Nhà sư và nhà triết-học

22 - Kết luận của nhà sư

Mathieu - Cái gì thì hữu ích đối với con người? khoa-học? tâm-linh? tiền bạc? quyền-hành? các thú vui? Để trả lời, cần phải tự hỏi những khát vọng của con người là gì, mục-đích của đời sống là gì? Phật-giáo xác-nhận: đó là sự tìm kiếm hạnh-phúc. Không nên để cho bị sai lầm về vẻ đơn-giản của từ ngữ này. Hạnh-phúc ở đây không phải là một cảm giác. Đó là sự đầy đủ được sinh ra khi ta gán cho cuộc đời một ý-nghĩa và ta sống đúng theo, thích hợp với bản thể sâu thẳm của ta. Hạnh-phúc là tình cảm có được khi ta hiểu được là mình đang thực hiện, trong đời sống này, những khả năng (thành phật) có sẵn nơi mỗi chúng ta, và hiểu đuợc bản-thể cùng cực của ý-thức của chúng ta. Đối với một người biết cho đời sống của mình một ý-nghĩa, mỗi giây phút cũng giống như một mũi tên đang bay tới đích. Với người không biết cho cuộc đời của mình một ý-nghĩa thì sẽ cảm thấy chán nản và bất lực có thể tận cùng bằng sự thất bại cùng tận là tự-tử.
Hạnh-phúc có hàm chứa sự hiểu biết. Không có sự hiểu biết thì không thể biết được nguyên-nhân chính của những gì chúng ta cảm nhận là khổ đau, và hiểu được sự thất vọng ngự trị tâm-hồn ta. Sự thất vọng cũng đến từ việc không có khả năng để thắng được những chất độc của trí não -- lòng thù hận, lòng ghen ghét, sự quyến luyến, sự tham lam, sự kiêu ngạo -- sinh ra từ quan niệm vị kỷ về thế-giới, về sự quyến luyến với ý-niệm "tôi", mạnh mẽ nơi ta.
Thành phần chính yếu của hạnh-phúc gồm trong ba đức tính: lòng vị tha, lòng thương và lòng bác ái. Làm sao ta có thể được hạnh-phúc khi các người chung quanh ta bị đau khổ không ngừng? Hơn nữa, dù nó có tới, hạnh-phúc của chúng ta cũng bị gắn chặt với hạnh-phúc của các người khác.
Sau nhiều thế-kỷ không hiểu biết gì về nhau, trong hai chục năm gần đây, đã có sự đối thoại thực sự giữa Phật-giáo và những dòng suy nghĩ chính của Tây-phương. Phật-giáo chỉ lấy vị trí của nó trong lịch-sử về triết-học và khoa-học (mà đáng lẽ nó đã phải có từ lâu). Nhưng dù nó có lý-thú thế nào đi nữa, thì cũng cần nhớ rằng nó đã có một lý-thuyết về nguyên-tử còn chi tiết và mạch lạc hơn cả lý-thuyết của Démocrite, ngay trong thời kỳ nó xuất hiện; và không phải chỉ bàn tới vài triết-thuyết về sự hiểu biết. Phật-giáo đề nghị một khoa-học về ý-thức khoa-học về quán-tưởng mà hơn bao giờ hết sẽ không ngừng vì nó đề cập tới những cơ năng căn bản của hạnh-phúc và khổ đau.
Tại sao lại là khoa-học quán-tưởng? Việc xoa dịu những sự khổ đau bằng phương tiện vật chất không đủ sao? Những điều kiện mà thế-giới bên ngoài cung ứng cho chúng ta thì thuận lợi về tiên nghi, sức khoẻ, sự sống lâu, và ngay cả sự hiện hữu của chúng ta nữa. Những phương tiện và những phương thuốc tác động lên những điều kiện bên ngoài góp phần quan-trọng đem lại một phần nào của hạnh-phúc. Nhưng tất cả những thứ đó không thể đem lại cho chúng ta sự an bình bên trong. Ý-thức thủ vai chính trong sự thoả mãn hay không thoả mãn, hạnh-phúc hay khổ đau, tình cảm của sự đầy đủ hay của sự thất bại. Chính nó là người ở đằng sau mỗi kinh-nghiệm trong đời sống của chúng ta. Cũng chính nó xác-định viễn-ảnh của chúng ta về thế-giới. Ý-thức của chúng ta là cái cửa sổ mà qua đó chúng ta cảm nhận về thế-giới "của" chúng ta. Chỉ cần một sự thay đổi nhỏ nhoi sảy đến ý-thức của chúng ta về cách chúng ta cảm nhận người và sự vật là cả thế-giới có thể bị đảo lộn.
Tất cả mọi sự kỳ lạ trên đường đi tới của đạo Phật, cũng như tất cả các truyền thống tinh-thần khác, đều nhằm mục-đích giúp chúng ta làm những con người xưng đáng hơn. Khoa-học không có ý-định, và cũng không có phương cách để đạt tới mục-đích đó. Việc đầu tiên nó nhắm vào, là làm sáng tỏ bản thể của các hiện-tượng trông thấy được, rồi dùng sự hiểu biết này để khám phá thêm. Khoa-học có khả năng cải thiện đời sống của chúng ta: Nếu ta bị lạnh, nó sưởi ấm ta, nếu ta bị bệnh, nó chữa cho ta lành. Điều lý-tưởng sẽ là sống nhiều trăm năm trong trạng thái khoẻ mạnh. Nhưng dù chỉ sống có ba mươi năm, phẩm chất về đời sống của chúng ta cũng không khác. Cách sống duy nhất của một đời sống phẩm hạnh, là cho nó một ý-nghĩa.
Không nên chờ đợi cho tới khi đạo Phật được thịnh hành ở Tây-phương như là nó đã được thịnh hành tại Đông-phương, đặc biệt là dưới hình thức những tu-sĩ và ẩn-sĩ, nhưng hình như nó có những phương tiện cần thiết giúp cho chúng ta đạt được sự bình an nội tâm nơi mỗi chúng ta. Không cần phải lập nên một "Phật-giáo tây-phương", với những sự nhượng bộ về các sự ham muốn cá-nhân, nhưng là dùng những sự thật căn bản của Phật-giáo để gia tăng khả năng đạt tới toàn hảo có sẵn nơi mỗi chúng ta.
Khi chúng ta dấn bước trên con đường tâm linh, điều chính yếu là kiểm chứng được sau những năm tháng, thấy chúng ta được giải-phóng khỏi lòng thù hận, sự ham mê quyền lực, lòng kiêu ngạo, lòng ghen ghét và hơn hết lòng vị kỷ mà nguyên nhân là sự ngu si. Đó là những kết quả có thể áp dụng dễ dàng. Sự tu tập dẫn đến điều đó xứng đáng được gọi là khoa-học, theo nghĩa "sự hiểu biết", một sự hiếu biết xa hẳn điều gọi là hiểu biết vô dụng, nhưng là một sự khôn ngoan thật sự.
Tôi phải thú thật rằng lúc đầu tôi rất ngạc nhiên về sự quan-tâm của Tây-phương đối với Phật-giáo vào giây phút này, và khi ý nghĩ làm cuộc đối thoại này, tôi không nghĩ là một người có đầu óc suy-nghĩ tự do tầm mức cỡ ba tôi lại muốn đàm đạo với một tu sĩ Phật-giáo, dù tu-sĩ ấy là con của ông ta. Ba tôi đã chấp thuận lời đề nghị với sự hăng say, và đã lựa chọn khung cảnh thanh tịnh núi non của xứ Népal để làm khung cảnh cho cuộc đối thoại của chúng tôi. Những nhân tố thuận lợi cho một cuộc đối thoại thật sự đã đầy đủ.
Trong cuộc đàm đạo, sự mong muốn của tôi là được chia sẻ và giải thích, phần của ba tôi là hiểu, phân-tích và so sánh. Đó là lý do tại sao nhà triết-học đã hỏi nhà sư nhiều như vậy. Người sau này chỉ hỏi lại triết gia đâu là ý nghĩa cuộc đời dưới nhãn quan của một nhà suy tư tây-phương đương thời, điều này dẫn dắt cuộc đàm thoại về miền nam nước Pháp.
Những sự kính mến của tôi đối với cha tôi không bao giờ suy giảm trong thời gian tôi lang thang cầu đạo. Tuy chúng tôi có đề cập tới thảm cảnh của Tây-tạng, chúng tôi không có thì giờ đào xâu sự việc trên bình diện ý-nghĩ. Việc đàm đạo là một niềm vui hỗ tương trong khi thảo luận về những nguyên-tắc đã cảm ứng nên đời sống của chúng ta và trực diện với chúng. Tuy thế, dù cuộc đối-thoại có sôi nổi đến thế nào cũng không thế thay thế cho sự yên-lặng của kinh-nghiệm cá-nhân, cần thiết trong việc hiểu rõ về bản thể của sự vật. Kinh-nghiệm là con đường. Như đức Phật thường nói: "Nó thúc đẩy mỗi người bước tới", để rồi một ngày kia người đưa tin trở thành tin tức.

|

Tài-liệu tham-khảo: