Nhà sư và nhà triết-học

11 - Cờ đỏ trên mái nhà của thế-giới

Jean-Francois. - Chúng ta hãy trở về với luân-lý chính-trị. Theo ba biết, Phật-giáo theo truyền-thống, không có chủ-thuyết chính-trị rõ ràng. Sẽ rất lý thú nếu ta nhận thấy rằng, ảnh-hưởng của Phật-giáo, và ảnh-hưởng cá-nhân của đức Đạt-Lai-Lạt-Ma đã bắt đầu làm đầy, hay là một trong nhiều lực làm đầy khoảng trống của các suy tư về sự khôn ngoan của Tây-phương. Cũng có thể là điều ngược lại, sự tham-dự của ông ta vào các cuộc tranh-luận suy-tư và luân-lý tây-phương, đã lôi ông ta tới việc xây dựng theo nhãn quan Phật-giáo, một sự suy-luận chính-trị càng ngày càng rõ ràng về những tương quan giữa nền dân-chủ và sự bất bạo động. Như thế, trong một vấn-đề cụ thể: Ông ta đã đưa ra lời đề-nghị nào của Tây-Tạng với Trung-hoa, để có thể có được một kết-quả cụ-thể, mà không phải rơi vào sự phản-đối trong hư không?
Mathieu - Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma thường nói về việc ấy: Sau thảm trạng của Tây-Tạng, ông ta nhận thấy mình bị phơi ra với thế-giới bên ngoài, điều này cho phép ông ta tìm tòi những ý-nghĩ mới và thẩm định những hê-thống chính-trị khác nhau. Ông ta đã dân chủ hoá hệ-thống chính-trị của các người Tây-Tạng đang tị-nạn, và đã tuyên-bố, nếu một ngày nào đó Tây-tạng lấy lại được độc-lập, thì ông sẽ cho thiết lập một nền dân-chủ. Ông ấy cũng nói rõ là sẽ không còn tham dự vào đời sống công cộng, như thánh Gandhi đã làm khi Ấn-độ được độc-lập, và ông ta sẽ không nắm giữ một chức vụ nào trong chính-phủ tương-lai. Lý do chính yếu là ông ta không thể là một thầy tu Phật-giáo, có thể gắn bó với một phe phái nào, còn như ngày nay, ông ta hoạt-động chính-yếu cho sự tự-do và hạnh-phúc của toàn-thể dân-tộc Tây-tạng. Nhưng cũng nên nhớ lại là chính trong thời của đức Phật, ở Ấn-độ đã có những hệ-thống dân-chủ, thí-dụ như nước Lichhavi.
J.F. - Một nền dân chủ theo nghĩa nào? Bằng các cuộc bầu cử?
M. - Một hội-đồng, gồm những người có kinh-nghiệm, thảo-luận và lấy những quyết-định dựa trên đa số.
J.F. - Như thế thì không phải là bởi những vua quan độc đoán?
M. - Cũng không phải là những vương quốc. Những quyết định thì do đa số, nhưng con không nghĩ rằng có việc bầu cử. Có thể đó là sự tranh luận công khai mà ai có những quyền lợi liên đới thì có thể tham dự.
J.F. - Đó không hoàn-toàn là sự dân-chủ. Ngay tại Tây-phương, việc đầu phiếu chỉ mới có gần đây thôi.
M. - Đức Phật đã có ảnh hưởng đến xã-hội và nền chính-trị, trong tiêu chuẩn ngài luôn luôn dạy dỗ rằng mọi người thì đều có quyền được sống và mưu cầu hạnh-phúc. Như thế thì không thể lập những sự kỳ thị giữa mọi người dựa trên giai-cấp xã-hội hay chủng-tộc.
J.F. - Ông ta đã tranh-đấu chống lại hệ-thống giai-cấp xã-hội?
M. - Ông ta đã làm ngạc nhiên những đệ tử đến từ giai-cấp hạ đảng, họ không dám đến gần ngài, vì họ tự coi là thuộc thành phần không được đụng chạm tới. Đức Phật đã nói với họ: "Hãy lại đây, anh cũng là một con người như ta. Anh cũng có Phật tánh trong người". Đó là một cuộc cách mạng về suy-tư và xã-hội, đem giáo lý của ngài tới mọi người. Ý-nghĩ rằng mọi người đều có quyền có hạnh-phúc thì được thấm nhuần trong các nền văn-minh Phật-giáo.
J.F. - Sự bình-đẳng giữa các con người, đó chỉ có thể là một lời tuyên-bố trên nguyên-tắc. Nhưng bây giờ, đức Đạt-Lai-Lạt-Ma bị trói buộc bởi tình-trạng của những người Tây-tạng đang tỵ nạn, đã lựa chọn một công-thức cận-đại hơn cho vấn-đề dân-chủ và nhân quyền. Ông ta bị lôi cuốn vào những vấn-đề địa-lý chính-trị của các quốc-gia cận-đại. Ông ta sống trong một trường-hợp cụ-thể, vừa là lãnh-tụ tinh-thần, vừa là lãnh-tụ chính-trị một đất nước bị chiếm đóng bởi một đế quốc muốn tàn phá hết nền văn-hóa của nước ông ta. Sau đó, đức Đạt-Lai-Lạt-Ma bị buộc phải hành-động cho mục-tiêu chính-trị, giữ vị-trí một vị-thế công khai tại mọi nước ông ta đi tới, ông phải công-bố những lời phản-đối nhưng không đóng cánh cửa của sự thương-lượng, làm sao để không phật ý quá đáng ông khổng lồ Trung hoa để đến nỗi không còn giải pháp nào khác. Người ta có thể gọi đó là chuỗi những sáng-kiến Phật-giáo về ngoại-giao cận-đại?
M. - Chắc chắn được. Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma trong khi hoạt-động chính-trị, đã biết liên-hợp với một nguyên-tắc lớn của Phật-giáo đó là sự bất bạo động. Cách ông ta nói về Trung-hoa tương phản với những gì mà nhà cầm quyền Trung-hoa đề cập, họ nói tới "bè lũ Đạt-Lai-Lạt-Ma"; trong khi ông nói "các anh em Trung-hoa". Ông ta công nhận rằng Trung-hoa sẽ mãi mãi là một láng giềng lớn của Tây-tạng: giải-pháp duy nhất, theo ông là chung sống hòa-bình. Ông ta mong muốn những tương quan láng giềng tốt, dựa trên căn bản tương kính. Hơn nữa sự bao dung này phải có qua có lại và Trung-hoa để cho Tây-tạng được sống theo ý của mình.
J.F. - Nhưng sự áp-bức của những người Trung-hoa thì càng ngày càng gia tăng. Nếu người ta để cho việc này tiếp tục, thì trong vài năm nữa, họ sẽ tiêu diệt văn minh Tây-tạng, và có thể cả dân-tộc này nữa.
M. - Sau một cuộc viếng thăm bán chánh thức Tây-tạng, vào tháng 8 năm 1997, thượng nghị-sĩ Mỹ Frank Wolf đã tuyên-bố trong một bản tường-trình báo động: "Giây phút đang điểm. Nếu không việc gì được làm, thì một xứ sở, với một dân tộc, một tôn-giáo và cả nền văn-hóa của quốc-gia ấy sẽ tiếp tục đổ vỡ và một ngày nào đó, sẽ biến mất. Đó sẽ là một thảm họa. Sau khi đã tham viếng những trại tù Liên-sô trong thời chiến-tranh lạnh (trại Perm 35), và Lỗ-ma-ní trước khi chế-độ không thể thương được của Ceaucescu bị lật đổ, tôi tin chắc rằng những tình-trạng hiện nay tại Tây-tạng còn tàn nhẫn hơn. Các nhà cầm quyền Trung-hoa không bị trói buộc bởi bất cứ tiêu chuẩn nào: Họ vừa là quan tòa, công tố viên, cai tù và kẻ hành quyết. Những lời kết tội và các hình phạt thì tùy tiện, nhanh chóng, gian dối, không thương tiếc và không có kháng cáo. Tôi phải công nhận, Trung-hoa là bậc thầy về đàn áp không thương tiếc với bất kỳ sự thì thầm phản đối nào của các người Tây-tạng".
J.F. - Như thế đức Đạt-Lai-Lạt-Ma có bị dẫn đến việc phải từ bỏ sự bất bạo động không?
M. - Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma đã nói rõ rằng ông ta sẽ rút lui khỏi vòng chính-trị, nếu dân chúng Tây-tạng quyết định một cách dân chủ về con đường dùng võ-lực. Như thế, đối với ông ta, phương pháp duy nhất và thực-tế là sự bất bạo động.
J.F. - Nhưng tình hình bây giờ ở Tây-tạng ra sao?
M. - Sự giệt chủng, đã giết chết một phần năm dân số Tây-tạng, kèm theo là sự tiêu-diệt văn-hóa còn tiếp tục đến hôm nay. Nhà cầm quyền Trung-hoa cố gắng pha loãng mật độ dân số Tây-tạng bằng những đợt sóng dân nhập cư Trung-hoa. Dù cho việc di chuyển dân chúng không phải là một chính-sách được công khai xác nhận, nhưng Bắc-kinh khuyến-khích các di dân bằng tất cả các cách có thể tưởng tượng được, để tới lập cư ở Tây-tạng. Ngày nay có bảy triệu người Trung-hoa trong tổng số sáu triệu người Tây-tạng trong Đại Tây-tạng.
Các người Trung-hoa mong muốn tình-hình Tây-tạng sẽ giống như Mông-cổ, tại đó chỉ còn mười lăm phần trăm dân chính gốc. Vài thành-phố lớn của nước Tây-tạng cũ, như Xining trong tỉnh Amdo (thành-phố mà đức Đạt-Lai-Lạt-Ma sinh trưởng), có đa số dân là người Trung-hoa. Thành-phố Lhassa sắp sửa sẽ như thế. Tuy thế, các người Tây-tạng chiếm đa số ở thôn-quê.
Vào năm 1996, nhà cầm quyền Trung-hoa trở lại với việc "cải tạo lòng yêu nước" trong các tu-viện và các làng mạc, và "cuộc thi sau cùng" được kết thúc bằng việc ký một bản tuyên ngôn năm điểm mà "thí-sinh" nhìn nhận rằng Tây-tạng, theo lịch-sử là một phần của Trung-hoa, không chấp nhận đức Đạt-Lai-Lạt-Ma, không nghe các đài phát thanh ngoại quốc, vân vân. Chiến-dịch mạnh mẽ về cải tạo áp bức này đã có những hậu quả tàn hại cho các tu-viện bị giảm sút từ 40% tới 80% tăng sinh.
Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma vài năm trước đã đề nghị một cuộc trưng cầu dân ý, dễ dàng thực hiện đối với các người Tây-tạng tị-nạn: lối hơn một trăm ngàn tại Ấn-độ, ở Népal, và các nơi khác trên thế-giới. Ở Tây-tạng, hiển nhiên là các người Tây-tạng không thể bầu một cách tự do, nhưng người ta có thể đạt được một ý nghĩ rõ ràng họ muốn gì. Những câu hỏi sẽ là: "Anh/chị có chấp thuận việc chúng ta tiếp tục con đường "trung dung" mà tôi đã đề nghị từ nhiều năm trước, đó là một nền tự-trị thật sự mà theo đó Tây-tạng sẽ lo việc nội trị, và để cho Trung-hoa kiểm soát về ngoại giao và quốc-phòng?" Tây-tạng sẽ trở nên một quốc-gia trung-lập, việc đó sẽ góp phần vào nền hoà-bình chung trong vùng.
J.F. - Như thế không phải là một quốc-gia trung-lập như Thụy-sĩ hay Áo-quốc, ba gọi là một tỉnh tự-trị, như Catalogne của Tây-ban-nha.
M. - Đó là một nhượng bộ khổng lồ của dân chúng Tây-tạng, vì theo như Hiệp hội quốc-tế của các quan tòa họp vào năm 1950, Tây-tạng theo luật lệ quốc-tế, là một xứ-sở độc-lập bị một cường quốc mạnh chiếm cứ. Gần đây, vào tháng 12 năm 1997, cũng chính Hiệp hội quốc-tế của các quan tòa ấy đã xuất bản một báo cáo dày 365 trang, với kết luận rằng "Những vi phạm nhân quyền và những xâm phạm văn hoá Tây-tạng có nguồn gốc là chối bỏ những quyền căn bản của dân tộc Tây-tạng -- quyền tự-quyết. Trong mục-đích áp đặt một nền thống-trị ngoại lai và không hợp lòng người, Trung-hoa đã theo con đường loại trừ những người chống đối quốc-gia Tây-tạng và văn hóa của Tây-tạng. Cũng trong mục-đích cai-trị các người bản xứ ngược với ý muốn của họ mà Trung-hoa đã khuyến-khích và giúp đỡ các người Trung-hoa định cư tại Tây-tạng, nơi họ chiếm được ưu thế về chính-trị, an-ninh và kinh-tế". Để kết luận bản tường trình, điều khuyến cáo chính của Hiệp-hội là việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý tại Tây-tạng dưới sự giám sát của Liên-hiệp quốc, để biết rõ ý muốn của dân-tộc Tây-tạng.
Việc đặt câu hỏi về chủ quyền của Trung-hoa đối với Tây-tạng là vấn đề nhạy cảm và làm Trung-hoa giận dữ nhất còn hơn cả vấn-đề nhân-quyền. Như thế cần phải nhấn mạnh sự chiếm đóng bất hợp pháp của họ. Năm 1997, nhà cầm quyền cộng-sản đã bỏ tù nhà ly khai Liu Xiaobo, ngay khi ông ta dám viết "phải thương thuyết với đức Đạt-Lai-Lạt-Ma dựa trên căn bản quyền của người Tây-tạng về tự quyết". Điều đó đối với các người Trung-hoa là phá vỡ một điều cấm kỵ của "Đất mẹ". Phải gọi là Liên bang Trung-hoa mới đúng, vì Trung-hoa gồm năm mươi sáu "sắc dân thiểu số" Chỉ có gọng kềm cộng-sản giữ chúng với nhau.
Giả thuyết thứ hai: Đòi hỏi độc-lập hoàn toàn cho Tây-tạng, dựa theo lịch-sử. Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma đã minh định rõ là không chấp nhận giải pháp ấy vì không thể thực hiện được, nhưng ông ta cũng nói là sẽ tôn trọng ước muốn của dân chúng và sẽ ngả theo sự lựa chọn của họ. Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma thích giải pháp tự-trị vì theo ông đó là điều có thể chấp nhận được cho cả người Trung-hoa và người Tây-tạng.
Giải pháp thứ ba là dùng vũ lực: thử dùng quân sự, các vụ bạo động vân vân.. để bắt các người Trung-hoa rời khỏi Tây-tạng. Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma cho mọi người biết nếu đó là sự lựa chọn của người Tây-tạng, thì ông ta sẽ rút lui khỏi đời sống công cộng và sẽ làm "một tu-sĩ Phật-giáo bình thường". Chắc chắn rằng có những người Tây-tạng thích một phương cách chính-trị quyết liệt hơn và họ đã bày tỏ vào mùa xuân năm 1998 trong một cuộc tuyệt thực bốn mươi tám tiếng được tố chức ở Delhi, bên Ấn-độ, và đã chấm dứt một cách thảm thương khi một người Tây-tạng tự thiêu.
J.F. - Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma đã phản ứng như thế nào?
M. - Ông ta hiểu sự bực bội của dân chúng Tây-tạng trước sự im lặng của các người Trung-hoa. Đối với ông ta, tình trạng đó là một vấn đề lưỡng nan đáng buồn, một phần về căn bản ông ta chống lại việc bạo động, và điều khác là ông ta không thể đưa ra giải pháp nào khác cho dân tộc của ông ta, vì các người Trung-hoa luôn luôn từ chối việc thương thuyết. Nhưng sự lựa chọn vũ lực thì không thể nào thực hiện được. Nếu các người Tây-tạng dùng tới vũ-khí thì họ không có một hy vọng gì chống lại bộ máy đàn áp của Trung-hoa. Số phận của họ sẽ tệ hại hơn. Vào tháng 5 năm 1998, lối mười hai tù nhân đã bị giết chết tại nhà tù Drapchi ở Lhassa sau khi bị tra tấn dã man vì đã dám hô "Tự do cho Tây-tạng!" ở tại sân trong nhà tù. Ngay cả các quốc-gia đã dùng tới bạo động sau nhiều năm tháng cũng thấy không có hy vọng cho tới khi họ quyết định thương thuyết về một giải-pháp hòa-bình.
J.F. - Hay là khi họ được một cường quốc giúp đỡ như những người Afghan đã được Hoa-kỳ giúp đỡ.
M. - Theo đức Đạt-Lai-Lạt-Ma , trong mọi trường-hợp không được từ bỏ sự bất bạo-động. Và điều ông ta yêu cầu các cường quốc chỉ là họ gây áp lực với nhà cầm quyền Trung-hoa để họ chịu thương thuyết với ông ta và chính-phủ Tây-tạng lưu vong. Nhưng suốt bao năm tháng, câu trả lời duy nhất của nhà cầm quyền Trung-hoa là: "Đồng ý, hãy thương thuyết việc đức Đạt-Lai-Lạt-Ma trở về Tây-tạng". Đó không phải là mục-tiêu của của cuộc thương-thuyết. Suốt mười lăm năm, Đặng tiểu Bình đã tuyên bố: "Ngoại trừ sự độc-lập hoàn toàn của Tây-tạng, mọi vấn đề khác đều có thể thương thuyết được". Nhưng ông ta không bao giờ thực hiện lời tuyên bố đó, vì ông ta từ chối việc thảo luận về năm điểm đưa ra bởi đức Đạt-Lai-Lạt-Ma khi ông này diễn thuyết tại quốc-hội Hoa-kỳ năm 1987...
Vào năm 1988, trước Hội-nghị Âu-châu tại Strasbourg, đức Đạt-Lai-Lạt-Ma tuyên bố rằng mặc dù trên phương-diện lịch-sử Tây-tạng là một nước độc-lập, bị Trung-hoa chiếm cứ kể từ năm 1959, ông ta chấp nhận từ bỏ sự độc-lập và đề-nghị thương-thuyết với Trung-hoa trên căn bản tự-trị, theo đó Tây-tạng được tự do trong vấn đề nội bộ, và để cho Trung-hoa toàn quyền về quốc-phòng và ngoại-giao. Mặc dù có sự nhượng bộ to tát như thế, nhà cầm quyền Trung-hoa không chịu thương thuyết với ông ta và chính-phủ lưu vong Tây-tạng.
J.F. - Than ôi! Các chế-độ dân-chủ tây-phương đã không gây áp-lực với Trung-hoa để họ chịu thương thuyết trên căn-bản năm điểm ấy!
M. - Đa số các nhà lãnh-đạo tây-phương có nhiều thiện cảm với đức Đạt-Lai-Lạt-Ma và mục-tiêu về Tây-tạng của ông ta. Điều đó cắt nghĩa cho công sức mà đức Đạt-Lai-Lạt-Ma đã dùng để đi mọi nơi đặng cổ võ cho Tây-tạng. Nhưng rất tiếc, thiện cảm ấy chỉ là những lời lẽ xuông khi bán máy bay Airbus, nhập cảng các sản-phẩm được làm trong các trại cải-tạo và nhà tù, hay là mở rộng thêm thị trường tại Trung-hoa. Tốt thôi ... Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma hiểu rõ các nước ấy phải lo về tương lai kinh-tế của họ, và không ai lại để quyền lợi của Tây-tạng trước quyền-lợi của họ. Nhưng người ta có thể trông đợi một sự tôn-trọng những giá-trị dân chủ của những chính-phủ tây-phương bằng một hành động cụ thể! Nhà cầm quyền Trung-hoa rất thâm hiểm, đạt thành quả trên sự mềm mỏng của tây-phương. Họ đưa ra các lời hăm dọa được thổi phồng mà họ không thể nào thực-hiện được, nhưng các lời hăm-dọa ấy đủ làm tê-liệt Tây-phương, và các nước này mắc lỡm. Dù Trung-hoa giả bộ, họ cần sự đầu-tư của tây-phương nhiều hơn là các nước tây-phương cần thị-trường Trung-hoa. Như thế thì có cách gây áp-lực, nếu các nước tây-phương có quyết tâm. Ngày trước người Trung-hoa gọi Mỹ là "con cọp giấy", nhưng thật ra họ mới là cọp giấy, vì khi người ta làm lơ với các lời hăm dọa thì họ không dám hành động.
J.F. - Nhà vua của Na-Uy, một quốc-gia nhỏ bé với bốn triệu dân, đã chứng tỏ có sự can đảm hơn các quốc-gia hùng cường tây-phương đối với Trung-hoa, anh khổng lồ với một tỉ hai trăm triệu dân.
M. - Trung-hoa hăm dọa sẽ cắt đứt liên-lạc ngoại giao với Na-Uy, nếu theo thông lệ, nhà vua trao giải thưởng Nobel cho đức Đạt-Lai-Lạt-Ma. Nhà vua đã trả lời: "Cứ cắt đứt đi!"... Và nhà cầm quyền Trung-hoa, lẽ dĩ nhiên, đã không làm việc ấy! Và năm 1996, Trung-hoa cũng hăm dọa Úc-châu là họ sẽ hủy bỏ một hợp-đồng kinh-tế quan-trọng, nếu Thủ-tướng và Bộ-trưởng Ngoại-giao Úc tiếp-kiến đức Đạt-Lai-Lạt-Ma. Các bộ-trưởng và dân chúng Úc-châu đã tiếp đón đức Đạt-Lai-Lạt-Ma một cách long trọng, và các lời hăm dọa của Trung-hoa đã xẹp xuống. Nhưng khi những chính-phủ tây-phương nhượng bộ Trung-hoa thì nước này xoa tay và sự khinh bỉ đối với Tây-phương gia-tăng.
Nhưng tất cả không phải là tuyệt vọng, còn rất xa là khác. Chứng cứ là tổng-thống Bill Clinton đã có thể tuyên bố trước sáu trăm triệu người Trung-hoa là nên thương-thuyết với đức Đạt-Lai-Lạt-Ma, việc không thể quan niệm được vài năm về trước. Như thế có những chỉ dấu là thái độ của các nhà cầm quyền Trung-hoa có thể thay đổi được. Vì vậy, các chính-phủ của thế-giới tự-do cần phải tỏ cho Trung-hoa biết nếu họ muốn hội-nhập vào cộng-đồng thế-giới thì phải lo giải quyết vấn đề Tây-tạng một cách thỏa đáng.
J.F. - Sự tuẫn đạo của Tây-tạng có hai khía cạnh. Điều thứ nhất, Tây-tạng lôi kéo thiện cảm, vì đó là một trong nhiều nước bị đàn áp, "giệt chủng" bởi một cường quốc cộng-sản. Điều thứ hai, Tây-tạng lôi kéo lòng trắc ẩn vì đó là đất thánh của Phật-giáo, và sự khôn ngoan này đang tỏa rộng ra thế-giới mà chúng ta đã nói. Hai yếu tố ấy gây nên một trường-hợp rất đặc-biệt. Một nét đáng chú ý khác trong lịch-sử Phật-giáo là sau khi đã được thịnh hành ở Ấn-độ trong gần hai nghìn năm, Phật-giáo đã phải sống lưu vong, xa lìa nơi xuất phát, kể từ thế-kỷ thứ XII. Điều này là sự bất tiện to lớn và khó-khăn cho các người theo đạo Phật, nhưng có thể đồng thời là điều hay về sự truyền bá của tôn-giáo này.
M. - Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma thường nói rằng: "Tây-tạng không có dầu lửa cho xe hơi, như là Koweit, nhưng nó có dầu lửa cho ý-thức, điều ấy đủ biện minh cho việc người ta tới giúp". Khi Trung-hoa cộng-sản tiến vào Tây-tạng năm 1949, chính-phủ Tây-tạng đã gởi một văn thư khẩn cấp tới Liên-hiệp-quốc, xin được giúp đỡ để chống lại quân xâm-lăng. Anh-quốc và Ấn-độ đã khuyến cáo Đại hội đồng không làm gì cả -- theo họ -- để tránh một cuộc xung đột rộng lớn. Nhưng đối với đa số quốc-gia khác, cuộc tấn cộng của Trung-hoa là một sự xâm lược. Điều đó trở nên hiển nhiên trong những cuộc tranh luận trong các phiên họp khoáng đại của Liên-hiệp-quốc vào những năm 1959, 1961 và 1965. Đại diện của Tô-cách-lan, Frank Aiken, đã tuyên bố:


Chỉ có các quốc-gia thuộc khối cộng-sản là về phe với Trung-hoa. Tại sao Trung-hoa cảm thấy cần phải "giải-phóng" Tây-tạng, nếu thật sự Tây-tạng là của Trung-hoa? Trong dòng lịch-sử Tây-tạng đã có lúc chịu ảnh-hưởng của Mông-cổ, Népal, Mãn-châu, và các chính-phủ của Anh tại Ấn-độ. Lúc khác thì Tây-tạng gây ảnh-hưởng với các lân bang, kể cả Trung-hoa, vì có một giai-đoạn tỉnh Xian (Thiên-an?) đã đóng thuế cho vua của Tây-tạng. Rất khó có thể tìm được một quốc-gia trên thế-giới chưa hề bị sự thống-trị của ngoại bang hay chịu ảnh hưởng trong giai đoạn này hay giai đoạn khác trong dòng lịch-sử của quốc-gia ấy. Nhưng nước Pháp có không công nhận nước Ý-đại-lợi, với lý-do là Nả-phá-luân đã chiếm xứ này trong vài năm chăng?
J.F. - Theo ba, trường-hợp của Tây-tạng rắc rối vì nhiều vấn-đề, đặc-biệt là vị-trí địa dư của nó. Không phải chỉ là sự nhu-nhược đáng khinh của các nước dân-chủ tây-phương; trên bình diện quân-sự toàn cầu, việc can thiệp bằng quân-sự ở Tây-tạng cũng rất khó khăn.
M. - Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma cũng nhấn mạnh trên điểm này, vì vị-trí của nó Tây-tạng nên trở thành một nước trái độn, một vùng hòa-bình giữa các cường quốc Á-châu. Ngày nay quân-đội của Ấn-độ và Trung-hoa đang dàn trận trên nhiều nghìn cây số dọc biên giới. Năm 1962, quân-đội Trung-hoa đã xâm chiếm một phần ba Ladakh, và tiến vào Assam, hai tỉnh của Ấn-độ.
J.F. - Điều mà các chế-độ dân-chủ không bao giờ hiểu là các chế-độ độc-tài rất dễ bị đánh phá, đặc biệt là vũ khí mà họ dùng để tấn công chúng ta (phe dân chủ), đó là tuyên-truyền. Và hơn thế nữa: Tại sao các người Trung-hoa lại giận dữ như điên khi thấy một người nào đó quơ lá cờ của Tây tạng trước sứ-quán Trung-hoa? Tại sao họ lại phản đối khi chỉ có một nhóm lối mười lăm người họp với nhau để đòi độc-lập cho Tây-tạng?
M. - Và hơn thế nữa khi có hơn trăm nghìn người tham dự ba ngày chơi nhạc "rock" để ủng hộ cho lý-tưởng của Tây-tạng, như đã sảy ra gần đây ở tiểu-bang California. Hay hơn nữa họ hăm dọa cấm không cho thiết lập một khu Disney ở Trung-hoa, nếu Disney không từ bỏ việc thực hiện phim Kundun của Martin Scorcese về đời sống của đức Đạt-Lai-Lạt-Ma. Mao-trạch-Đông chống lại chuột Mickey Mouse, điều khôi hài!
Vào nằm 1997, người đại diện cho Trung-hoa ở Tây-tạng là Chen Kuiyuan (được đảm nhận chức vụ này sau khi đã thành công trong việc làm sạch nét Mông-cổ ở vùng Mông-cổ thuộc Trung-hoa), đã truyên-bố đạo Phật không phải lả một phần của văn-hoá Tây-tạng: "Theo ông ta, đó là một tôn-giáo đến từ Ấn-độ. Vì thế, các người Tây-tạng phải bỏ qua việc theo tôn-giáo này". Nếu mười hai thế-kỷ không đủ để một truyền-thống trở nên một phần về văn-hóa của một dân-tộc, thì Âu-châu và Mỹ-châu cũng phải từ bỏ Thiên-chúa-giáo, vì tôn-giáo này đến từ nước Do-thái. Người ta tự hỏi làm sao các người Trung-hoa có thể nhận mình là cộng-sản, vì theo con được biết Karl Marx không hề sinh ra ở Trung-hoa!
J.F. - Đó chẳng qua họ hiểu rất rõ việc họ chiếm đóng Tây-tạng là bất hợp pháp. Sử gia và cũng là nhà chính-trị học Guglielmo Ferrero, đã trình bày trong quyển Pouvoir (Quyền-lực) rằng những chế-độ bất hợp pháp rất lo sợ việc phơi bày những chứng cớ về sự bất hợp pháp của họ. Hơn nữa, như chúng ta đã nói từ trước, Trung-hoa trên phương diện kinh-tế, cần Tây-phương hơn là Tây-phương cần Trung-hoa. Hậu quả là có thể làm cho Trung-hoa trở về với lẽ phải, và tránh những điều quá đáng như họ đang làm ở Tây-tạng.
M. - Trong dịp viếng thăm Hoa-kỳ gần đây, chủ-tịch Đặng-tiểu-Bình đã tuyên-bố ở đại-học Harvard rằng chính-phủ Trung-hoa đặt ba điều kiện để mở cuộc thương thuyết với đức Đạt-Lai-Lạt-Ma và chính-phủ lưu vong của ông ta: Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma phải từ bỏ sự độc-lập của Tây-tạng, thừa nhận rằng Tây-tạng về phương diện lịch-sử vẫn là một phần của Trung-hoa, và tất cả những ai đang theo đuổi việc đòi độc-lập cho Tây-tạng phải ngưng hoạt-động.
Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma đã trả lời cho ba điểm ấy nhiều lần. Ông từ bỏ đòi hỏi từ nhiều năm qua, một sự độc-lập hoàn-toàn và chỉ đòi hỏi một sự tự-trị thật sự. Tuy thế các người Trung-hoa vẫn còn nghi ngờ. Để có được một cuộc thương thảo trong một bầu không khí tự tin hỗ tương, đức Đạt-Lai-Lạt-Ma yêu cầu tất cả những ai có dịp đàm-luận với các nhà cầm quyền Trung-hoa hãy nói cho họ biết sự thầnh thật của ông. Về vấn-đề thứ hai, đức Đạt-Lai-Lạt-Ma nói ông không thể xác nhận rằng Tây-tạng luôn là một phần của Trung-hoa. Những sử-gia và chuyên-viên về quốc-tế công-pháp sẽ phán quyết về điều đó. Điều đó không thể là một chướng ngại cho việc thương thảo, dù cho lời kết luận của các chuyên-gia có như thế nào đi nữa, thì đó là chuyện quá khứ. Sau cùng, tại sao lại đòi những người tranh-đấu cho Tây-tạng phải ngưng hoạt-động, đức Đạt-Lai-Lạt-Ma cần phải cho họ một giải pháp khác có thể chấp nhận được. Dù ông ta mong muốn có một cuộc thương-thuyết với nhà cầm quyền Trung-hoa gần hai chục năm nay, nhưng họ không chịu đàm phán với ông ta hay các đại-diện của ông ta. Ông ta hiểu rất rõ về sự bất mãn của dân chúng Tây-tạng về sự thất bại của chính-sách bất bạo động và nhiều sự nhượng bộ của ông với nhà cầm quyền Trung-hoa. Trái lại, nếu có đàm phán thì ông ta có thể yêu cầu các bạn bè của Tây-tạng không can dự vào. Nhà cầm quyền Trung-hoa đáng lẽ phải đáp ứng "con đường trung dung", chỉ có sự bất bạo động mới là giải-pháp duy nhất bền vững lâu dài, mà đức Đạt-Lai-Lạt-Ma đã chọn. Các người Tây-tạng và Trung-hoa là các láng giềng từ lâu, chỉ có một thoả ước đảm bảo sự hài lòng của đôi bên thì mới có sự thân thiện lâu dài. Hơn nữa, một số các nhà trí-thức Trung-hoa có thiện cảm với lập-trường hoà-bình và mềm mỏng của đức Đạt-Lai-Lạt-Ma và chỉ trích sự cứng rắn bất trị của các nhà cầm quyền đối với dân-tộc Tây-tạng. Nếu dân-tộc này dùng vũ-lực, những nhà trí-thức trên và thế-giới đã không thán phục sự tự chế của họ, và họ sẽ mất hết cảm tình về lý-tưởng của họ.
J.F. - Tại sao Trung-hoa có quan-điểm cứng rắn không chịu thay đổi về Tây-tạng?
M. - Trung-hoa có thể không hoàn toàn hội nhập với cộng đồng thế-giới nếu không giải quyết vấn-đề Tây-tạng. Thật ra, không phải là "một tỉnh chậm tiến mà cộng-sản giải-phóng", Tây-tạng đối với Trung-hoa có một vị-trí chính-trị, chiến-lược và kinh-tế đặc-biệt. Sau khi đã tràn ngập Tây-tạng và "những dân thiểu số" khác, như những người Trung-hoa rêu rao như thế, bất chấp luật lệ quốc-tế về xâm phạm biên giới mà các cường quốc luôn luôn đề-cập tới trong vụ I-rác xâm lăng Koweit, Trung-hoa đã gia tăng hơn gấp đôi diện-tích trong một thế-kỷ. Nước này đã thiết lập tại Tây-tạng một trung-tâm nghiên-cứu quốc-gia cỡ Los Alamos của Hoa-kỳ, một viện đại-học quân-sự, nơi họ chế-tạo bom nguyên-tử. Từ Mái nhà của Thế-giới, Trung-hoa toả rộng ảnh hưởng ra gần một tá nước Á-châu khác. Trung-hoa khai thác các tài nguyên về khoáng sản, lâm sản, thủy điện của Tây-tạng để phục vụ cho dân-tộc Hán của họ. Tất cả việc đó là điều rất tốt cho một nước Trung-hoa với nạn nhân mãn, nhưng điều đó không thể che dấu sự chiếm đóng Những xứ sở Tuyết giá (Tây-tạng) bất hợp pháp của họ. Đó là điều các nhà cầm quyền Trung-hoa có thể giữ được sự bình thản khi bi hỏi về nhân quyền và cải cách dân-chủ, nhưng trở nên đỏ mặt khi nghe nhắc đến chữ Tây-tạng.
J.F. - Tình hình nơi đó thì không có gì sáng sủa!
M. - Khi người ta hỏi đức Đạt-Lai-Lạt-Ma rằng ông ta đặt niềm hy-vọng nơi đâu về một nước Tây-tạng tự do, ông ta trả lời: "Trên căn bản lý-tưởng của chúng tôi thì chính đáng, và hợp pháp". Chân-lý có một nội lực, điều giả dối chỉ có một cái mặt mỏng manh được cố giữ gìn bằng đủ mọi cách, nhưng không chóng thì chầy cũng đi tới thất bại. Tóm lại, cần phải nhớ tương lai của Tây-tạng không phải chỉ là lối sáu triệu con người, nhưng là sự khôn ngoan chính yếu của thế-giới và cần được cứu nguy.

| |

Chú thích: