Trông giòng sông Vị
(Văn-chương và thân-thế Trần-Tế-Xương)

Nhà gỗ năm gian lợp lá gồi,
Trông giòng sông Vị tựa non Côi,
Đầu nhà khanh-khách vào làm tổ,
Ngồi thấy chim con nó há mồi.
Trần-Tế-Xương

Tôi dùng quyển Trông giòng sông Vị của Trần-Thanh-Mại do nhà xuất-bản Tân-Việt (235 Phan-thanh-Giản, Sài-gòn). Sách được in theo giấy phép số 969/T.X.B. của nha Thông-tin Nam-Phần Việt-Nam. Theo như cuối cuốn sách thì quyển này được in vào khoảng 1956.

Chú-Thích

Trong cố gắng duy trì nền văn học của tiền nhân, tôi cố đem tác phẩn này vào mạng lưới điện-toán hầu sau này ai cần tìm hiểu về quê nhà thì qua tác-phẩm này sẽ hình dung ra được nếp sống, và sự suy nghĩ của mọi người vào thời gian ấy.

I- Khoa thi đinh-dậu

Vào khoảng năm 1895-1900, Nam-định là một thành-phố phồn-thịnh, nhờ cái địa-thế ở chỗ trung-tâm điểm của miền hạ-du Bắc-Việt. Nam-định là chỗ phân phát sản-vật của một xứ đất-đai phì-nhiêu, cái thị-trường giao-dịch với các nước ngoài. Nam-định, thành-phố thương-mại, cũng như Hà-nội, thành-phố quan-lại. Duy chỉ sau khi lập ra hải-cảng Hải-phòng, Nam-định mới thấy uy-linh của mình mất dần đi, cho đến lúc cùng đứng ngang hàng với các thành-phố lân-cận.
Mà nếu như Thăng-Long là "đất ngàn năm văn-vật", Nam thành lại chính là đất gây -dựng nền văn-vật ấy. Nam-thành chính là chỗ lựa-lọc anh-tài, kén chọn hiền sĩ, để ra trị nước, trị dân: đó là chỗ, ba năm một lần, người ta mở khoa thi-cử.
Năm đinh-dậu, niên-hiệu Thành-thái thứ 9(1879), khoa thi hương có phần náo-nhiệt hơn cả. Quan Toàn-quyền Armand Rousseau tạ thế năm trước(1896). Quan Toàn-quyền Paul Doumer mới qua nhận chức. Ở Bắc-Việt, vừa nổi lên một phong-trào đảo-chính mà động-lực lại ở trong tay bọn văn-thân. Thủ-lĩnh cuộc bài ngoại ấy là một tên thiếu-niên sĩ-tử, tự xưng là Kỳ Đồng.
Tuy cuộc cách-mệnh bị đàn-áp ngay lập tức, người ta vẫn ngờ rằng luồng không-khí quá-khích kia còn phảng-phất nơi đám sĩ-phu, bấy giờ đang tụ-họp ở Nam-thành chờ ngày ứng thí.
Số thí-sinh khoa ấy đông ngót vạn rưỡi người, trù cho mỗi người đem theo một tên gia đinh coi việc nấu-nướng, và một người bà con (có nhiều học-trò đem cả cha, mẹ, vợ, con, bầu-bạn theo nữa, nhưng ta chỉ lấy số ít nhất); cả thảy tính đến bốn mươi lăm nghìn người, cộng với số dân sẵn có trong thành-phố, tất cả có thể làm một đạo binh mà chẳng ai dám khinh thường.
Vì thế, ngay khi những sĩ-phu đầu-tiên lục-tục mang yên-trại đến Nam-thành, thì các đội binh bộ Pháp ở các tỉnh, cũng kéo về đóng phòng-ngự và luôn tiện tiếp rước quan Toàn-quyền mới, ngài đã định đến chứng-kiến cuộc thi.
Dưới sông hai chiếc pháo-thuyền đề hiệu "L'Avalanche" và "Le Jacquin" kéo cờ tam-tài, chở súng đại bác. Chung quanh là ghe đò của những kẻ dùng đường thủy mà đến trường văn. Hai bên bờ, quán xá tấp-nập. Trên dưới trông rợp trời, khuất nước: một quang cảnh hùng tráng náo nhiệt lạ thường.
Trong khi đợi ngày khai-mạc, thí-sinh và bà con bầu-bạn ăn chơi vui-vẻ: nơi ngâm vịnh, xướng họa; nơi cờ-kiệu, rượu chè; nhất là ở mấy hàng thịt, lại càng ồn-ào, đông-đúc. Họ sắp hàng những con cầy quay vàng ngời, béo phệ; mùi thơm bay lên ngát mũi. Lại những quán sang trọng, người ta bày nhiều chiếc thống sàng xưa, to rộng, ở trong lội đầy những con cá giếc vừa chài dưới nước lên. Những cá ấy, không phải để chưng-diện như cá thia tàu, mà chúng để ăn tươi với nước lèo rau sống. Khách ăn dùng vải tây điều, nắm cá mà cắn, cho huyết khỏi dính tay, hoặc để khỏi thấy sắc hồng ghê-tởm.
Các sĩ-tử đã lần-lượt dựng-hay nói cho đúng, đã cậy người nhà dựng cho, vì văn-thân, không bao giờ được làm việc gì khó nhọc bằng tay. Những lều trại khum tròn, thấp, hẹp, vào phải co-ro như con tò vò chui vào tổ đất. Dẫu sao, đứng trên cao trông xuống, giữa trường thi rộng mấy trăm mẫu, lúp-xúp kề nhau, chỉ vừa lọt lưng người, những lều tranh tí-hon, vàng xám, như một đàn bò vô số con ấy, đủ bày ra một cảnh-tượng hùng-vĩ uy-nghiêm; càng hùng vĩ, càng uy nghiêm, vì nó yên-tĩnh, lẳng-lặng, mơ-màng, như cả cái tinh-thần Đông-phương vậy.
Khoa thi ấy, như trên đã nói, chính phủ nghiêm phòng dữ lắm. Ban đêm, sĩ tử ai phải ở nhà trọ nấy, không được ra phố tụ-họp; hoặc giả người nào có việc cần, còn phải lang thang ngoài đường, khi đã quá tám giờ tối, tất phải bị bắt, hỏi thẻ và khuấy-rầy nhiều lắm.
Chính trong những ngày ấy mà người ta khẩu truyền bài thơ "dặn học trò đi thi", các thí-sinh, nơi cụm năm, nơi lũ bảy, thì-thầm đọc cho nhau nghe bằng một vẻ bí-mật, lạ-lùng; xong rồi đồng cười rộ lên, vì bài thơ chẳng qua là một bài trào-phúng của một tên học-trò quán ở làng Vị-xuyên, nhân cái tình-hình lúc ấy mà đặt ra. Chúng ta hãy xem đây:


Cái "quan cò" ấy, thật không bao giờ được lòng yêu chuộng của các sĩ-phu, và có khi lại bị khinh-thường nữa. Bằng cách gì, chúng ta sẽ thấy ở một mục sau.
Ngày khai hội, trời chưa sáng, người ta đã đổ xô cả lại ở bờ sông, để xem quan Toàn-quyền đến. Các quan cai-trị Tây Nam, các bậc thân-hào phú-hộ ở Nam-thành đều đi xe kéo, bánh sắt lộc-cộc, lạt-cạt, cao khấp-khểnh như cặp cà-khêu, tấp-nập ra chực sẵn ở bến đò để tiếp ngài. Không bao lâu thì những pháo thuyền của ông Paul Doumer, phu-nhân và các bộ văn-phòng võ-giá, thủng-thẳng rẽ làn nước vào bờ. Các đội lính bộ, bồng súng, giắt lưỡi lê chói-lọi dưới những ngọn đuốc chưa tàn, và ánh-sáng lờ-mờ của mặt trời sắp mọc, đứng làm hai hàng rào chắc-chắn, ngăn những người tò mò muốn thấy mặt quan Toàn-quyền. Súng thần-công 90 li, ở hai chiến-hạm L'Avalanche và Le Jacquin, nổ lệnh liên-thanh, thì các súng đại-bác nhỏ ở mấy chiếc pháo-thuyền hộ-tùng cũng phát hiện trả lời, nghe vang trời dội đất, giữa đám đông mười mấy vạn người, ai nấy đều yên lặng, hiền lành cung-kính, không tỏ vẻ gì khả nghi. Phải chăng cái uy-vệ của súng thần-công nó sai-khiến được nên thế? Mà sự sợ súng, hay nói cho đúng hơn, là sức mạnh, sợ cách tổ-chức và cách dụng binh vẫn có thật. Chính Tú Xương cũng đã thú nhận điều đó trong bài "vịnh lên đồng" :
Tuy vậy, luồng không-khí bất bình vẫn còn chứa-chất trong lòng sĩ-tử. Bọn văn-nhân rủ nhau vây kín...lấy tên học-trò làng Vị-xuyên, bảo phải cho nghe bài thơ vịnh khoa thi, mà anh ta mới kín-đáo đọc cho vài bạn thân, bài thơ như thế này:

II- Lễ Xướng Danh

Khoa thi Hương đinh-dậu...được êm-đềm xong suốt. Dằng-dai mãi những bốn-mươi ngày, các quan trường chấm xong, mới khai lễ xướng danh các thi-sinh trúng tuyển. Lễ ấy cũng có quan Toàn-quyền Doumer đến chứng-kiến. Ở giữa hai hàng lính mặc áo dấu, cầm cờ ngũ sắc, các quan chủ-khảo uy-nghi đi vào trường thi. Phía tiền-đội, có quân khiêng kiệu sơn son thếp vàng, che lọng vàng, đựng hòm ấn-kiếm vua ban. Rồi đến toán nhạc binh, áo mã tiên, đội mũ phụng, đàn thổi những bản nhạc rền-rĩ, eo-éc, yếu đuối. Kẻ ngồi kiệu, người nằm võng, có ông chuộng mới, dùng xe tay, thùng cao khấp-khểnh; kềnh-càng, lôi thôi như thế, các quan trường vào đến chỗ trung ương; rồi run-sợ trong chiếc hia quá rộng, các ông vụng-về leo lên những chòi cao ngất, mỗi chòi đều che một chiếc lọng xanh. Lúc bấy giờ người ta mới kêu tên các học-trò đỗ cử-nhân. Một viên hạ quan cầm loa lớn, gọi tên-tuổi và làng tổng người trúng tuyển. Các ông tân-khoa sẽ rẽ trong đám mấy vạn người xao-xuyến, khép nép họp lại một chỗ với quan-trường, và nhận ngay ở đấy mỗi người một bộ y-phục, biểu hiệu cho cái chức mới: mũ vuông kết giải dài sau ót, xiêm dạ tím, áo lục viền tơ đen. Các quan đội mũ cánh chuồn đính bướm bạc lập-lòe, mặc áo cánh diều thêu phụng, đủ các sắc, ngồi cao trên chòi, bệ-vệ, oai-phong, trầm tĩnh, đợi các sĩ-phu lạy tạ ơn. Quan Toàn-quyền và Doumer phu-nhân bèn mở một hộp bọc nhung, đã mang theo, thân hành bắt tay các ông cử mới và đưa tặng mỗi người một vật đựng trong: thì ra toàn những chiếc đồng-hồ quả quít bằng vàng có, bằng bạc có, mà các ngài đã sắm sẵn để thưởng mừng mấy vị tân-khoa.
Bấy giờ, còn một vạn mấy học trò, phận hẩm duyên ôi-khoa ấy chỉ lấy có 50 cử-nhân và 250 tú-tài-đành phải nuốt nước giãi, đứng trông các bạn mình vui sướng. Lúc ấy người ta nghe thấy ngâm:

Những người đứng chung quanh đều cười rầm cả lên. Nhìn lại mới biết là tên học trò ở Vị-xuyên đã nói trước kia; anh này khoa trước (giáp ngọ, Thành-Thái thứ 6,1894) đỗ tú tài, mà khoa này vẫn cứ hỏng cử-nhân.
Hỏng, nhưng để cho đõ buồn, để tự dối mình chơi, ông vẫn nhận liều là đỗ, tuy chỉ phải đỗ thứ 51 trong khi người ta chỉ lấy có 50.
Chú-thích 1
Thế rồi ở dưới sức ám-ảnh của trí tưởng-tượng, có hơi men vào kích-thích thêm hăng, ông tự thấy mình đang nếm mùi sung-sướng của ông cử tân-khoa chính-thức.
Nhưng một khi hơi men đã tản-mác, ông trở về với sự thực, thì ông lại càng thất vọng buồn-rầu chừng nấy.
Ông mới biết rằng việc thi-cử không phải là việc dễ dàng như ngâm thơ hay uống rượu ngoài quán:
Nhưng dù có đau-đớn tức-tối đến đâu, cho ẫu có :
Đối với anh thí-sinh, câu học tài thi phận bao giờ cũng là một cậu an-ủi rất có hiệu quả. Lòng tự-ái thế nào cũng tìmra được một cớ để khỏi phải tủi thầm. Cái quan-niệm rủi may ấy, sở dĩ có, chỉ vì ai đã theo nghề học-hành, đều tự phụ mình là giỏi cả. Tuy rằng khiêm-tốn là tính thứ nhất cần có của nhà nho, riêng mỗi tay văn-nhân đều mang một mối tự cao tự đại. Ngoài miệng họ thường vẫn nhún rằng :
Hay là :
Hoặc là :
Nhưng thật ra xưa nay chưa một người nào dám thành-thực thú nhận rằng vì dốt mà hỏng thi. Thế nào cũng chỉ đổ tội cho số-phận:
Nhờ thế mà mối hy-vọng, một chốc bị lung-lay, lại thấy vững-vàng như trước. Nhà thi-sĩ còn biết cách tìm ra một câu hài hước lấy đó vẫn tự đắc như thường :
Thế là trên con đường về, người ta lại thấy anh học trò Vị-xuyên của tôi thung-dung yên-trại bước đi, vô tư, điềm-tĩnh, chỉ nghĩ đến một cuộc chơi ngông nào sắp thi-hành nay mai ở phố hàng Thao là chỗ anh ta cùng bạn-bè tụ-họp.

III-Tú Xương với Sào Nam

Phố hàng Thao hồi ấy là phố đông-đúc nhất, vui-vẻ nhất ở Nam-thành, vì bao nhiêu nhà buôn to, buôn nhỏ, quán rượu, cao lâu đều lập ở đó. Nhưng hàng Thao nổi tiếng là nhờ các nhà ả-đào, ở đấy thường hay tụ-họp các quan-lại, các thiếu-niên văn-sĩ thi-gia, để nghe hát và đập chầu.
Thượng tuần tháng chín năm ấy (đinh-dậú1897)bạn văn-nhân ở Nam-thành, nhân ngày lễ trùng-cửu, nhóm nhau tại nhà cô đào, chơi nhởn suốt ngày. Họ chia nhau làm ba toán:
a/- Một toán, trọng-vọng nghiêm-trang, đóng đô ngay ở căn giữa đánh tổ tôm.
b/- Một toán ở căn bên hữu, cùng ngồi với hai ả mày xanh, mải say-sưa nghe một bài nhà trò hát theo điệu đàn và nhịp trống.
c/- Còn một toán, gồm những văn-sĩ thi-hào chân-chính, hay ít ra cũng là bọn sính chữ mê văn, choán cả căn bên tả, hoặc ngâm vịnh thi bài. Trong này người ta dòm thấy các ông huấn Mỹ-lộc, Cử Thăng, Tú Tây-hồ, một vài ông đồ làng Hành-thiện và một người mà ta gọi là "ông Tú Vị-xuyên". Ông này chính là anh học-trò hay ngâm thơ ở giữa trường thi đấy. Câu chuyện hàn-huyên-thiên, rốt cục không khỏi lộn lại việc thi-cử khoa vừa rồi: một dịp tốt cho nhà thi-sĩ Vị-xuyên tỏ tính ngạo-đời khinh người của mình.
Vị-xuyên là một chàng thiếu-niên chừng 27-28 tuổi trở lại, mắt sáng như sao, râu rậm như chổi! Thơ của ông ứng khẩu rất mau, tự-nhiên chứa-chan một giọng trào-phúng thâm-thúy, nên ai nghe cũng chóng thuộc lòng. Lời ăn tiếng nói lại rất có duyên; hình như ông có một cái năng lực huyền-bí trong khoa ngôn-ngữ làm cho ai nấy cũng ưa nghe. Để tỏ ra mình sáng trí hơn người, mỗi ông ngâm đi ngâm lại những bài ông tú vừa đọc, trong khi ông này ghé qua phòng bên kia bỡn với một cô đào hay vẽ một nước bài cao cho một ông bạn ở bộ ngựa giữa. Trong các thơ về khoa thi ông đã đọc hôm ấy, đại-khái có những bài chế-diễu như những bài này :


Lúc bấy giờ trời đã gần tối, bỗng có tiếng động ngoài ngõ một lúc, rồi hai người đàn ông, kẻ trước người sau đi vào. Người đi trước nét mặt tươi cười, chào tất cả cử-tọa: thì ra một ông bạn quen xưa nay: ông Đặng tử Mẫn người làng Hành-thiện. Còn khách đi sau, hẳn là lạ mặt, chưa ai từng thấy bao giờ. Vả xem cách ăn-vận đủ biết người ở đằng trong: áo vải nâu, nón lá, vành dày và thô, to nặng lắm. Người cao lớn dũng-mãnh, trán rộng, hai mắt sáng quắc không kém gì mắt ông tú Vị-xuyên đang ngồi đấy. Một quai râu, lún-phún đen xanh, chạy từ mái tóc này qua giáp mái kia, làm cho mặt bớt phần to lớn. Giọng nói khi chào cử-tọa, ồ-rồ, chang-chảng, và khi cười, tiếng reo, trong và cao như tiếng sắt khua.
Người ta mời ngồi nói chuyện. Khách tỏ ra một bậc túc nho, học-lực uyên-thâm, thông suốt kim-cổ, lại "bình-sinh có chí lớn-lao, như muốn lật bể dời non" gì kia. Bọn văn-nhân giữa tiệc, ai nấy đều tấm tắc khen thầm, trong buổi sơ ngộ, đã có ý hâm-mộ con người tài-khí,
Nhưng đến khi nghe khách thú nhận mình là một tên học-trò can án hoài-hiệp văn-tự, suốt đời không được thi-cử, thì cử-tọa đều giật nẩy mình, lấy làm lạ. Khách bèn thong-thả kể qua câu chuyện của mình. Ấy là câu chuyện của một anh học-trò tài học siêu quần, có tính ngạo mạn bất-kỵ, đã đỗ đầu xứ nhiều phen, đến khi thi Hương không thèm mang lều-trại gì cả, cho là không phải những cái vật ấy nó làm nên một bậc đại-khoa. Khi vào trường, nạn quá, anh em phải chạy kiếm cho một cái lều, rủi trong ấy một anh dốt nào đã giấu những sách-vở cũ. Lính khám phá ra được, trình lên quan. Quan trường hiểu ngay sự rủi-ro oan-tình ấy, vì đã biết anh đầu xứ; nhưng anh này lại lên mặt không cầu: các quan tức, làm thành án hoài-hiệp, chung thân bất đắc ứng thí. Buồn tình anh ta về, đi ngao-du khắp xứ, vừa tới Nam-định và gặp các văn-nhân...
Câu chuyện ấy khách kể bằng một giọng sang-sảng, giữa những trận cười nghe như tiếng thác chảy. Nãy giờ, khách chưa hề uống. Chén rượu rót lâu vẫn còn đầy ngang miệng. Có người nhắc, mời khách, khách nói:
Cử-tọa nhìn nhau, giật mình nghe câu nói bóng-bảy ấy.
Ông Vị-xuyên vội-vã xuống phản, lại gần khách, vỗ vai mà nói :

Nhà anh-hùng và nhà thi-sĩ còn gặp nhau một bận thứ hai, cách năm năm sau khi ông Phan Bội Châu đã đậu giải-nguyên trường Nghệ.
Gặp nhau ở nhà ông Tú Xương và ở phố hàng thao như trước. Ông thủ-khoa nói lên Hà xem hội chợ và lễ khánh-thành cầu Doumer vừa mới làm xong. Lúc ấy vào khoảng tháng giêng năm nhâm-dần (tháng2-1902) Nhà làm thi nhìn cái hình cao, vai rộng của kẻ chí-sĩ phiêu-lưu, mỗi bước một lờ trong đám mù buổi tối. Nhìn người bạn thân-giao vì chút duyên văn-tự đưa đến, rồi ràng buộc lấy nhau, người bạn khuynh-hướng tuy khác hẳn với mình, nhưng vẫn nhận là tri âm, chí thiết, nhìn lần chót trong đời ông, rồi thốt nhiên ông buông một tiếng thở dài! Ai biết ở trong hơi thở ấy, ẩn những ý-tình chi ?

Cách ba năm sau nữa, ông Đặng tử Mẫn xuất dương, qua đến Quảng-đông vừa gặp ông Phan Bôi Châu ở đấy,
- Tử Mẫn đem cho ta vật gì của nước ta đó ? Ông Phan hỏi,
Ông Đặng đáp :
- Một vật báu vô song : một bài thơ thăm của ông Tú Xương.
- ở đâu, đưa xem!
- ở đây!
Ông Đặng lật áo lên, vỗ bành-bạch vào bụng. Thì ra bài thơ ấy là những lời nhắn gửi, chẳng phải thư-từ bút-tích gì.
Ông Phan bảo dọc lên nghe. Ông Đặng bèn ngâm bài thơ này :
Ông Đặng lại bảo còn một bài nữa, cũng của ông Tú Xương, nhưng không cốt gửi cho ông Phan nhân khi nhớ bạn xa-xăm, ông ngâm cho đỡ buồn, nên không bắt ông Đặng học thuộc.
Nghe xong thơ, Sào Nam đứng dậy, hai mắt thường sáng quắc bỗng trở nên lim-dim, mơ-màng một lúc, như vời trông non nước yêu xa, rồi quay lại bảo ông Đặng rằng :
Rồi hai người đồng trông về phương Nam, bùi ngùi yên lặng

|
Chú thích: