Nhà Hồng-Bàng (2879-258 trước Giê-su)
1. Mở Đầu
Nghìn thu gặp hội thăng-bình,
Sao Khuê sáng vẻ văn minh giữa trời.
Lan-đài dừng bút thảnh thơi,
Vâng đem quốc-ngữ diễn lời sử xanh.
Nam-giao là cõi ly-minh,
Thiên-thư định phận rành rành từ xưa.
Phế-hưng đổi mấy cuộc cờ,
Thị-phi chép để đến giờ làm gương.
2. Kinh Dương-vương
Kể từ trời mở viêm-bang,
Sơ đầu có họ Hồng-bàng mới ra.
Cháu đời Viêm-đế thứ ba,
Nối dòng Hỏa-đức gọi là Đế-minh.
Quan-phong khi giá Nam-hành,
Hay đâu Mai-lĩnh duyên sinh Lam-kiều,
Vụ-tiên vừa thuở đào yêu,
Xe loan nối gót, tơ điều kết duyên.
Dòng thần sánh vời người tiên,
Tinh-anh nhóm lại, thánh hiền nối ra,
Phong làm quân-trưởng nước ta,
Tên là Lộc-tục, hiệu là Kinh-dương.
Hóa-cơ dựng mối luân-thường.
Động-đình sớm kết với nàng Thần-long.
Bến hoa ứng vẻ lưu-hồng
Sinh con là hiệu Lạc-long trị-vì.
3. Lạc-long-quân và Âu-Cơ
Lạc-long lại sánh Âu-ky.
Trăm trai điềm ứng hùng bi lạ dường.
Noãn-bào dù chuyện hoang-đường,
Ví-xem huyền-điểu sinh Thương khác gì?
Đến điều tan-hợp cũng kỳ,
Há vì thủy hỏa sinh-ly như lời,
Chia con sự cũng lạ đời,
Qui sơn, qui hải khác người biệt-ly.
Lạc-long về chốn Nam-thùy,
Âu-cơ sang nẻo Ba-vì Tản-viên.
Chủ-trương chọn một con hiền,
Sửa-sang việc nước nối lên ngôi rồng.
4. Hùng-vương và nước Văn-lang
Hùng-vương đô ở châu Phong,
Ấy nơi Bạch-hạc hợp dòng Thao-giang.
Đặt tên là nước Văn-lang,
Chia mười lăm bộ, bản-chương cũng liền.
Phong-châu, Phúc-lộc, Chu-diên,
Nhận trong địa-chí về miền Sơn-tây;
Định-yên, Hà-nội đổi thay,
Ấy châu Giao-chỉ xưa nay còn truyền.
Tân-hưng là cõi Hưng, Tuyên,
Vũ-ninh tỉnh Bắc, Dương-tuyền tỉnh Đông;
Thái, Cao hai tỉnh hỗn-đồng,
Ấy là Vũ-định tiếp cùng biên-manh;
Hoài-hoan: Nghệ; Cửu-chân: Thanh;
Việt-thường là cõi Trị, Bình trung-châu.
Lạng là Lục-hải thượng-du
Xa khơi Ninh-hải thuộc vào Quảng-yên.
Bình-văn, Cửu-đức còn tên,
Mà trong cương-giới sơn xuyên chưa tường.
Trước sau đều gọi Hùng-vương,
Vua thường nối hiệu, quan thường nối tên.
Lạc-hầu là tướng điều-nguyên,
Vũ là Lạc-tướng giữ quyền quân-cơ;
Đặt quan Bồ-chinh hữu-tư
Chức-danh một bực, đẳng-uy một loài.
5. Giao-thiệp với Trung-Hoa
Vừa khi phong-khí sơ-khai,
Trinh-nguyên xẩy đã gặp đời Đế-Nghiêu.
Bình-dương nhật nguyệt rạng kiêu,
Tấm lòng quì, hoắc cũng đều hướng-dương.
Thần-quy đem tiến Đào-đường,
Bắc Nam từ ấy giao-bang là đầu.
Man-dân ở chốn thượng-lưu,
Lấy nghề chài lưới làm điều trị-sinh.
Thánh-nhân soi xét vật-tình,
Đem loài thủy-quái vẽ mình thổ-nhân.
Từ sau tục mới văn-thân,
Lợi dân đã dấy, hại dân cũng trừ.
Dõi truyền một mối xa-thư,
Nước non đầm-ấm, mây mưa thái-binh.
Vừa đời ngang với Chu Thành,
Bốn phương biển lặng, trời thanh một mầu.
Thử thăm Trung-quớc thể nào,
Lại đem bạch-trĩ dâng vào Chu-vương.
Ba trùng dịch-lộ chưa tường,
Ban xe tí-ngọ chỉ đường Nam-quy.
6. Chuyện Phù-Đổng Thiên-vương
Sáu đời Hùng vận vừa suy,
Vũ-ninh có giặc mới đi cầu tài,
Làng Phù-đổng có một người,
Sinh ra chẳng nói,chẳng cười trơ-trơ.
Những ngờ oan trái bao giờ.
Nào hay thần-tướng đợi chờ phong-vân.
Nghe vua cầu tướng ra quân,
Thoắt ngồi, thoắt nói muôn phần khích-ngang.
Lời thưa mẹ, dạ cần vương.
Lấy trung làm hiếu một đường phân-minh.
Sứ về tâu trước thiên-đình,
Gươm vàng, ngựa sắt đề binh tiến vào.
Trận mây theo ngọn cờ đào,
Ra uy sấm sét, nửa chiều giặc tan.
Áo nhung cởi lại Linh-san,
Thoắt đà thoát nợ trần-hoàn lên tiên.
Miếu-đình còn dầu cố-viên,
Chẳng hay chuyện cũ lưu-truyền có không?
7. Chuyện Sơn-tinh và Thủy-tinh
Lại nghe trong thủa Lạc-Hùng
Mị-châu có ả tư-phong khác thường,
Gần xa nức tiếng cung-trang.
Thừa-long ai kẻ đông-sàng sánh vai?
Bỗng đàu vừa thấy hai người,
Một Sơn-tinh với một loài Thủy-tinh,
Cầu hôn đều gửi tấc thành,
Hùng-vương mới phán sự tình một hai.
Sính nghi ước kịp ngày mai,
Ai mau chân trước, định lời hứa-anh.
Trống lầu vừa mới tan canh,
Kiệu-hoa đã thấy Sơn-tinh chực ngoài.
Ước sao lại cứ như lời,
Xe loan trăm cỗ đưa người nghi-gia.
Cung đàn tiếng địch xa-xa,
Vui về non Tản, oán ra bể Tần.
Thủy-tinh lỡ bưởc chậm chân,
Đùng-đùng nổi giận, đem ân làm thù.
Mưa tuôn gió thổi mịt-mù,
Ào-ào rừng nọ, ù-ù núi kia,
Sơn thần hỏa phép cũng ghê,
Lưới giăng dòng Nhị, phen che ngàn Đoài.
Núi cao sông cũng còn dài,
Năm năm báo oán, đời đời đánh ghen.
8. Chuyện Chử-Đồng-tử và Tiên-dung
Bổ-di còn chuyện trích-tiên,
Có người họ Chử ở miền Khoái-châu.
Ra vào nương-náu hà-châu.
Phong-trần đã trải mấy thâu cùng người.
Tiên-dung gặp buổi đi chơi,
Giỏ đưa Đằng-các, buồm xuôi Nhị-hà,
Chử-đồng ẩn chốn bình-sa
Biết đâu gặp-gỡ lại là túc-duyên.
Thừa-lương nàng mới dừng thuyền,
Vây màn tắm mát kề liền bên sông.
Người thục-nữ, kẻ tiên đồng,
Tình cờ ai biết vợ chồng duyên ưa.
Giận con ra thói mây mưa,
Hùng-vương truyền lịnh thuyền đưa bắt về.
Non sông đã trót lời thề,
Hai người một phút hóa về Bồng-châu,
Đông-an, Dạ-trạch đâu đâu,
Khói hương nghi-ngút truyền sau muôn đời.
9. Hết đời Hồng-Bàng
Bể dâu biến đổi cơ trời,
Mà so Hồng-Lạc lâu dài ai hơn?
Kể vua mười tám đời truyền,
Hai ngàn năm lẻ vững bền khôn lay.
Một dòng phụ-đạo xưa nay,
Trước ngang Đường-đế sau tầy Noãn-vương.
|
|

Chú thích:
thăng-bình: thái bình
Sao Khuê: ngôi sao chủ về sự hưng thịnh của văn-học
Lan-đài: nơi chép sử ngày xưa
Nam-giao: cõi Nam
ly-minh: ánh sáng của quẻ Ly (chỉ phương Nam = nước ta)
Thiên-thư định phận: đã định rõ trong sách trời
Phế-hưng: đời nọ mất, đời kia lên
Thị-phi: điều phải, điều trái
viêm-bang: nước ở xứ nóng (phương Nam thuộc hỏa = nước ta)
[Back to the top]
Hỏa-đức: dòng dõi vua Thần-nông, hay Viêm-đế
Quan-phong: đi quan sát xem xét phong tục của dân
Mai-lĩnh: núi ở phương nam nước Tầu, giữa Giang-tây và Quảng-đông
Lam-kiều: Bùi-Hằng gặp tiên là Vân-Anh ở Lam kiều, chỉ duyên tốt chồng vợ
đào yêu: quả đào sắp chín, chỉ con gái đến tuổi lấy chồng
quân-trưởng: vua
Hóa-cơ: nền móng cho phong hóa
hùng bi: các giống gấu. Nằm mộng thấy gấu là điềm đẻ con trai
Noãn-bào: bọc trứng. Tục truyền bà Âu cơ đẻ ra 100 trứng sau nở thành 100 con trai
[Back to the top]
huyền-điểu: chim lông đen = chim yến. Bà tổ nhà Thương bên Tầu nàm mơ nuốt trứng huyền điểu, sau con cháu làm vua
Nam-thùy: biên giới phía Nam = miền biển
Âu-cơ: cơ còn đọc là ky, tiếng lịch sự để chỉ đàn bà
châu Phong: gồm một phần tỉnh Sơn-Tây, Vĩnh-Yên và Phù-Thọ bây giờ
Bạch-hạc: tên một làng trên bờ sông Hồng, mé Việt-Trì
Thao-giang: quãng sông Hồng chạy qua Việt-Trì
bản-chương: bản đồ
biên-manh: dân rợ ở ráp biên thùy
Cửu-đức: nay la Hà-Tĩnh
điều-nguyên: coi việc cai-trị
[Back to the top]
đẳng-uy: thứ bậc và quyền hành
Trinh-nguyên: ý nói đời thái-bình
Đế-Nghiêu: vua nước Tầu về đời thượng cổ đóng đô ở Bình-Dương
nhật nguyệt rạng kiêu: uy tín của vua Nghiêu sáng như mặt trăng, mặt trời
hướng-dương: quay về mặt trời như cây quì, cây hoắc
Thần-quy: thứ rùa quí, xưa cho là thiêng
Đào-đường: họ vua Nghiêu
Man-dân: dân chưa được văn-minh. Xưa Tầu dùng để chỉ các dân ở phía nam
văn-thân: vẽ mình
xa-thư: xe và sách
[Back to the top]
Chu Thành: vua Thành vương nhà Chu (TK 11 trưóc TL)
Ba trùng dịch-lộ: đường đi hiểm trở
xe tí-ngọ: Tí = bắc, Ngọ=nam; xe có kim chí nam
Nam-quy: đi về phương Nam
phong-vân: gió mây; dịp tốt để thi thố tài đức
khích-ngang: khảng khái
cần vương: đánh giặc giúp vua
Linh-san: núi Sóc sơn, hay là Vệ linh sơn, nay thuộ tỉnh Phúc-Yên
cố-viên: vườn cũ, tức là làng Phù-Đổng, tỉnh Bắc-Ninh. Nay còn đền thờ gọi đền Dóng
Lạc-Hùng: Vua Hùng vương dòng Lạc
[Back to the top]
tư-phong: sắc đẹp
cung-trang: vẻ đẹp của đàn bà ở trong cung
Thừa-long: cưỡi rồng, như câu "đẹp duyên cỡi rồng" nghĩa là lấy chồng
đông-sàng: giường kê về phía đông, chỉ người rể
tấc thành: tấm lòng thành
Sính nghi: đồ lễ cưới
hứa-anh: nhận gả con gái cho
nghi-gia: đưa con gài về nhà chồng
ngàn Đoài: dòng Nhị là sông Nhị-hà hay sông hồng-hà, ngàn Đoài là núi thuộc tỉnh Đoài, tức là núi Tản-viên ở tỉnh Sơn-tây
Bổ-di: thêm vào chỗ thiếu
[Back to the top]
trích-tiên: người tiên ở trên trời có lỗi phải xuống trần
mấy thâu: mấy thu, tức là mấy năm: ý nói Chử-đồng-tử vốn vẫn nghèo-khỏ vất-vả
Đằng-các: gác vua Đằng, chỉ sự may mắn thành vợ chồng. Tích nầy dùng đây rất nợp, nhất là vi Khoài-châu xưa cũng là Đằng-châu
bình-sa: bãi cát
túc-duyên: duyên từ kiếp trước
Thừa-lương: hóng mát
phụ-đạo: cha truyền con nối
Đường-đế: vua Nghiêu họ Đào-đường bên Tầu
Noãn-vương: vua Noãn-vương nhà Chu bên Tầu(thế-kỷ thú 4 và3 trước Giê-su).