Nhà sư và nhà triết-học

19 - Sự tiến-hóa và sự mới mẻ

Jean-Francois. - Có một sự khác biệt giữa Phật-giáo và nền văn-minh Tây-phương, không phải chỉ ở cách các cá-nhân hành sử mà còn ở khuynh-hướng tinh-thần khi họ nghĩ. Nền văn-minh tây-phương hướng về lịch-sử. Nó tin-tưởng ở sự phát-triển của lịch-sử, sự phong phú của thời gian. Theo như một danh-từ mà người ta thích dùng vào thế-kỷ thứ XIX, Nó tin ở sự tiến-bộ. Người ta cũng thường nói sự tin tưởng vào tiến-bộ là ngây thơ. Sự tin tưởng vào tiến-bộ, hay sự xác quyết rằng lịch-sử chỉ đem lại những sự cải thiện cho đời sống con người, dựa vào những canh-tân kỹ-thuật, khoa-học, sự tinh-tế hơn của các phong-tục, sự phổ biến của các nền dân-chủ. Pascal so sánh nhân-loại như một con người luôn luôn học tập trải bao thế-kỷ.
Ngày nay chúng ta thấy rằng sự tin tưởng ấy không phải là sự tiến-bộ, nhưng là sự tự-động của tiến-bộ, thì không như mọi người nghĩ, dựa trên những biến cố đen tối của thế-kỷ thứ XX. Chỉ còn lại một điều Tây-phương còn quyến luyến nhất, đó là sự mới mẻ. Khi những người Tây-phương muốn ca ngợi cái gì, thì họ nói: "Đó là một ý-nghĩ mới mẻ". Trong lãnh vực khoa-học, cũng theo một nếp, đó là một sự khám-phá, nghĩa là một sự mới mẻ. Trong lãnh vực nghệ-thuật và văn-chương cũng thế, cần phải làm mới để sinh tồn. Điều khiển-trách lớn nhất mà người ta có thể làm đối với một quyển sách, một bức tranh hay một tác-phẩm âm-nhạc là: "Đó là những hình dáng đã qua, đã hết thời, đã giảng dạy, đã được làm". Trong lãnh-vực chính-trị cũng vậy, cần phải có những ý-nghĩ mới, canh tân các ý-nghĩ cũ. Xã-hội tây-phương như thế, đã khắc ghi vào thời gian, và cách dùng thời-gian như một yếu-tố của sự thay đổi liên tục, và điều này được coi như một điều-kiện cần thiết cho việc cải thiện đời sống con người. Ngay cả việc hướng về sự hoàn hảo cũng được phán đoán như là tùy thuộc vào sự tiến-bộ lịch-sử, vào khả năng sáng tạo ra những thực thể mới, và những giá-trị mới. Cái khuynh-hướng chung ấy mà ba vừa tóm tắt có phù hợp với Phật-giáo và sự tham dự của nó vào thế-giới tây-phương không?
Mathieu - Việc nghĩ rằng một sự thật không đáng cho người ta chú ý tới nó, vì nó xưa cũ thì thật là không đúng. Việc thèm khát cái mới thường dẫn đến sự thiếu sót những sự thật quan yếu nhất. Phép đối trị của sự khổ đau, sự quyến luyến cái tôi, là đi tới nguồn gốc của những ý-nghĩ và hiểu được bản thể cùng cực của ý-thức của chúng ta. Làm sao một sự thật như thế bị già đi? Sự mới mẻ nào có thể trở nên "lỗi thời" khi đó là sự giảng dạy và phơi bày sự vận hành của trí-não? Nếu ta bỏ rơi sự thật này mà chạy theo một số vô giới hạn những sự làm mới phù-phiếm của trí-não, ta chỉ làm cho mình càng ngày càng xa với mục-đích của ta. Sự quyến rũ của sự mới mẻ có một điểm tốt, đó là ý muốn chính đáng để khám-phá ra sự thật căn-bản, thám-hiểm chiều xâu của ý-thức, sự đẹp đẽ của thế-giới. Nhưng về phương-diện tuyệt-đối, sự mới mẻ thì luôn luôn "mới", đó là sự tươi mát của giây phút hiện tại, của ý-thức trong sáng không hồi tưởng về quá-khứ, mà cũng không tưởng tượng điều ở tương-lai.
Khía cạnh xấu của sự khao khát cái mới là sự chinh-phục vô vọng và thất bại về những thay đổi bằng mọi giá. Trong nhiều trường hợp, sự say mê với cái "mới", cái "khác" phản ảnh một sự nghèo nàn bên trong. Không thể tìm thấy hạnh-phúc nơi chúng ta, chúng ta tìm kiếm một cách vô vọng ở bên ngoài nơi những sự việc, những kinh-nghiệm, những cách suy-nghĩ hay cách hành sử càng ngày càng lạ lùng. Tóm lại, người ta xa lìa hạnh-phúc bằng cách đi kiếm ở nơi không có. Khi đi theo con đường đó, người ta có thể bị lạc. Ở mức độ tầm thường nhất, sự "thèm khát cái mới" nảy sinh ra sự thích thú những điều phù phiếm, gậm nhấm ý-thức chúng ta và hại cho sự thanh tịnh của nó. Ta gia tăng các nhu cầu, thay vì học hỏi việc không cần chúng.
Nếu đức Phật, và bao nhiêu người đi theo ngài thật sự đã đạt được sự hiểu biết tận cùng, thì người ta còn muốn điều gì "mới" hơn điều ấy? Cái mới của con sâu bướm là con bướm. Nhưng mục-đích của mỗi chủng loại là phát triển tới toàn hảo khá năng sẳn có của mình. Để đạt được mục-đích ấy, cần phải tận dụng kinh-nghiệm của người đã đi trước. Kinh-nghiệm ấy thì quý gía hơn việc phát-minh một lô những ý-nghĩ mới.
J.F. - Phải, nhưng cũng có một phản đề. Trong nền văn-minh tây-phương, người ta nhận thấy có hai khuynh-hướng. Phần thứ nhất, ta thấy nơi một số các triết-gia lập ra được một công-thức về sự khôn-ngoan với mục-đích giúp cho bất cứ ai, bất cứ thời gian nào, xây dựng nên một cách sống chấp nhận được, thông thường thì tách rời khỏi những say mê, những ghen-ghét, sự lỗ mãng là những điều xấu mà chính những triết-gia cũng cố chống đỡ. Trong khi ấy, người ta cũng nhận thấy một sự quyết đoán về đường lối, không phải là một cứu cánh tuyệt-đối, nhưng tạm gọi là cứu cánh tương đối, đối với quá-khứ, còn đang trên đà biến chuyển liên tục hay gián đoạn, trong sự thăng tiến phổ quát về thân phận con người. Sự thăng tiến trong lãnh vực khoa-học và kỹ-thuật như là một quyền, nhân quyền và quyền của các cơ cấu chính-trị. Chúng ta tham dự không ngừng vào tiến trình này. Ngày nay chúng ta sống trong một biển của các máy vi-tính, chúng nối kết các hoạt-động của các cá-nhân với hoạt-động của xã-hội tới một mức mà không ai có thể nghĩ tới được khoảng ba mươi năm trước đây. Đó là phương diện kỹ-thuật. Đó là khía cạnh dễ thấy nhất.
Nhưng trong lãnh vực khác cũng thế, chẳng hạn như chính-trị, sự thay đổi của các xã-hội, sự sửa đổi các cơ cấu cho phù hợp với đại đa số, Tây-phương quan-niệm đó là một mục-tiêu và một tiến-trình tùy thuộc vào thời-gian. Hãy lấy văn-hóa làm thí-dụ chẳng hạn. Người ta quan-niệm rằng một người chỉ là một nghệ-sĩ thực sự khi người ấy sáng tạo ra được một tác phẩm mới. Người ta sẽ cười chê với ý-nghĩ sao chép lại những tác-phẩm của thời Trung cổ -- có những phương cách để làm công việc ấy. Nhưng đó cũng không phải là tất cả. Khoảng năm mươi năm trở lại đây, nhất là ở những nước đã phát-triển, có những phong-trào chính-trị văn-hoá nhằm mục-đích đạt được sự tham dự của một số càng ngày càng đông những cá-nhân trong các sự thưởng thức văn-chương, nghệ-thuật, âm-nhạc. Điều ấy, trong quá-khứ chỉ dành riêng cho một thiểu số thành phần ưu-tú. Ba còn nhớ những gì đã sảy ra hồi còn trẻ, khi đi tới bảo tàng viện hay một cuộc triển lãm. Người ta gần như có hết không gian và thời gian ở đó. không bị làm rộn bởi đám đông trong khi thưởng lãm các bức tranh. Ngày nay, mọi người phải xếp hàng trong nhiều giờ cho tới khi nào còn có những người muốn xem cuộc triển-lãm. Ở Ba-lê, hay ở Nữu-ước, người ta còn có thói quen giữ chỗ trước, hay quyền được vào trước, như là khi đi xem ở các rạp. Như thế, ý-nghĩ rằng văn-hoá là một sự cải tiến không ngừng, và được lan truyền tới số lượng càng ngày càng gia tăng, là sắc thái và quan-niệm của tây-phương. Phương tiện tạm-thời được dùng cho mục-đích đạt được sự tiến bộ cho một số càng ngày càng gia tăng trong sự cải thiện cho đại đa số. Nói cách khác, sự cứu rỗi thì ở trong thời gian, không phải ở ngoài thời gian.
M. - Sự cứu rỗi trong thời gian, chính là "nguyện bồ-tát", của một người muốn làm cho tới khi không còn một chúng sinh nào bị khổ đau và bị ngu si. Một bồ-tát không nhụt lòng can-đảm, không vứt bỏ trách-nhiệm mà người ấy cảm thấy đối với tất cả mọi chúng sinh, cho tới khi những chúng sinh này đi trên con đường của trí-tuệ và đạt được phật quả. Phần khác, Phật-giáo chấp nhận rằng có những sự giảng dạy đặc-biệt cho nhân-loại tùy thuộc vào thời gian, cho những xã-hội xưa cũ cũng như những xã-hội tân tiến, hướng về vật chất nhiều hơn. Tùy theo các xã-hội hướng ít hay nhiều về các giá-trị tinh-thần, một số các điều giảng dạy có thể được đem ra áp-dụng. Trái lại, bản chất của sự đắc đạo, nghĩa là sự hiểu biết tinh-thần, thì vượt ra ngoài thời gian. Làm sao bản thể của sự hoàn hảo về tinh-thần lại đổi thay được?
Hơn nữa, ý-niệm về "mới", ý muốn sáng tạo luôn luôn phải lo nghĩ là không được sao chép của quá khứ thì theo con là một sự quá đáng, gán cho sự quan trọng của "cá-nhân", làm cho một người phải bằng mọi giá, diễn tả một đề tài một cách độc đáo. Trái lại trong phạm vi của việc làm tan đi sự quyến luyến với cái tôi, thì sự tìm kiếm việc độc đáo trở nên phiến diện. Thí-dụ như ý-nghĩ rằng một nghệ-sĩ thì phải để cho sự tưởng tượng của mình được bay bổng thì thật là xa lạ với nghệ-thuật được dùng trong viện thiền định hay quán tưởng. Nghệ-thuật tây-phương thường dùng để tạo ra một thế-giới tưởng tượng, trong khi nghệ-thuật thiêng-liêng giúp cho sự đi xâu vào bản thể của sự thật. Nghệ-thuật tây-phương nhắm vào việc nuôi dưỡng những đam mê, nghệ-thuật thiêng liêng thì làm dịu chúng xuống. Các điệu múa, các bức tranh và âm-nhạc thiêng-liêng nhắm vào việc lập một nhịp cầu, trong thế-giới của các hình thức, âm thanh với sự khôn ngoan tinh-thần. Các nghệ-thuật ấy có mục-đích nối chúng ta bằng những khía cạnh tượng trưng, về một sự hiểu biết hay một sự thực hành tinh-thần. Nghệ-sĩ theo truyền thống dùng hết năng lực cho việc phụng sự nghệ-thuật, nhưng không thả cho sự tưởng tượng được bay bổng để sáng chế những biểu tượng hay những hình dáng hoàn toàn mới.
J.F. - Đó thực là một quan niệm hoàn toàn ngược với quan-niệm tây-phương, trong mọi trường hợp từ thời Phục-hưng.
M. - Nghệ-thuật ấy, không phải bị đông lạnh trong quá-khứ. Các đạo sư không ngừng làm giầu thêm những yếu tố mới bằng những kinh-nghiệm quán-tưởng của mình. Có những sự diễn tả nghệ-thuật thiêng-liêng lộng lẫy ở Tây-tạng; họ dành hết tâm-hồn và tài năng cho tác phẩm, nhưng tên tuổi của họ bị biến mất sau tác-phẩm. Những tranh của Tây-tạng vì lẽ đó đều vô danh. Nghệ-thuật cũng là một hình thức trao đổi giữa cộng-đồng các tu-viện hay cộng-đồng thế-tục. Trong một năm, các đạo-sư biểu diễn trong khuôn viên của các tu-viện những màn nhảy múa hết sức đẹp mắt, diễn tả lại những chặng của sự tham thiền. Dân chúng địa-phương không hề vắng mặt trong các dịp lễ lạc ấy. Cũng tương tự, nghệ-thuật ở Tây-tạng thì có trong mọi nhà, vì họ đặt các họa-sĩ, các nhà điêu-khắc các biểu tượng, các mạn-đà-la, những bức tượng. Dân chúng thì lẽ dĩ nhiên không biết về nghệ-thuật, nhưng một nghệ-sĩ thì tha hồ mà tưởng tượng theo truyền-thống, và họ không thành công mấy. Trong khi đó ở Tây-phương, các nghệ-sĩ thì vẽ tranh toàn màu xanh hy-vọng, và thể theo lý do "tên tuổi" của các nghệ-sĩ ấy, người ta gán cho chúng những giá trị to-lớn và đem trưng bày chúng trong các viện bảo tàng, con nghĩ chỉ có vấn đề duy nhất là không có ai la lên: "Nhà vua thì không có quần áo!".
Con vừa mới đọc gần đây trong bán nguyệt san "Musée d'Art Contemporain de Marseille (Bảo-tàng viện nghệ-thuật hiện-đại ở Marseille)" về một bài viết phơi bày lối ba mươi tác phẩm của một nghệ-sĩ đáng được xếp loại là đồ ăn cắp. Sau cùng "nghệ-sĩ" này đã bị bắt và chờ ngày ra toà. Con có nhiều dịp viếng bảo-tàng viện này với các bạn Tây-tạng. Họ ngưỡng mộ những tác-phẩm cổ-điển phản ảnh một sự tự chủ, thường là sau nhiều năm cố gắng. Trái lại, sự dễ dàng của vài hình thức nghệ-thuật -- thí-dụ triển lãm những đồ vật bị vỡ, đó là những món đồ bình thường được sắp xếp hay gói ghém một cách không nhất định -- làm họ nghĩ tới sự khác biệt giữa những đạo-sư tây-tạng, dạy dỗ các điều mà họ đã chứng nghiệm sau nhiều năm tháng quán-tưởng và thiền định, với những người ngày nay dạy dỗ về tâm-linh mà không có một kinh-nghiệm nào, và những lời giảng của họ giống như những lời nói chuyện hơn là sự biểu lộ một điều hiểu biết thực sự.
Không chạy đua theo điều mới mẻ, không hề ngăn cản người ta chủ động trong việc đương đầu với những tình thế mới. Thực ra giữ những sự thật chính yếu hiện có trong ý-thức, làm cho người ta được võ trang hơn mọi người, trong việc đương đầu với những thay đổi của thế-giới và xã-hội. Điều cần thiết trước tiên là phải nhận ra được những sự thật này, đào xâu, và tự "chứng nghiệm" được. Nếu người ta sao lãng cách đi này, thì việc cố gắng bằng mọi giá để sáng tạo ra cái mới để làm gì? Nói gọn lại, trái với việc chạy theo cái mới, đời sống tâm-linh giúp cho sự khám-phá trở lại sự thích thú về sự đơn-giản mà chúng ta đã đánh mất. Đơn-giản hóa đời sống của chúng ta để không bị dày vò về việc sở hữu những thứ mà chúng ta không cần thiết, đơn-giản ý-thức của chúng ta bằng cách tránh né việc vơ về những cái của quá-khứ và những tưởng tượng của tương-lai.
J.F. - Ba nghĩ rằng không cần phải là một phật-tử để có thể làm những nhận xét vừa rồi. Rất nhiều người ở Tây-phương, kể cả những người rất quan-tâm tới sự tiến-triển của nghệ-thuật và của những điều mới mẻ về sáng tạo nghệ-thuật, cũng biết rõ rằng tất cả nghệ-thuật tây-phương là nghệ-thuật đánh lừa đại chúng và làm chóa mắt những kẻ dại khờ! Nhưng rất mừng đó không phải là khía cạnh duy nhất. Sự phát-minh thì có thật và đáng kể. Nếu ba phải nhấn mạnh vào cái khuynh-hướng xâu đậm ở Tây-phương này, là vì những lãnh vực của đời sống tây-phương càng ngày càng bị lôi cuốn bởi sự thay đổi và gục ngã vì sự khát khao này. Thí-dụ, các tôn-giáo trên nguyên-tắc được gắn bó với những giáo điều. Một tôn-giáo rõ ràng thì gắn bó với một giáo điều nhất định, và người ta có thể coi là những tín-đồ của tôn-giáo ấy đi theo vì nó cung cấp một số những nguyên tố bất di bất dịch, thể hiện cho sự vĩnh cửu, sự vĩnh-cửu phi thường, ở bên kia thế-giới, về một Đấng toàn năng. Hậu quả là khía cạnh này của lịch-sử về lương-tâm con người thì phải được tách rời khỏi những đòi hỏi về thay đổi, đặc-tính của những hoạt-động của nhân-loại theo thời gian. Nhưng sự việc lại không như thế.
Hãy lấy thí-dụ Thiên-chúa-giáo. Ba đề cập đến với vẻ dửng dưng, vì ba không tin nơi tôn-giáo này. Tòa-thánh luôn luôn bị tấn công bởi các người chủ trương tiến-bộ với lý-luận rằng: "Giáo-hội đã không thay đổi đầy đủ! Chúng ta cần những nhà thần học cải cách! Giáo-hội phải thích ứng với thời-gian!". Như thế, người ta phải tự hỏi, tôn-giáo giúp ích gì? Nếu nó không phải là khía cạnh của lương-tâm con người bị chi phối bởi những đổi thay của những tiến bộ tạm thời và nhu cầu phải đổi mới; như thế nó có để làm gì?
Sự khao-khát về cái mới của chúng ta to lớn đến độ chúng ta muốn Thượng-đế cũng phải thay đổi luôn luôn. Ít ra là đối với những người còn tin vào Thượng-đế. Có các sự tranh chấp liên-tục giữa phe Saint-Siège, phe bảo vệ cho Chính-thống-giáo, và phe Tiên-tiến (Avant-garde) đề nghị những cải cách về thần-học, ở những lãnh-vực khác như hội-họa, âm-nhạc và trang-phục loại sang. Ngay cả ý-niệm "Tiên-tiến" của các nhà thần học cũng đầy vẻ khôi hài. Làm sao sự vĩnh-cửu lại có thể tiên-tiến hay chậm tiến? Và tòa thánh Vatican bị đặt vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Nếu chấp nhận những điều về thần học mới, thì lại phải chấp nhận việc thay đổi một số những nguyên-tắc căn-bản của giáo điều. Nếu không chấp nhận, thì bị kết án là già nua, hủ-lậu, yếm thế dính chặt vào những Thần tính xưa cũ. Ảnh hưởng của Phật-giáo sẽ như thế nào ở Tây-phương với sự thèm khát liên-tục về đổi thay, hay là trái lại, nó sẽ là nơi nương tựa cho những người chán ngấy với bạo chúa của sự thay đổi?
M. - Con nghĩ đó sẽ là điều thứ hai. Những nguyên-tắc thì không thay đổi, vì nó tương hợp với bản chất thật sự của sự vật. Nếu ta phân tích kỹ càng sự khát khao điều mới mẻ, thì hình như nó sinh ra từ sự sao lãng đời sống nội tâm. Ta đã không đi tới tận nguồn gốc, và chúng ta nghĩ rằng nếu cứ thử thách tất cả mọi khía cạnh, thì sẽ lấp đầy sự thiếu sót ấy.
J.F. - Ba cũng nói thêm, điều mà ý-thức con người lo sợ chính là sự lập lại. Nếu ước vọng chỉ là sự không hài lòng với những gì có sẵn, những ý-niệm mà các bậc tiền bối trao lại không được coi như tiền mặt, nhưng cần suy xét lại, được nhìn dưới ánh sáng của những suy luận của chính chúng ta, những kinh nghiệm của chính chúng ta rồi từ đó vứt bỏ một số và giữ lại một số, nếu cái ước vọng ấy không có, thì các ý-nghĩ của con người sẽ chỉ là một giấc ngủ lười biếng.
M. - Đúng thế, nhưng việc dành trọn cuộc đời cho việc tìm kiếm tâm-linh không phải là dấu hiệu của bệnh lở ghẻ, đó là một nỗ lực liên-tục để phơi bày ra được những ảo giác. Sư tu-tập tâm-linh được đặt căn-bản trên kinh-nghiệm, một sự khám-phá mà người ta cũng đi tới cùng cực về nội tâm, như khoa-học đang làm với thế-giới bên ngoài. Kinh-nghiệm ấy cũng luôn luôn mới mẻ, được đổi mới liên tục. Nó cũng có cả lô những chướng ngại và những cuộc phiêu lưu! Đó không phải là việc lập lại những ngôn từ đã có sẵn, nhưng là làm những thí-nghiệm về những lời giảng dạy trong đời sống hiện tại; biết cách dùng những tình thế tốt cũng như xấu của cuộc đời; đương đầu với đủ mọi loại ý-nghĩ sảy ra trong ý-thức của chúng ta; chính mình hiểu được cách mà chúng lôi kéo mình để giải phóng chúng. Điều mới mẻ đích thực là biết dùng từng giây phút của đời sống cho mục tiêu mà mình đã nhắm tới.
J.F. - Riêng cá-nhân ba, ba có khuynh-hướng công nhận một khía cạnh con vừa nói. Nhưng nhìn dưới một khía cạnh khác, thì làm sao chối bỏ nó? Một số vấn-đề được đặt ra với nhân loại trên bình diện đời sống, lịch-sử, những hiện-tượng bao quanh chúng ta, những điều mà ba gọi là sáng tạo đồng thời. Quả là Tây-phương kể từ thế-kỷ thứ XVIII, đã có tham vọng là có thể giải đáp cho mọi vấn-đề của nhân-loại, dựa trên sự tiến-hoá của lịch-sử, trên khả năng canh tân. Tây-phương đã nghĩ rằng tất cả mọi vấn-đề đụng chạm đến con người, kể cả những câu hỏi về hạnh-phúc cá-nhân, sự thăng-tiến, sự khôn ngoan, khả năng đương đầu với những khổ đau hay giải quyết chúng, nghĩa là mọi vấn-đề đều có thể giải-quyết trên căn bản lịch-sử, như Hégel và Marx. Tóm lại, tất cả mọi vấn-đề dính tới đời sống nội tâm, sự thành đạt cá-nhân chỉ là ảo tưởng của ý-thức, những cặn bã của ảo-tưởng làm cho người ta tưởng rằng có thể đạt tới hạnh-phúc và thăng bằng cá-nhân. Sự từ bỏ khôn ngoan cá-nhân cho sự thay đổi cộng đồng đạt cao điểm với chủ thuyết Maxít. Nếu người ta không sáng-chế ra thứ gì theo thời gian, thì thời gian cũng không sáng-chế ra cái gì hết. Từ hai thế-kỷ qua, Tây-phương trông đợi đạt được cứu cánh của con người cho mọi vấn-đề, lịch-sử và cộng-đồng. Thái-độ giáo-điều cứng rắn, sự tự tin quá đáng về những giải-pháp cộng-đồng và chính-trị đã đem đến hậu-quả như lịch-sử đã sảy ra có lẽ là nguyên-nhân của sự bất-mãn, mà hệ-thống các ý-nghĩ này đã được đào xâu, và ngày nay mọi người đều cảm thấy. Có lẽ sự thâm-nhập của Phật-giáo tại Tây-phương là do sự trống vắng này, khoảng trống được để lại vì không có sự thanh-liêm và khôn ngoan cá-nhân, dù dưới bất cứ hình thức nào.
M. - Để cho những tương-quan với các người chung quanh không còn bị thúc đẩy bởi lòng vị kỷ, chỉ tạo nên những sự va chạm và sự bất mãn, mỗi cá-nhân cần phải tìm cho chính mình một ý-nghĩa trong cuộc đời và trông đợi nơi một sự thăng hoa nội tâm. Mỗi giây phút của phương cách thay đổi tâm-linh này thì phải được thực hành với ý-nghĩ là những đức tính được trau dồi có mục-đích giúp đỡ các người chung quanh.
J.F. - Điều kiện cho một sự thành-công của Phật-giáo ở Tây-phương tùy thuộc vào hai yếu tố. Điều thứ nhất, Phật-giáo là một tôn-giáo không đòi hỏi một lòng tin mù quáng. Nó không đòi hỏi loại trừ ai, kết tội những giáo-điều khác. Đó là một sự khôn ngoan, một triết-lý có dấu vết của sự bao dung. Điều kiện này thì đã và đang được làm đầy. Điều thứ hai, thì chưa được thoả mãn, nó cần phải phù hợp với sự đầu tư khổng lồ của gần 2500 năm mà Tây-phương đã đầu tư vào: sự hiểu-biết khoa-học, sự suy-nghĩ và hành động về chính-trị. Nghĩa là việc cải thiện đời sống con người, bởi xã-hội và những tương-quan trong lòng xã-hội. Ba tin rằng nếu Phật-giáo không phù hợp với đều-kiện thứ hai này thì nó sẽ không có ảnh hưởng lâu dài tại Tây-phương. Nơi mà sự suy-nghĩ về khoa-học, xã-hội và lịch-sử đã được thâm căn cố đế.
M. - Một lần nữa, Phật-giáo trên nguyên-tắc không chống đối sự hiểu biết khoa-học, vì nó nhắm tới việc công-nhận sự thật trên mọi lãnh vực, bên ngoài cũng như bên trong. Một cách đơn giản, nó thiết lập một hê-thống thứ-tự ưu-tiên cho đời sống. Sự phát-triển vật-chất mà không phát-triển tâm-linh thì chỉ đem đến những bệnh hoạn mà ta đã biết. Những ưu-tiên như thế sẽ rất khác trong một xã-hội xây dựng trên sự giáo-dục về sự khôn ngoan. Một cách đơn-giản, một thứ đặt trọng tâm nơi cá-nhân, thứ kia thì trên sự sở hữu (vật-chất). Sự say mê về việc luôn luôn muốn có nhiều hơn, và sự khuynh-tán về bề ngang của các sự hiểu biết làm chúng ta xa lìa với sự thay đổi bên trong. Hơn nữa, người ta chỉ có thể thay đổi thế-giới bằng cách thay đổi chính mình, việc này quan-trọng hơn là có thêm nữa. Một người tu theo đạo Phật nghĩ rằng "người nào bằng lòng với những gì mình có, thì đang có một kho tàng trong lòng bàn tay". Sự không thỏa mãn sinh ra do thói quen coi những vật phù-phiếm như là cần thiết. Sự suy-nghĩ này không phải chỉ giới hạn về những của cải, nhưng còn phải kể thêm sự tiện-nghi, sự hài lòng và sự "hiểu biết không cần thiết". Điều duy nhất mà người ta không được coi là đầy đủ, là sự hiểu biết; và nỗ lực duy nhất mà người ta không được tự cho là đủ, là những việc làm giúp cho sự tiến-bộ tâm-linh và sự thực-hiện điều tốt cho mọi người hay chúng sinh.
J.F. - Ba muốn kết luận bằng cách trích Cioran, người mà ba thích, vì ông này chứng tỏ rằng Phật-giáo là điểm chuẩn hay sự bận tâm của các nhà văn tây-phương. Đây là bản văn của lời nói đầu trong quyển Anthologie du portrait dans la littérature francaise (Tuyển tập về các chân dung trong văn chương Pháp). Trong lời nói đầu này, ông ta đề cập tới các nhà luân-lý pháp, từ La Rochefoucauld, từ Chamfort, vân vân... và dĩ nhiên những nhà văn dùng chân dung của những người nổi tiếng để nói về sự thiếu sót của con người. Cioran đã để Pascal ra bên ngoài và trên các nhà luân-lý khác với câu rất đúng như sau: "Những nhà luân-lý và những nhà viết chân dung diễn tả những khổ đau của chúng ta, trong khi Pascal diễn tả điều khổ đau của chúng ta". Ngay sau đó, và đây là điều đáng chú ý, ông ta dẫn đến việc dựa vào Phật-giáo. Sau đây là vài hàng trong phần mở đầu nói về văn-chương cổ-điển pháp: "Khi Mâra, Thần của sự Chết, tìm đủ cách từ cám dỗ, tới hăm dọa, để lôi kéo đức Phật khỏi sự thiền định của ngài; để làm rối loạn và làm lạc hướng Mâra khỏi sự kiêu ngạo, đức Phật đã hỏi: nhà ngươi đã đau khổ cho sự hiểu biết chưa?" Câu hỏi này làm Mâra không trả lời được, người ta phải dùng nó khi muốn biết đo lường giá trị đích thực của ý-thức". Con có lời bình luận gì cho câu này?
M. - Mâra là biểu tượng của bản ngã, vì "con quỷ" này không ai khác hơn là sự quyến luyến cái "tôi" như là thực thể nơi mỗi người. Khi đức Phật ngồi dưới gốc cây bồ đề, khi ngài gần đạt được sự hiểu biết toàn hảo, hay đắc đạo, ngài nguyện là sẽ không đứng dậy cho tới khi phá tan được hết các màn của sự ngu si. Mâra, bản ngã, muốn gây sự ngờ vực nơi ngài nên hỏi: "Ông lấy quyền gì mà mong đạt tới sự ngộ đạo?". Đức Phật trả lời: "Quyền của ta dựa trên sự hiểu biết mà ta đã đạt được qua nhiều đời sống; có trái đất làm chứng cho ta". Ngay khi ấy, người ta kể là trái đất rung chuyển. Mâra tìm cách cám dỗ đức Phật đưa tới các con gái rất đẹp của hắn -- biểu tượng của lòng ham muốn -- để tìm cách làm sao lãng đức Phật trong lần thiền định sau cùng của ngài. Nhưng đức Phật khi ấy không còn vướng bận ham muốn gì, và các người con của Mâra hiện nguyên hình là những người già cả, da dẻ nhăn nheo. Sau đó Mâra tìm cách gây lòng thù hận nơi đức Phật. Hắn làm hiện ra những hình ảnh kỳ quái, những đoàn binh bắn những tên lửa và văng những lời thô tục tới ngài. Người ta nói, nếu đức Phật có mảy may lòng thù hận thì ngài đã bị đâm chết bởi các đạo binh ấy: bản ngã chiến thắng sự hiểu biết. Nhưng đức Phật khi ấy chỉ còn tình thương và lòng từ bi: các đạo binh biến ra thành trận mưa hoa, và các lời chửi rủa biến thành lời ca tụng. Tới rạng đông, khi những vết tích sau cùng của sự ngu si tan đi, đức Phật đạt được sự hiểu biết hoàn hảo về sự không thật của con người và của các sự vật. Ngài hiểu được rằng thế-giới các hiện tượng chỉ là một trò chơi tương hợp, và không có gì có đời sống thực tại và thường hằng.
J.F. - Điều mà ba bị kích động nhất trong lời trích của Cioran là lời nhắc-nhở Tây-phương rằng sự hiểu biết là sự khổ đau, hay trong mọi trường hợp chỉ có thể đạt được bằng khổ đau. Dựa trên tiêu chuẩn này người ta đo lường giá trị của một ý-thức. Theo ý-kiến của ba, đây là một lời nhắc nhở chủ yếu cho Tây-phương, mà càng ngày người ta càng nghĩ rằng có thể loại trừ sự khổ đau và bắt đầu làm việc trong sự vui vẻ bằng đối thoại, đồng thuận, và đặc-biệt bằng giáo-dục và sự học sẽ diễn tiến không cần cố-gắng và không sự khổ đau.
M. - Đó cũng là cách người ta diễn tả con đường tâm-linh. Những thú vui của thế-gian thì rất lôi cuốn trong lúc đầu. Chúng mời gọi sự hưởng lạc, chúng giống như sự dịu dàng, và rất dễ tới với chúng. Chúng bắt đầu bằng việc đem lại một sự thoả thích phù phiếm và phiến diện, nhưng người ta sẽ thấy dần dần chúng không làm tròn lời hứa và sẽ tận cùng bằng sự vỡ mộng chua chát. Sự tìm tòi về tâm-linh thì hoàn-toàn ngược lại. Khởi đầu, nó có vẻ nghiêm-khắc: phải có một sự cố-gắng của chính bản thân -- cần phải đương đầu với "sự khổ đau của sự hiểu biết" theo ngôn từ của Cioran, hay là "những khuôn phép khắc kỷ". Nhưng càng đi trên cuộc hành trình thay đổi nội tâm, người ta thấy được sự khôn ngoan, sự bình thản và niềm hạnh-phúc thấm nhuần khắp cơ thể và ngược lại với các thú vui trước, chúng không bị ảnh hưởng bởi các sự kiện bên ngoài. Theo như câu ngạn ngữ: "Trong sự tu-tập tâm-linh, những khó khăn sảy ra ở đầu, và trong các vấn-đề của thế-gian, chúng ở cuối". Cũng có nhận xét: "Bắt đầu thì không có gì tới, khoảng giữa thì không có gì ở lại, sau cùng thì không có gì đi". Con cũng thêm nhận xét sau này cần thiết cho sự đạt tới hiểu biết, tuy không nói chính xác là "khổ đau": ta có thể định-nghĩa nó như "niềm vui được lôi cuốn dưới hình thức một sự cố gắng".

| |