Bích câu kỳ ngộ

9.- Nỗi nghi hoặc của Tú-Uyên sau khi mỵ-nhân biến đi (câu 143- câu 160)

Người còn cợt gió, đợi mây,
Gót tiên khách đã trở giầy làm thinh.
Ngóng theo đến Quảng-văn đình,
Bóng trăng trông đã trên cành lướt qua.
Mượn người thăm hỏi gần xa,
Hồng lâu tử các đâu mà đến đây?
Hay là quán nước, làn mây,
Gió xuân thổi xuống chốn này đấy sao?
Dám xin trỏ lối cho nao,
Tới non Ngọc dễ ai nào về a!
Ơn lòng nhắm liễu thăm hoa,
Biết đâu sắc sắc vẫn là không không.
Thoắt thôi lẩn bóng ngàn thông,
Hương trầm còn thoảng cánh hồng đã khơi.
Xe loan gió cuốn lưng trời,
Tiên về động bích, tình rơi cõi trần.
Ngửa trông năm thức mây vần,
Hồn chưa đến chốn non thần đã mê.

10.- Tú-Uyên trở về mang bệnh tương tư (câu 161 - câu 190)

Lần trăng ngơ ngẩn ra về,
Đèn thông khêu cạn, giấc hoè chưa nên.
Nỗi nàng canh cánh nào quên,
Vẫn còn quanh quẩn người tiên khéo là?
Bướm kia vương lấy sầu hoa,
Đoạn tương-tư ấy nghĩ mà buồn tênh!
Có khi gẩy khúc đàn tranh,
Nước non ngao-ngán ra tình hoài nhân.
Cầu hoàng tay tựa nên vần,
Tương-Như lòng ấy, Văn-Quân lòng nào.
Có khi mượn chén rượu đào,
Tiệc mồi chưa cạn, ngọc dao đã đầy.
Hơi men chưa nhấp đã say,
Như xông mùi nhớ, như gây giọng tình.
Có khi ngồi suốt năm canh,
Mõ quyên điểm nguyệt, chuông kềnh nện sương.
Ỏi tai những tiếng đoạn trường,
Lửa tình dễ nguội, sông Tương khôn hàn.
Có đêm ngắm bóng trăng tàn,
Tiếng quyên hót sóm, trận nhàn bay khuya.
Ngổn ngang cãnh nọ tình kia,
Nỗi riêng, riêng biết, dãi dề với ai!
Vui xuân chung cảnh một trời,
Sầu xuân riêng nặng một người tương tư.
lòng yêu tay tả nên thơ,
Mảnh tình phong với mảnh tờ đưa theo.
Ả Hằng ví nặng lòng yêu,
Rẽ mây mở lối tinh-thiều cho nao !
Hỏi cho giáp mặt hoa đào,
Vườn xuân chẳng lẽ ngăn rào mãi ru !

11.- Hà-Sinh đến thăm bạn, Tú-Uyên kể sự tình (câu 191 - câu 218)

Đồng song có gã họ Hà,
Ướm tình mới hỏi lân-la gót đầu.
Cớ sao chuốc não mua sầu,
Bữa thường ngao-ngán như màu nhớ ai?
Bấy nay vắng vẻ thư-trai,
Vóc sương nghe đã kém vài bốn phân.
Nguồn cơn ngỏ với cố nhân,
Hoạ may sẽ giúp được phần nào chăng?
Điều đâu thực khéo như rằng,
Nói vào hợp ý, khôn bưng lòng người.
Song mà tình chẳng riêng ai,
Bệnh tương tư có trải mùi mới hay.
Người ngu đấng thánh xưa nay,
Tình chung chẳng ở vòng này hay sao?
Nói dù nghe cũng thế nào,
Lặng dù, nghe cũng nao-nao chẳng đành.
Bệnh căn khôn lẽ dấu quanh,
Cầm tay mới kể đinh ninh mọi điều.
Nói bao nhiêu, tưởng bấy nhiêu,
Ghê cho sắc ngọc dễ xiêu lòng vàng.
Những là tiếc phấn say hương,
Nên vò lưới nhện mà vương tơ tằm.
Sầu dường bể, khắc như năm,
Xương mai chịu được mấy lăm mà gầy!
Nghìn xưa âu cũng thế này,
Gánh sầu san-sẻ ai đầy ai vơi?
Lạ cho cái giống hương trời,
Biết năm biết thuở, biết đời nào quên.

12.- Hà-Sinh nhắc lại chuyện Thánh-Tông gặp tiên (câu 219 - câu 244)

Hà nghe nói hết căn nguyên,
Nghĩ xem chuyện ấy quả nhiên rằng kỳ.
Chẳng thần nữ, cũng tiên-phi,
Duyên xưa còn có chút gì hay không.
Lá hồng ra mối chỉ hồng,
Nước bèo kia cũng tương phùng có phen.
Ngọc-Liên nghe có Hoa-tiên,
Thánh-Tông thủa trước qua miền ấy chơi.
Lầu chuông bỗng gặp môt người,
Ngâm câu thần kệ, vịnh bài quốc âm.
Ngự khen tú khẩu cẩm tâm,
Mến riêng vì sắc, yêu thầm vì thơ.
Rước về rắp gạn tóc tơ,
Gót tiên bỗng thoắt bao giờ còn đâu?
Mười lăm năm nọ chưa lâu,
Còn di tích đó là lầu vọng tiên.
Lạ tai nghe những chẳng tin,
Thử coi cho thấy nhỡn tiền mà ghê.
Nhận ra trong lá thơ đề,
Bút tiên chi để điểm mê lòng phàm.
Những là én bắc nhạn nam,
Cánh hoa mặt nước dễ làm sao đây?
Tuy rằng cách trở đông tây,
Dẫu xa, xa cũng có ngày gần nơi.
Gác xuân cách mấy dặm khơi,
Nhân duyên đành để gió trời thổi đưa.

| |
Chú thích: