Nhà sư và nhà triết-học

Từ sự tìm-tòi khoa-học tới sự tìm kiếm tâm-linh

Jean-Francois (J-F): - Ba tưởng cần phải nhấn mạnh ở điểm, cả hai chúng ta đều không có ý nghĩ làm quyển sách này. Những nhà xuất-bản, họ biết về cuộc hành-trình tôn-giáo của con và liên lạc gia-đình của hai chúng ta, đã gợi ý rằng một cuộc đối-thoại giữa hai chúng ta là một điều thú-vị. Ba nhấn mạnh là khởi đầu:

Cuộc đàm luận của chúng ta là về một người có học-vấn như con, sau khi đã có một sự giáo-dục khoa-học Tây-phương ở mức độ rất cao, đã sau đó quay qua, hay cùng thời về một nền Triết-học, hay một tôn-giáo Đông-phương có tên là Phật-giáo. Con đã quay qua Phật-giáo không phải để tìm kiếm một sự bổ-túc, hay phụ giúp cho đời sống tinh-thần của một nếp sống theo những tiêu-chuẩn Tây-phương; nhưng là một sự từ bỏ hoàn toàn để theo đuổi việc tu-học đạo Phật.. Vậy câu hỏi đầu tiên là: Khi nào, và tại sao ý-định đó nảy sinh ra?
Mathieu (M): - Bước đường nghề-nghiệp khoa-học mà con đã theo là kết-quả của một sự hăng-say về sự khám-phá. Những điều con làm sau đó không phải là sự chối bỏ sự tìm tòi say mê khoa-học, nhưng là kết-quả của sự nhận-thức rằng khoa-học không thể giải-đảp cho câu hỏi căn-bản về sự hiện-hữu. Nói tóm tắt, khoa-học, dù rất thích thú, không đủ để trả lời cho con ý-nghĩa về cuộc đời của con. Con đã đi tới quyết-định coi sự tìm-tòi khoa-học, như con đã sống, là một sự sao lãng mất thì giờ trong các chi-tiết, và con không muốn mất cả cuộc đời cho việc ấy.
Song song vào đó, sự thay đổi xuất phát từ sự chú tâm càng ngày càng gia tăng về cuộc sống tinh-thần, "khoa suy-luận quán tưởng" (science contemplative). Khởi đầu, sự quan-tâm ấy chưa hiện rõ trong tâm trí con, vì con được hưởng một nền giáo-dục phi tôn-giáo, và con không theo Thiên-chúa-giáo. Tuy vậy, về bề ngoài, con cảm thấy một sự sợ hãi kính cẩn khi con bước vào thánh-đường, hay gặp một người tu-hành. Nhưng con hoàn-toàn mù tịt về tôn-giáo.
Con còn nhớ, có đọc những sách về những tập-tục tinh-thần, trong thuở niên thiếu. Những sách về Thiên-chúa giáo, Ấn-độ giáo, Hồi-giáo, nhưng một cách ngược đời là rất ít về Phật-giáo, vì vào thập niên 60, có rất ít sách dịch trung-thực về Phật-giáo. Vài quyển sách, và sách dịch có được lúc đó trình-bày một cách cẩu thả, theo sự nhận định về Phật-giáo hồi thế-kỷ trước: một triết lý về trống không, có nhiều sắc thái xa lánh thế-giới. Nhờ vào chú Jacques Yves Le Toumelin, chuyên về ngành hàng-hải của con, con khám-phá được những trước tác của nhà siêu-hình (metaphysicien) René Guénon. Những sự việc ấy, nuôi dưỡng một sự tò mò trí-tuệ về việc siêu-hình, dù sự tò mò ấy không đưa tới một điều gì cụ thể.

J.F. - Ba cắt ngang để con nói rõ hơn về những tác-phẩm của René Guénon. Có phải đó là một tác-giả Pháp, chuyên viết về vài triết-học Đông-phương? Ba có đọc tác phẩm của ông ta nhưng không còn nhớ rõ ràng.
M. - Ông ấy đã viết lối hai mươi tác phẩm về những truyền-thống siêu-hình Đông-phương, Tây-phương và về một sự đồng nhất căn-bản của tất cả mọi truyền-thống siêu-hình. Điều đáng chú ý là những tác phẩm như: "Orient et Occident", "La crise du mode moderne", và "L' homme et son devenir selon le Vedanta"; trong tác sau này ông ta cắt nghĩa về sự tiến-hóa của loài người cho tới khi nhận thức được sự tuyệt đối hay là "Phật tánh" trong mỗi người. Tất cả những điều ấy cũng chỉ là những hiểu biết trí-tuệ.
J.F. - Hiểu biết trí-tuệ theo nghĩa nào?
M. - Riêng đối với con, ngoài sự hài lòng một cách sâu đậm và mở rộng sự hiểu biết khi đọc những tác phẩm ấy, con không tìm thấy sự thay đổi nội tâm.
J.F. - Con đọc những tác phẩm ấy vào lúc mấy tuổi?
M. - Ồ... vào khoảng 15 tuổi. Con cũng đọc những điều ghi chép về cuộc đàm thoại với Ramana Maharshi, một hiền-triết Ấn-độ mà mọi người coi như đã đạt tới sự hiếu biết cùng tột về nội tâm, nguyên-lý bất nhị. Nhưng điều quyết định sự chú tâm của con về Phật-giáo là vào năm 1966...
J.F. - Khi ấy con được 20 tuổi.
M. - Lúc ấy con hãy còn ở phân-khoa Khoa-học, ngay khi sắp sửa vào viện Pasteur, con được xem những phim ảnh mà bạn của con là Arnaud Desjardins thực hiện về những thiền-sư lớn Tây-tạng đã phải chạy trốn sự xâm-lăng của Trung-Hoa, và đang tị-nạn trên mạn nam của rặng Hy-mã-lạp-sơn, từ Cachemire tới Bhoutan. Arnaud đã làm việc trong nhiều tháng, trong hai chuyến công-tác với một người cố-vấn và thông ngôn, để quay phim những thiền-sư này. Những phim ảnh này rất sống động. Trong thời gian này, bác-sĩ Leboyer cũng vừa về tới từ Darjeeling, nơi mà ông ta đã gặp vài thiền-sư. Lúc ấy con vừa thi xong một chứng-chỉ, và có một thới gian 6 tháng nghỉ hè, trước khi thực sự bắt đầu việc nghiên-cứu. Con nghĩ đến việc làm một cuộc du-hành. Đó là thời gian của những "Hippies", trên những chiếc xe Citroen 2 ngựa, hay bằng cách đi nhờ xe để qua Ấn-độ bằng ngả Thổ-nhĩ-kỳ, Iran, Afghanistan, và Pakistan. Khi ấy con cũng bị lôi kéo bởi môn võ-thuật và có ý định đi Nhật-Bản.
Nhưng khi nhìn thấy những hình ảnh mà Arnaud và Frédérick Leboyer thâu thập được, những lời của các bạn của hai người này, và những điều họ nói về những gì đã thấy ở rặng Hy-mã-lạp-sơn...làm con có ý định đi tới đó hơn là chỗ nào khác.

J.F. - Như vậy là những phim ảnh của Arnaud Desjardins là khởi đầu mọi chuyện.
M. - Có rầt nhiều phim "Le Message des Tibetains" (Bản tin của những người Tây-Tạng), "Hymalaya terre de sérénité" (comprenant "Les enfants de la Sagesse" et "Le Lac desYogis"), dài tất cả là 4 tiếng đồng hồ. Người ta có thể trông thấy một cách thỏa thích những thiền-sư vừa đến từ Tây-Tạng... hình dáng, cũng như lời nói của các vị này, cũng như cách thức dạy dỗ môn-sinh của các vị ấy. Đó là một bằng chứng sống động và gợi cảm.
J.F. - Các phim ấy có được chiếu trên đài truyền hình không?
M. - Có, chiếu nhiều lần kể từ năm 1966, và vừa mới đây được chuyển ra băng video 5. Đây là những phim tài liệu rất đặc biệt.
J.F. - Có phải những vị này đã chạy khỏi Tây-Tạng khi có cuộc Cách mạng văn-hoá đánh dấu một lần nữa sự gia tăng đàn áp của Trung-Hoa ở Tây-Tạng?
M. - Sự thật là những ai có thể trốn khỏi thì đã ra đi từ những năm 50 rồi. Ngay sau khi có sự bất hoà, Tây-Tạng đã cắt đứt liên-lạc ngoại-giao với Trung-Hoa trong khoảng 1915 và 1945. Tây-Tạng đã có một chính-phủ riêng có liên-lạc ngoại-giao với nhiều nước khác. Rồi thì Trung-Hoa bắt đầu xâm nhập Tây-Tạng. Những sĩ-quan Tàu viếng thăm nước này. Họ nói họ cảm thấy gần gũi văn-hoá và người dân Tây-Tạng. Họ còn làm cả việc dâng lễ-vật tại các thiền-viện. Họ còn hứa giúp đỡ những người Tây-Tạng cải thiện nếp sống. Nhưng vào năm 1949, họ đã xâm-lăng Tây-Tạng bằng vũ-lực quân-sự, bắt đầu bằng việc chiếm khu vực phía đông có tên Kham. Cuộc xâm-lăng được diễn ra một cách cuồng bạo, trải qua nhiều năm, để lộ rõ ý định chiếm cứ vùng trung-tâm Tây-Tạng, dành quyền kiểm soát lãnh thổ và quyền của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma. Vị này đã phải chạy qua Ấn-Độ vào năm 1959. Ngay sau đó biên-giới Tây-Tạng bị đóng, và sự đàn áp không nương tay được bắt đầu. Đàn ông, đàn bà, và trẻ con đều bị tống vào nhà tù, trại cải tạo. Hơn một triệu người Tây-Tạng -- một phần năm dân số-- đã bỏ mình vì các lý do như: đã bị hành-quyết, ngã gục vì không chịu nổi sự hành-hạ, sự đói-khát sau khi Trung-Hoa xâm-lăng nước này. Những mồ chôn tập thể tự làm đầy, cái nọ sau cái kia. Ngay cả trước khi có cuộc cách-mạng văn-hoá, sáu nghìn thiền-viện đã bị phá-hủy gần như hoàn toàn. Những thư-viện bị đốt cháy, các pho tượng bị vỡ nát, những thánh tích bị hủy-hoại.
J.F. - Con nói sao, sáu nghìn tu-viện?
M. - Người ta đã làm thống kê lại 6150, bị phá hủy. Nếu người ta nghĩ được rằng các thiền-viện là những cái nôi văn-hoá Tây-Tạng! Điều đó nhắc nhở tới Goering khi ông ta nói: "Khi tôi nghe tới chữ 'Văn-hoá' là tôi muốn rút súng ra". Một điều có một không hai trong lịch-sử loài người, có tới gần 20% dân Tây-Tạng là những nhà tu hành: thiền-sư, ni-sư, cư-sĩ sống nơi ẩn cư, các bậc thức-giả lo việc giảng dạy tại các thiền-viện. Một điều không thể chối cãi được là sự tu-tập về tâm-linh là mục-đích chính của đời sống tại Tây-Tạng, ngay cả những người có cuộc sống thế-tục đi nữa, thì việc làm hàng ngày dù có quan-trọng đến mấy đi nữa cũng là điều thứ yếu so với cuộc sống tâm-linh. Tất cả cuộc sống văn-hóa đều đặt trọng tâm trên cuộc sống tâm-linh. Như vậy, khi làm tê liệt những thiền viện, những trung tâm tu học, những nơi ẩn cư, thì chính là tàn phá linh-hồn, cỗi rễ của văn-hóa Tây-Tạng. Nhưng họ không thể phá-hủy được sức mạnh tinh-thần của người Tây-Tạng. Các người Trung-Hoa đã làm những việc như: cười cười nói nói, dùng tiền bạc, tuyên-truyền, tra-tấn, và hành-quyết để mong khuất phục người Tây-Tạng nhưng đều thất bại. Các người này vẫn tin-tưởng sẽ đạt được sự độc-lập cũng như bảo vệ cuộc sống văn-hóa của họ.
J.F. - Ba muốn trở lại chuyện của con... về những phim ảnh của Arnauld Desjardins. Con nói là chúng đã gây cho con một ấn-tượng xâu đậm. Con hãy phân-tách và nói rõ hơn.
M. - Con có cảm tưởng là được nhìn thấy những người tượng trưng cho các điều mà chính họ dạy dỗ... họ có cái phong thái rất đáng chú ý. Con chưa hiểu rõ vì sao, nhưng điều làm con chú ý là những thiền-sư này là biểu tượng của những vị thánh, những con người hoàn toàn, các hiền triết, một loại người mà ngày nay không còn tìm thấy ở Tây-phương. Đó là hình ảnh của thánh Francois d'Assise, hay những hiền-triết lớn của đời thượng cổ. Một hình ảnh đã chết trong con: con không thể gặp được Socrate, hay nghe lời giảng của Platon, hay ngồi dưới chân thánh Francois d'Assise! Trong khi đó, trước mặt con là những con người thực, hiện thân của các triết nhân. Và con tự nhủ: "Nếu có thể đạt được sư toàn hảo về mặt nhân sinh thì đây là con đường".
J.F. - Ba muốn nói rõ về điều con đặt ra trong phần con nhấn mạnh về những đặc điểm của triết-học đười thượng cổ, đó là điều tương hợp giữa lý-thuyết và thực-hành. Đối với nền triết-học đời thượng cổ, đó không phải là chỉ là một môn dạy về tinh-thần, một lý-thuyết, một cách trình bày về thế-giới hay về cuộc đời. Đó chính là sự sống. Triết-gia sống đúng như những điều ông ta quan-niệm, và dạy dỗ. Điều làm con chú tâm ở những thiền-sư Tây-Tạng cũng là một lối sống có nguồn gốc tại Tây-phương này. Đó là lý do mà các triết-gia đảm trách vai trò của bạn tâm giao, thầy giáo về tinh-thần, người hướng đạo, người chăm lo về luân-lý, người đồng hành cao cả của những nhân vật quan trọng cho tới cuối đế-quốc La-Mã; đặc biệt là vào thời của Marc Aurèle mà Renan gọi là "Triều đại của các triết-gia". Như vậy, đó là một nhãn quan đã có ở Tây-phương : không hài lòng về những điều mình dạy, mà chính mình phải là hiện thân của điều mình dạy bằng cuộc sống thực sự của mình. Tuy nói thế, nhưng về thực tế, điều ấy có đạt được tới sự toàn hảo, hay mong đợi lại là việc khác... Quan niệm về triết-lý như thế, trong nhiều trường hợp, cũng gắn liền với những khía cạnh tôn-giáo. Nền triết-lý thượng cổ ấy thường có khía cạnh của sự cứu rỗi sau cùng của kiếp người. Ta có thể tìm thấy ở những Epicurien (tuy rằng theo nghĩa hiện thời, chữ "Epicurien" gợi ý về một sự lãnh đạm với việc siêu-hình). Như vậy là có một sự cần thiết về hai sự kiện: sáng tạo ra một Triết-lý, và phải là hiện thân của triết-lý ấy bằng cuộc sống của chính bản thân. Trên phương diện triết-lý thì đã không có sự khác biệt vào thời thượng-cổ giữa Tây-phương và Đông-phương.
M. - Chính là sự việc ấy, nếu không quan tâm tới việc sáng tạo ra một triết-lý mới, thì các thiền-sư Tây-Tạng là những hiện thân trung thành của một tập-tục có từ nghìn năm. Dù thế nào đi nữa, đối với con, thì đó là một sự an-ủi rằng hiện vẫn còn một tập tục đẹp trong tầm tay mọi người. Sau khi đã làm một cuộc du-lịch bằng trí qua sách vở, nay con có một cuộc du-hành thực sự.
J.F. - Ba phải ngắt lời con... Con nói tập tục đẹp nào? Con hiểu gì về chủ thuyết này? Mình không thể chấp nhận một chủ thuyết đã có sẵn. Hơn nữa đó phải là một chủ thuyết có giá-trị!
M. - Khi đó con chưa có ý niệm gì về Phật-giáo, nhưng dù chỉ được coi các thiền-sư qua phim ảnh, việc ấy cũng gây một ấn tượng sâu xa trong con. Đó là một nguồn hy-vọng. Trái với nơi con sinh trưởng:
- Nhờ ba, con được gặp các triết-gia, các nhà tư tưởng, các nghệ-sĩ;
- Nhờ mẹ con, Yahne Le Toumelin một họa-sĩ, con gặp các nghệ-sĩ, thi-sĩ;
- Nhờ chú Jacques-Yves Le Toumelin, con gặp các nhà thám-hiểm nổi tiếng;
- Nhờ Francois Jacob, con gặp các bác-học tới viện Pasteur để thuyết-trình.
Như vậy là con đã được gặp các người đáng ghi nhớ, và dễ làm con say mê về họ. Tuy vậy, các vị thần-linh trong các lãnh vực họ theo đuổi không hoàn-toàn đi đôi với sự toàn hảo về con người. Tài năng của họ, hay khả-năng trong lãnh-vực chuyên-môn không làm họ thành người toàn-hảo. Một đại thi-sĩ có thể là một kẻ ăn cắp, một bác học không hạnh phúc với chính mình, một nghệ-sĩ đầy lòng kiêu ngạo. Mọi tổ hợp các tính tốt hay xấu đều có thể sảy ra.

J.F. - Ba nhớ là đã có thời con say mê âm-nhạc, thiên-văn, nghệ-thuật chụp ảnh, cầm điểu. Khi được 22 tuổi, con đã viết một quyển sách về sự di chuyển từng mùa của các động vật 6, và con cũng đã có thời say mê âm-nhạc.
M. - Vâng... con đã gặp Igor Stravinsky và những nhạc sĩ tên tuổi khác. Con có dịp được chen vai với những người được Tây-phương ngưỡng mộ, và có dịp tự hỏi: "Đó có phải là điều con mong muốn không? Con có muốn trở thành một người như họ không?" Mặc dù rất ngưỡng mộ, con vẫn chưa cảm thấy thỏa mãn, vì các vị thần thể hiện trong lãnh vực chuyên môn của các người này không đi đôi với con người toàn-hảo ngay trong các tính nết đơn giản như lòng vị tha, sự tử-tế, sự thành-thật. Trong khi đó, qua những phim ảnh con tìm thấy hơn thế nữa, nếp sống của các thiền-sư Tây-Tạng là hiện thân của những điều các vị ấy giảng dạy. Vì vậy con lên đường tìm kiếm.
Anh bạn của con là Christian Bruyat, khi đang chuẩn bị thi vào trường sư-phạm, cũng bị đánh thức khi nghe được đoạn cuối của một chương-trình phát thanh mà tóm lược là: "Tôi tin rằng những hiền-triết lớn sau cùng, hiện thân của cuộc sống tâm-linh ngày nay, là các thiền-sư Tây-Tạng đang tị nạn trên rặng Hy-Mã-Lạp-Sơn thuộc Ấn-Độ." Ngay khi ấy, anh ta cũng quyết-định cuộc du hành.
Thế là con đáp một chuyến máy bay loại rẻ tiền đi Ấn-Độ. Lúc ấy, con gần như không nói được một câu tiếng Anh! Ba đã khuyên con học tiếng Đức, tiếng Hy-Lạp, và tiếng La-tinh, những ngôn ngữ khó hơn tiếng Anh, tiếng này sẽ đến với con một cách tự nhiên. Điều này ba rất đúng... tạm thời con quên hết tiếng Đức và các ngôn ngữ khác! Con tới Delhi với một quyển tự-điển bỏ túi, một cẩm nang du-lịch, con phải vất vả lắm mới kiếm thấy đường, mua vé xe lửa đi Darjeeling để tới những đỉnh núi đẹp của rặng Hy-Mã-Lạp-Sơn. Con có địa chỉ của một cha thuộc dòng cứu-thế, mà bác-sĩ Leboyer đã gởi gấm một số tiền để giúp đỡ một thiền-sư lớn Tây-Tạng, Kangyour Rinpotché, vị này đã tới Ấn-Độ vài năm trước. Vị này sống rất đạm bạc với cả gia-đình trong một cái nhà nhỏ bằng gỗ, với tất cả sách vở mà ông ta đem theo được. Tình cờ, ngày hôm sau khi con tới, con của vị Lạt-ma này tới tu-viện để nhận số tiền ít ỏi hàng tháng. Người con của Lạt-ma Kangyour Rinpotché đã dẫn con về gia-đình. Con sống quanh quẩn bên thiền-sư trong ba tuần lễ...Đó là những giờ đáng nhớ... Đó là một ông già 70 tuổi mà vẻ hiền hòa như tỏa ra chung quanh, tựa lưng vào khung cửa sổ mà qua đó là một đại dương của mây được chọc thủng bởi ngọn Kanchenjungna vươn cao lên tới hơn tám nghìn thước. Con ngồi trước mặt vị này suốt ngày và làm điều mà nhiều người gọi là "ngồi thiền", nghĩa là cố tập-trung tư-tưởng trước sự có mặt của ông ta. Một vài khi con nhận được vài chữ chỉ bảo, gần như là không có dạy dỗ gì. Con ông ta nói tiếng Anh, con thì không. Chính là cá nhân, phong thái, sức mạnh, sự tinh khiết và lòng yêu thương tỏa rộng ra từ vị Lạt-ma đã mở mang trí tuệ con...
Sau đó, con tiếp tục cuộc du hành. Con tới Cachemire. Con bị bệnh thương-hàn tại Ấn-Độ, và con phải trở về... Khi đáp xuống phi-trường Damas, con tự nhủ sao không nhân dịp này xem luôn phong cảnh, vì vậy con đã tiếp tục bằng xe lửa. Con đã thấy mộ phần của thánh Ibn Arabi, Krakh des Chevaliers, những đền thờ hồi giáo ở Istanbul. Sau đó con tiếp tục cuộc hành-trình bằng cách đi nhờ xe tới tu-viện Tournus, nơi đó con ngồi thiền trong sự mát mẻ, yên tĩnh và không bị phiền rộn, trong khi ở bên ngoài, những người nghỉ phép tháng 8 trở về bị kẹt xe cộ trên đường. Sau đó, vì mệt mỏi, con đáp xe lửa về Ba-Lê. Tóm lại, một cuộc đảo lộn về thể xác và một khám phá lớn lao về nội tâm. Mãi một năm sau, khi con đang học năm đầu ở viện Pasteur, con mới nhận thức ra được tầm quan trọng của sự gặp gỡ với đạo-sư của con. Những đức tính của ông ta cứ lởn vởn trong đầu con. Con nhận thức được như có một điều gì làm cho cuộc đời của con có ý nghĩa tuy là chưa rõ ràng lắm.

J.F. - Như vậy ta có thể nói sự thay đổi quan trọng ấy --để khỏi phải dùng tiếng "cải đạo" một cách quá sớm-- không phải là một sự thấm nhuần về những tin tức về trí-tuệ, chủ-thuyết, triết-lý của những kinh sách Phật-giáo, nhưng chính là, và bắt đầu bằng một sự tiếp xúc cá nhân.
M. - Đúng như vậy. Sự học hỏi sau đó mới đến.
J.F. - Đó có phải là lúc có nhiều người trẻ tuổi Tây-phương, từ Âu-châu, từ Mỹ-châu đổ qua Ấn-Độ?
M. - Đó là một năm trước tháng 5, năm 1968. Họ tìm kiếm một cái gì khác, hút cần sa...Có người làm cuộc tìm kiếm tinh-thần, viếng thăm tu-viện Ấn-độ-giáo, người khác thì thám hiểm Hy-mã-lạp-sơn. Mọi người tìm kiếm một cái gì, chỗ này, chỗ kia, mọi nơi. Thông thường họ trao đổi các ý tưởng, các tin-tức: "Tôi đã gặp người này có tài đặc biệt tại nơi này... Tôi đã chứng kiến phong cảnh kỳ thú ở Sikkim.. Tôi đã gặp nhạc-sư nọ ở Bénarès, ông thầy về yoga ở phía nam Ấn-Độ", vân vân. Đó là thời mà họ đặt câu hỏi về mọi việc, họ tìm tòi, thám-hiểm, không phải trong sách vở mà trong thực-tế.
J.F. Vậy trong số những người Tây-phương ra đi tìm kiếm điều mới về tâm-linh, có nhóm quan trọng nào đi tới Darjeeling không?
M. - Vào khoảng thời gian đó thì rất ít. Chỉ độ vài chục vào những năm 60, và 70. Rồi theo dòng thời gian, sự chú tâm vào các thiền-sư Tây-Tạng và sự giảng dạy của họ tăng lên. Vào năm 1971, những thiền-sư Tây-tạng đầu tiên mới đi Âu-châu -- qua Pháp, qua Mỹ. Dần dà, hàng trăm, rồi hàng ngàn người Tây-phương theo học vác vị ấy. Có khá nhiều những người Tây-phương này trải qua nhiều năm trên rặng Hy-mã-lạp-sơn sống gần các đạo-sư của họ, hay tới đó một cách thường xuyên để gặp các vị này.
Để trở về với câu hỏi mà ba đạt ra trước đây, sự quan tâm của con không được đặt trên sự học tập về giáo-lý đạo Phật. Việc đó không sảy ra trong chuyến du hành đầu tiên, mà cũng không sảy ra trong hai ba chuyến đi sau đó. Con trở qua Ấn-Độ để gặp lại đạo-sư của con. Thật ra con có được dạy về những điều căn bản, nhưng không phải là sự dạy dỗ về giáo-lý đạo Phật. Thầy con còn nói: "Có rất nhiều điều thú vị trong Phật giáo, nhưng phải cố tránh đừng rơi vào phần lý thuyết hay kinh điển; vì có thể lãng quên việc tu luyện tâm-linh, mà đó mới chính là cỗi rễ của đạo Phật, con đường dẫn tới sự thay đổi nội tâm." Tuy nhiên, trước vị đạo-sư, con nhận ra bằng trực giác được sự tương quan giữa thầy trò: sự hòa nhập tâm trí của trò với tâm trí của thầy. Người ta gọi là "hoà đồng tâm trí với thầy"; tâm của thầy là "giác" ; tâm của trò là "vọng". Nhờ vào sự "hoà đồng tâm-linh" để đi từ vọng tới giác. Sự quán tưởng này là chìa khóa của sự tu học đạo Phật Tây-Tạng.

J.F. - Như vậy điều mà con gọi là giác, đó ... là bước đầu của một tôn-giáo.
M. - Không, đó là kết quả của sự thay đổi nội tâm. Trong Phật-giáo, giác là sự thấu hiểu được bản chất của sự vật chung quanh ta, của nội-tâm. Ta là ai? Thế-giới là gì? Đó là sự nhận thức cùng tột về sự thực tuyệt đối vượt ra ngoài mọi quan niệm đối đãi thông thường. Đó là sự biết căn-bản vi-tế nhất.
J.F. - Như vậy, đó là một vấn đề Triết-lý?
M. - Đúng thế.
J.F. - Cho tới khi có những phát-minh khoa-học, Môn Triết-học thời thượng cổ tự coi như biết tất cả, vì cho tới khi có sự hiểu biết về vật-lý cận-đại khoảng thế-kỷ 17, các triết-học bao gồm sự hiểu biết về thế-giới vật chất, về thế-giới của các sinh-vật, về vấn đề luân-lý, về con người hiện tại, cũng như sau khi chết, về một đấng tối cao dưới hình thức một con người như theo như Aristote, hay là Thiên-nhiên như những stoicien, hay như Spinoza. Chủ thuyết này đã được xem như không thể theo được. Chúng ta sẽ trở lại chuyện này sau.
Chữ "giác" hay sự hiểu biết còn có một khía cạnh khác tạm gọi là tinh thần Socrate. Theo Socrate, hiểu biết là hậu quả của khoa-học. Theo ông ta thì không có sự khôn ngoan xuất phát từ linh-tính. Tất cả đều từ sự hiểu biết (khoa-học). Sự khôn ngoan, và linh tính đều bắt nguồn từ khoa học. Theo như triết-học thời cổ, sự đạt được một hình thức khôn ngoan, và hạnh-phúc, hay điều mà người ta gọi là "sự tốt chúa tể" -- nghĩa là đạt tới sự thăng bằng hoàn toàn về những đức tính tốt đối với những tính khác cho hạnh phúc cá-nhân-- thì đều bắt nguồn từ khoa-học. Điều mà các triết gia thượng cổ coi là hiểu biết khoa-học có phải là điều con ngộ theo Phật-giáo không? Khi đạo-sư của con nói: ngộ là sự nhận ra được lý tính tuyệt-đối của mọi vật., ba có thể nói, điều ngộ ấy bao hàm phạm vi rất rộng! Vì nó gồm sự hiểu biết về tẩt cả mọi hiện tượng bên ngoài, về chính con, và về những việc siêu-hình.

M. - Phật-giáo chắc chắn bao gồm sự học về khoa-học truyền-thống, như là y-khoa, ngôn-ngữ, ngữ-pháp, thi văn, phép tính thiên-văn (đặc biệt là tính nhật, nguyệt thực), chiêm-tinh học, thủ công và nghệ-thuật.. Y-học Tây-Tạng đặt căn bản trên thực-vật và khoáng vật, đòi hỏi thời gian học-tập nhiều năm; theo lời đồn, các nhà giải phẫu Tây-Tạng đã chữa cho một bệnh nhân bị màng ở mắt bằng một con dao làm bằng vàng, tuy rằng những việc ấy ngày nay đã chìm vào quên lãng. Nhưng khoa-học "chính-yếu", đó là sự biết về cái ta, và về vũ-trụ; câu hỏi chính-yếu là: "Thực chất của vũ-trụ, của sự suy-nghĩ là gì?", và trên phương-diện thực-hành: "Đâu là chìa khóa của hạnh-phúc và của khổ-đau? Sự khổ-đau từ đâu ra? Sự ngu-dốt, vọng, là gì? Sự chứng ngộ tâm-linh là gì? Sự toàn-hảo là gì?" Những loại khám phá về các điều ấy mà ta gọi là sự hiểu biết.
J.F. - Sự thôi thúc đầu tiên có phải là thoát khỏi khổ đau?
M. - Sự khổ đau bắt nguồn từ sự ngu dốt. Cần phải xoá bỏ sự ngu dốt. Và sự ngu tối đó, thực ra là sự quyến luyến cái "tôi", và việc coi các hiện tượng là cố định. Xoa dịu các khổ đau của chúng sinh, các người quanh ta, là một bổn phận, nhưng điều đó chưa đủ: cần phải xóa bỏ căn nguyên của sự ngu dốt, vọng tâm. Tất cả những điều đó chưa rõ ràng đối với con lúc đó. Con tự nhủ: "Không có lửa làm sao có khói; khi con trông thấy đạo-sư của con, phong thái bên ngoài, khi ông ấy nói, lúc cư sử, tự tại... tất cả các điều ấy tạo trong con một quyết đoán nội tâm là nơi đạo sư của con có điều gì căn-bản mà con cần thâm cứu. Ông ấy là nguồn cảm hứng của con, một sự chắc chắn, một sự toàn hảo mà con muốn đắm mình trong đó." Con chỉ định cư tại Ấn-Độ sau khi đã làm năm hay sáu chuyến du-hành qua đó. Con cũng nhận ra một điều là khi con ở gần đạo-sư của con, con có thể quên viện Pasteur, nơi tượng trưng cho cuộc sống của con ở châu Âu, một cách dễ dàng; trái lại khi con ở viện Pasteur, tâm trí của con cứ bay về phía Hy-mã-lạp-sơn. Con đã lấy một quyết định mà con không hối tiếc: sống tại nơi con cảm thấy thoải mái!
Sau khi con trình luận-án thì giáo-sư Jacob định gởi con qua Hoa-Kỳ để làm việc về một cuộc nghiên cứu mới; việc đó đã thuộc về quá khứ, vào lúc ấy là nghiên cứu về tế bào của các vi-khuẩn, đó là một ngành nghiên cứu đang mở rộng làm thay đổi hẳn môn tế-bào sinh-vật-học. Con tự nhủ là con đã hoàn tất một chương (về cuộc đời con): con đã xuất-bản những bài khảo-luận liên quan đến 5 năm làm việc của con; con không phí phạm những sự đầu-tư của gia-đình vào việc học của con, cũng như của giáo-sư Jacob, người đã nhận con vào viện Pasteur...Nhìn theo cách nào thì đó cũng là bước ngoặt về sự tìm kiếm của con...Con có thể lựa chọn một con đường khác mà không làm đổ vỡ, hay gây thất vọng cho những người đã giúp con tới lúc trình luận-án tiến-sĩ. Bây giờ con có thể thực hiện những hoài bão cá-nhân một cách thanh thản. Hơn nữa đạo-sư Kangyour Rinpotché, luôn luôn bảo con chấm dứt việc học mà con đã theo từ trước. Con cũng không làm việc vội vàng; con đã chờ đợi nhiều năm, từ 1967 tới 1972, trước khi quyết định cư-trú tại rặng Hy-mã-lạp-sơn. Chính đó là lúc con thông báo cho giáo-sư Jacob, và ba về quyết định đi tới rặng Hy-mã-lạp-sơn, chớ không đi Mỹ. Con cũng nhận ra đó là việc con muốn làm, và điều tốt nhất là bắt đầu ngay, chớ không đợi đến năm 50 tuổi rồi hối hận đã không lựa chọn con đường này.

J.F. - Nhưng con không thấy hai con đường đó có chỗ nào dung hợp nhau sao?
M. - Không có sự đối nghịch căn bản giữa khoa-học và đời sống tâm-linh, nhưng với con điều sau quan-trọng hơn. Về phương diện thực tế, ta không thể ngồi giữa hai cái ghế, hay khâu vá với cái kim có hai đầu. Con không muốn phải chia sẻ thời giờ, mà muốn dành trọn vẹn thời gian cho công việc mà con coi là quan-trọng. Về sau, con nhận ra rằng những căn bản khoa-học, đặc biệt với sự chính xác, thì hoàn toàn thích hợp với vấn đề siêu-hình và việc tu-học đạo Phật. Hơn nữa, đối với con, việc quán tưởng thực là một khoa-học về trí-tuệ, với những giả-thuyết, những phương thức trong khi làm việc, và những kết quả. Nó đòi hỏi một sự thay đổi thực sự, chớ không phải việc mơ mộng, hay hưởng nhàn. Và trong suốt 25 năm sau, con không bao giờ lơi là việc áp dụng tinh-thần khoa-học mà con được biết, đó là sự tìm kiếm sự-thật.
J.F. - Tốt... ba hài lòng thấy con đã áp-dụng những tiêu-chuẩn cặn kẽ trong việc khảo cứu triết-lý, lịch-sử, cùng các kinh sách Phật-giáo, vân vân...Nhưng việc nghiên-cứu về tế-bào sinh-vật-học trong suốt 30 năm qua là một khu vực có nhiều khám phá về khoa-học. Con đã không tham dự được. Con đã có thể tham dự!
M. - Môn sinh-vật-học vẫn tiến-triển được mà không cần con. Trên trái đất này còn rất nhiều người. Câu hỏi thật sự là làm sao thiết lập một thang về những ưu-tiên trong cuộc đời con. Con có cảm tưởng mỗi lúc một lớn về việc tận dụng khả-năng của con, không được để lãng phí. Đối với con, khối lượng kiến-thức khoa-học đang trở thành "một đóng góp to lớn cho một ưu tiên nhỏ".
J.F. - Việc con làm là thâm cứu về một chủ-thuyết đã có từ nhiều thế-kỷ, chớ không đem lại được một điều gì mới mẻ, nếu con chọn con đường tế-bào sinh-vật-học. Ba không nói là phải có một sự khám-phá mới mẻ để thành-công ở đời. Ở trình độ học-vấn của con, việc con trình luận-án là một sự tận cùng, nhưng cũng là một khởi đầu cho những khảo-cứu quan-trọng về sau. Con có trong tay, tất cả những gì cần thiết để tham-gia vào một cuộc phiêu-lưu khoa-học lạ lùng của lịch-sử loài người, mà những khám-phá gần đây là bằng chứng.
M. - Con xin lưu ý là trong Phật-giáo, công việc tìm kiếm để dẫn tới sự thay đổi nhận-thức về tâm-linh là một việc sống động, chớ không phải là việc phủi bụi một triết-lý cổ xưa. Một truyền-thống siêu-hình như Phật-giáo không "già", vì nó trả lời cho câu hỏi căn bản nhất về đời sống. Theo dòng thời-gian, những lý-thuyết về khoa-học thường trở nên lỗi thời, và được thay thế bằng một lý-thuyết khác.
J.F. - Đúng thế, nhưng chúng được thay thế bằng những lý-thuyết khác vì những lý do tốt:, vì sự hiểu biết gia-tăng, vì ta tìm thấy những dữ-kiện mới, vì sự thử-nghiệm đánh đổ giả-thuyết.
M. - Môn sinh-vật-học, và môn vật-lý quả có đem lại những hiểu biết về nguồn gốc của đời sống, và sự hình thành của vũ trụ. Nhưng những hiểu biết ấy đâu có thể nào làm sáng tỏ nguyên nhân của hạnh-phúc và sự khổ đau? Ta không nên quên mục tiêu mình nhắm tới. Việc biết chính xác hình dáng và kích thước của quả đất là điều không thể chối cãi, nhưng sự việc quả đất tròn hay phẳng không thay đổi gì ý nghĩa của đời sống. Những tiến-bộ về y-khoa chỉ có thể làm dịu sự đau khổ, nhưng rồi nó sẽ trở lại và tận cùng với cao điểm là cái chết. Người ta có thể ngừng một cuộc tranh chấp, một cuộc chiến-tranh; nhưng những cái khác sẽ sảy tới, nếu như lòng người không thay đổi. Thay vào đó, có cách nào tìm thấy sự an-bình nội tâm mà không phụ thuộc vào sức-khoẻ, quyền-lực, sự thành-công, tiền-bạc, những thú vui thể-xác; một sự bình lặng bên trong làm nguồn gốc cho sự bình lặng bên ngoài?
J.F. - Ba hiểu điều ấy, nhưng ba không thấy vì sao hai hướng đó lại phải đối nghịch nhau. Môn sinh-vật-học, khoa-học, đặc biệt là môn tế-bào sinh-vật-học, giúp chữa trị các bệnh tật, như thế là làm giảm sự khổ đau của nhân-loại. Và sự hài-lòng của trí tuệ về một khám phá là một sự hài lòng vô vị lợi. Con có khi nào nghĩ đến việc hợp nhất hai hướng đi của con?
M. - Phật-giáo không đối nghịch với khoa-học. Nó coi khoa-học là một tầm nhìn quan-trọng nhưng chỉ là một phần nhỏ của sự hiểu biết. Vì thế con cảm thấy không cần phải coi cả hai có cùng tầm quan trọng, và phải chia hai cuộc sống của con. Con cảm thấy như là một con chim trong lồng, lúc nào cũng chỉ nghĩ "Ta cần tư-do".
J.F. - Thế con có theo dõi các tiến triển khoa-học không?
M. - Con vẫn tiếp tục theo dõi những khám phá về sinh-vật-học y như khi con say mê lập bảng các nhiễm-thể của các vi-khuẩn, mà con đã trải 5 năm trong việc nghiên-cứu. Nhìn theo nhãn quan toàn thể địa-cầu, kết quả của sự nghiên-cứu của hàng ngàn người trong vài thập niên qua, là điều rất thích-thú; nhưng một nhà nghiên-cứu dùng nhiều năm của đời mình chỉ để chú tâm vào một phạm-vi rất nhỏ. Những thành-phần của một bức tranh loại nát óc (puzzle) một khi được ráp lại cho ta hình ảnh rõ ràng về một hiện-tượng vật-lý hay sinh-vật-học. Nhà nghiên-cứu đôi khi cũng bị thất-vọng khi dùng thật nhiều công sức để chỉ đạt được một kết quả nhỏ. Dù đôi khi cũng khám-phá ra một sự-kiện quan-trọng, chẳng hạn như cấu-trúc của DNA...
J.F. - Hình chân vịt kép...
M. - ...điều này là phần thưởng lớn lao cho sự các cố-gắng. Nhưng đây là một ngoại lệ. Con không thể so sánh sự thích-thú của việc nghiên-cứu khoa-học và việc nghiên-cứu về tâm-linh, việc sau này cho con một sự thỏa-mãn, một niềm vui trong mọi lúc -- như là một mũi tên bay thẳng tới đích mỗi giây phút quý báu được dùng một cách tốt đẹp nhất.
J.F. - Sau này con làm gì?
M. - Con không di chuyển khỏi Darjeeling trong suốt 7 năm. Con sống bên cạnh thầy của con là Kangyour Rinpotché, cho tới khi ông ấy qua đời năm 1975; rồi con sống ẩn-cư ở trên thiền-viện. Đó là lúc con gặp vị đạo-sư thứ hai là Dilgo Khyentsé Rinpotché, ông ta tới để điều khiển tang lễ của đạo-sư Kangyour Rinpotché. Con cũng ở Delhi một năm để sao chép và in lại khoảng 50 quyển về các bản thảo rất hiếm. Khi đó các bạn con sắp sửa việc ẩn cư theo truyền-thống lối 3 tháng ở Dordogne, con hỏi đạo-sư Khyentsé Rinpotché có nên theo các bạn con không. Vị này trả lời: "Khi nào ta còn ở tại thế này, hãy học ở gần ta." Vì thế con đã sống 12 năm bên cạnh thầy con, nghe sự chỉ dạy, chăm sóc và tháp tùng người trong các chuyến du hành. Con trở thành tu-sĩ năm 1979. Những năm tháng sống với thầy con là những sự ẩn cư, và dạy dỗ tốt đẹp mà con có thể có được, những năm tháng mà con không thể quên được, thời gian con nhận thức được sự chắc chắn nội tâm điều mà không ai có thể lấy đi được.
J.F. - Con cũng đã sống ở Bhoutan, nhưng con có biết về Tây-Tạng không?
M. - Bhoutan là một vương quốc đồi núi thoát khỏi các cuộc xâm lăng kể từ khi Phật-giáo được truyền-bá đến đây vào thế-kỷ 13. Văn-hoá Phật-giáo có dịp nảy nở không bị chướng ngại, và các giá-trị của đạo Phật đã ăn xâu vào tâm-tư mọi người dân. Sau khi phải chạy khỏi Tây-Tạng để tránh họa Trung-Hoa, đạo-sư Khyentsé Rinpotché trở thành đạo-sư được trọng vọng nhất tại Bhoutan, từ vua cho tới thường dân. Đó cũng là một vinh hạnh cho con khi sống ở đây. Con cũng có dịp tháp tùng thầy Khyentsé Rinpotché đi Tây-Tạng 3 lần. Thiền-viện của thầy con chỉ còn là đống gạch vụn. Nhưng đối với những người còn sống sót, đôi khi đã trải 15, 20 năm trong lao tù, thì sự trở về của thầy con, sau hơn 30 năm tị nạn, như là bình minh tới sau một đêm dài. Mặc dù những thảm họa đang sảy ra, Tây-Tạng là nơi thuận-tiện nhất cho đời sống quán-tưởng. Bây giờ con đặt lại vấn đề, con không thấy ý nghĩa của các câu hỏi. Ba làm con tả lại và cắt nghĩa về đời sống của con; mà chắc rằng chuyện sẽ trở lại. Ba có dự tính gì? Điều gì làm ba muốn có cuộc thảo luận này?
J.F. - Điều hiển nhiên là sự tò mò về cuộc đời con, vì đó là một sự cắt đứt hoàn toàn về đời sống, sự học, môi trường văn-hóa con đã sống cho tới khi trưởng thành. Cuộc đời của ba, cổ-điển hơn, dù rằng trong thâm tâm ba cũng đã cắt đứt với những suy-tưởng của thế-hệ mà ba lớn lên. Nhưng ba lập lại, là vẫn ở trong khuôn khổ nền văn-hóa của ba.
M. - Nhưng điều gì đã làm ba muốn đàm luận với con, một người đã trở nên đại diện của một nền văn-hoá khác?
J.F. - Trước hết, đó vừa là một nền văn-hóa khác, và nền văn-hóa cũ. Triết-lý vùng Cận-đông là một phần của truyền-thống nhân-loại, dù ta có thể than phiền là đã không được nghiên cứu đầy đủ ở Tây-phương, ngoài một nhóm chuyên-gia. Bây giờ nghĩ lại, hồi ba được 19 tuổi đang theo học đại-học, ba đã hướng về triết-học thay vì Văn-chương, hay Lịch-sử mà ba cũng thích, vì ba nghĩ hình như Triết-học có thể đem lại chìa khóa cho sự hiểu biết bao chùm những môn khác, Văn-chương, Lịch-sử, và cả Khoa-học nữa. Và đó là một sự hiểu biết nhưng đồng thời cũng là một sự khôn-ngoan, nghĩa là một thuật để sống, cộng thêm với luân-lý nữa.
M. - Và nền triết-học Tây-phương đã không đem lại cho ba cái chìa khoá ấy ?
J.F. - Ba sẽ không nói như thế. Ba nói rằng hình như nó đã cố ý phản bội mục-tiêu của nó, đặc biệt là từ thế-kỷ 19 trở đi. Ba chỉ đạt đến điều kết-luận này sau nhiều năm làm quen với những bản văn nguyên gốc (của chính tác-giả), và cố giữ sự xa lánh sự chỉ đạo của những chủ-thuyết như "nhóm diễn giảng lại". Những cảm nghĩ này dẫn ba tới việc xuất-bản cuốn sách đầu tiên, Pourquoi des Philosophes? (Vì sao có những Triết-gia?), được in vào năm 1957. Quyển sách ấy được thành-công, có nhiều tiếng vang, mà ba cũng hơi ngạc-nhiên. Những tiếng vang không phải là sự đồng ý, mà xa hơn nữa, sự phản đối trong đám triết-gia làm ba như muốn điếc tai. Tiếng vang của những điều cần tranh-luận ấy làm ba phải tiếp-tục trả-lời cho những luận cứ đối-nghịch trong quyển sách khác tựa đề "La Cabale des dévots" (Cái lều của những người sùng đạo), in năm 1962, đó là sự nối dài của quyển "Pourquoi des Philosophes?"
M. - Tuy nhiên sau này, mọi người biết ba là một người viết về chính-trị. Làm sao ba có thể cắt nghĩa sự thay đổi ấy?
J.F. - Đó không phải là sự thay đổi, vì chính-trị chỉ là một phần của Triết-học. Ba không mất thì giờ kể về cuộc đời của ba, vì ba vừa cho xuất bản quyển hồi ký tự-thuật xong.
Lý-thuyết chính-trị không những luôn luôn là một phần của Triết-học, mà kể từ thế-kỷ 18, và đặc-biệt là thế-kỷ 19, nó là phần chính của luân-lý học. Nguyên-lý chủ đạo của "Thế-kỷ ánh sáng", và sau này của chủ-nghĩa xã-hội "khoa-học" của Karl Marx, Lenine thì việc tìm kiếm hạnh-phúc, công bằng không còn thuộc phạm-vi cá-nhân nữa mà là sự xây dựng lại toàn-bộ xã-hội. Và để xây dựng xã-hội mới, thì việc đầu tiên là phải phả hủy cái xã-hội cũ. Vì thế, vào cuối thế-kỷ 18, ý niệm về một cuộc cách mạng mang tính chất một trào lưu. Quyền-lợi của cá-nhân phải phục tùng quyền-lợi của tập-thể. Ba nghĩ là chúng ta sẽ phải bàn thêm về việc này. Bây giờ, ba chỉ cần nói là vào khoảng 1965, 1970 ba nhận ra sự thất bại không thể tránh được của những chế-độ độc-tài đã tàn phá thế-kỷ 20 của chúng ta. Ngay năm 1970 ba đã viết cuốn sách về chính-trị tổng-quát (ba cũng xuất bản vài cuốn trước đó, nhưng đặc biệt về nước Pháp). Đó là quyển "Ni Marx ni Jesus" (dịch ra tiếng Anh là "Without Marx or Jesus", in tại Mỹ-- Không Chúa hay Karl Marx), tựa đề có 2 phần chối bỏ: sự độc-tài về chính-trị, và sự độc-tài về tôn-giáo. Cuốn sách ấy gây ra vài điều ngạc nhiên, vì ba bênh vực cuộc cách-mạng thực-sự trong thế-kỷ 20 này là cách-mạng của tự-do, không phải là cách-mạng xã-hội, cái này đã chết rồi. Quyển sách này được nổi tiếng khắp thế-giới. Nó đứng vào hàng bán chạy nhất nước Mỹ trong gần một năm (vì ba bênh vực "xã-hội mở", của Mỹ, chống lại "xã-hội kín" , kiểu xã-hội xã-hội chủ-nghĩa, hay phát-xít). Quyển ấy đã được dịch ra lối 15 thứ tiếng, ba hiện có một ấn bản bằng tiếng "Malgache"( Mã-Lai?)!

M. - Có phải vì sự thành công này đẩy ba gần với việc viết về chính-trị -- chủ-biên về chính-trị của những tờ báo lớn-- và ba đã xa dần môn Triết?
J.F. - Ba không xa lánh môn Triết. Như trong quyển "Ni Marx ni Jesus", và những tác phẩm sau được đặt nền trên bản tính con người, dù là dùng những thí dụ thời cận đại, vẫn là câu hỏi của mọi thời-đại. Như trong "La Tentation totalitaire", 1976 (Khuynh hướng độc-tài, in 1976) đặt câu hỏi chính như sau: Trong con người ta có sự thèm-khát về nô-lệ chính-trị, hay sự hiểu biết; sự thèm khát đến nỗi nó hoá-trang thành sự tìm-kiếm tự-do? Thí-dụ khác như trong quyển: "La connaissance inutile, 1988 (Sự hiểu biết vô ích, in 1988); khởi điểm từ nghi-vấn: Tại sao loài người, trong suốt dòng lịch-sử, lại cố tình quên những tin-tức có thể giúp tránh khỏi những thảm họa? Tại sao lại lao mình như là định-mệnh, vào sự thất-bại, sự đau-khổ, và sự chết? Ba có thể gọi đó là những bài toán Triết-lý. Ba không muốn nói nhiều về những tác-phẩm của ba.
M. - Và những tác-phẩm ấy cũng có những độc-giả toàn thế-giới như quyển "Ni Marx ni Jesus"?
J.F. - Cũng tương đương, dù còn tùy từng quốc-gia. Như quyển "La connaissance inutile" không được thành công tại Mỹ, nhưng bán rất chạy tại những nước thuộc khối La-tinh, Tây-ban-nha, Ý-đại-lợi, Bồ-đào-nha, châu Mỹ la-tinh, và lẽ dĩ nhiên là Pháp; cũng như tại các nước trước kia thuộc Liên-bang Sô-viết sau 1989, khi bức tường sắt được hạ xuống, và các sách vở, cùng tư-tưởng được tự-do lưu hành. Nhưng điều chính-yếu không phải ở đó. Sự bí-mật nằm ở chỗ: Có được nhiều độc-giả không có nghĩa là có nhiều người hiểu được, hay đạt được tới chổ có ảnh-hưởng làm thay đổi thực-tế. Ngay cả trường-hợp may mắn như của ba, ngoài sách, còn có những cuộc hội-thảo trên bình-diện quốc-gia, và quốc-tế giúp truyền bá và trình bày quan-điểm của ba tới một số đông lớn lao hơn nữa.
M. - Làm sao có thể cắt nghĩa được điều bí-mật đó?
J.F. - Nếu ta có thể cắt nghĩa một cách hoàn-toàn, thì ta có thể chữa được căn bệnh đang sảy ra. Và như vậy là chúng ta lại trở về môn Triết-học "chính yếu", nhằm chinh-phục sự sáng-suốt, sự khôn ngoan của mỗi người, tóm lại trở về mục-đích của cuộc đối-thoại của chúng ta.

| |
Chú thích: