Gia huấn ca

Bài thứ 4
Vợ khuyên chồng


Vợ chồng ta tơ hồng vấn-vít,
Nhân-duyên này bà nguyệt khéo xe.
Trình anh thân thiếp vụng về,
Yêu thì nên tốt chớ nề ngu-si,
Quản bao lỗi nọ, lầm kia,
Chiều thanh vẻ quí dám bì được đâu.
Thiếp vâng lời dạy trước sau,
Nguyện xem then-khóa, giữ hầu áo khăn.
Trước là thờ-phụng tiền-nhân,
Sớm thăm tối viếng ân-cần đỡ anh.
Bốn phương chàng hãy kinh-doanh,
Dùi-mài kimh-sử tập-tành cung-tên.
Công-danh mong đợi ơn trên,
Còn trong trần-lụy hãy xin dấu mầu.
Gửi trình dễ dám khuyên đâu,
Sắc phòng thương thận, rượu hầu thương tâm
Thiếp xin chàng chớ đăm đăm,
Những nơi cờ bạc chớ ham làm gì.
Thế-gian lắm kẻ điên mê,
Áo-quần lam-lũ người thì như ma.
Thiếp xin chàng lánh cho xa,
Một niềm trung hiếu để mà lập thân.
Bấy lâu những đợi long-vân,
Đào thơ, liễu yếu gửi thân anh-hùng.
Xưa nay gái đội ơn chồng,
Hiển-vinh bõ lúc cơm sung, cháo dền.
Ơn trời công đã được đền,
Chàng nên quan cả, thiếp nên hầu bà !

Bài thú 5
Dạy học-trò ở cho phải đạo

Nào là những kẻ học-trò,
Nghe lời thầy dậy phải lo sửa mình.
Nghĩa cha sinh cùng công mẹ dưỡng,
Thời đêm ngày tư-tưởng chớ khuây,
Hai công-đức ấy nặng thay,
Xem bằng bể rộng, coi tày trời cao !
Trình vâng từ tốn ngọt-ngào,
Đi về thưa-thốt, ra vào thăm lênh.
Bánh quà, cá thịt, cơm canh,
Sớm trưa thay-đổi để dành hẳn-hoi.
Bữa thường dâng ngọt dâng bùi,
Nâng-niu chào hỏi chẳng sai đâu là.
Nghĩ công khó-nhọc nuôi ta,
Đến ngày cả lớn mong cho vuông tròn,
Kể từ lúc hãy còn thai dựng,
Đến những khi nuôi-nấng giữ-giàn
Nặng-nề chín tháng cưu-mang,
Công sinh bằng vượt bể sang nước người.
Đoạn thôi lúc ấy vừa rồi,
Ấp-ôm bú-mớm chẳng rời trên tay.
Mong cho biết ngửa biết ngây,
Biết chuyện biết hóng chẳng khuây bao giờ,
Ngày trứng nước, thủa ngây-thơ.
Bao giờ sài-ghẻ bấy giờ lại lo.
Lo cho biết lẫy, biết bò,
Mong cho biết đứng, mong cho biết ngồi.
Đoạn rồi lại lo khi xảy đậu,
Công, dại, ngây, thơ-ấu, u-ơ.
Ba năm nhũ-bộ còn thơ,
Kể công cha mẹ biết cơ-ngần nào ?
Chữ rằng "sinh ngã cù lao",
Bể sâu khôn ví, trời cao khôn bì.
Nhưng mà gặp buổi bình thì,
Tiền trăm, bạc chục việc gì mà lo !
Hay là gặp cửa nhà giàu,
Của chìm của nổi dễ hầu lo chi !
Song ta vốn đã hàn-vi,
Lại sinh ra gặp phải thì can-qua.
Đòi khi kém đói thiết-tha,
Bán-buôn tần-tảo cho qua lúc này.
Việc nhà việc cửa chuyên tay,
Khi đêm quên ngủ, khi ngày quên ăn.
Ngược xuôi gánh-vác nhọc-nhằn,
Chân le, chân vịt nào phần khoan thai.
Hình-dung ăn mặc lôi thôi,
Áo thời xốc-xếch, khố thời đuôi nheo.
Gian-nan đòi đoạn ngặt-nghèo,
Mà cho con học có chiều bao dong.
Thế-gian mấy kẻ có lòng,
Có công trời hẳn dành công để chờ.
Bây giờ loạn-lạc bơ vơ,
Cơ trời bĩ thái nắng mưa là thường.
Khuyên con học lấy văn-chương,
Có bên nghĩa-lý, có đường hiển-vinh .
Loạn rồi lại có khi bình,
Khi bình ta hãy cá kình giương vây.
Say-sưa kinh-sử chớ khuây,
Sắt mài ắt hẳn có ngày nên kim.
Mãi Thần kia mới là gan,
Trèo non kiếm củi, đốt than dãi-dầu.
Bể thánh sâu, cố gia công lội,
Rừng nho gai, thẳng lối xông-pha,
Ba năm chợt đổi khôi khoa,
Sân rồng ruổi ngựa, đường hoa giong cờ.
Trần Bình nhà bạc cửa thưa,
Đói no chẳng quản, muối dưa chẳng nề.
Đọc sách là chí nam-nhi,
Giúp Lưu trót đã lục-kỳ nên công.
Lọng giương, ngựa cưỡi, xe giong,
Bể sâu cá nhảy vẫy-vùng bõ khi.
Ấy là thủa trước nam-nhi,
Bây giờ đèn sách sớm khuya thế nào ?
Chữ rằng: " loạn độc thư cao",
Khi nên cũng thế, khác nào người xưa.
Nắng lâu cũng có khi mưa,
Trồng dưa thì lại được dưa nệ gì.
Mai ngày treo biển tên đề,
Khôi khoa lại được gặp kỳ thánh minh.
Lộc trời, tước nước hiển-vinh,
Báo đền đôi đức dưỡng sinh bấy chầy.
Bõ khi nghèo khổ chua-cay,
Bõ khi đèn sách, bõ ngày gian-truân.
Bệ rồng gang tấc chín lần,
Trong triều mực-thước, ngoài dân quyền-hành.
Một triều là một thanh danh,
Bởi chưng có chí học-hành thì nên.
Bao nhiêu là gái thuyền-quyên,
Lưng ong má phấn cũng chen chân vào.
Đã má đỏ, lại má đào,
Thơm-tho mùi xạ ngạt-ngào mùi hương.
Đủ mùi những thức cao lương,
Sơn hào hải vị bữa thường đổi trao.
Lợn quay, xôi gấc, chè tàu,
Ai ai là chẳng đến hầu làm tôi.
Quạt lông, gối xếp, thảnh-thơi,
Một lời dạy đến, trăm người dạ vâng.
Tiếng đàn, tiếng địch, tưng-bừng,
Câu thơ, câu phú lại dâng chén quỳnh.
Trong ngoài quan khách linh-đình,
Treo chông nội thất, truyền sênh công-đường.
Phấn trần, tranh cánh, giá gương.
Khi buông màn vóc, khi giường chiếu hoa.
Người hầu, người hạ, nhởn-nhơ,
Thắm chen vẻ tía, vàng pha màu hồng.
Nhà ngang dãy dọc trùng trùng,
Hầu non: con mới, tiểu-đông: thằng tranh.
Trai khoe lịch, gái khoe thanh,
Ra vào hài hán, chung quanh dập-dìu !
Giàu-sang khác vẻ trăm chiều,
Vì ơn cha mẹ lắm điều vì ta.
Nghĩa thứ ba là trong thầy tớ,
Dạy mấy lời phải nhớ đinh-ninh.
Nghĩa dưỡng sinh hiếu trung là thế
Đường công-danh có chí thì nên.

Bài thứ 6
Khuyên học-trò phải chăm học


Trước cửa Khổng cung tường chín-chắn.
Bước lên đường vào cửa ung-dung,
Trăm quan, tôn-miếu, lạ-lùng,
Học-hành cho biết thỉ-chung tỏ tường.
Bẩm phi thường khác hơn mọi vật,
Ắt làm người thời chẳng hư sinh.
Phú cho tai mắt thông-minh,
Tính-tình gồm đủ kiếp sinh vẹn tuyền.
Bực thánh-hiền ấy không dám ví,
Song làm người có chí thì nên,
Khai tâm từ thủa thiếu-niên,
Hiếu-kinh tiểu-học trước liền cho thông.
Đọc cho đến Trung-dung, Đại-học,
Tứ-thư rồi lại đọc ngũ Kinh,
Thi, Thư, Dịch, Lễ, đều tinh,
Xuân-thu nghĩa cả cho minh nghiệp nhà.
Xem cho đến Bách-gia, Chư-tử,
Bảy mươi pho sử đều thông,
Sớm khuya ở chốn văn-phòng,
Bút-nghiên, giấy-mực bạn cùng chân tay.
Bài kinh-nghĩa cùng bài văn-sách,
Tinh phú, thơ, mọi vẻ văn-chương.
Một đèn, một sách, một giường,
Có công mài sắt có ngày nên kim.
Học-trò giữ chính tâm làm trước, Với tu, tề, bình, trị đều yên,
Cương-thường giữ hiếu làm nên,
Từ đoan, ngũ giáo cho tuyền công sinh.
Bề đạo-đức, gia-đình phải giảng,
Phủ thiên-quân quang-đãng tinh-vi.
Lý cho cách vật, trí tri,
Trong thì dưỡng đức, ngoài thì tu thân.
Nghiệp tứ dân nhất rằng chữ sĩ,
Nghề nông, thương, công cổ khôn sơ,
Đạo thầy thứ nhất là Nho,
Toán, y, lý, số dám so-sánh bài.
Khắp triều-đình trong ngoài lớn nhỏ,
Những là người áo-mũ đai-cân,
Đời nào cũng chuộng nghề văn,
Mưu-mô giẹp loạn, kinh-luân mở nền
Pho kinh-sử làu chuyên nghề học,
Chốn thư-đường từng đọc hôm mai,
Quan sang chẳng có riêng ai,
Đạo trời nào phụ những người độc thư.
Kìa trước hết văn-nho sĩ-tử,
Dẫu khó-khăn kinh-sử càng chuyên,
Làm nên trọng chức cao quyền,
Trong ngoài ai chẳng ngợi-khen bậc hiền.
Nhặt lấy cỏ bồ biên mà đọc,
Người Ôn Thư chí học mới cao.
Chàng Hoằng không sách biết sao.
Mượn kinh mà học viết vào mảnh tre.
Dùi đâm vế kẻo khi buồn ngủ,
Ngươi Tô Tần chí thú đọc kinh,
Tóc treo giường ấy, Tô-sinh,
Để cho dễ thức học-hành canh khuya.
Thủa dầu hết đèn hoe bóng tuyết,
Chàng Tôn Khang chịu rét đêm đông,
Nọ ngươi Trác Dận dầu không,
Túi bao đom-đóm bạn cùng thư-trai.
Vai gánh củi học thời luôn miệng,
Chu Mãi Thần nên tiếng danh nho,
Lý-sinh chẳng quản công-phu,
Chăn trâu treo sách một pho trên sừng.
Ấy những người trước từng khó nhọc,
Sau làm nên tước lộc quan sang,
Làm trai chí-khí hiên-ngang,
Chớ rằng nguy-khổ trễ-tràng làm chi !
Oanh bé nhỏ tuổi thì lên tám,
Việc đọc thơ sớm đủ tinh-thông
Lão Tuyền tuổi cả gia công,
Hai-mươi-bảy tuổi dốc lòng nghề nho.
Đường Lưu Án tuổi vừa lên bảy,
Đỗ Thần-đồng tiếng dậy gần xa.
Ông Lương đã đến tuổi già,
Tám-mươi-hai tuổi đỗ khoa đại đình
Đường vân-trình dù sau dù trước,
Chữ công-danh ai khác chi ai,
Hễ người có chí có tài,
Gió rung mặc gió khôn rời khôn lay.
Chẳng sợ kẻ lắm thầy nhiều tớ,
Thấy ta nghèo ra sự rẻ-khinh,
Thư-trung lắm kẻ hiển-vinh,
Dập-dìu hầu-hạ, linh-đình ngựa xe.
Chẳng sợ kẻ lắm tiền, nhiều lúa,
Nghĩ mình rằng có của thì hơn,
Thư-trung Kim ngọc vô vàn,
Đầy khè chung-đỉnh, chứa-chan bạc vàng.
Chẳng sợ lắm kẻ thê nhiều thiếp,
Đả hẳn rằng tốt-đẹp hơn ai ?
Thư-trung có gái tuyệt vời,
Những người mặt ngọc là người vẻ-vang.
Chẳng sợ kẻ tòa ngang dãy giọc,
Khinh nhau rằng hàn-ốc thê-lương.
Thư-trung tuấn vũ điêu tường.
Lầu hồng gác phượng cột giường liền mây
Ai có chí đêm ngày luyện-tập,
Theo người xưa cho kịp mới nên.
Học cho hy thánh hy hiền,
Việc gì thông biết chẳng phiền lụy ai.
Chốn lâm tẩu, hoài tài bảo đức,
Khắp bốn phương đồn nức thời danh,
Chiếu nêu cao giá ngọc lành,
Xe loan có thủa cung doanh có ngày.

= HET=

|
Chú thích:

Sớm thăm tối viếng
: Bởi chữ : " thần tỉnh hôn định ", đạo làm con đối với cha mẹ.
trần-lụy
: Lúc còn lam-lũ hàn-vi, bận-bịu vì gió bụi.
Sắc phòng thương thận, rượu hầu thương tâm
: Ý nói sắc dục quá độ thì hại thận mà rượu uống nhiều quá thì hại tim, nên phải giữ-gìn tửu sắc,
long-vân
: Hội rồng mây, gặp-gỡ may-mắn.
Đào thơ, liễu yếu gửi thân anh-hùng
:Ý nói đàn-bà con gái là phái hèn yếu, trông-cậy cả ở bọn nam-nhi là bậc anh-hùng.
thai dựng
: Mang thai, có chửa.
nhũ-bộ
: Bú-mớm.
sinh ngã cù lao
: do câu : "ai tai phụ mẫu sinh ngã cù lao " : thương thay cha mẹ ta, sinh ra ta khó nhọc.
hàn-vi
: Đói rét, nghèo hèn. Lúc chưa gặp thì còn hàn-vi vất-vả.
can-qua
: Giáo mác, lúc loạn-lạc.
[Back to the top]

Mãi Thần
: Chu Mãi Thần người đời Hán, quê ở Cối-kê, nhà nghèo chăm học, vừa đi hái củi vừa đọc sách, vợ bỏ đi lấy chồng khác. Sau Mãi Thần làm đến Thái-thú, khi đi cung chúc, gặp vợ cũ cùng với chồng phải làm phu đi dọn đường đón quan. Vợ xin tái hợp, Mãi Thần bảo nếu đổ bát nước xuống đất mà bốc lại đầy bát được thì cũng bằng lòng. Vợ biết có ý đoạn-tuyệt, bè tự-tử.
Trần Bình
: Người đời Hán, quê ở Dương-vũ, nhà nghèo chăm học, sau về giúp Hán Cao-tổ, diệt được Hạng Vũ, có công được phong hầu.
lục-kỳ nên công
: Lục-kỳ do chữ " lục xuất kỳ kế " : 6 lần bày mưu lạ. Trong khi Trần Bình giúp Hán đáng Sở.
loạn độc thư cao
: Bởi chữ " Loạn thế độc thư cao " : Đời loạn đọc sách là cao hơn cả.
Trồng dưa thì lại được dưa
: Bởi câu " Chủng qua đắc qua ".
Sơn hào hải vị
: Những món ăn thức nhắm ở rừng và ở bể. Các món ăn quí.
chén quỳnh
: do chữ quỳnh tương : rượu quí
nội thất, truyền sênh công-đường
: nội thất : nhà trong, nhà riêng ; Công-đường : dinh công.
cửa Khổng
: do chữ Khổng-môn : Cửa đức thánh Khổng.
Trăm quan, tôn-miếu, lạ-lùng
: Tử Cống và Tử Trương đều là học-trò đức Khổng-tử, Tử Cống bảo Tử Trương : Tử này ( Tử Cống tự xưng tên) đâu dám bì với đức phu-tử ( tức Khổng phu-tử ), chỉ vì bức tường của nhà tử cao ngang vai, nên ai cũng trông thấy đồ vật trong nhà, còn tường của đức phu-tử thì cao hàng mấy đợt, không mấy người biết những đồ vật bầy-biện đầy đủ và tôn miếu đẹp đẽ ở bên trong.
[Back to the top]

Phú cho tai mắt thông-minh
: Bởi câu " Nhĩ mục thông-minh nam-tử thân, hằng quân phú dữ bất vi bần : Tai mắt sáng-suốt là thân người con trai, trời phú bẩm cho chẳng phải hèn-kém.
Khai tâm
: Vỡ lòng ; Thiếu-niên : trẻ tuổi.
Hiếu-kinh tiểu-học
: Sách dạy học trò nhỏ.
Trung-dung, Đại-học
: Hai bộ trong tứ thư.
Tứ-thư rồi lại đọc ngũ Kinh
: Bốn bộ sách : Đại-học, Trung-dung, Luận-ngữ, Mạnh-tử ; Ngũ kinh : năm bộ kinh : Thi, Thư, Dịch, Lễ, Xuân-thu.
Bách-gia, Chư-tử
: Các nhà học-giả đời Chu, Tần Hán như Lão, Trang, Quản, Thương, Thân, Hàn, Mặc, Liệt, mỗi nhà một lý-thuyết, đều làm thành sách để lưu-truyền.
pho sử
: Đây là Bắc sử, ngày xưa ta toàn học chữ Tàu còn sử bản-quốc chỉ lưu tại bộ, ít khi ban hành.
kinh-nghĩa cùng bài văn-sách
: Một lối văn-chương dùng làm bài thích nghĩa kinh truyện, do đời Đường Tống đặt ra, Đến Nguyên, Minh, Thanh biến làm lối 8 vế và cả bên ta cũng dùng để ra bài thi lấy học trò đỗ đạt về hồi còn khoa cử chữ nho, cũng có tên là văn bát cổ. Văn-sách : Cũng là một lối văn hỏi về những nghĩa-lý cổ kim, dùng để thi cử.
phú, thơ
: Đều là lối văn-chương có vần có điệu-luật, ngày nay vẫn còn dùng, một lối văn vần theo lối Tàu.
chính tâm
: Giữ lòng cho ngay thẳng.
[Back to the top]

tu, tề, bình, trị
: Tu : tu thân : sửa mình; Tề : tề gia : cai-quản việc gia-đình cho tề chỉnh đâu ra đấy ; Bình : bình thiên-hạ : cho thiên-hạ điược hòa bình ; Trị : trị quốc : cả nước được thịnh.
Cương-thường
: Cương : ba mối giường : vua tôi, cha con, vợ chồng. Thường : ngũ thường : nhân, nghĩa, lễ, trí, tín .
Phủ thiên-quân
: Con tim ở giữa, cai-quản ngũ-quan, tựa một ông vua của hình-thể người ta, nên quen gọi tim (tâm) là thiên-quân, "Phủ Thiên-quân" đây cũng như nói cõi lòng.
dưỡng đức, ngoài thì tu thân
: Nuôi đức ; tu thân : sửa mình.
tứ dân
: 4 hạng dân : sĩ, nông, công, cổ : học-trò, làm ruộng, làm thợ, đi buôn.
Toán, y, lý, số
: bói toán, làm thuốc, làm địa lý, xem số.
Mưu-mô giẹp loạn, kinh-luân mở nền
: Mưu-mô : Mưu-chước . Kinh-luân : thủ-đoạn xếp đặt công cuộc lớn.
kinh-sử
: Kinh-sử tượng-trưng về sách-vở việc học.
thư-đường
: nhà học, nhà xem sách.
Đạo trời nào phụ những người độc thư
: Bởi câu " Hoàng thiên bất phụ độc thư nhân " : trời không phụ những người đọc sách.
[Back to the top]

văn-nho sĩ-tử
: Học-trò văn-nho.
Ôn Thư
: Lộ ôn Thư người đời Hán, quê ở Cự-lộc, nhà rất nghèo, thủa nhỏ đi chăn dê, lấy cỏ bồ biên chữ làm sách để học. Đời Hán Tuyên-đế, dâng thư nói về việc chính trị, khuyên vua nên chuộng việc nhân-đức, hoãn sự hình-phạt, được thăng đến chức Thái-thú.
Chàng Hoằng
: Công tôn Hoằng : người đời Hán, nhà nghèo chăm học, không có tiền mua sách, thường phải chép vào mảnh tre để đọc. Đời Hán Vũ-đế, đối sách đỗ đầu, được bổ Bác-sĩ, rồi thăng đến Thừa-tướng và được phong tước Hầu.
Tô Tần
: người đời Chiến-quốc, quê Lạc-đường, lúc còn đi học đêm đọc sách, sợ buồn ngủ, để mũi dùi dưới vế đùi, hễ ngủ gật thì dùi đâm lại dậy học, sau đi du thuyết, làm tướng 6 nước chư-hầu.
Tóc treo giường ấy, Tô-sinh
: Tôn Kinh: người đời Hán, rất chăm học, thường đóng cửa đọc sách, đêm ngủ sợ quên, là một cái thòng lọng bằng dây buộc trên sà nhà dòng xuống trước mặt hễ ngủ gật đầu chui vào tròng, thì lại tỉnh ra. Thơ Lý-Thương-Ẩn: " Huyền đầu tằng khổ học, triết-lý phân thành y " : Treo đầu từng chăm học, đứt tay mới hay thuốc.
Tôn Khang
: người đời Tấn, quê ở Kinh-triệu, nhà nghèo ham học, không có dầu, đêm phải hé ra ánh mưa tuyết chịu rét mà đọc sách.
Trác Dận
: người đời Tấn, học rộng biết nhiều, nhà nghèo không tiền mua dầu, về mùa hè, thường bắt đom đóm bỏ vào túi vải thưa soi cho sáng để xem sách. Lý Trung có gửi thơ cho Lưu Minh Phủ rằng: " Tam thập niên tiền cộng khổ tâm, nang huỳnh tằng kỷ thử yên sầm " : ba mươi năm trước cùng khổ tâm, túi đom đóm từng soi cảnh tối tăm.
Lý-sinh
: Lý Mật : người đời Tùy, quê ở Tương-binh, tính ham học, nhiều mưu-kế, thường cỡi trâu đi chơi núi, ngồi trên mình trâu đọc sách. Lúc nhà Tùy loạn, giúp con Dương Tố là Dương Huyền mưu tranh thiên hạ, nhưng bị Vương thế Sung đánh bại, phải về hàng nhà Đường, làm quan Quan-lộc-khanh.
chí-khí hiên-ngang
: Chí-khí cao rộng.
Oanh bé nhỏ tuổi thì lên tám
: Tam tự kinh: " Oanh bát tuế năng vịnh thi" : Cậu Oánh mới lên tám tuổi đã biết vịnh thơ.
[Back to the top]

Lão Tuyền
: Tô lão Tuyền tức Tô Tuân người My-sơn đời nhà Tống 27 tuổi mới phẫn chí đi học, thông hiểu các học thuyết lục kinh, bách gia, viết văn rất cổ kính. Âu dương Tu cùng Hán Kỳ tâu vua Tống, được cử làm Hiếu-thư-lang. Hai con trai là Tô Thức hiệu Đông Pha và Tô Triệu hiệu Đĩnh Tần đều đỗ Tiến-sĩ đời Tống có tiếng là bậc văn-hào.
Đường Lưu Án
: Tam tự kinh : " Đường Lưu Án, phương thất tuế, cử thần đồng, tác chính tự " : Lưu Án nhà Đường mới lên bảy tuổi, đỗ khoa Thần-đồng, làm quan Chính-tự.
Ông Lương đã đến tuổi già
: Tam tự kinh : " Nhược Lượng Hựu, bát thập nhị, đối đại đình, khôi đa sĩ " : như ông Lương Hựu, 82 tuổi vào thi ở sân nhà vua, đỗ đầu các học trò.
vân-trình
: Đường mây, ý nói tiền đồ rộng rãi bằng-phẳng, cũng như nói " thênh thênh đường cái thanh vân hẹp gì.
Dập-dìu hầu-hạ, linh-đình ngựa xe
: Câu này do câu " Xuất môn mặc hận vô nhân tuỳ, thư-trung xa mã đa như thốc " : ra cửa đừng sợ không có người hầu, trong sách xe ngựa nhiều như mũi tên.
Đầy khè chung-đỉnh
: Do câu : " thư trung tự hiểu thiên chung túc" : trong sách khắc có ngàn hộp thóc.
Những người mặt ngọc
: Do câu : " thư trung hữu nữ nhân như ngọc" : trong sách có gái đẹp mặt như ngọc.
hàn-ốc thê-lương
: nhà nghèo vắng-vẻ, lạnh lẽo.
Thư-trung tuấn vũ điêu tường
: Trong sách có nhà cao tường vẽ.
hy thánh hy hiền
: mong như thánh, mong như hiền.
lâm tẩu
: nơi rừng núi rậm rạp, rừng-rú.
thời danh
: nổi tiếng lúc bấy giờ.
Xe loan có thủa cung doanh có ngày
: Câu này ý nói sẽ có ngày ngựa nọ xe kia, nhà này dinh khác, nghĩa là phong-lưu phú-quí.