến từng thành-phần. Đó chính là tiêu biểu của một lý-tưởng (thiên đường). Tất cả những lý-thuyết về xã-hội thuộc loại ấy thì đều là những lý-tưởng. Nghĩa là sự cải thiện con người, sự sản-xuất của mỗi người sẽ được thực-hiện từ đầu đến cuối, không bằng tiến bộ từng phần, nhưng một cách tức thời và hoàn toàn, của xã-hội. Khi mà xã-hội trong toàn thể trở nên công bằng, mỗi một cá-nhân của xã-hội ấy sẽ trở nên một con người công bằng và sung-sướng. Trong những lý-tưởng ấy có hai yếu tố của triết-lý Ánh sáng, một phần là lý-tưởng về sự tiến-bộ khoa-học sẽ đảm bảo sự dư thừa vật chất và mọi người không còn phải lo lắng về những sự thiếu thốn, và phần hai là lý-tưởng của những tương quan công bằng trong xã-hội. Mỗi một cá-nhân, thành-phần của xã-hội hưởng được sự công bằng sẽ có một nhãn quan mới hợp với luân-lý hơn. Sự giáo dục luân-lý và việc đạt tới hạnh-phúc của cá-nhân đạt được qua sự thay đổi toàn bộ của xã-hội. Cá-nhân không còn đời sống riêng biệt, người ấy chỉ có sự sống như là một phần-tử của bộ máy xã-hội. Có cả đống những câu nói của Lénine và Staline về "con người-bộ phận". Con người là một bù-lon của bộ máy xây dựng cộng-sản chủ-nghĩa.
M. - Như vậy theo ba việc gì sẽ tới vào cuối thế-kỷ thứ XX? Chúng ta đang ở trong tình-trạng thế nào, nếu không bị coi là con ốc vít, không phải là bù-lon?
J.F. - Bây giờ, những tôn-giáo không còn được mấy người theo. Đức giáo-hoàng có thể có nhiều người tới dự lễ. Ngài viết nhiều sách về nhiều đề tài. Người ta kính trọng rất nhiều hồng-y Lustiger, đức giám-mục Ba-lê, người ta tham khảo ông ta về nhiều vấn đề, dĩ nhiên ngoại trừ vấn-đề tôn-giáo. Lại nữa, các ông cha là người cộng sản sau cùng của chúng ta. Các nhà thờ thiên-chúa-giáo có rất nhiều người trí-thức có tiếng. Nhưng họ không tới nhà thờ để làm lễ và không còn áp dụng những lời dạy của Thiên chúa. Họ muốn là tín-đồ thiên chúa nhưng không phải theo những điều luật mà họ coi là phản tiến bộ. Chỉ còn rất ít người muốn trở thành cha đạo. Ngày nay người ta không còn chối cãi được là hy-vọng về bên kia thế-giới không còn bù đáp được những khổ đau về xã-hội, thất-nghiệp, tuối trẻ mất hướng. Khộng còn những thầy tu để tụ tập các người trẻ ở vùng ngoại ô để nói với họ: nếu các con khôn ngoan, ta sẽ trừ bớt đi hai năm khổ sai. Chuyện ấy không còn công hiệu nữa; đã hết rồi.
M. - Như thế người ta có gì để cung cấp cho những người trẻ và các người già?
J.F. - Người ta tiếp tục tin-tưởng vào khoa-học và hy-vọng ở nó rất nhiều, trong phạm vi cải thiện vật chất, cải thiện về sức khoẻ. Nhưng một phần, người ta cũng nhận ra được những khía cạnh tiêu cực, ô nhiễm không khí, vũ khí hóa-học và vi-trùng, những độc hại khác không ngừng ngày một trầm trọng, tóm lại sự tàn phá môi sinh; và phần khác người ta cũng rõ là khoa-học không cung cấp hạnh-phúc cá-nhân. Trên căn-bản một thế-giới được thay đổi bởi khoa-học, có thể sống thoải mái hơn nhờ khoa-học mà chúng ta sống, nhưng vấn-đề của đời sống cá-nhân, định mệnh con người, thì cũng y nguyên như thời La mã. Hơn nữa, điều đáng quan tâm ở Pháp là sự thành công rực rỡ của bộ sách "Bouquins", đây là bộ in lại những bản văn cổ-điển và tân thời của Sénèque.
Sau cùng, lịch-sử của thế-kỷ XX là lịch-sử của sự xụp đổ hoàn-toàn của những thể chế lý-tưởng (ảo tưởng) xã-hội. Một cách đơn giản, người ta thấy là cách này không thành công. Nó chỉ đem lại những kết quả xấu xa. Những xã-hội này đã thất bại ngay trên kế-hoạch mà chúng muốn đem lại công bằng và hạnh-phúc cho mọi người, vì cuộc phiêu-lưu thất bại hiển nhiên về vật chất. Mức sống tại các nước cộng-sản thì mười tới mười hai lần thấp kém hơn ở các xã-hội tư-bản, và những bất công dù được che dấu, thì trầm trọng hơn. Nó đã thất bại trên phương diện luân-lý, trên phương diện tự-do con người và phương diện vật chất.
M. - Đó là điều mà George Orwell nói: "Tất cả mọi người thì bình đẳng, nhưng một số thì bình đẳng hơn những người khác".
J.F. - Đấy, đấy! Câu nói ở trong quyển Ferme des animeaux (Trang trại với các xúc vật) là câu nói để chế riễu những người lãnh-đạo cộng-sản có cuộc sống đầy đủ và tiện-nghi còn đại đa số thì không. Trong những xã-hội thối nát, luôn luôn có một nhóm giả đạo đức sống trong xa hoa.
M. - Thí-dụ tại Tây-tạng, những người cầm quyền di chuyển tới lui qua các khu nghèo khổ, trong những chiếc xe chạy trên mọi loại đường (tout-terrain) mà các người Tây-tạng gán cho chúng là "những hoàng tử của sa mạc". Giá một chiếc xe loại ấy thì đủ để xây năm trường học ở các làng.
J.F. - Đó là chuyện thông thường ở trong các nước cộng-sản. Nhưng ngoài những chi tiết đáng buồn ấy, không ai còn nghi ngờ về ý-nghĩ rằng người ta có thể xây dưng một xã-hội hoàn toàn từ dưới lên trên, điều này đã được chứng-minh bằng sự ngập tràn máu xương bởi lịch-sử của thế-kỷ thứ XX. Như thế còn lại điều gì? Trở về những sự khôn ngoan xưa cũ. Điều này cắt nghĩa, như đã được đề cập tới trong cuộc đối thoại của chúng ta, về sự thành công của những sách của các triết-gia trẻ tuổi, trở về một cách khiêm tốn những nguyên-tắc sống, đây là chuyện mọi người cười nhạo lối bốn mươi năm về trước.
M. - Sau cùng, chúng ta có vẻ đồng ý về việc cần một ý-nghĩa của sự sống, đó không phải chỉ là sự cải thiện những điều kiện vật chất, vì chúng ta không phải là những cái máy; đó cũng không phải chỉ là những cách cư sử, vì cái bề mặt không thôi cũng không đủ, nhưng cần một sự thay đổi của con người bằng sự khôn ngoan.
J.F. - Không hẳn như thế. Ba nghĩ rằng tất cả những sự khôn ngoan mà chúng ta đề cập để làm cho đời sống dễ chịu hơn, đều có những giới hạn. Giới hạn to lớn nhất là sự chết. Ba nghĩ là cần phải phân biệt trong số những sự khôn ngoan ấy, những chủ-thuyết tin vào bên kia bờ sinh tử, về một cái gì sau khi chết, một hình thức vĩnh cửu, và những chủ-thuyết đi ra ngoài nguyên tắc này, nghĩa là sự chết là hết, không có sự sống sau khi chết. Đối với ba, ba tin ở chuyện thứ hai. Trong khuôn khổ này, sự tìm kiếm về các sự khôn ngoan chỉ là những việc dễ sụp đổ và tạm thời, được thực hiện trong cuộc đời hiện tại này, kiếp duy nhất mà người ta biết, và coi là thực, không có hy vọng về một giái đáp từ trên cao. Việc đó lôi chúng ta về sự phân biệt căn bản giữa những chủ thuyết về sự khôn ngoan hay những sự nghiên cứu về ý-nghĩa của đời sống có tính cách thế-tục và loại có tính cách tôn-giáo.
M. - Sự phân biệt ấy theo con thì không phải là điều căn bản như ba nói. Ngay khi chấp nhận rằng có một chuỗi những hình thức sống trước và sau đời sống này, những hình thức sống ấy đều có cùng đặc tính như đời sống hiện tại của chúng ta. Như thế, nếu ta tìm thấy một sự khôn ngoan đem lại ý-nghĩa cho đời sống hiện tại thì nó cũng đem lại ý-nghĩa cho các đời sống tương lai. Như thế, sự hiểu biết, sự chứng ngộ tâm-linh áp dụng cho mỗi giây phút của đời sống, dù dài hay ngắn, một hay nhiều. Nếu ta tìm kiếm được ý-nghĩa cho đời sống, thì không cần phải đợi đến lúc chết mới hưởng.
J.F. - Ba thì nghĩ rằng vấn-đề của sự khôn ngoan là hôm nay, ngay đây và bây giờ. Trong mỗi trường hợp, ba phải cư sử theo những nguyên-tắc mà ba đã áp dụng, dựa theo kinh-nghiệm, sự xuy xét, những điều mà ba đã học từ những ý-thức lớn, như là những điều hữu hiệu nhất trong chiều hướng đó. Nhưng ba nghĩ rằng có một sự khác biệt to lớn giữa thái độ ấy và việc nghĩ rằng có thể kéo dài kiếp sống của mình trong các đời sống tương lai. Điều đó hàm chứa một vũ trụ quan khác.
M. - Đúng vậy, nhưng sẽ là một sự sai lầm nếu nói: "Bây giờ thì tôi không sung sướng, nhưng không quan trong, vì tôi sẽ sung sướng trong kiếp kế tiếp". Việc đạt tới sự chứng ngộ tâm-linh có ảnh hưởng vang dội quan-trọng hơn là sự nghĩ tới việc hưởng lâu hơn những điều tốt lành về khôn ngoan đối với bản thân và những người chung quanh, về những trạng thái sống khác nhau, chớ không phải chỉ là những năm tháng còn lại của đời người. Tuy nhiên, về phẩm chất thì cũng giống nhau. Hãy lấy thí dụ những người biết mình bị mắc bệnh trầm trọng: thông thường, họ không mất sự can đảm, họ tìm thấy ý-nghĩa hoàn toàn khác về sự hiện hữu. Việc gán một ý-nghĩa cho đời sống bởi sự hiểu biết, bởi sự thay đổi nội tâm, là một thành đạt vượt khỏi thời gian, có giá-trị trong hiện tại và ở tương lai, dù dưới hình thức nào.
J.F. - Những điều mà con nói thì chắc là đúng với Phật-giáo, đó là một tôn-giáo chỉ xây dựng trên hy-vọng ở bên kia bờ sinh tử. Nhưng một người bà-la-môn chỉ sống với ý-nghĩ là sẽ lên thiên đàng nếu sống theo những luật thiêng liêng. Cũng thế đối với các người theo định nghĩa thiên-chúa-giáo, công giáo hay tin lành! Việc tin vào sự bất tử của linh-hồn, cắt nghĩa một phần lớn những luật lệ của sự khôn ngoan của Socrate. Sau cùng, theo chủ-thuyết Socrate và Platon, có những sắc thái đặc-biệt vì dựa trên một nền siêu-hình mà theo đó thế-giới mà chúng ta sinh sống chỉ là ảo tưởng, nhưng có một thế-giới khác mà từ bây giờ chúng ta có thể đạt tới được bằng sự khôn ngoan triết-lý, triết-lý quán tưởng, triết lý -- théôria theo nguyên nghĩa là "nhìn ngắm", hành vi thấy --, khi đó sự bất tử của linh-hồn được chứng minh, chúng ta có thể sau cùng hưởng được sự an lạc. Như thế thì rất khác với hình thức khôn ngoan được xây dựng trên sự chấp nhận ý-nghĩ về sự chết.
M. - Nhưng ba có tin là có một sự khôn ngoan, một sự hiểu biết, có giá-trị cho hiện tại và cả tương lai? Một sự thật không bị hao mòn nếu ta chỉ xét về kiếp sống hiện tại, hay đi tới cực đoan, là chỉ xét về giây phút hiện tại? Con nghĩ rằng sự hiểu biết về bản thể của một chúng sinh, bản thể của ý-thức, của sự ngu si và sự hiểu biết, những nguyên nhân của khổ đau và hạnh-phúc có một giá-trị bây giờ và mãi mãi. Theo ba thì sự khôn ngoan nào có thể gán một ý-nghĩa về đời sống vượt ra ngoài những gì tạm thời?
J.F. - Có những sự khôn ngoan có thể bàn cãi vừa về một khái niệm siêu-hình của đời sống ở tương lai, và vừa về giả-thiết rằng đời sống hiện tại là đời sống duy nhất mà chúng ta có. Một phần của Phật-giáo phù hợp với một phần của sự khôn ngoan này. Phái khắc kỷ là một thí-dụ khác. Phái này được xây dựng trên một lý-thuyết vũ-trụ vĩnh viễn trở lại, một viễn khải về vũ-trụ. Nhưng những nhà khắc-kỷ trong sự khôn ngoan của họ, phân biệt nhóm mà họ gọi là khắc-kỷ tinh hoa (stoicisme ésotérique), chỉ có một số nhỏ ý-thức là có thể đạt tới trình độ này, những người có thể làm chủ được sự hiểu biết về vũ-trụ và sự hiểu biết về vật-lý, và khắc-kỷ phổ-thông (stoicisme exoterique) là một loại cẩm nang, ba nói không phải với sự chê bai, đó là một quyển sách dạy về cách hành sử ở đời. Quyển Manuel (Cẩm nang) của Epictète chẳng hạn, là một trình bày thực dụng về các đức tính nên áp dụng, dành cho những người không thể theo đuổi cho tới cùng việc học xâu rộng về tổng thể vũ-trụ. Như thế có sự phân biệt giữa hai trình-độ. Chủ thuyết ấy phải gồm một phần quan trọng về những nguyên tắc áp dụng vượt ra ngoài giả thiết về sự bất tử để có thể có được hai phần việc mà con đã nói.
M. - Sự phân biệt giữa tinh-hoa và phổ-thông có trong mọi tập tục, Phật-giáo cũng thế. Nó đáp ứng cho các nhu cầu, khát vọng và khả năng khác nhau của mọi người. Nhưng ba nói rằng ở cuối thế-kỷ thứ XX này, ở Tây-phương, người ta bắt đầu trở lại việc đặt vấn đề về các sự khôn ngoan. Làm sao có thể định-nghĩa được sự khôn ngoan có thể đem đến sự đầy đủ cho mỗi người?
J.F. - Ba không tin vào sự bất tử của linh-hồn, ba nghĩ rằng không thể đạt tới sự đầy đủ nào. Ba nghĩ rằng tất cả mọi người hiểu rằng mình sẽ chết, không tin ở bên kia bờ sinh tử, thì không thể cảm nhận được cảm giác của sự đầy đủ. Họ có thể cảm thấy một cách tương đối về những mục-tiêu tạm thời, dù chúng không loại trừ một sự nẩy nở (về cảm giác). Nhưng ba nghĩ rằng không có giải đáp hoàn toàn cho ý-nghĩa của đời sống, ngoài những giải đáp to lớn xuyên xuốt, của tôn-giáo, bán tôn-giáo hay chính-trị. Các người lý-tưởng xây dựng chủ-nghĩa xã-hội nói: "Tôi, tôi sẽ chết, nhưng tôi chết cho một mục-đích cao cả. Sau tôi là một thế-giới kỳ diệu". Đó là một hình thức bất tử.
M. - Ba có tin vào sự xuyên xuốt, được định-nghĩa như một sự hiểu biết cùng tột về bản thể của các sự vật, có thể được cảm nhận hay đạt tới được trong hiện tại này?
J.F. - Không.
M. - Tại sao?
J.F. - Vì sự xuyên xuốt, theo định-nghĩa, là sự sống không giới hạn, còn tiếp tục sống sau khi chết theo nghĩa về vật-lý, hay chết theo nghĩa sinh vật-học.
M. - Sự hiểu biết về bản thể của ý-thức chẳng hạn, là sự hiểu biết cùng tột, vì ý-thức có kinh-nghiệm với thế-giới các hiện tượng, trong mọi trạng thái sống, hiện tại và tương lai.
J.F. - Chúng ta trở lại vấn đề hạnh-phúc bằng khoa-học!
M. - Bằng khoa-học, nếu khoa-học ấy đặt trọng tâm vào sự hiểu biết về chúng sinh. Ba không nghĩ rằng sự hiểu biết bản thể cùng tột của ý-thức là một hình thức nội tại sao?
J.F. - Không...Ba nghĩ rằng giải đáp ấy tùy thuộc vào thái độ của mỗi người, tùy vào sự lựa chọn cá-nhân. Ba không nghĩ là người ta có thể nói rằng đó là một giải đáp có thể áp đặt cho mọi người. Lúc nào cũng có một sự nhấn mạnh, khi thì với ý-nghĩ rằng người ta chỉ là một chặng trên một sự liên tục được kéo dài sau khi chết, khi thì với ý-nghĩ là sẽ không còn gì sau khi chết. Người ta gán cho Malreaux một câu mà ba luôn luôn thấy vô lý: " Thế-kỷ XXI sẽ thiên về tôn-giáo hay sẽ không!" Dù thế nào đi nữa, thế-kỷ thứ XXI sẽ thiên về tôn-giáo.
M. - Ông ta có nói "tâm-linh" mà không phải "tôn-giáo" chăng?
J.F. - Tâm-linh thì ít sai lầm hơn, nhưng hơi không rõ ràng. Sự tìm kiếm về tâm linh không xuyên xuốt không phải là một hướng đi mạch lạc. Có hai loại khôn ngoan. Một lần nữa, loại thứ nhất được xây dựng trên điều xác quyết rằng người ta thuộc về một luồng năng lượng mà đời sống hiện tại chỉ là một chặng; và loại kia mà ba gọi là sự khôn ngoan về tự chế, không hẳn là một sự khôn ngoan của buồn rầu, nhưng được xây dựng trái lại: tình cảm của đời sống hiện tại là điều duy nhất. Đó là sự khôn ngoan chịu đựng, đặt trọng tâm vào việc xây dựng đời sống hiện tại, bằng những phương tiện ít phi lý, ít bất công, ít phản luân-lý, nhưng tuy thế luôn luôn rõ ràng đây chỉ là một kiếp sống tạm thời.
M. - Những hiện tượng thì có bản chất tạm thời, nhưng sự hiểu biết về bản thể của của chúng thì không thể lay chuyển được. Người ta có thể đạt tới sự khôn ngoan, sự đầy đủ và sự điềm tĩnh sinh ra do sự hiểu biết, hay từ điều người ta có thể gọi là sự ngộ đạo. Con nghĩ rằng một khi người ta khám phá được bản thể cùng cực của ý-thức, thì sự khám phá này vượt thời gian.Điều làm con chú ý nhất trong tiểu sử của các đạo sư lớn là họ đều nói rằng sự chết không làm thay đổi gì cả. Sự chết cũng như sự sinh trở lại không thay đổi sự chứng ngộ tâm-linh. Đức Phật cũng bảo vệ ý-niệm về sự liên tục của những đời sống kế tiếp, nhưng sự chứng ngộ thật sự về tâm linh thì xuyên xuốt sự sinh tử, đó là sự thật không lay chuyển được mà người ta muốn nhấn mạnh vào bên trong cho chính mình, một sự đầy đủ không còn tùy thuộc vào điều sẽ sảy ra.
J.F. - Thôi thế này! Giả thuyết của con thì lạc quan hơn của ba, để là vui các độc giả, ba để cho con có lời nói sau cùng...

| |

Chú thích: