Các truyện nôm của ta kể ra cũng khá nhiều, nhưng nhiều chuyện nhất là những chuyện cũ, cũng có người không biết, không để ý đến, cũng có người xem truyện Kiều rồi cho hết thảy các truyện cũ là quê mùa, không dáng xem, coi thường không buồn đọc nữa, bởi vậy những truyện ấy hầu như là bỏ rơi vậy.
Chúng tôi xem ra có nhiều truyện cổ, không phải là không có giá trị, văn không phải toàn một vẻ chất-phác như người ta tưởng lầm; nhiều câu nhiều đoạn văn rất hay, ý sâu-xa, nếu bỏ mất đi, thì bao nhiêu những áng văn-chương cổ một ngày một tiêu-diệt mất, thì thật đáng tiếc.
Bởi vậy chúng tôi muốn bảo-tồn lấy những di-sản quí-hóa của tổ-tiên để lại, và sưu-tầm những bản truyên hoặc in, họăc chép bằng chữ nôm, lấy bản cũ nhất làm chuẩn-đích, đem đối-chiếu với các bản khác, so-sánh từng chữ từng câu, đính-chính lại rồi chú-thích rành-mạch, để khỏi sai-lầm. Khi đã hiệu-đính, chú-thích xong, đem ra cùng nhau thảo-luận đính-chính rồi mới ấn-định xuất-bản.
Hiện thời chúng tôi đã đính chính xong bốn truyện ngụ-ngôn là :
- truyện Trê cóc,
- truyện Trinh thử,
- truyện Lục súc tranh công, và
- truyện Hoa điểu tranh năng.
Những truyện này do ông Phó-bảng Bùi-Kỷ hiệu-đính và chú-giải, và đem in thành từng tập riêng; như thế các nhà học quốc-văn sau này sẽ có đủ tài-liệu để tra-khảo.
Lệ-Thần Trần-Trọng-Kim
Sự tích
Gặp ngày bà Tây Vương-mẫu mở tiệc thọ, cầm-vương Phượng-hoàng và Hoa-vương là Mẫu-đơn đều đem lễ vật đến mừng. Sứ-thần bên chim là Bạch-thanh, sứ thần bên hoa là Náo-dương. Giữa đường, hai bên gặp nhau bên nào cũng đòi đi trước. Sứ thần hai bên ra đấu-khẩu với nhau. Bên chim khoe Cầm vương là bậc đạo-đức nhất, rồi lại kể những nết hay của loài chim. Bên hoa khoe Hoa-vương là bậc phú-quí nhất, rồi lại kể những vẻ đẹp của các loài hoa. Không những thế, chim kể xấu hoa, hoa kẻ xấu chim, không bên nào chịu bên nào. Tây Vương-mẫu phải cho người ra phân-xử, đành cho bên hoa đi trước, lấy cớ là cõi đời phần nhiều trọng phú-quí hơn đạo-đức. Sau đức Khổng-tử biết chuyện, ngậm-ngùi than-thở, cho là thói đời đã đến lúc suy-kém rồi.
2- Tác-giả và tâm-lý trong cuốn văn
Tác-giả không biết là ai, nhưng xem kỹ lời văn tác-giả ở vào thời gần đây, vì trong cuốn văn, không dùng tiếng cổ. Tác-giả thật là một nhà yêm-bác, đem gần hết các nết hay, thói xấu của loài chim, loài hoa để ám-chỉ người. Tuy một cuốn có hai trăm hai mươi câu, không lấy gì làm dài, song nếu ngâm nga ngoạn-vi đủ nhận thấy tấm lòng thương đời của tác-giả thiết-tha biết là chừng nào !
Thương là thương cho người ta đổ-xô về đường vật-chất, mà bên tinh-thần cứ trụy-lạc đi dần dần.
Thương là thương chữ sắc mỗi ngày thắng được chữ đức, đúng như lời đức Khổng-tử đã nói : Ngô vị kiến hiếu đức như hiếu sắc.
Nay ta thử đọc mấy câu ở đoạn kết như sau này :
Ưa nhân chuộng nghĩa mấy người,
Ít tiền dẫu đến vua tôi cũng thường.
Cha con trong đạo gia-đường,
Ít tiền cũng chẳng ra tuồng thân-yêu.
Anh em họ mạc dập-dìu,
Ít tiền thì cũng ra chiều buồn tênh.
Sắt cầm phu-phụ duyên lành,
Ít tiền thì cũng ra tình thờ-ơ.
Bạn chơi bất cứ thân-sơ,
Ít tiền thì chẳng bao giờ được thân.
Mấy câu này tuy rất giản-dị tầm-thường, song thật là tả rõ hết tình thái ở trên kim tiền thế-giới. Thiết tưởng cuốn văn này là tiếng mõ đêm khuya, tiếng chuông sáng sớm để cảnh-tỉnh lòng người.
BÙI ƯU-THIÊN
|
