Sãi Vãi với Nguyễn-Cư-Trinh

Tôi dùng quyển "Sãi Vãi" của nhà xuất-bản Tân-Việt . Trị-sự tạm thời: 20 Amiral Courbert (étage No 2), Saigon. Sách được in theo giấy phép số 340/ T. X. B. của bộ T. T. T. T. (thông tin tuyên-truyền ?) Nam-phần Việt-Nam. Theo như bức thơ thay lời tựa của Hải Đường Chim Hải Yến và "Dẫn" của Lê Ngọc Trụ, Phạm văn Luật thì sách được tái bản lần đầu năm 1923. Quyển tôi hiện có được in khoảng 1950, 1951.

I- Gia-thế và thời-đại Nguyễn-Cư-Trinh

A.- Gia-thế và ảnh-hương gia-đình giáo-dục

Nguyễn Cư Trinh (1716-1767) người Thừa-Thiên, tên chữ là Nghi, hiệu Đạm Am, con út ông Nguyễn Đăng Đệ.
Viễn-tổ ông là người huyện Thiên-Lộc (Nghệ-An) họ Trịnh tên Cam, làm quan nhà Lê đến chức Binh- bộ Thượng-thơ. Khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi Lê (1527), Trịnh Cam lánh vào Thuận-Hóa, định chiêu-tập những người trung-nghĩa giúp vua Lê khôi phục ngôi báu ; nhưng chưa thành công ông đã mất.
Con cháu vào ở xã An-Hoà, huyện Hương-Trà (Thừa-Thiên ), đời nào cũng có người thi đỗ, đến Đăng Đệ là bảy đời.
Ông Đăng Đệ nổi tiếng văn-chương, thi đỗ sinh-đồ, làm chức huấn-đạo, sau thăng lên tri-huyện Minh-linh. Ông có biệt tài về chánh-sự, được thăng vào việc văn-chức tâu-đối rõ-ràng, nghị-luận thông-suốt. Chúa Hiển-tông Minh-vương (1691-1725) yêu mến, cho ăn họ Nguyễn.
Sanh trong một gia-đình văn-gia thế-phiệt, tất nhiên lúc thiếu thời Cư Trinh phải được thấm nhuần hán-học và giáo-lý Khổng-Mạnh. Sử chép : ông sớm trổ thiên-tài; mười một tuổi đã biết làm văn làm thơ; sau cùng với người anh họ, Nguyễn Đăng Thịnh, nổi tiếng văn-chương.
Ông thi đỗ hương-cống khoa Canh Thân (1740), được bổ làm Tri-phủ Triệu-Phong (Quảng-Trị). Sau, cũng như cha (Đăng Đệ), ông được thiên sung văn-chức; có phong-độ, gặp việc, thì dòng máu con nhà nghĩa-khí sôi lên trong huyết-quản, dám can ngăn, đáng mặt một bậc tránh-thần. Khi Thế-Tôn xưng vương, năm Giáp Tí (1744), ông được uỷ-nhiệm xem-xét và đặt-để tất cả công-văn.
Đọc đoạn tiểu-sử này chúng ta chú ý một điều : vốn dòng họ Trịnh, sở dĩ gia-đình ông Cư Trinh phò chúa Nguyễn ở Nam-hà là vì ảnh-hưởng của gia-đình giáo-dục và quyền-lợi của giai cấp sĩ-phu. Chí cần-vương nghĩa-khí của viễn-tổ Trịnh Cam : "phò Lê diệt Mạc" lưu-truyền trong gia-đình ông Đăng Đệ. Trong con mắt nhà nho chân-chánh, ChúaTrịnh sau này, cũng như họ Mạc thuở nọ, là bọn quân-nhân lộng hành, cướp quyền vua Lê, không đáng tôn-thờ.
Vả lại, từ khi Trịnh Tùng lấn quyền vua Lê (1570) và xưng Chúa (1599), giai cấp sĩ-phu bị thiệt-thòi rất nhiều.
Xuất-thân ở quân binh, Chúa Trịnh lo bảo-thủ quyền-lợi của quân-nhân : nào cấp công-điền, nào ban chức-sắc cho quân binh. Muốn rộng vây cánh, Chúa Trịnh còn tạo thêm một ngạch giám ban trong ngạch cai-trị thời ấy.
Năm 1718, muốn giảm thế-lực của sĩ-phu, Trịnh Cương (1709-1729) đặt ở phủ Chúa một cơ-quan riêng gọi là Lục-phiên. "Việc gì cũng ở bên Lục-phiên làm cả. Lục-bộ của Triều-đình (vua Lê) không còn quyền gì nữa".
Đến đời Trịnh Giang (1729-1740), "nhà Chúa chơi-bời xa-xỉ, lại có nhiều giặc-giã, phải tìm cách lấy tiền, đặt ra cứ tứ phẩm trở xuống ai nộp 600 quan thì được thăng một bậc. Còn những người chân trắng mà ai nộp 2800 quan thì được bổ tri-phủ, 1800 quan thì được bổ tri-huyện". Không phải bán hàm như đời Trần Dụ-Tông hay đời Lê Thánh-Tông, Chúa Trịnh đã bán chức thực cho bọn trọc-phú. Như thế, giá-trị của sĩ-phu quan-liêu phải vì đó mà sa-sút. Trong con mắt họ, Chúa Trịnh là bọn lộng-quyền, không xứng-đáng cho họ tôn-thờ. Trái lại, đáng tôi trung phải coi bọn ấy là quân bất-nghĩa.
Trong khi chánh-sách của Chúa Trịnh đã làm cho giai-cấp quan-liêu phải tan rã ở Bắc-hà, thì trong Nam, Chúa Nguyễn lại mở rộng cửa để thâu dụng nhơn-tài. Bị lấn áp, giảm giá ở Đàng Ngoài, tất-nhiên nho-sĩ Bắc-hà phải tràn vào Nam tìm "Minh quân" diệt Trịnh vậy !
Những người học rộng tài cao, có tài hùng-biện, đánh giặc giỏi, phụng-sự Chúa Nguyễn phần nhiều là người Bắc-hà vào Nam :
Đào Duy Từ (1572-1634), làng Hoa-Trai (Thanh-hóa);
Nguyễn Hữu Tiến (1602-1666), làng Vân-Trai (Thanh-hóa);
Nguyễn Hữu Dật (!604-1681) làng Gia-Miêu, (Thanh-Hóa).
Chính những công thần ấy đã giúp Chúa Nguyễn chống quân Trịnh hơn nửa thế-kỷ (từ năm 1617 đến năm 1672) : xây đồn Trường-Dục, đắp luỹ Đồng-Hới, chận được quân Cúa Trịnh ở bên kia Sông Gianh.
Cùng chung số phận với giai cấp quan-liêu của triều-đình nhà Lê, gia-đình Cư Trinh cũng tìm "minh quân" để phò Lê diệt Mạc, rồi sau diệt Trịnh, và đã từng giúp chúa Nguyễn đắc-lực. Bằng-chứng là gia-phổ Cư Trinh gốc họ trịnh đã hóa ra họ Nguyễn, từ ông Nguyễn Đăng Đệ.

B- Hoàn cảnh xã-hội đã un-đúc tinh-thần sáng-tác quyển Sãi Vãi

Ở Bắc-hà, Chúa Trịnh vì chánh-sách tham-tàn bị hãm vào một tình-trạng bế-tắc : các tầng lớp dân-chúng trong xã-hôi từ bần nông, thương-nhơn đến sĩ-phu đều bất-bình, hoặc theo các tôn-thất nhà Lê (Lê Duy Chúc, Lê Duy Quý, Lê Duy Mật), hoặc tự mình khởi nghĩa để diệt Trịnh phò Lê :
Nguyễn Cừ ở Hải-Dương (1739),
Vũ Đình Dung ở Sơn-Nam,
Nguyễn Danh Phương (Quận Hẻo) ở mạn biển Đồ-Sơn (1743-1751).
Lê Duy Mật thì chống-cự rất lâu, từ năm 1738 đến năm 1769.
Nhưng trong khi ấy, ở Nam-hà, Chúa Nguyễn nhớ hiệp sức với sĩ-phu đi sát với thật-tế, trở nên cực thạnh dưới triều Võ-Vương (1738-1765). Đến triều Võ-Vương, hai mục chánh trong chương-trình nhà Nguyễn đã thực-hiện :
1.- Chống Trịnh phương Bắc;
2.-Tổ-chức nội-trị để củng-cố quyền tự-chủ, và hoàn-thành cuộc Nam-tiến (1759).
Chính trong giai-đoạn nầy ta sẽ thấy bật rõ vai-trò lịch-sử của nho-sĩ cấp-tiến mà ông Nguyễn Cư Trinh là nhà Lãnh-đạo sáng-suốt nhứt.

a.-Triều Võ-Vương; từ 1738 đến 1750

Chúa Nguyễn Phúc Khoát cải-cách việc nội-trị. Chúa Nguyễn Phúc Khoát là vị chúa thứ tám của Triều Nguyễn, rất có thanh-thế.
Bảy vị tiền-bối của Chúa là :
1.-Nguyễn Hoàng, Thái-Tổ Gia Dũ, Chúa Tiên (1558-1613).
2.-Nguyễn Phúc Nguyên, Hy-Tông Hiếu Văn, Chúa Sãi (1613-1635).
3.-Nguyễn Phúc Lan, Thần-Tông Hiếu Chiêu, Chúa Thượng (1636-1648).
4.-Nguyễn Phúc Tần, Thái-Tông Hiếu Triết, Chúa Hiền (1648-1687).
5.-Nguyễn Phúc Trăn, Anh-Tông Hiếu Nghĩa, Chúa Nghĩa (1687-1691).
6.-Nguyễn Phúc Chu, Hiển-Tông Hiếu Minh, Quốc Chúa (1691-1725).
7.-Nguyễn Phúc Chú, Túc-Tông Hiếu Ninh, Định Quốc Công (1725-1738).
Bảy đời trước vẫn xưng Chúa, Đến Thế-Tông Nguyễn Phúc Khoát, miền Nam đã được vững bền thạnh-trị, nên sau sáu năm trị-vì, đến năm giáp Tí (1744), chúa là người thứ nhất xưng vương lấy hiệu Võ-Vương.
Chúa sanh ngày 18 tháng 8 năm Giáp Ngọ (nhằm 26-9-1714), chúa kế vị cha (ngày 7-6-1738), chưa được hai mươi lăm tuổi. Ngài : "sức lực khoẻ mạnh, mặt mũi khôi-ngô, tóc để dài đã hoa râm, trán rộng, tai dài, mắt to mà không thô, râu mép rậm đen, miệng rất tươi, dưới cằm có ít râu thưa-thớt. Cổ ngài hơi to, vai rộng và ngực nở, hai bàn tay dài, bụng to, người to lớn bệ-vệ, chân vừa phải và bàn chân to.
"Những khi Ngài ngự, áo đại triều thì dù đứng giữa hàng trăm quan cũng nhận ra được, vì không ai to lớn bằng Ngài"; (Chân-dung Ngài tả lúc Ngài 35 tuổi). Vừa lên ngôi (1738), Ngài đã ân-xá một số tội-nhơn, thăng phẩm-trật cho quần-thần, cho đến mấy quan có đạo Thiên-Chúa cũng được thăng chức. Rảnh tay với họ Trịnh đất Bắc và hoàn-thành cuộc an-ninh trong nước, Ngài chỉ còn lo phô-trương uy-thế và mở rộng lãnh-thổ vào Nam.
Ngài lo lập dinh định phủ. Cuối năm 1738 và đầu năm 1739, Chúa cho cất một cái điện theo kiểu mới bên tả điện cũ tại đất Phú-Xuân. Thuở ấy các cố-đạo Thiên-Chú được Chúa Ninh-Vương (1725-1738), với chánh-sách khoan-hồng, cho phép truyền giáo, nên đã xây dựng "nhà thờ" khắp nước; ngay tại kinh-đô Huế có đến năm cảnh nhà thờ. Kiểu kiến-trúc mới của Âu-tây du-nhập vào trong xứ. Năm1754 Chúa cho xây thêm những dinh cho các hiền thần, lập vườn Thượng-Uyển và làm hồ Vọng Nguyệt.
Với chí làm chuyện lớn, năm Giáp Tí (1744), Ngài xưng vương hiệu, phong vương các bậc tiên-đế, ban chức-tước cho Hoàng-tộc. Các quan văn võ trong triều đều có sắc phục tề-chỉnh. Quan chia ra làm sáu bộ. Bộ về văn-học gọi là Hàn-lâm. Đạo vệ-binh thì đặt tên là Võ-lâm.
Nước chia ra làm 12 dinh :
Phủ Quảng-Nghĩa và phủ Quy-Nhơn thì thuộc về Quảng-Nam; đất hà-Tiên thì đặt trấn.
Ngài ra lệnh cho dân-gian đổi y-phục : lối ăn mặc theo Đàng Ngoài được thay-thế bằng lối y-phục của người tàu.
Trong nước thái-bình thạnh-trị; nông nghiệp phát-đạt; thương nghiệp phồn-thạnh. Các nước ngoài ra vào buôn-bán ở Hội-An (faifoo), đất Nam-hà thuở ấy được các thương nhân ngoại-quốc gọi là Quảng-Nam Quốc.
Trong xứ xài tiền đồng; năm 1745, Võ-Vương cho mua kẽm Âu-châu về chế ra thêm thứ tiền kẽm, để tiện việc thương mãi.
Võ-Vương biệt-đãi giai-cấp sĩ-phu. Năm Canh Thân (1740), Ngài định lại phép thi :
Người đậu kỳ đệ nhứt gọi là nhiêu-học, được miễn sai 5 năm;
Đậu kỳ đệ nhị và đệ tam được miễn sai chung thân;
Đậu kỳ đệ tứ gọi là hương-cống, được bổ làm tri-phủ, tri huyện .
Thời này xuất-hiện vài quyển hán-văn :

b-Cuộc khủng-hoảng tôn-giáo dưới triều Võ-vương

Sự cải-cách do chí lớn của Thế-Tông Nguyễn Phúc Khoát lại bắt nguồn và đi đôi với việc khủng-hoảng tôn-giáo thời bấy giờ; phong-trào "sấm truyền" tràn lan khắp nước. Đại ý những sấm đó là: "Đến tám đời thì trở về Kinh-đô", hoặc là:"Đất Nam-hà có tám đời Chúa. Chừng nào núi hóa thung-lũng, cửa biển bị lấp nghẹt..., người mới xuất-hiện ra, bấy giờ nước sẽ về tay người khác và sẽ bị người ngoại-quốc thống trị".
Các vị hoà-thượng sẵn ghét đạo dâng sớ xin nhà vua chống đạo Thiên-Chúa. Họ giải thích rằng sự căm giận của Thiên-đình đã làm phát hiện ra những thiên-tai thảm khốc:
' ' '

Đạo Thiên-Chúa đã bị cấm nhặt từ năm 1644. Đến đời Minh-Vương (1691-1725), sự giết đạo lại còn kịch-liệt, bởi chúa tôn-sùng đạo Phật.
Chúa Ninh-Vương (1725-1738) kế vị ban lịnh ân-xá tội nhân huỷ tiêu sắc lệnh cấm Đạo. Nhờ nhân-cách đạo-hạnh của các cố-đạo, con chiên theo về ngày một đông. Thậm chí bà phi sủng ái của vua, bà phi Từ-Mẫn họ Trần cũng theo Đạo. Nhà thờ xây dựng khắp xứ.

c-Mọi đá-Vách.

Ở quảng-Nghĩa có mọi Đá-Vách.vì chúng ở vùng núi đá dựng như tấm vách. Vùng ấy choán từ thung-lũng sông Trà-Khúc đến tả ngạn sông An-Lão. Đến triều Võ-vương, gặp những năm mưa lụt đói kém chúng xuống quấy-nhiễu, quan quân đánh mãi không được. Năm Canh Ngọ (1750), Võ -Vương bổ Nguyễn Cư Trinh làm Tuần-phủ Quảng-Nghĩa lo việc phủ-dụ quân Mọi ấy.
Nhận thấy tâm-lý suy-đồi của quan quân và quần chúng, ông biết không thể đột ngột cử binh. Nhơn cơ-hội "Mọi Đá-Vách" ông dọn đường để tuyên-truyền kin-đáo cho cuộc Nam-Tiến hoàn-thành :
"Nếu không đánh để sau sanh tệ",
cho đúng với câu : "Nhung Địch thị ưng"
bởi :
"Đường Nam phương thấy đó chẳng xa".
Với mấy câu kết-thúc trong truyện Sãi Vãi, ông đã bộc-lộ tư-tưởng cấp-tiến của mình để hấp dẫn dân-tình bằng giọng văn nôm biến cách : văn vè của bình-dân. Dùng lối vấn-đáp, ông tỏ ý răn bảo và kích -thích tướng-tá.
Chí cương-quyết của ông đã được ban-thưởng bằng sự thành-công. Ông tiến quân : một đạo binh kéo đến nơi thì bọn mọi đã bỏ sào-huyệt trốn hết. Ông chẳng vội rút binh. Ông cho lập "Quảng-Ngãi đồn dinh" với sáu "đạo" lo nghiêm việc canh-phòng. Ông cho cất trại, mở đồn-điền, làm kế như ở lâu. Giặc Mọi thấy thế hoảng sợ ra đầu thú.

' ' '

Nguyễn Cư Trinh tha-thiết với quan-niệm : trị quốc bình thiên-hạ bằng cách áp-dụng thuyết " tri hành hiệp nhất" của Vương Dương Minh. Khi bình định Mọi Đá Vách, ông không dùng lối đàn-áp bằng quân-sự hay tuyên-truyền suông. Rõ biết chúng vì nạn mưa lụt đói rét mà làm liều, phá quấy cướp giựt, nên việc đầu tiên của ông là lo giải-quyết vấn-đề sanh-kế của chúng bằng cách tổ-chức lập đồn-điền. Vô tình hay cố ý, ông thiết lập một giai-cấp tân-địa-chủ. Chính giai-cấp ấy sẽ bảo-vệ hoà-bình để an-cư lạc-nghiệp. Mùa đông năm 1751, ông làm sớ dâng vua, bày tỏ nỗi khổ sở của thổ dân và yêu cầu Triều-đình nên tuỳ thời để giữ lòng dân, vì dân là gốc của nước. Sớ ấy tâu lên, không công-hiệu gì ông bèn xin từ chức. Vua mới triệu về, bổ ông sang làm chức ký-lục dinh Bố-Chính. Nơi đây ông tỏ ra sáng-suốt. Vừa đến là ông lo đặt thêm đồn-luỹ, canh-phòng cẩn-mật.. Lúc bấy giờ, Chúa Trịnh gởi thơ xin mượn đường Trấn-Ninh để đi đánh Lê Duy Mật. Ông viết thơ trả lời không cho. Bên Trịnh biết rằng ông có phòng-bị nên thôi.
' ' '

II- Dư-ba quyển Sãi Vãi hay là sự hoàn-thành cuộc Nam-Tiến

Nhờ soạn quyển Sãi Vãi để can khuyên quan quân và kích-thích tướng-sĩ mà ông Nguyễn Cư Trinh tiến binh được và bình-định Mọi Đà-Vách. Cuộc thắng trận ấy Khiến triều-đình để ý đến tài thao-lược và óc tổ-chức cai-trị của ông, khi ông vừa ba mươi lăm tuổi.
Tài kinh-bang của ông còn thấy khi được bổ làm ký-lục Bố-Chính dinh là ông lo củng-cố cuộc phòng-thủ, nên quân Trịnh chẳng dám làm ngang.
Nhận rõ chân-tài ấy, nên năm 1753, khi vua Chân-Lạp Nặc Ông Nguyên lấn hiếp người Côn-Man ở trong Nam, Triều-đình bèn cử ông làm tham-mưu lo việc đánh dẹp. Ông ba phen thắng giặc, hiến "Kế tàm thực" và sau mười năm ở cõi ngoài, hoàn thành cuộc Nam-tiến : nước Thủy Chân-Lạp hoàn-toàn thuộc về chúa Nguyễn Đàng Trong.
' ' '

Mấy đời Chúa trước chỉ chiếm miền Đông, và phía tây, thâu phục Hà-Tiên. Bấy giờ, miền rừng sát hoang-vu cực nam là vùng Lôi-Lạp (Gò-Công), Tầm-Bôn (Tân-An) và vùng các cửa sông Cửu-Long là Ba-Thắc (Sóc-Trăng, Bặc-Liêu) và Trà-Vang (Trà-Vinh, Bến-Tre) vẫn thuộc của vua Chân-Lạp.
' ' '

Đồng thời với việc thôn-tính nước Chiêm eo-hẹp (1611-1692), Chúa Nguyễn đã tiến lần xuống miền Đồng-Nai, phì-nhiêu. Hơn một thể-kỷ (1623-1739) do việc giành ngôi lẫn nhau của mấy vua Miên mà Chúa Nguyên lần hồi thâu-phục đất-đai: Mô-Xoài (Bà-Rịa, Biên-Hòa: 1658), Sài-Côn (Gia-Định: 1698), Định-Tường (Mỹ-Tho) và Long-Hồ (Vĩnh-Long: 1731). Phía vịnh Xiêm-La, Mạc-Cửu dâng đất Hà-tiên và hòn Phú-Quốc cho Chúa Nguyễn từ năm1714, và sau, con là Mạc Thiên Tứ mở thêm bốn huyện (1739): Long-xuyên (miền Cà-Mâu), Kiên-Giang (Rạch-Giá), Trấn-Giang (miền Cần-Thơ) và Trấn-Di (miền bắc Bặc-Liêu).
' ' '

Đến Triều Võ-Vương, vua Chân-Lạp Nặc Ông Tha (Sothea) nhờ chúa Nguyễn mà giữ ngôi báu ở La-Bích (Lovek)(1736-1748). Sau Nặc Ông Thâm (Thomea), chú của Tha, thua chạy trốn bên Xiêm từ năm 1715, lại trở về đánh đuổi Nặc Ông Tha và cướp ngôi (1748), song chẳng bao lâu, mất.
Mấy người con của Thâm tranh ngôi, Võ-Vương sai Nguyễn Hữu Doãn làm thống-suất đánh dẹp và lập Nặc Ông tha làm vua trở lại. Được vài tháng, Tha bị con của Thâm là Nặc Nguyên (Ang Snguôn) đem quân Xiêm về đánh đuổi (1750). Tha thua, chạy sang Gia-Định cầu cứu, nhưng chết ở đấy.
Nặc Nguyên tranh được ngôi vua lại thường đem binh lấn-hiếp người Côn-Man là tàn-tích dân Chiêm sang trú-ngụ từ năm 1693. Mặt Bắc, Nặc Nguyên lại thông-sứ với Chúa Trịnh Doanh (1740-1767) để lập mưu đánh Chúa Nguyễn mà giành lại Thủy chân-Lạp.
' ' '

Tình thế nghiêm-trọng.

Bấy giờ trong nước nông-nghiệp mở-mang: thương-mãi với ngoại-quốc được thạnh-vượng; nghề khai mỏ ( mỏ vàng ở thuận-Hóa và Quảng-nam, mỏ bạc ở Quảng-Nghĩa, mỏ sắt ở Bố-Chánh) được phát-đạt. Nhà nước thâu thuế được nhiều "Tính đổ đồng từ năm 1746 đến năm 1752, số vàng, thâu được hơn năm ngàn lượng, số bạc, thâu trót vạn lượng..."
Vậy phải lo ngừa giặc trước; vả lại, đó cũng là cơ-hội, khi nước giàu mạnh, cho Võ-Vương lo mở rộng biên-cương... Nên mùa đông năm Quý Dậu 1753, Võ-Vương sai ông Thiện-Chính (khuyết tên) (1) làm thống-suất và ông Nguyễn Cư Trinh, ký-lục Bố-Chánh dinh làm tham-mưu, điều-khiển tướng-sĩ năm dinh(1) đi đánh Nặc Nguyên. Quân tiến đến Ngư-Chử(Bến-Nghé), lập dinh-trại, kén sĩ-tốt, trừ-bị cho nhiều, để làm kế khai-thác.
Mùa hạ năm Giáp Tuất (1754), ông Cư -Trinh với ông thống-suất chia quân tiến lên. Ông Cư Trinh đến đâu, giặc đều quy-phục; đi qua đất Tần Lê (?) ra đến sông Lớn cùng hội quân với ông Thiện-Chính ở đồn Lô-yêm(?). Từ đó tiến binh :phủ Lôi-Lạp (Soi-Rap:Gò-Công), phủ Tầm-Bôn(Tân-An), phủ Cầu-Nam(Ba-Nam), phủ Nam-Vinh(Nam-Vang; Phnom-Penh), bốn phủ hàng cả. Rồi chiêu-phục người Côn-Man để làm thanh-thế.
Nặc Nguyên chạy trốn gần Vĩnh-Long; gặp mùa nước nổi, phải ngưng đánh phá. Đến mùa xuân năm Ất Hợi(1755), ông Thống-suất về đồn Mỹ-Tho, dẫn theo hơn vạn người Côn-Man mới chiêu-phục. Đến đất Vô-Tà-Ân(?) bị quân của Nặc Nguyên đổ ra đánh úp. Quân của ông Thống-suất đi hậu tập bị mắc bụi rậm vũng lầy, không thể đến cứu-viện. Ông Nguyễn Cư Trinh mới đem quân của ông đến cứu được hơn năm ngàn người Côn-Man, vừa trai vừa gái, rồi đem về trú ở núi Bà Đinh(Bà Đen).
Nhân ông hạch tấu ông Thiện-Chính về tội để mất cơ-nghi mà bỏ dân mới phụ-hàng, Vua giáng ông ấy xuống làm chức cai-đội, cho ông Trương Phúc Du thay thế. Ông Cư Trinh với ông Phúc Du bắt người Côn-Man đi tiên-phong đến đánh hai phủ Cầu-Nam và Nam-Vinh.
Nặc Nguyên thua, chạy trốn sang Hà-Tiên nương theo Mạc Thiên Tứ, nhờ Tứ xin hộ với Chúa Nguyễn, hiến hai phủ Tầm-Bôn, Lôi-Lạp để chuộc tội, và bổ vào lệ triều-cống đã bỏ ba năm về trước, cùng để xin cho về nước. Vua không cho. Ông Cư trinh mới dâng só tâu rằng :
"Từ xưa, sở dĩ dùng đến binh, chẳng qua là muốn giết đứa cừ-khôi, mở-mang bờ cõi mà thôi. Nay Nặc Nguyên đã hối-quá, biết nộp đất hiến của. Nếu không cho nó hàng, thì nó sẽ chạy trốn; mà từ Gia-Định đến La-Bích, đường-sá xa-xôi, không tiện đuổi đánh. Vậy muốn mở mang bờ cõi, chi bằng hãy lấy hai phủ ấy, giữ chặt phía sau cho hai dinh(Phiên-Trấn và Trấn-Biên). Năm xưa, đi mở phủ Gia-Định, trước phải mở phủ Hưng-Phúc(Biên-Hòa), rồi mở đến phủ Lộc-Dã (Đồng-Nai) để quan-dân hoàn-tụ, rồi sau mới mở đất Sài-Côn. Đó là cái kế "tằm ăn dâu" đó.

|