Truyện trinh thử


Tôi dùng quyển "Truyện trinh thử" của nhà xuất-bản Tân-Việt (sáng lập năm 1937), tại 235 Phan thanh Giản Sai-gòn (quyển này in theo giấy phép số 126/T.X.B. của bộ Thông-Tin Nam-Phần năm 1954). Quyển này do Trần triều xử-sĩ Hồ-huyền-Qui biên soạn và Ưu-thiên Bùi-Kỷ hiệu-đính.

Khảo luận truyện trinh thử

1. Sự-tích trong truyện.

Con chuột bạch góa chồng nuôi một đàn con thơ, ở nhà ông Hồ Huyền-Qui là một ẩn-sĩ về cuối đời Trần, một hôm vì đi kiếm mồi bị chó đuổi, chạy vào một cái hang ở góc vườn nhà bên láng giềng, nhà ấy là nhà thủ-tướng Hồ Quí-ly. Trong hang này, vốn có một đôi chuột, hôm ấy chuột cái đi vắng, chuột đực một mình ở nhà, chợt thấy chuột bạch chạy vào, hỏi rõ căn do, bèn cố quyến-dỗ cho kỳ được. Nào là kể những cảnh vất-vả mẹ góa con côi, nào là tả những nỗi lạnh lùng chăn đơn gối chiếc, nào là tán-dương sự phú-quí vinh-hoa của nhà thủ-tướng, nào là cười-diễu sự bần-hàn cùng-quẫn của kẻ thư-sinh, sau cùng lại mạt-sát những người trọng luân-lý, chuộng tiết nghĩa ở trên đời, đều là những người chỉ biết chuộng hư danh mà không bổ-ích cho sự thực chút nào. Song chuột bạch khăng khăng cự-tuyệt, hễ chuột đực viện ra được một lý, thì chuột bạch lại dẫn được một lý khác để bác đi. Khi giải nghĩa thế nào là luân-lý, khi lập-luận thế nào là luân-lý, khi lập-luận thế nào là tiết-nghĩa, khi chê cuộc phú-quí là áng phù-vân, khi khen thanh-cao là nền chính-khí, khi công-kích bọn triêu Tần mộ Sở là tuồng hèn-hạ đáng khinh, sau cùng lại nói nếu bị áp-bách quá, thì quyết theo nghĩa "sát thân thành nhân" Để bảo-toàn lấy hai chữ trinh-tiết. Chuột đực thấy chuột bạch lời-lẽ nghiêm-chỉnh và khảng-khái, đành phải kiếm lời từ tạ, để cho chuột bạch bằng lòng. Đang khi ấy, chuột cái chợt ở đâu về, thấy chuột đực đang nói chuyện với chuột bạch, ngờ rằng hai bên có tình-ý gì, tỏ ra vẻ bất-bình lắm. Chuột bạch bèn thuật lại đầu đuôi, vì sự tị nạn, bất-đắc-dĩ mà không tránh khỏi được nỗi hiềm-nghi, lời lẽ ôn-tồn uyển-chuyển, trước là để biện-bạch tâm-sự của mình; sau là muốn gỡ cho chuột đực, để giữ sự êm thắm trong chỗ láng giềng, rồi từ-biệt thung-dung trở về. Nhưng sau đó, chuột cái không tin lời chuột bạch là thật, không những ray-rứt chuột đực, kể-lể con cà con kê, lại còn đến tận nhà của chuột bạch để rêu-rao tiếng nọ tiếng kia. Đang khi ấy, một con mèo thình-lình ở đâu nhảy đến, chuột cái hoảng hốt chạy ngã xuống ao. Hồ tiên-sinh trông thấy lấy làm ái-ngại, bèn đuổi mèo đi, vớt chuột cái lên, lấy lẽ phải chăng, giảng-giải đạo cư-xử ở trong gia-đình cho chuột cái nghe, và kể rõ đầu đuôi cho chuột cái biết chuột bạch vốn một niềm chính-đính. Vì Hồ-sinh là người hiểu biết tiếng các loài vật, cũng như Công Dã-Tràng đời xưa, đã từng vì tính hiếu-kỳ, đứng nghe ở cửa hang chuột đực, từ đầu đến cuối, cho nên biết rõ hết cả. Xong rồi, Hồ tiên-sinh về thư-phòng chép ra truyện này, đặt tên là Trinh thử, nghĩa là con chuột trinh-tiết.
2. Tiểu-sử của tác-gỉa.

Các bản in cũ, ngoài bìa quyển truyện Trinh thử đều đề là "Trần triều xử-sĩ Hồ Huyền-Qui tiên-sinh soạn", Nay xét trong nhân-vật sử đời Trần, không thấy chỗ nào nói đến truyện Hồ tiên-sinh. Trong các mục Kinh-tịch chí, văn-tịch chí của ông Lê Quí-Đôn và Phan Huy-Chú không thấy kê tên cuốn truyện Trinh thử và cũng không nói gì đến ông Hồ Huyền-Qui.
Tác-giả truyện Trinh thử dùng được nhiều tiếng phương-ngôn ngạn-ngữ của nước nhà và ông Hồ Huyền-Qui tất là một bậc ẩn-dật rất có đức-vọng ở thời bấy giờ, mà bình nhật Hồ Quí-Ly vẫn phải tôn-sùng kính-trọng như hàng tôn-trưởng, cho nên trong cuốn truyện Trinh thử, ông Hồ Huyền-Qui mới dám công-nhiên mượn câu văn để ngụ ý trào-phúng. Thiết-tưởng đó là những lời ức-đoán, song cũng có phần đúng. Nay xem ở trong truyện có những câu sau này :
thì biết tác-giả không phải là một người bão-phụ tầm thường vậy. Tiếc rằng sách vở đời Trần, trải qua cuộc binh-hỏa giặc Minh, tàn-phá gần hết, đến nay sưu-tầm rất khó, mong rằng các nhà lưu tâm đến văn-sử của nước nhà ra công thu-thập lấy nhiều tài-liệu để bổ-chính thêm vào.

3. Cách kết-cấu trong truyện.

Cuốn truyện có thể chia làm ba đoạn :
Đoạn thứ nhất: Chuột đực và chuột bạch thuyết lý với nhau, chuột đực dỗ chuột bạch mười một lần, chuột bạch bác lại mười một lần.
Đoạn thứ nhì: Chuột cái về nhà sinh sự với chuột đực và chuột bạch, rồi bị mèo đuổi, lại được Hồ tiên-sinh vớt lên và vâng nghe những lời dẫn-dụ.
Đoạn thứ ba: là đoạn kết-luận, cho thói gian tà là đáng chê, lòng chính-trực là đáng kính và ngụ ý khuyên đời.
Cả cuốn đặt theo lối lục-bát, cộng là 848 câu.

4. Văn-pháp và tâm-lý trong truyện.

a) về cách đặt câu, ta nhận thấy chữ thứ nhì câu lục, có mấy chỗ dùng tiếng trắc, như câu :
Lối này về sau các nhà văn cho là khổ-độc, ít khi đặt câu như thế, trừ phi khi nào câu lục đặt theo lối tiểu đối, nghĩa là ba tiếng trước đối với ba tiếng sau và ở giữa câu lục có thể chấm ngắt ra làm đôi được (chấm đậu) như câu " trên gác phượng, dưới sân rồng " hay là câu "khi tỉnh rượu, lúc tàn canh ", thì chữ thứ nhì ở câu lục mới có thể dùng chữ trắc, đó là một chỗ khác nhau về cách đặt câu ở từng thời-đại một, tuy là thuộc về mặt hình-thức, song cũng có thể giúp cho nhà khảo-cứu về văn-sử được một vài phần.
b) về cách dùng chữ, ta nhận thấy trong truyện có nhiều tiếng cổ, như tiếng "khứng" tiếng "tách" tiếng "chưng" tiếng "thửa", đến bây giờ ít dùng, và có người lại cho là tiếng nôm-na quá, đó cũng là những tài-liệu rất cần về cổ học cho những bạn ham đọc quốc-văn, mà thứ nhất là quốc-văn cũ. Trong truyện cũng có dùng chữ Hán, nhưng dùng toàn chữ thông thường, bởi thế ta có thể nhận rằng kho quốc-âm ta sở-dĩ được phong-phú như ngày nay, tất là đã phải chứa góp bao nhiêu thời-kỳ, lúc đầu còn dùng những chữ phổ-thông, rồi dần dần dùng đến những chữ khó, trình-độ tiến-hóa ở trong quốc-văn đã qua được một bậc, thì lại bước lên một bậc; như cuốn truyện Trinh thử này, mới là những bước đầu dùng chữ Hán ở trong quốc-văn vậy.
c) Về cách viết văn thì thật là giản-dị và minh-bạch, chất-phác và hồn-hậu, tả cảnh một cách tự-nhiên, tả tình một cách lâm-ly thống-thiết..Như đoạn tả thầy đồ nghèo :
Lại như đoạn tả người góa bụa:
Còn về cách trào-phúng thì thật là êm-dịu mà cay-chua, mát-mẻ mà đau-xót; xem như chỗ chuột đực so-sánh loài vật với loài người:

Xưa nay chỉ người lại khen chê người, đây lại bởi miệng con chuột nói ra, thật là một kỳ-tứ của văn-gia.
Không những thế, từ-lý lại rất là sung-thiệm, như chỗ chuột đực kể cả một đoạn tình sử để dỗ chuột bạch, kể từ Lã-hậu, Hồ-phi, Điêu-thuyền, Vũ-tắc-Thiên, Trác Văn-Quân, cho đến truyện Lưu Nguyễn, Bạch Viên, muốn cho là dầu phàm-trần, dầu thần-tiên, cũng đều vướng-víu bận-bịu ở trong tình-trường. Rồi lại cực-lực bài-xích cả đến bài văn luận thử cho những phường bạch-diện thư-sinh toàn là nói lém. Có thể cho là một tay hùng-biện
Lại như chỗ chuột bạch bác lại kể từ lúc mới đặt lễ lệ-bì, cho đến lúc có giáo-hóa, có chính-trị, thế nào là nghĩa tạo-đoan, thế nào là nền phong-hóa, lại mạt-sát đến cả những bọn tham danh vụ lợi, biến tiết khuất thân, thật là từ trực, lý trang, có thể dùng làm bài học luân-lý ở đời được.
Chỗ đặc-sắc nhất ở trong truyện này là dùng được nhiều câu phương-ngôn và tục-ngữ, như những câu:
Không những tức cảnh sinh tình, vừa thiết-thực vừa có nhiều thanh-thú, mà lại chọn được những câu toàn có tên con giống để làm cho câu văn màu-mẽ thêm lên.
b) Xem suốt cả cuốn văn này, ta nhận thấy tác-giả muốn mượn chuyện con chuột đực và con chột bạch để vạch rõ hai con đường đời, là đường tà và đường chính. Hai con đường này không bao giờ hợp làm một được, nhưng vẫn có lối thông sang với nhau. Những người đi trên hai con đường này có lúc bên nọ đông hơn bên kia, cũng có người trọn đời theo một con đường, cũng có người đang ở con đường này đi sang con đường nọ. Vì thế mà cõi đời lúc nào cũng có người tà, người chính, lúc nào cũng có người đang chính hóa ra tà, đang tà hóa ra chính. Song xét cho kỹ, tà và chính bởi đâu mà sinh ra. Tà và chính chẳng qua là hai cái danh hiệu tương-đối. Nếu hẳn là không có tà, thì chính cũng không cần phải gọi tên lên nữa. Vì những nỗi thiên-tư của nhân-dục người ta mới phạm vào đường tà: kỳ thực, người ta bẩm sinh ra có phải ai cũng là bất-chính đâu. Dầu ít hay nhiều, người ta ai cũng có lương-tâm, tức là cái mầm, cái rễ của điều thiện, mà thiện tức là chính vậy. Vì thế cổ-nhân mới lấy bốn chữ tu ố và trắc ẩn, để xét về tâm-tính người. Ai cũng có lòng tu ố và trắc ẩn, tất là ai cũng có lòng lành, giữ được lòng ấy mà khoáng-sung mãi ra thì trở nên hiền-nhân quân-tử, còn những kẻ gian-ác tiểu-nhân, bẩm-nhiên vẫn có lòng lành, chỉ vì bị vật-dục chướng-tế mà đến nỗi lạc lối lầm đường. Tà và chính không phải chỉ quan-hệ về tư-cách cá-nhân, mà lại có thể làm hại hay làm lợi cho loài người rất to, vì xưa nay trăm điều tội-ác làm nhiễu-loạn, trong từ gia-đình, ngoài đến tộc đảng, hương-ấp, quận-quốc, rồi cả đến thế-giới, đều bởi một chữ tà cả. Vả chăng đời nào chính thịnh tất là đời thịnh, đời nào chính suy tất là đời suy, bởi thế ai có con mắt nhận rõ về cái hiểm-tượng của loài người, hoặc về hiện-tại, hoặc về tương-lai, đều phải lấy hai điều phù chính ức tà là hai vấn-đề rất quan-trọng. Tác-giả sinh ở cuối Trần, vào hồi khí-diễm họ Hồ đang mạnh, mà cả triều đều a-phụ một hùa, nhận thấy thói đời xu viêm phụ nhiệt thái quá, có khi cả những người có học-thức cũng không biết lễ-nghĩa liêm-sỉ là gì, mới động lòng trung-phẫn mà viết ra truyện này, nói con chuột đực, tức là ám-chỉ những đảng Quí-Ly, nói con chuột bạch tức ám-chỉ những bậc trung-thần lúc bấy giờ.
Song than ôi! ở đời người chính vẫn còn và kẻ tà không bao giờ hết; hết bọn Hồ Quý-Ly này đến bọn Quý-Ly khác, cuốn truyện trinh thử này có phải chỉ vì đời Trần mới xuất-hiện ra đời đâu. Ta có thể nhận ở đoạn kết-luận có những câu sau này :
Nếu ngẫm-nghĩ cho kỹ, thì ta nên liệt cuốn văn này vào tập văn ngụ-ngôn, và nên công-nhận cuốn văn này rất có giá-trị cả về văn-chương và về luân-lý vậy. Sau khi đọc đi đọc lại nhiều lần, tôi xin lạm đề vào cuốn truyện Trinh thử mấy câu để giải thêm cái thâm-ý của tác-giả:
    Khen thay chuột bạch chính-chuyên,
    Ngán thay đen trắng đảo-điên trò đời,
    Gặp cơn dâu bể đổi dời,
    Đã thiêng hơn vật là người tính sao ?
    Ngẫm xem đất thấp trời cao,
    Thế nào là trọc, thế nào là thanh ?
    Quyển vàng dỡ trước đèn xanh,
    Lưu phương, lưu xú rành rành còn ghi.
Thế mới biết
    Thói tà-phong tan chóng,
    Mùi chính-khí thơm lâu,
    Người mẫn thế động lòng đau-xót
    Văn ngụ-ngôn giãi ý cao sâu.
Trách ai hắc bạch thay lòng, vì nấm lợi, mồ danh mà lẩn quất;
Để khách thanh-cao ngứa mắt, nghĩ tình đời, thói tục lại âu-sầu.
Ngán thay chiếc mặt phong trần, sóng vùi-dập cũng thừa một kiếp;
Khéo bỡn-cợt cái mồm nguyệt đán, lời mỉa-mai để lại ngàn thâu.

Bùi Ưu Thiên