Nhà sư và nhà triết-học

7 - Phật-giáo và Tây-phương

Jean-Francois. - Tất cả những vấn-đề mà chúng ta đề cập tới, tất cả những điều mà con đã trình bày về siêu-hình: lý-thuyết về sự hiểu-biết, vũ-trụ-học Phật-giáo, sự vang dội của các triết-thuyết và vấn-đề siêu-hình, là đề tài tranh-luận sôi nổi của các người theo Phật-giáo ngày nay. Đối với họ, đó không phải là lịch-sử của triết-học, cũng không phải là lịch-sử của các ý-nghĩ, nhưng là triết-lý và siêu-hình đang được sinh sống ở thời hiện-tại, y như đã được các đồ-đệ của Socrate và Platon ở Athènes sống theo, từ thế-kỷ thứ V tới thế-kỷ IV trước Thiên-chúa. Những tranh-luận công-cộng có tầm mức như ngày nay về các đề-tài loại này đã biến mất ở Tây-phương từ rất lâu. Triết-lý thì vẫn còn, nhưng không còn dưới dạng như trước. Quả là gần đây có xuất-hiện ở Ba-Lê các "triết-gia của quán cà-phê (philosophes de cafées)", với các buổi tranh-luận công-khai, ai cũng tham dự được; nhưng tầm mức của sự tranh-luận không vượt qua được ở quầy rượu. Mặc dù với những thành-công không thể chối cãi được của Tây-phương trong các lãnh-vực khác, và trong các khu-vực khác, có phải là sự trống không, về sự vắng bóng của một cuộc thảo-luận về sự tò mò đến ngạc nhiên của Tây-phương đối với Phật-giáo? Và điều ấy làm ba nhớ đến một câu của sử gia người Anh, Arnold Toynbee, ông ta viết: "Một biến cố đáng ghi nhớ của thế-kỷ thứ XX là việc Phật-giáo tới Tây-phương"
Mathieu - Sự quan tâm tới Phật-giáo có nhiều yếu-tố. Trước hết, nó cung cấp cho những người muốn đi trên con đường tinh-thần và coi con đường này là một phần quan-trọng trong đời sống của họ, không phải vì sự siêu-hình và một sự sống khôn ngoan, nhưng là một cách thấm nhập sự khôn ngoan này vào chính bản-thể của họ. Sau đó là việc Phật-giáo có thể đem tới cho Tây-phương nhiều nhất là, nó cung cấp cho những người tin hay không tin, một viễn quan bao dung, một đầu óc cởi mở, một lòng vị tha, một sự tự-tin bình thản, một khoa-học về trí-tuệ giúp mọi người một sự an-bình nội tâm và giúp nẩy nở sự an-bình ấy tới mọi người chung quanh. Hơn nữa, Phật-giáo cung cấp những ý-nghĩ của nó nhưng không tìm cách áp đặt, hay ít hơn nữa tìm cách cải đạo bất cứ ai; nó chỉ đơn thuần đề-nghị một kinh-nghiệm với những ai mong muốn.
J.F. - Không có sự cưỡng bách theo đạo, hay ít ra ý muốn truyền đạo?
M. - Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma thường nói: "Tôi không tới Âu-châu để có thêm một hay hai người theo đạo Phật, nhưng chỉ đơn-giản muốn chia sẻ kinh-nghiệm của tôi về một sự khôn ngoan mà Phật-giáo đã phát-triển qua nhiều thế-kỷ", và ông ta luôn thêm ở phần cuối buổi thuyết-trình: "Nếu bạn tìm thấy điều gì hữu ích trong số những điều tôi vừa nói, thì hãy dùng nó, nếu không xin vứt bỏ!" Ông ta còn đi tới chỗ khuyên nhủ các vị Lạt-ma Tây-Tạng trước khi đi: "Đừng nhấn mạnh việc dạy dỗ giáo-lý đạo Phật, hãy cung cấp kinh-nghiệm của các ông, một con người tới một con người". Hơn nữa, nếu tìm cách cải đạo một người nào thì chẳng những sẽ thất bại mà còn làm suy giảm niềm tin của người ấy với tôn-giáo của chính họ. Con đường như thế nên tránh. Tốt hơn là khuyến-khích những người có niềm tin hãy đào sâu thêm tôn giáo của chính họ. Tóm lại, không có việc cải đạo, nhưng là góp phần làm tốt cho những người chung quanh.
Điều ấy không ngăn chặn những ai muốn dấn thân một cách tự-do tới Phật-giáo, nếu họ thích hợp với con đường tinh-thần này. Họ sẽ phải học và thực-hành một cách tinh tấn, dùng hết nghị-lực, giống như một người đào giếng, chỉ ngừng khi đào tới nước. Tốt nhất là tiếp tục sự lựa chọn ban đầu về tôn-giáo của mình, nhưng luôn luôn có đầu óc cởi mở về các tôn-giáo khác. Một người đào cả chục cái giếng và bỏ dở khi chưa thấy nước thì rất uổng.
Có nhiều trăm người Âu-châu đã qua các cuộc an cư truyền thống ba năm, ba tháng, và ba ngày để tu quán tưởng ở Tây-Tạng. Trong ba năm an cư, họ chia thành từng nhóm nhỏ, sống biệt lập với thế-giới, dành mọi nỗ lực cho việc tu học. Trong thời-gian ba năm này, họ học một hay hai giờ một ngày về triết-lý, những kinh sách nói về cuộc sống quán-tưởng, đôi khi học tiếng Tây-tạng. Thời gian còn lại, từ sáng sớm tới tối mịt, họ cố gắng áp dụng các điều đã học vào con người bản thể sâu kín của họ.
J.F. - Con người bản thể sâu kín là gì?
M. - Hãy nói là dòng ý-nghĩ của họ. Hay triết-học không còn là những chữ-nghĩa chết, về lý-thuyết. Chúng ta đã nói về, thí-dụ như, những phương cách để "giải-phóng' những ý-nghĩ khi chúng vừa sinh ra, để chúng không còn lôi kéo nữa, hay gia-tăng để tràn ngập ý-thức.
J.F. - Giải-phóng? có thể nói là chế-ngự không?
M. - Chúng ta đã thấy làm sao có thể chế-ngự ý-nghĩ bằng cách dùng những ý-tưởng đối-nghịch cho mỗi loại cảm nghĩ , người ta cũng có thể, và đây là phương-pháp chính, giải phóng một ý-nghĩ bằng cách "nhìn, hay quan sát" một ý-nghĩ ngay khi chúng vừa nảy ra, và đi ngược tới tận nguồn, để thấy rằng nó không có một sự cứng rắn nào. Ngay khi người ta hướng mắt về ý-nghĩ ấy thì nó tan biến, như là một cái cầu vồng tan biến trong không-gian. Như thế nên người ta gọi là "giải-phóng" một ý-nghĩ, theo nghĩa ấy, nó không còn gây ra một phản ứng dây chuyền. Những ý-nghĩ đi mất không để lại dấu vết, không gây ra những lời nói, hay những hành-động thông thường của cảm súc -- sự giận dữ, lòng ham muốn, vân vân. Dù hoàn cảnh có thế nào người ta không còn bị dưới ách của những ý-nghĩ. Người ta sẽ thành một kỵ-sĩ đại tài, mà lúc đầu thì khó khăn mới cầm nổi dây cương, nhưng sau đó thì như những kỵ-sĩ Tây-Tạng có thể nhặt được một vật trên mặt đất mà không bị té ngựa.
J.F. - Nơi đây, ba muốn nói một lời phê-bình nhỏ. Ba nhận rằng Phật-giáo trình bày ý niệm về cái tôi theo một cách mới mẻ, với ngôn-ngữ mới lạ với Âu-châu. Tuy thế, cách tập-luyện này không phải là xa lạ với Tây-phương! Trong tất cả các trường phái triết-học tây-phương, người ta phân biệt rõ ràng giữa ý-nghĩ hỗn-loạn và ý-nghĩ có ngăn nắp. Người ta biết rất rõ có hai nhóm, nhóm thứ nhất là những ý-nghĩ vô trật-tự đi kèm dòng ý-nghĩ (nghĩ việc này qua việc khác), và nhóm thứ hai là những ý-nghĩ có tổ-chức, được hướng dẫn như ý-nghĩ về toán-học, hay tất cả những suy-luận khoa-học. Các người Âu-châu là những nhà luận-lý giỏi (logicien). Từ Aristote tới Leibniz rồi Bertrand Russell, nghệ-thuật hướng-dẫn ý-nghĩ không để cho đi theo các sự gán-ghép là một môn học trong mọi thời. Đó cũng là một mục-đích chính của sự hình thành khoa triết-học!
M. - Ba có tin rằng các nhà toán-học và các nhà lý-luận thì ít bị ảnh hưởng bởi các ý-nghĩ hỗn-loạn? Con cầu chúc họ điều ấy. Dù thế nào đi nữa, con nhấn mạnh, Phật-giáo không làm như đã khám phá ra điều gì mới mẻ, nhưng là sự khác biệt với những truyền-thống tinh-thần hay triết-lý của thời đại chúng ta, nó trình-bày sự hiểu biết về lý-thuyết, tinh-thần, thành sự thực-hành một cách mạnh mẽ và sống động. Có thể khía cạnh thực hành này đã lôi kéo những người quan tâm đến quan-điểm siêu-hình nhưng không thấy được cách áp dụng vào đời sống hàng ngày để tìm thấy sự an-bình nội tâm.
J.F. - Phật-giáo có đáp-ứng cho tất cả mọi người không, kể cả những người không muốn lựa chọn cuộc sống ẩn dật, hay trong các thiền-viện?
M. - Đó là một khía cạnh thú-vị khác. Tất cả mọi người không có thể và cũng không muốn, vì ràng buộc gia-đình và nghề-nghiệp, đi ẩn cư ba năm hay vào các thiền-viện! Nhưng các phương cách để thay đổi trí-tuệ có thể áp dụng được trong mọi giây phút của đời sống, giúp cho một người bình thường thâu được kết quả. Phật-giáo trước hết là một khoa-học của trí-tuệ, nhưng cũng đáp ứng những vấn-đề của đời sống, vì sự khoan nhượng và phản ứng bất bạo động đối với người khác và môi trường (sinh sống). Có một con đường cho mọi người, kẻ đi tu hay người thế-tục. Tại châu Á, đạo Phật vẫn tiếp tục có sự sống sinh động. Những người tị-nạn Tậy-Tạng ở Ấn-độ và Népal chẳng hạn, đã xây dựng lại những thiền-viện ngay khi có thể được, dù trước đây mười ba năm họ tay trắng. Những tu-viện này là nơi tu-tập của những ai mong muốn, và trong số một trăm mười ba nghìn người tị-nạn, thì có mười phần trăm ở trong thiền-viện!
J.F. - Vậy ở Tây-phương thì thế nào? .
M. - Phật-giáo được nhiều người chú ý, dựa trên sự mong muốn trao đổi, tìm hiểu. Người ta nghiên-cứu không phải để trở thành phật-tử, nhưng là để hiểu rõ về sự thực hành tôn-giáo của chính họ hay để nhận ra sự thật, sức mạnh nội tâm, có thể dùng một số phương pháp mà Phật-giáo cung cấp.
J.F. - Đó có phải là tôn-giáo tổng hợp không, nghĩa là một sự pha trộn của sự vay mượn chỗ này một ít, chỗ kia một ít của các chủ-thuyết? Tôn-giáo tổng hợp không phải là một hình thức cao cả của sự suy-nghĩ.
M. - Chắc chắn không. Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma thường nhấn mạnh việc "đầu Ngô mình Sở" này không đi đến đâu. Tổng-hợp tôn-giáo chỉ làm giảm những truyền-thống mà nó muốn pha trộn. Con muốn nói về những phương-pháp làm chủ lý-trí, quán-tưởng là những phương pháp phổ quát. Năm 1994, đức Đạt-Lai-Lạt-Ma được mời tham dự một một tuần lễ bởi những người Evangiles (Phúc âm ?) bên Anh. Khởi đầu, ông ta tự hỏi: "Tôi sẽ nói thể nào, khi tôi chưa biết gì về Evangiles? Làm sao tôi đi ra từ một nguyên-tác một đấng tối cao sáng lập ra vũ-trụ khi mà Phật-giáo không chủ-trương việc này? Điều đó có vẻ khó khăn cho tôi. Dù sao đi nữa, hãy cứ thử! Sao lại không?" Ông ta đã bình-luận về những đoạn văn trong sách Phúc âm trước một cử tọa gồm các tu-sĩ Thiên-chúa-giáo, và các người thường, nhiều người rơi lệ, có cảm tưởng như vừa được nghe lần đầu những đoạn văn mà họ đã đọc cả đời! Tại sao? Vì khi đức Đạt-Lai-Lạt-Ma nói về tình thương và lòng trắc ẩn, mọi người cảm thấy đó là những lời thoát ra từ chính các kinh nghiệm của vị lạt-ma, ông ta sống đúng theo điều ông ta nói 23. Các người Âu-châu nhạy cảm với khía cạnh sống động của truyền-thống này. Quyển sách "Le Livre tibétain de la vie et de la mort (Quyển sách Tây-tạng về đời sống và sự chết)", của đạo-sư Sogyal Rinpotché, đã được in gần một triệu cuốn, và được dịch ra hai mươi sáu thứ tiếng.
J.F. - Đó có phải là một quyển sách cũ, từ ngày trước không?
M. - Không, đó không phải là một dịch bản của một quyển sách cổ "Livre des morts tibetain", hay "Bardo Thodrol", nói về trạng thái chuyển tiếp sau khi chết. "Quyển sách Tây-tạng về đời sống và sự chết" là một cắt nghĩa đơn-giản và trực-tiếp về sự khôn-ngoan Tây-tạng, được xen lẫn bởi những bài tự-thuật của đạo-sư Sogyal Rinpotché về các cuộc gặp gỡ của ông ta và các vị thầy của ông ấy. Nhưng trên hết, đó là một cẩm nang để sống: Làm sao một người sống cuộc đời của mình? Làm sao chấp nhận sự chết? Làm sao giúp đỡ những người đang chết? Làm sao cho cuộc đời mình một ý-nghĩa và chết một cách bình thản, để đạt điểm tối cao là một đời sống tốt đẹp.
J.F. - Điều đáng nói là các triết-gia trẻ, tại Pháp, gần đây thường trích dẫn về Phật-giáo. Ba có trong tay quyển sách của Luc Ferry, tựa là "L'Homme Dieu ou le sens de la vie (Con người chúa tể hay ý-nghĩa của cuộc đời)", được in năm 1996, đó là một bài khảo-luận đáng quan-tâm, và rất thành công. Sách này nói tới "Quyển sách Tây-tạng về đời sống và sự chết" và bàn về những điểm liên-quan đến Phật-giáo, mà tác giả thành-thật quan-tâm. Tuy-nhiên, sau vài trang mở đầu, là lời phản bác đại ý như sau: "Tốt! Điều đó rất tốt. Rất có thiện cảm với việc một người đi ẩn-cư, xa lià thế-giới... Nhưng, trong khi có rất nhiều lòng xót thương toàn thể nhân loại, nhưng điều ấy không giải quyết được vấn-đề (diệt người Do-thái) ở Auschwitz hay ở Bosnie!" Con có lời gì để trả lời cho sự bài bác kia?
M. - Cần phải xoá tan một sự hiểu lầm, mà ngay đức giáo-hoàng Jean-Paul II cũng mắc phải. Trong quyển sách nhan đề "Entrez dans l'Espérance (Đi vào niềm hy-vọng)", đức giáo-hoàng nói về Phật-giáo như sau, "cần phải cắt đứt những sợi dây liên-lạc giữa ta và thực-tại bên ngoài", và "càng cắt được nhiều chừng nào thì ta càng xa lìa chừng ấy những việc sảy ra trong thế-giới...". Người cũng diễn tả niết-bàn như "một sự lãnh-đạm hoàn-toàn với thế-giới". Đó là những nghĩa ngược, có thể tha thứ được vì thiếu sót tin-tức đáng tiếc của các người theo Thiên-chúa-giáo về Phật-giáo. Vì mục-đích của Phật-giáo là hiểu cùng tột về thế-giới các hiện-tượng, bên ngoài cũng như bên trong nội tâm. Niết-bàn thì hoàn-toàn trái ngược với lảnh-đạm với thế-giới, đó là lòng từ-bi và lòng yêu thương vô bờ bến với tất cả mọi chúng sinh. Một sự từ-bi hết sức mạnh mẽ, phát sinh từ sự không ngoan -- hiểu rằng mỗi chúng sinh đều sẵn có "khả năng thành phật" -- và lòng từ-bi này không phải chỉ giới-hạn cho một số người như tình thương thông thường. Điều duy nhất mà người ta cắt bỏ là sự gắn bó trẻ con và vị kỷ về những sự say mê không ngừng những thú-vui, ham thủ đắc, ham danh, vân vân.
J.F. - Đức giáo-hoàng cũng tin rằng mục đích của Phật-giáo là "xa lìa thế-giới của các giác-quan".
M. - Sự thực thì mục-đích là không còn bị ảnh hưởng bởi thế-giới của các giác-quan, không còn bị khổ đau như một con bướm bị cám dỗ bởi ánh lửa, lao vào rồi chết. Một người đã thoát khỏi mọi ràng buộc chẳng những vui hưởng các vẻ đẹp của thế-giới, nhưng còn trở về thế-giới này đem rải tình thương vô giới hạn, mà không bị làm trò chơi cho các cảm súc hướng hạ.
J.F. - Đức giáo-hoàng cũng xác nhận rằng, đối với một người theo Phật-giáo, "sự cứu rỗi thì chính là sự thoát khỏi khổ đau, đạt được do sự thoát khỏi hoàn-toàn với thế-giới, là nơi nguồn cội của khổ đau".
M. - Tất cả tuỳ thuộc vào việc người ta gọi thế nào là thế-giới. Nếu đó là thế-giới được điều-kiện hoá, của khổ đau, của những người bị làm mồi cho sự ngu dốt, ai là người không muốn thoát khỏi? Nhưng thế-giới tự nó không xấu, vì đối với một người đã chứng ngộ, một vị Phật, thì đó là "sự trong sạch vô tận", "sự hoàn hảo chưa bị hư hao". Sau cùng, điều xác nhận của đức giáo-hoàng rằng "các sự kỳ bí của phái tu Carmelite bắt đầu khi các suy-tưởng phật-giáo ngừng có vẻ võ đoán. Làm sao có thể phán đoán về chiều sâu sự chứng ngộ của Đức Phật? Theo như các kinh sách? Đức Phật nói sau khi ngài chứng ngộ: "Sự thật mà ta thấy thì xâu xa, bình lặng, không bị một điều kiện gì, sáng lạn, hoàn toàn khôn bị vẩn đục bởi suy nghĩ". Điều đó chứng tỏ rằng nó không phải là một sự suy-tưởng tầm thường.
Đức giáo-hoàng đã dựa vào những sự hiểu biết lỗi thời của những sách dịch trong đợt đầu vào thế-kỷ thứ XIX và đầu thế-kỷ thứ XX. Dựa trên các sự hiểu biết thiếu sót, các dịch-giả đầu tiên chỉ nhớ sự nhấn mạnh của đức Phật về các sự khổ đau của thế-giới được điều-kiện hoá và hiểu rằng sự chấm dứt khổ đau như là một sự tuyệt diệt, thật ra đó là sự tận cùng của một sự hiểu biết có lợi cho bản thân và người khác. Rất mừng còn có những người theo Thiên-chúa-giáo nổi tiếng như Thomas Merton, tu-sĩ trappist người Mỹ, được đức giáo-hoàng Jean XXIII gởi qua Á-châu, đã coi trọng Phật-giáo và các điều ông ta viết được rạng rỡ tại Hoa-Kỳ. Thomas Merton chịu khó tìm hiểu cốt lõi của Phật-giáo. Sau khi đã sống ít lâu gần các đạo-sư phật-giáo, ông ta viết trong quyển Journal d'Asie: "Điều chắc chắn là tôi học được vài điều bằng kinh-nghiệm. Theo tôi hình như các người theo Phật-giáo Tây-tạng là những người duy nhất, cho tới ngày nay, đã có một số lớn những người đã đạt đến những đỉnh rất cao về tham thiền và quán tưởng".
Trong cuộc hội-thảo của phái Phúc âm mà con nói ở trước, người tổ chức là cha dòng Bénédictin tên Laurence Freeman đã nói: "là một mẫu về thảo-luận mà hai phía đều nghe", đức Đạt-Lai-Lạt-Ma cũng theo đầu óc cởi mở của mình tuyên bố rằng: "Tôi nghĩ rằng giữa những truyền-thống của Phật-giáo và Thiên-chúa-giáo, có một sự hội-tụ lạ thường, về sự làm giầu hỗ-tương bằng đàm-thoại, đặc-biệt trên lãnh vực thanh-liêm và tu-tập tinh-thần -- như là tập lòng bác ái, tình-thương, sự suy-tưởng, và sự tiến-triển về lòng bao dung. Tôi cũng nghĩ rằng sự đàm-thoại có thể đi xa hơn nữa và đạt được mức độ xâu xa". Nhưng ông ta cũng nhắc nhở các thính-giả nên đề phòng ý muốn tổng-hợp tôn-giáo, điều luôn luôn vô ích.
J.F. - Hãy trở về với sự không hữu hiệu mà người ta chê trách Phật-giáo (mà không phải chỉ riêng tôn-giáo này) trước những vấn-đề như tại Bosnie.
M. - "Làm sao cắt nghĩ được việc sảy ra tại Bosnie?" Mỗi khi người ta đặt câu hỏi, ông ta trả lời rằng đó là những tình cảm hướng hạ, lòng thù hận, đã lớn dậy tới độ vượt khỏi mọi kiểm soát.
J.F. - Câu trả lời đó có vể dạy đời! Đó là một sự trình bày hơn là một sự cắt nghĩa.
M. - Nhưng cũng có vẻ dạy đời nếu nói rằng Phật-giáo thì bất lực trước những thảm hoạ như ở Bosnie? Vì sự việc không phải là những giá-trị tại nơi đó làm ra như thế, nhưng là những giá-trị của châu Âu. Người ta có thể đặt giả-thuyết là nếu những người ở Bosnie đã lựa chọn những giá-trị tương tự như của Phật-giáo trong nhiều thế-kỷ trước, và mọi người thấm nhuần nếp sống này, thì có thể sự việc đã không sảy ra như thế. Thực ra vấn đề Bosnie sảy ra vì không có sự nhân nhượng. Người ta đã dùng tôn-giáo không phải để giúp cho sự hài hòa giữa các dân tộc, nhưng khơi dậy lòng thù hận để người này chống đối người kia. Những cuộc chiến-tranh cũng tàn phá các quốc-gia Phật-giáo như Sri Lanka và Miến-Điện, những cuộc chiến-tranh ấy không hề nhân danh Phật-giáo. Ta có thể chê trách là họ đã xa hẳn Phật-giáo, đôi khi còn chống lại như các người cộng-sản ở Việt-nam, Tamoul ở Sri Lanka chẳng hạn.
J.F. - Con không bị bắt buộc phải đồng ý với ba về các điều ba sắp nói, nhưng theo ba thì ba tôn-giáo là Hồi-giáo, Thiên-chúa-giáo và Chính-thống-giáo, cùng chung sống tại Bosnie, là một phần của Nam-tư ngày trước, thì có đầy rẫy những bẳng cớ về việc họ không nhân nhượng tôn giáo khác và những người suy-nghĩ độc-lập. Đó là những tôn-giáo xâm-lăng. Hơn nữa, có nhiều kinh sách của các vị đại-diện của các tôn-giáo trên đều phản ảnh ý muốn tiêu-diệt tôn giáo khác. Điều ta có thể công nhận với Luc Ferry là Phật-giáo không đem lại phương thuốc thực-tế cho vấn-đề ở Bosnie, hay cho những thảm cảnh tương-tự. Ba cũng không thấy Tây-phương được nổi tiếng là thuần-lý, và có các hành-động hữu hiệu cũng không giải quyết được vụ rắc rối lâu dài này.
M. - Trong tất cả các cuộc gặp-gỡ tôn-giáo mà đức Dạt-Lai-Lạt-Ma tham dự, thì người đều nhấn mạnh là những người làm giảm tinh-thần tôn-giáo của chính họ cho mục tiêu đàn áp. Tình thương các người lân cận là điểm tương đồng của tất cả tôn-giáo. Điều đó cũng đủ để đẩy những chuyện khác biệt xuống hàng thứ-yếu.
J.F. - Còn về tình thương, những tôn-giáo lớn đang chế ngự thế-giới, thì ngay từ nguyên thủy có hai thứ đáng ghét: những người không trung-thành, và những người bài bác đạo. Các tôn-giáo ấy sẵn sàng trừ khử những kẻ này bằng "tình thương toàn thế-giới".
M. - Theo Phật-giáo, đó là một lỗi trầm trọng khi coi rẻ các tôn-giáo khác, dù người ta có không đồng ý với các khái niệm siêu-hình của tôn-giáo đó đi nữa.
J.F. - Người ta thường nói rằng: "Làm sao Phật-giáo có thể phụng-sự cho hoà-bình thế-giới? Đó là một triết-lý của sự thoát tục, người ta không tha-thiết với xã-hội. Các nhà sư thì sống đơn độc trong các núi non, và cầu nguyện cho người khác, nhưng như thế họ không thể giúp gì cho nhân-loại. Họ lo đạt tới sự toàn-hảo cá-nhân, nhưng để làm gì? Như thế ích-lợi gì?
M. - Người ẩn cư chỉ tạm thời xa lánh thế-giới để đạt được những sức mạnh tinh-thần hầu giúp đỡ người khác hữu hiệu hơn. Con đường tinh-thần bắt đầu bằng sự thay đổi nội tâm, và chỉ khi đã đạt đến giác ngộ thì cá nhân ấy mới có thể góp phần hữu hiệu vào việc thay đổi xã-hội. Phật-giáo có thể giúp đỡ cho nền hoà-bình của thế-giới như thế nào? Hãy lấy thí dụ Tây-Tạng. Là một xứ phật-giáo, Tây-tạng chưa bao giờ gây ra chiến tranh tôn-giáo, đức Đạt-Lai-Lạt-Ma lúc nào cũng thuyết giảng sự bất bạo động, và đề nghị các phương-thức cụ thể về xứ sở của ông ta -- nếu Trung-hoa cộng-sản chịu từ bỏ nanh vuốt của họ -- một khu vực hoà-bình. Ông ấy muốn tạo một nước trái độn giữa các cường quốc Á-châu: Mái nhà của thế-giới thì ở giữa các nước Trung-hoa, Miến-Điện, Ấn-độ, Hồi: Pakistan, Mông-cổ và Nga-sô. Nếu Tây-tạng lấy trở lại được nền độc-lập của mình và xác nhận tính cách trung-lập thì sẽ là một yếu-tố đáng kể cho nền hoà-bình trong vùng này của thế-giới. Tây-tạng cũng trở thành một một vùng bảo vệ môi-sinh: những con sông lớn ở Á-châu -- sông Hoàng-hà, sông Giang-tử, sông Cửu long, sông Brahmapoutre, sông Indus, vân vân, đều bắt nguồn từ Tây-tạng. Đức Dạt-Lai-Lạt-Ma đã đưa ra đề nghị này nhiều lần.
J.F. - Ba xin lỗi, đó là loại ý-kiến mọi người cổ võ, nhưng không ai chịu thi hành.
M. - Nếu áp dụng, thì có nghĩa là Tây-tạng thoát khỏi gông cùm của Trung-hoa. Nếu ý-kiến này thất bại chính là vì các nhà lãnh-đạo của chúng ta (các nước lớn) không có quyết tâm xâu xa và cứng rắn về hoà-bình. Tại sao mất nhiều thời giờ để đạt được việc giải trừ vũ khí nguyên-tử? giải-trừ quân-đội của các nước? Lập đạo quân liên quốc không phải để đánh nhau, nhưng là để ngăn ngừa các nước xây dựng lại quân-lực?
J.F. - Đó là mục đích của Liên-hiệp-quốc! Tại sao bị thất bại?
M. - Đức Dạt-Lai-Lạt-Ma nói rằng sự giải-trừ vũ-khí bên ngoài không có hiệu quả nếu không có sự giải-trừ vũ-khí bên trong. Nếu một người không trở nên hiền hoà thì một quốc gia là tổng hợp của những con người như thế cũng không thể hiếu hoà. Những người thấm nhuần giáo-lý đạo Phật không có ý muốn làm hại ai. Một quốc-gia gồm đa số tín-đồ Phật-giáo không có ý gây chiến-tranh.
J.F. - Như thế thì mục tiêu của hoà-bình vĩnh viễn chỉ có thể đạt được dựa vào sự thay đổi của các cá-nhân?
M. - Điều ngược lại chỉ là thế-giới lý-tưởng. Điều thay đổi này phải bắt đầu từ những người lãnh-đạo của chúng ta (các nước đã phát triển)! Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma nhấn mạnh đến việc không thể chấp nhận được là các quốc-gia tây-phương lao vào việc buôn bán vũ-khí -- dù sau này họ bị bắn lại bằng chính các vũ-khí ấy! Điều không thể chấp nhận được là các quốc-gia tây-phương, tự nhận là "văn-minh", làm bộ thiết-lập nền hoà-bình thế-giới, lại đi buôn bán vũ-khí! Đừng quên rằng 90% vũ khí mà các nước đang phát-triển nhập cảng được bán bởi năm nước hội viên thường-trực của Hội-đồng bảo an Liên-hiệp-quốc (Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung-Hoa). Đó là sự giả đạo-đức của các nước gọi là vô-địch của nền hoà-bình thế-giới. Lao vào việc buôn bán như thế thì chỉ cổ võ chiến-tranh trên bình diện lớn hơn. Tháng trước con có gặp một người làm việc gỡ mìn tại Lào, và người ấy cho con biết những nhà máy Fiat là nơi xản xuất chính của thế-giới về việc sản-xuất những mìn chống cá-nhân. Và bây giờ họ làm bằng nhựa -- vinh quang của sự tiến-bộ! -- không có một bộ phận bằng kim-loại, để người ta không thể tìm ra chúng. Viên chủ-tịch và các cổ-đông của công-ty Fiat chắc sẽ sung-sướng được biết số đàn bà và con nít bị thương vì những mìn bẫy ấy sau khi chiến-tranh đã ngừng nhiều năm. Có thể Fiat bây giờ kiếm được thêm tiền bán chân tay giả cho các nạn nhân? Sáu mươi lăm phần trăm trong số tám mươi lăm phần-trăm những người A-phú-hãn bị thương trong vùng Kaboul là các trẻ em. Mười triệu quả mìn nữa đang chờ đợi. Công ty Royal Ordinance của Anh, và hãng IBM tại Mỹ cũng làm các bộ phận rời cho các trái mìn này. Các hãng này có thể sống bằng cách sản xuất xe hơi và máy điện toán.
J.F. - Ba hoàn toàn đồng ý! Thật là ma quỷ.
M. - Trong giây phút con nói chuyện này, tám triệu người Trung-hoa đang phải làm việc 15 tiếng một ngày trong hơn một nghìn trại làm việc cưỡng bách, trại cải huấn. Một phần ba một số sản-phẩm mà Trung-Hoa xuất-cảng, được làm ở các trại ấy. Harry Wu, nhà ly-khai Trung-Hoa, đã sống 19 năm trong các trại cải-huấn, đã trưng những bằng cớ hùng hồn cho con số đó. Các nhà chức trách đã cho phép nhập cảng những hàng hoá đó nên gọi là gì? Ba có muốn mua cho con mình những đồ chơi Giáng-sinh làm ở trong các nhà tù với biết bao khổ đau? Sự thanh-liêm thực sự chỉ có thể xuất phát từ một sự thay đổi nội tâm. Tất cả chuyện khác chỉ là một bề mặt bên ngoài. Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma thường nói với các ký-giả: "Việc phơi bày các bí ẩn tai tiếng của đất nước thì rất tốt. Một người làm chính-trị chân chính không có gì phải dấu diếm". Bộ người ta phải đợi cho chế-độ cộng-sản xụp đổ hoàn-toàn ở Á-châu rồi mới nói một cách công-khai về các "goulag" Trung-hoa sao? Trước thế chiến thứ hai, các nhà lãnh-đạo tây-phương ve vãn, dung dưỡng Hitler, cũng giống như bây giờ họ đang làm với Lý-Bằng và đồng bọn.
Đối với môi sinh, điều đó rất đúng. Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma nói tới bất bạo động không phải chỉ đối với người ta, mà còn đối với thiên-nhiên nữa. Tại Bhoutan, việc câu cá và săn bắn bị ngăn cấm trên toàn quốc, đây là một thí-dụ tốt về các lý-tưởng Phật-giáo được áp dụng trên bình diện xã-hội. Một nước Phật-giáo không ngần ngại ngăn cấm việc dùng những lưới đánh cá dài 40 cây số để lưới cả rùa, cá heo và làm hại môi sinh ngoài biển. Tất cả các sự việc đó sảy ra chỉ vì người ta muốn kiếm nhiều tiền và nghĩ rằng mình có quyền giết một số lượng to lớn các sinh-vật chỉ vì họ có khả năng làm như thế.
J.F. - Liên-hiệp Âu-châu trên nguyên-tắc ngăn cấm những lưới đánh cá ấy.
M. - Nhưng Nhật-bản và đáng chú ý là Đài-Loan vẫn tiếp tục tàn phá các đại dương.
J.F. - Trong tất cả các điều con vừa nêu ra, có một số ý-nghĩ là của Phật-giáo, và số khác thì đã được nêu lên bởi các người có lòng tốt. Ý-nghĩ lập nên một lực-lượng đa quốc để kiểm-soát các quốc-gia, là việc thành-lập Hội quốc liên giữa hai thế chiến, và là ý-kiến lập Liên-hiệp-quốc ngày nay; đó là ý-kiến của Liên-minh Âu-châu muốn lập nên một thứ quân-đội Âu-châu, mà quân-đội các nước sẽ được sát nhập vào. Ý-nghĩ lý-tưởng ấy, luôn luôn trở về, cũng thế những hội nghị về tài giảm binh-bị cũng thường được tổ-chức. Điều phải đi xa nữa là sự nhận xét của con, không có cách nào ngăn chặn những nhóm người giết hại lẫn nhau, như tại Bosnie, khi chưa có sự thay đổi nơi chính các con người, khi chưa làm cho mỗi người trở nên hiếu hòa hơn, từng người một. Về việc này! Triết học đặt căn bản trên hy-vọng một nền hoà -bình toàn thế-giới, dựa trên sự thay đổi thiên tính con người thì có rất nhiều. Ba có thể nói tất cả các sự khôn ngoan, căc điều lý-tưởng, những tôn-giáo lớn đều nói đến vấn đề này. Cho tới hôm nay, tất cả đều thất bại! Ý-tưởng làm cho mỗi người trở nên hiếu hòa, từng người một, để rồi tổng hợp lại là một thế-giới của những người thù-ghét vũ lực hình như không thể thực hiện được. Hay ít nữa thể-kỷ của chúng ta không tiến thêm được bước nào trên con đường ấy.
M. - Đúng thế, nhưng con đường thứ hai, thay đổi con người từ "bên ngoài", bằng cách lập những luật-lệ để áp đặt trên các người cứng đầu, những điều càng ngày càng cứng rắn, ngay cả một chính-thể độc tài, thì cũng không thể thực-hiện được mà về lâu dài còn là việc có căn bản xấu xa. Người ta có thể xiết chặt một con ốc trong một thời gian nào đó, nhưng những người bị áp bức sẽ tìm cách thể hiện sự không bằng lòng và sẽ tự giải-phóng khỏi gông cùm bằng các phương-tiện hòa bình hay vũ lực. Họ sẽ tìm thấy các phương kế để có được các vũ khí và dùng chúng.
J.F. - Nhưng than ôi, không phải chỉ những người bị áp chế!
M. - Đúng thế, con người không hoàn toàn ngay cả trong các nước theo Phật-giáo, người ta cũng không áp dụng những điều Phật dạy trong công việc hàng ngày. Tuy thế, Tây-Tạng có một nền văn-minh chủ yếu là hòa-bình. Rất nhiều du khách đã nhấn mạnh "sự dịu dàng, hay êm dịu Phật-giáo" , mà theo André Migot, "đó không phải là một câu nói đầu môi, sự êm dịu mà người ta thở trong không khí, là nhận xét của những người đã sống ở một xứ sở Phật-giáo. Đó là thái độ tốt đẹp đối với tất cả mọi sinh vật " 27.
J.F. - Có hy-vọng gì loài người sẽ chấp nhận thái độ ấy?
M. - Con nêu ra một thí-dụ. Ngày 17 tháng 3, năm 1989, vài tháng sau khi đức Đạt-Lai-Lạt-Ma nhận giải Nobel về hòa-bình, dân chúng ở Lhassa, quyết định biểu-tình đòi độc-lập cho Tây-Tạng, họ biết rất rõ những gì đang chờ đợi họ, vì Lhassa được bao quanh bởi các trại lính Trung-Hoa. Đó là một ít lâu trước vụ Thiên-an-môn. Có lối 200 người bị chết. Cảnh-sát đã bắn vào đám đông. Lẽ dĩ nhiên người Trung-Hoa nói: " Những người biểu-tình khiêu-khích cảnh-sát. Và bọn họ cũng có những người thiệt mạng, tổng cộng 11 người". Cả thế-giới đã tin họ. Con đã tìm gặp tại Népal này, những người vừa thoát khỏi Lhassa và những phóng viên của các tờ báo lớn của Pháp khi họ đi qua Katmandou. Nhưng họ không dám nói, vì e ngại rằng đã thâu thập tin tức của một bên. Hai tháng sau sảy ra vụ Thiên-an-môn, nhiều ngàn người biểu-tình bị bắn chết, và 8 ngày sau, Trung-Hoa loan báo không có việc gì sảy ra và quân-đội không hề bắn, vân vân. Gần đây thôi, nhà cầm quyền Trung-Hoa còn xác nhận có rất ít nạn-nhân. Hồi tưởng lại, máu ở Thiên-an-môn đã nói hộ cho Lhassa. Quả có 200 người chết ở Lhassa.
Nhưng điều lạ lùng sảy ra khi ấy là, trong khi hỗn loạn ấy, khi những người Tây-Tạng giật được súng của các binh-sĩ Trung-Hoa, thay vì dùng vũ khí này để bắn lại, thì họ chỉ đập cho gãy! Như thế, ngay trong lúc lửa đạn, họ cũng nhớ lời đức Đạt-Lai-Lạt-Ma nói với họ: "Trên hết, không được bạo động, việc ấy chỉ gây ra một sự leo thang của việc áp-bức". Tính không bạo-động đã in sâu trong tâm tư họ. Điều ấy đã làm cho đức Đạt-Lai-Lạt-Ma hài lòng. Lời nhắn nhủ của ông ta đã được nghe. Một lần khác, một nhà sư già đã sống 20 năm trong tù của người Trung-Hoa, tới gặp đức Đạt-Lai-Lạt-Ma, tại Ấn-độ. Trong khi nói chuyện, đức Đạt-Lai-Lạt-Ma hỏi ông ta có lo sợ khi ở trong tù không, được sen lẫn bắng những màn tra tấn và tẩy não. Nhà sư già trả lời: "Điều lo sợ nhất là đánh mất lòng thương và lòng bao dung đối với những người đã tra tấn tôi".
J.F. - Những thí-dụ ấy chứng tỏ là Phật-giáo ghê tởm việc dùng vũ lực để áp đặt quan-điểm của mình, hay để tự bảo vệ một cách hữu hiệu. Ngược lại, những tôn-giáo mà chúng ta biết thường quay lưng lại với lý-tưởng của mình. Thí-dụ Thiên-chúa-giáo cũng được xây dựng trên sự bất bạo động. Chúa Giê-su đã chẳng nói: "Nếu có người tát con, thì hay đưa má bên kia cho họ", và: "Hãy yêu mến người đồng loại"? Mặc dù thế, giáo hội đã dùng thời gian để trừ khử những ai không chịu cải đạo, hay những ai dám giảng dạy những lý-thuyết khác hơn những điều của đức Giáo-hoàng -- dù cho đó là những vấn-đề khoa-học mà giáo-hội không biết gì, như thời của Galilée về việc trái đất có quay chung quanh nó hay không. Như vậy, khả năng con người cư sử trái nghịch với những điều họ giảng dạy thì đầy dẫy trong Lịch-sử. Ba không biết việc ấy có gây khó khăn cho ảnh hưởng của Phật-giáo tại Tây-phương không?
M. - Có thể, nhưng trái lại, việc có những người thích Phật-giáo và thử thực-hành những nguyên-tắc về bao dung, làm cho những người này được nhiều thiện cảm. Dù thế nào đi nữa, phải thiết lập sự hòa-bình với chính mình -- sự giải trừ binh bị nội tâm --, rồi sự hòa-bình trong gia-đình, rồi tới làng xã, sau là quốc-gia, và xa hơn nữa... Khi trình bày những ý-kiến của mình đức Đạt-Lai-Lạt-Ma hy vọng giúp đỡ những người khác tìm trở lại được những truyền thống tinh-thần của chính họ. Chúng con còn ở rất xa với thái độ truyền đạo. Sự nảy sinh của những sự quá khích tôn-giáo chắc là sảy ra vì tình cảm về những giá-trị tuyền-thống quá thiếu sót trong thời đại của chúng ta. Nhưng tình cảm ấy cũng không dẫn các người quá-khích đến việc ruồng bỏ những người đã đi quá xa chính vì không có những điểm mốc tinh-thần rõ ràng. Một phản ứng như thế thì không còn gì là khôn ngoan, hay hợp lý, vì phải chấp nhận một người như họ đang là, và giúp đỡ với lòng thương yêu trong việc trân quý những giá-trị tối yếu của sự hiện-hữu; chớ không phải loại trù họ!.

| |

Chú thích: