Nhà sư và nhà triết-học

8 - Sắc thái tôn-giáo và sắc-thái thế-tục

Jean-Francois. - Trong sự phổ biến hiện tại của Phật-giáo tại Tây-phương, có một khía cạnh đáng lưu ý của thực tế cận đại, là một việc vừa nổi lên một cách cụ thể. Đó là những biên khảo so sánh Phật-giáo và những bản văn triết-lý của thế-hệ mới. Ba đã kể ra Luc Ferry. Bây giờ ba kể thêm André Comte-Sponville, vừa xuất bản hai năm qua, một quyển sách có tên là "Petit traité des grandes vertus (Quyển sách nhỏ của những đức tính lớn)". Đó là một chuỗi những lời khuyên về các sự khôn ngoan thực dụng, chúng gần giống như những điều mà ở Pháp gọi là truyền thống luân-lý. Tác-giả sắp xếp những nhận xét về những sự cư sử của con người, tâm lý của con người, mà không ngại sự nhàm chán, đưa ra các lời khuyên thực dụng về cách cư sử hàng ngày. Đó là một việc cách mạng về ý-nghĩ vào cuối thế-kỷ XX này, vì các nhà luân-lý đã luôn luôn bị coi thường bởi các triết-gia nhà nghề , vì họ coi đó chỉ là một chuỗi những sự chú-ý vụn vặn, và hoàn toàn tâm-lý. Những người xây dựng và thống lĩnh hệ-thống triết-học khi ba còn trẻ, viết trong văn chương của họ về các nhà luân-lý rằng: Đó là những sự chú-ý không liên tục, những quan sát kinh-nghiệm và chủ quan, không thể sắp xếp thành hệ-thống. Vậy mà ngày nay, công chúng hãy còn lưu-ý đến những sách "triết-lý", họ quay về những tác-phẩm đề cập đến những lời khuyên của các nhà luân-lý, với các lời khuyên một cách khiêm tốn và thực dụng về cuộc sống hàng ngày của đời sống con người.
Nhà luân-lý cận-đại đặc-biệt, E.M. Cioran, cũng là một nghệ-sĩ, có một số độc-giả lối hai hay ba ngàn trong suốt bốn năm. Rồi đột nhiên vào khoảng 1985, mọi người trích dẫn tác phẩm của nhà văn này. Ba thêm rằng việc quyển sách của Comte-Sponville được thành công ở Pháp là một việc lạ. Điều đó chứng tỏ rằng công chúng cần một sự hướng dẫn, chỉ cho họ nên sống thế nào, làm sao tìm lại nghệ-thuật sống, một người nên sống như thế nào. Đó là những câu hỏi mà các triết-gia của chúng ta đã không trả lời từ rất lâu. Về phần Comte-Sponville, thì thường trích dẫn từ Phật-giáo, và so sánh song song một cách rất thú vị giữa Phật-giáo và Thiên-chúa-giáo, về lòng từ-thiện, đặc biệt là câu sau: "Lòng từ-bi là một đức-tính của Phật-giáo đông phương. Người ta biết rằng lòng từ-thiện -- ít là trên lời nói -- là của Thiên-chúa-giáo tây-phương. Chúng ta có phải lựa chọn không? Hai việc ấy không đối nghịch nhau. Nếu phải lưa chọn, theo tôi, tôi có thể nói như thế này: lòng từ-thiện thì chắc chắn tốt hơn, nếu như tôi có thể. Nhưng lòng từ-bi thì dễ hơn, vì ai cũng có thể có được, nó giống như sự dịu dàng. Hay nói cách khác, thông điệp của chúa Giê-su thì cao cả hơn, nhưng bài học của đức Phật, là lòng từ-bi thì thực-tế hơn". Có hai điều nhận xét về vấn đề này. Comte-Sponville nói rõ rằng lòng từ-thiện là một đức-tính của Tây-phương Thiên-chúa-giáo, "dù là trên lời nói", vì chính lòng từ-thiện này thường được thể hiện thành sự tàn sát các người Da dỏ tại Mỹ hay việc dẫn các người không chịu theo đạo lên hỏa đài vào thời Inquisition, hay hơn nữa việc gây khổ đau cho những người Do-thái và người theo đạo Tin-Lành. Và nhận xét thứ hai: Mặc dù luôn nhắc tới khái-niệm Phật-giáo trong sự so sánh, nhưng sau cùng Comte-Sponville kết luận là khái niệm Phật-giáo thì thấp hơn khái-niệm của Thiên-chúa-giáo. Con nghĩ thế nào, và làm sao định-nghĩa lòng từ-bi phật-giáo?
Mathieu - Trước hết, con muốn nói vài lời về khía cạnh đầu tiên của câu hỏi. Tại sao lại có sự lưu ý trở lại những tác phẩm về những lời khuyên thực tế? Có thể để trở nên một con người xứng đáng hơn mà trong hệ-thống giáo dục ngày nay thì đó là một việc xa lạ. Nền giáo-dục cận-đại, chủ yếu là thế-tục, có mục đích chính là phát triển sự hiểu biết.
J.F. - Dù đó là mục-đích chính, thì cũng không thành công hoàn toàn.
M. - Sự thông-minh là một con dao hai lưỡi. Nó có thể làm nhiều việc tốt, nhưng cũng có thể làm nhiều việc xấu, được dùng để xây dựng hay để phá hoại. Trong quá khứ các tôn-giáo dạy mọi người -- khi họ không phản bội tôn giáo ấy -- để trở nên một người tốt hơn, thực hành điều thương yêu các người chung quanh, lòng tốt, sự ngay thẳng, lòng thương người ... Nếu ngày nay có ai đòi hỏi các điều ấy được dạy dỗ ở trường học, thì sẽ có sự phản đối rộng rãi. Người ta sẽ trả lời mình rằng đó là những việc bận tâm của một con người, và đó là công việc của các bậc phụ huynh dạy cho con cái về những giá-trị con người. Trong khi ấy, một số những người thuộc thế-hệ mới, là những bậc cha mẹ hiện tại, thì trong quá-khứ, cũng theo học ở những trường không hề dạy về các điều ấy, và họ cũng là những người không biết gì về một nền giáo-dục tôn-giáo, hay một sự tìm tòi tâm linh. Người ta còn đi xa hơn nữa khi nói rằng tình thương và lòng từ-bi thuộc tôn-giáo! Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma thường nói rằng người ta có thể không cần tôn-giáo, nhưng không thể thiếu tình thương và lòng từ-bi. Ông ta còn phân biệt sắc thái tôn-giáo khỏi sắc thái thế-tục, điều thứ hai chỉ nhắm mục-đích đơn giản là làm chúng ta trở nên những con người xứng đáng hơn, mà chúng ta có đầy đủ các yếu tố để phát huy dù có tin nơi tôn-giáo hay không. Với sự vắng mặt của tôn-giáo, con người không có gì, nếu không vì tình cờ đọc được các sách về tôn-giáo, giúp cho một người vị thành niên hiểu được những giá-trị của con người, và làm sao phát triển chúng. Như thế, việc lưu tâm tới tôn-giáo là việc đáng mừng.
J.F. - Ba hài lòng về việc con nêu ra rằng đức Đạt-Lai-Lạt-Ma đề cập đến "sắc thái thế-tục", vì ba sẽ trả lời theo ý ba là sắc thái thế-tục không ngăn cấm việc dạy dỗ luân-lý ở các trường-học. Thế-tục chỉ muốn nói sự trung-lập của việc giáo-dục không chịu ảnh hưởng của bất cứ triết-thuyết nào, tôn-giáo hay chính-trị. Điều đó không loại trừ, mà trái lại đòi hỏi, một sự giáo-dục luân-lý, đặt trọng tâm trên việc tôn-trọng luật-lệ và các người chung quanh, hợp đồng xã-hội và việc sử dụng đúng các quyền tự-do, tóm lại, đó là điều Montesquieu gọi là đức tính cộng-hòa. Sau hết, sác thái thế-tục đã mất hết ý-nghĩa.
M. - Việc thế-tục thật sự không phải là sự bỏ rơi những môn giảng dạy tôn-giáo như đã được làm; mà phải là việc giảng dạy tất cả các tôn-giáo, và quan-niệm triết-học, và ngay cả, sao lại không? khái niệm duy vật và cho các học sinh cơ hội theo học hay không các môn ấy. Như thế ta cho trẻ con và các người vị thành niên có khái-niệm về những gì được dạy dỗ. Tại sao phải đợi 16 năm và trong các lớp triết-học mới dạy dỗ về các điều căn bản của các giá-trị nhân bản?
J.F. - Đó là điều bàn cãi sôi nổi của các vị trong bộ giáo-dục! Nhưng đâu là sự so sánh về từ-bi của Phật-giáo và lòng từ-thiện Thiên-chúa-giáo?
M. - Ý-niệm về từ-bi là một phản ảnh điển hình của sự khó khăn phiên dịch ý-niệm đông-phương sang ngôn ngữ tây-phương. Chữ "compassion: từ-bi" trong Tây-phương đôi khi gợi ý tới một khái niệm thương sót kẻ dưới, một thương cảm có một sự ngăn cách với người đang bị đau khổ. Trong khi ấy chữ Tây-tạng, nyingjé, mà người ta dịch là "compassion", có nghĩa là "le seingeur du coeur: chúa tể của trái tim", nghĩa là người ngự trị ý-nghĩ của chúng ta. Lòng từ-bi, theo Phật-giáo là ý muốn chữa hết tất cả mọi hình thức của khổ đau, và đặc biệt các nguyên nhân -- sự ngu dốt (vọng), sự thù ghét, lòng ham muốn vân vân. Lòng từ-bi này như thế chỉ một phần những người bị đau khổ, và phần khác chỉ sự hiểu biết.
J.F. - Con có đồng nghĩa từ-bi với từ-thiện không?
M. - Lòng từ-thiện là một biểu hiệu của lòng từ-bi. Việc bố-thí là một đức-tính quan-trọng của Phật-giáo. Người ta phân biệt nhiều sự bố-thí, bố-thí tài vật -- đồ ăn, tiền bạc, quần áo --, bố-thí "che chở khỏi sự sợ hãi", gồm việc che chở người đang bị nguy hiểm, cứu mạng sống người khác, và sau hết là sự dạy dỗ để một người có phương tiện để vượt qua cái ách của sự ngu dốt. Những hình thức bố-thí khác nhau thì được áp dụng hàng ngày trong các xã-hội Phật-giáo, và còn đi tới việc có người bố-thí tất cả tài sản của mình cho những người thiếu thốn. Trong lịch-sử Tây-tạng, có những người thấm nhuần ý bố-thí tới độ bố-thí thân mạng mình để cứu giúp người khác. Đó là điều tương đương với lòng từ-thiện Thiên-chúa-giáo. Rồi để loại trừ một cách lâu dài sự khổ đau, cần phải suy-nghĩ về căn nguyên của sự khổ đau, người ta sẽ biết là sự ngu dốt nuôi dưỡng chiến tranh, sự thèm khát muốn trả thù, sự ám ảnh, và tất cả những gì làm con người đau khổ.
J.F. - Đâu là sự khác biệt giữa lòng tữ-bi và tình thương?
M. - Tình thương là một phần phụ cần thiết của lòng từ-bi. Cái này không thể có và càng không thể phát-triển nếu không có cái kia, có thể định-nghĩa như lòng mong muốn mọi người tìm thấy hạnh-phúc và những nguyên nhân của hạnh-phúc. Tình thương nơi đây, là tình thương không điều kiện, toàn diện, đối với tất cả mọi người không phân biệt. Tình thương giữa nam nữ, những người thân, bạn bè và thường là các vật sở hữu, ngoại trừ hay hạn chế, lẫn lộn với tình cảm ích kỷ. Người ta trông đợi sự đáp ứng tương tự như người ta cho. Tình thương như thế có vẻ như sâu đậm, nhưng nó sẽ tan biến đi nếu nó không đáp ứng điều người ta trông đợi. Hơn nữa, tình thương mà người ta có với các người thân thường đi theo một tình cảm xa cách, đôi khi cay đắng với những "kẻ lạ", những gì có thể làm nên một sự đe dọa cho họ hay các người thân của họ. Tình thương thật sự, lòng từ-bi thật sự có thể lan ra cho cả kẻ thù của chúng ta, trong khi ấy tình thương, và lòng từ-thiện xen lẫn sự gắn bó không thể bao gồm một người nào mà ta coi là kẻ thù.
J.F. - Như thế, khái-niệm về tình thương cũng quan trọng trong Phật-giáo, không hẳn chỉ có trong Thiên-chúa-giáo?
M. - Đó là cỗi rễ của con đường. Tình thương thật sự không bị phân cực, hạn hẹp tới một người hay một số người nào đó, gắn liền với một nhóm người. Hơn nữa, nó phải bất vụ lợi, và không trông mong sự đền đáp lại. Vì vậy, một trong nhiều chủ đề khi tham thiền là bắt đầu bằng cách nghĩ tới một người nào đó mà người ta yêu quý xâu đậm, và để cho tình thương ấy toả rộng ra hết tâm trí; rồi phá vỡ cái lồng của các sự giới hạn và trải rộng ra cho những người mà người ấy không thương, cũng không ghét; sau cùng, người ấy bao gồm tất cả, kể cả các kẻ thù. Đó chính là tình thương thật sự. Việc biết một người nào có ý làm hại ta, không thể ảnh hưởng đến tình thương thật sự, vì tình thương ấy dựa trên sự hiểu biết xâu xa về "kẻ thù" này, cũng như chúng ta, ước ao hạnh phúc và ngại sự khổ đau.
J.F. - Như thế thì từ-bi của Phật-giáo và từ-thiện của Thiên-chúa-giáo khác nhau ở chỗ nào?
M. - Tình thương các người lân cận, như được diễn tả trong Kinh thánh, thì tương đương với tình thương và lòng từ-bi của Phật-giáo. Về lý-thuyết, thì đây chính là điểm chung của mọi tôn-giáo lớn. Trong Phật-giáo, người ta ghép thêm hai đức tính khác vào tình thương và lòng từ-bi. Một là vui với những tính tốt và hạnh-phúc của người chung quanh và cầu mong cho hạnh-phúc ấy bền lâu và tăng trưởng: sự vui trước hạnh-phúc của người chung quanh là liều thuốc chống lại lòng ghen ghét. Hai là sự vô tư, trầm lặng: áp dụng tình thương, lòng từ-bi và thiện cảm cho những người ta thương mến cũng như cho người xa lạ, và kẻ thù của ta. Nếu ta đặt trên bàn cân sự tốt lành cho riêng ta, và số lượng vô biên của các chúng sinh thì ta thấy việc thứ nhất không đáng kể so với việc thứ hai. Hơn nữa, cần phải hiểu rõ là niềm vui, và sự đau khổ của ta thì gắn liền chặt chẽ với hạh-phúc và khổ đau của những người chung quanh. Ta có thể nhận ra trong đời sống hàng ngày, sự khác biệt giữa những người chỉ biết bận tâm cho chính mình và những người luôn hướng về người khác. Nhóm trước thì không thanh thản và không hài lòng. Sự hẹp hòi về tâm trí của họ làm hại tương quan của họ và những người khác, và họ không đạt được bất cứ điều gì. Họ chỉ gõ vào những cái cửa đã đóng. Trái lại, người có tâm tình cởi mở, ít nghĩ đến bản thân mình và luôn luôn quan tâm đến sự vui buồn của người chung quanh. Những người này có một sức mạnh tinh thần làm họ không cảm thấy những khó khăn của chính họ, dù họ không muốn, những người khác cũng chú ý đến họ.
Sau cùng, như con đã trình bày, tình thương và lòng từ-bi phật-giáo thì không thể tách rời khỏi sự khôn ngoan, nghĩa là sự hiểu biết về bản thể của mọi sự vật, và nhắm vào việc giải-phóng những người khác khỏi sự ngu dốt, mà chính những điều này là nguyên nhân đầu tiên của sự khổ đau của họ. Chính là sự khôn ngoan này, sự thông minh này, cung cấp sức mạnh cho lòng từ-bi.
J.F. - Người ta có thể bài bác rằng những điều ấy thì không cụ thể? Ngày nay có những việc bận tâm mà người ta gọi là những vấn đề của xã-hội, sự bất công, trẻ vị thành niên khó dạy, nạn sì-ke, ma túy, sự phá thai, án tử hình. Và, ngoài án tử hình, mà theo định nghĩa là một tội phạm không cải huấn được, các trẻ vị thành niên có án thì nên cho vào nhà tù hay dạy dỗ chúng? Và những vấn đề mà con vừa đề cập về giáo-dục: có phải cưỡng bách giáo dục không, hay chỉ đặt căn bản trên ý muốn của học sinh?
M. - Vấn đề giáo-dục là: Ta phải dạy các học trò những gì chúng muốn nghe hay những gì chúng thật sự cần thiết nghe? Điều đầu tiên là một giải-pháp dễ dàng, điều thứ hai là một thái độ có trách-nhiệm.
J.F. - Và sau cùng, tất cả các vấn-để bảo đảm xã-hội, nạn thất nghiệp, nạn bạo động, việc hội nhập các di dân, sự xích mích về hôn-nhân dị chủng trong các xã-hội tân tiến rộng lớn. Phật-giáo có tự đặt vấn đề, và có câu trả lời gì không?
M. - Xã-hội tây-phương có sự thuận lợi về các phương-tiện để giải quyết các đau khổ sảy ra do các điều kiện bên ngoài, nhưng nó thiếu sót trầm trọng những phương tiện để xây dựng hạnh-phúc bên trong. Nó cũng sai lạc trong việc xác định điểm chuẩn cho các vấn đề cụ-thể về đời sống và xã-hội, vì những ngọn đèn về các nguyên-tác tinh-thần càng ngày càng bị lu mờ. Trong năm 1993, khi con tháp tùng đức Đạt-Lai-Lạt-Ma như một người thông ngôn trong chuyến viếng thăm Pháp ba tuần, con bị chấn động khi thấy các sinh viên tiếp đón ngài nồng nhiệt. Chính trong các đại-học là nơi ông ta được đón tiếp nồng nhiệt nhất. Tại Grenoble, vào tám giờ tối của tháng mười hai. Thời tiết rất lạnh. Giảng đường lớn thì đầy nghẹt, và bên ngoài, có lối ba tới bốn nghìn người, đứng trong giá lạnh, nhìn màn ảnh to lớn có hình đức Đạt-Lai-Lạt-Ma và nghe các lời khuyên của ông ta. Ở Bordeaux, cũng như thế: giảng-đường đông nghẹt, và hàng ngàn người trẻ bên ngoài. Điều ngặc nhiên là tình cảm sôi động, đầy nhiệt huyết trong trò chơi sống động về hỏi đáp với đức Đạt-Lai-Lạt-Ma. Ông ta nói trong khoảng hai mươi phút; rồi thì các câu hỏi được nêu ra -- án tử hình, sự phá thai, kiểm soát sinh đẻ, sự bạo động, tình thương vân vân. Người ta có cảm tưởng là sau cùng ông ta đã tìm được người đối thoại!
J.F. - Vậy các câu trả lời như thế nào?
M. - Về vấn-đề kiểm soát sinh đẻ, đức Đạt-Lai-Lạt-Ma nói rằng đời sống là điều quý giá nhất mà ta có. Mỗi một đời sống thì hết sức quý, vì nó như chiếc thuyền giúp cho chúng ta lèo lái tới bến giác. Nhưng khi những đời sống này trở nên quá nhiều, nó sẽ gây nên một vấn đề cho toàn thể nhân-loại, vì tài-nguyên của trái đất không đủ để cung ứng cho mọi người một đời sống xứng đáng. Giải pháp duy nhất là ngăn ngừa sự bộc phát của loài người bằng kiểm soát sinh đẻ. Điều mà đức Đạt-Lai-Lạt-Ma cổ võ là việc kiểm soát sinh đẻ mà ông ấy gọi là "không bạo động", nghĩa là dùng tất cả các kiểu đặt vòng xoắn.
J.F. - Một sự ngăn ngừa sinh đẻ?
M. - Làm tất cả việc gì có thể được để ngăn ngừa một sinh xuất quá đáng.
J.F. - Nhưng điều ấy không được thông dụng bằng phá thai.
M. - Phật-giáo định-nghĩa một hành-vi sát nhân là "lấy đi một đời sống, hay một đời sống đang thành hình". Đó là một hậu quả hợp-lý của sự tái sinh, vì khi có sự cấu tạo của ý-thức, từ một kiếp sống trước, dù còn trong trạng thái phôi thai, gần như không thể xác định được. Trong vài trường hợp, như khi tính mệnh của người mẹ bị nguy kịch, hay người ta biết rõ là đứa trẻ sinh ra sẽ bị dị dạng ghê gớm, việc phá thai được chấp nhận, nhưng không thể chấp nhận những lý do đơn giản xuất phát từ lòng ích kỷ -- các cha mẹ đã không thận trọng, việc có con là xấu xa, hay là gánh nặng. Việc phải được phát triển là những loại vòng xoắn hữu hiệu, để khỏi phải dùng tới biện pháp phá thai. Câu trả lời này có vẻ được cử tọa chấp thuận. Ông ta còn pha trò thêm: "Phương pháp kiểm soát sự bành trướng dân số hữu hiệu nhất là có có thêm nhiều nhà sư và bà vãi". Điều này dĩ nhiên làm mọi người cười ồ.
J.F. - Ba thêm rằng luận cứ về nạn nhân mãn không thích hợp tại các nước tiền tiến, nơi mà mức đội sinh trưởng xuống dưới số sinh để duy trì dân số. Luận cứ duy nhất để bàn cãi là tự-do cá-nhân, tự-do về các sự lựa chọn. Nhưng hãy nêu vấn-đề khác của xã-hội, án tử hình, vấn đề này được ban thành luật trong hầu hết các nước tây-phương hiện đại. Không còn mấy nước duy trì án tử hình. Và tại Mỹ, chỉ có vài tiểu-bang còn duy trì, và vài tiểu-bang vừa tái lập. Nói chung chỉ còn sự đàn áp những kẻ gây rối, sự đàn áp của băng đảng. Người ta không thể dùng bất bạo động với băng đảng. Làm sao chống lại bọn ma-phi-a nếu ta không dùng vũ-lực, không bỏ tù những kẻ sát nhân, không làm cho chúng không thể hại ta nữa?
M. - Sự bất bạo động không phải là dấu hiệu của yếu kém! Mục-đích là làm giảm thiểu bằng mọi cách sự khổ đau của các người chung quanh. Vô hiệu hóa những kẻ tội phạm bằng những phương tiện thích hợp là điều cần thiết. Nhưng điều đó không biện minh cho sự trả thù, những sự hành hạ thúc đẩy bởi lòng thù hận và sự tàn ác. Con đã nghe qua đài phát thanh lời phát biểu cảm động của cha mẹ một đứa bé bị giết bởi một nhóm bạo động, hôm trước khi xử những người này: "Chúng tôi không cần thêm một mạng người bị giết nữa". Đối với án tù chung thân, ngăn ngừa được những kẻ giết người có cơ hội hại người nữa, thì án tử hình coi như là một sự trả thù. Đây là lời của đức Đạt-Lai-Lạt-Ma trong quyển Terre des dieux et malheur des hommes: "Kết tội tử hình một người là một việc trầm trọng. Đó chỉ đơn giản là việc loại trừ một con người. Điều quan trọng là tội nhân được sống để có thể có cơ may cải hối, thay đổi nhãn quan. Tôi tin tưởng rằng ngay cả những tội phạm nguy hiểm nhất, cũng có chút hy-vọng thay đổi được và đền bù lại. Để cho người ấy sống, ta cho người này cơ hội thực hiện sự thay đổi mà mỗi chúng ta có khả năng ấy".
Gần đây, năm 1996, tại tiểu bang Arkansas của Mỹ, một tội nhân đã bị hành quyết sau 12 năm bị kết án. Trong thời gian này, tử tội đã nhận ra tội lỗi của mình và muốn dùng những ngày còn lại để phục vụ người khác, chuộc lại lỗi lầm xưa. Người này cũng đã xin đi tu khi đang thụ án. Người ấy đã thành công khi được phát biểu trên sóng điện một đài phát thanh: "Tôi đã trở nên một con người khác. Xin chấp nhận sự hối cải của tôi. Xin đừng giết tôi. Chúng ta muốn tin rằng chúng ta đang sống ở trong một xã-hội văn-minh. Sự thật không phải vậy. Chính phủ cần phải coi án tử hình như là một sự trả thù. Các bản án gia trọng hiển nhiên đã không làm được việc ngăn ngừa hữu hiệu các hành vi phạm tội." Người ấy còn nói tiếp: "Tại sao lại hành quyết các tử tội vào giữa đêm? Nếu hành động của quý vị không vô nhân đạo, nếu quý vị không cảm thấy có tội, thì tại sao không hành quyết vào ban ngày, trước ống kính máy truyền hình?" Thống-đốc tiểu-bang Arkansas, là một nhà truyền giáo ngày trước, từ chối việc tha tội và dời ngày hành quyết tới sớm hơn một tuần để tử-tội này không có cơ hội nói thêm.
J.F. - Ba nghĩ là có một sự đồng tình tổng quát về vấn đề ấy. Những xã-hội dân chủ lớn còn duy-trì án tử hình dù chỉ trong một vài tiểu-bang như Mỹ, cũng gặp những sự phản kháng. Ba nghĩ là việc ấy rồi sẽ chấm dứt. Tại Âu-châu, trên thực tế cũng đã biến mất. Ngày nay, án tử hình chỉ còn ở tại những nước độc tài như là Trung-Hoa, một số nước tại Phi-châu, Mã-lai-á, Singapour, I-rắc, và lẽ dĩ nhiên Ba-tư...
M. - Tại Trung-hoa, có một trăm vụ hành quyết một ngày...Và hơn nữa, các nhà tù thì bán các bộ phận của tử-tội trên thị trường chợ đen cho các nhà thương ở Hồng-kông và bắt gia-đình nạn nhân trả tiền cho viên đạn đã kết liễu đời sống của tử-tội.
J.F. - Một trăm vụ hành quyết một ngày tại Trung-hoa! Nhưng tại hầu hết các xứ thuộc phái hữu, việc ấy đã được giải quyết. Đối lại, người ta hãy còn tranh luận về phương cách ngăn ngừa và bài trừ tội phạm. Ta không thể chỉ đứng trên quan-điểm của các tội phạm. Cũng cần phải đứng trên quan-điểm của các nạn nhân nữa. Đó là trường hợp, và đặc biệt, khi người ta muốn bảo vệ một xã-hội chống lại những nhóm bạo-động (terroriste) và các tổ chức phạm tội (ma-phi-a). Về khía cạnh này, rất khó có được các giải pháp bất bạo động.
M. - Xã-hội có bổn-phận bảo-vệ các công dân khỏi các kẻ hung dữ, nhưng không được trả thù. Dù đó là một vụ giết người hay một vụ hành quyết tử tội, giết người là một việc không thể chấp nhận được. Đó không phải là việc cảm thấy đau khổ hơn, một cách không lành mạnh và không thực-tế về các tử-tội hay về các nạn-nhân.
J.F. - Và hơn nữa nếu đó là một tổ-chức chuyên làm việc xấu!
M. - Mục-đích của sự bất bạo-động chính là làm giảm sự bạo động. Đó không phải là con đường thụ-động. Như thế cần phải thẩm định yếu tố khổ đau. Cách tốt nhất là làm sao vô hiệu hoá, cách này hay cách khác, những kẻ gây ra sự khổ đau cho các người chung quanh, mà không đem thêm vào những hình thức bạo động khác. Trong một buổi trao giải Mémoire à la Sorbonne (Tưởng niệm về Sorbonne), một người trong hội trường đặt câu hỏi với đức Đạt-Lai-Lạt-Ma: "Ông có hình dung tới một toà án kiểu như Nuremberg, nếu một ngày nào đó Tây-Tạy lấy lại được sự độc-lập?" Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma trả lời là có thể sẽ không có, nhưng nếu có thì mục đích của toà-án ấy là chưng ra các bằng cớ về những thảm họa đã xảy ra tại Tây-Tạng cho hơn một triệu người sau khi Trung-Hoa chiếm đóng xứ này. Nhưng sẽ không có các sự trả thù những người đã hợp tác với Trung-hoa. Ông ta đưa ra thí-dụ sau: một con chó đã cắn bậy nhiều người thì cần cùm miệng nó lại và cô lập nó cho tới khi nó chết nếu nó còn tiếp tục làm hại. Nhưng nếu nó già, không còn răng, sống hiền lành trong góc sân dành cho nó, thì người ta không bắn vào đầu nó một viên đạn về tội nó đã cắn mười mấy người mười năm về trước.
J.F. - Vấn đề đặt ra không phải là tòa án Nuremberg, có giá trị rộng lớn về việc giáo-dục; nhưng là việc hành quyết các kẻ có tội ở Nuremberg. Khi sử thì đa số các tội phạm đã bị hành quyết rồi. Ngay bây giờ đang diễn ra tại La Haye một thủ-tục khác để kết tội những kẻ giết người trong cuộc chiến-tranh tại Bosnie. Ba nghĩ rằng không tội phạm bị kết tội nào sẽ bị hành quyết, điều không thể nào sảy ra được theo luật-lệ của những nước tham-dự. Đó là một lập-trường đúng y như của đức Đạt-Lai-Lạt-Ma đã tuyên-bố.
M. - Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma dùng một công thức như búa đập của tiếng Anh: "We must forgive, but not forget", nghĩa là: "Chúng ta phải tha thứ, nhưng không quên".
J.F. - Phải ... không quên. Điều đó rất đúng. Nhưng lý-luận ấy chỉ áp dụng cho từng cá-nhân. Còn ngày nay, những tội phạm đa số là một tổ-chức. Đó là một tội-phạm chính-trị, đó là những kẻ khủng bố như ETA, hay IRA hay như những người Sikh trong vài năm qua bên Ấn-độ. Đó cũng là những băng đảng tội-phạm như ma-phi-a, Ý, Nga, Tàu hay Cô-lom-bi. Nghĩa là những nhóm có thể vì quyền-lợi, lý-tưởng cực đoan, nghĩ rằng mình có quyền phạm tội. Một người không thể làm được điều này hay điều nọ (mà cần nhiều người). Khi người ta bắt giữ được ToTo Rina, thủ-lãnh của băng đảng thuộc đảo Sicile ở Palerne, đó là một thành công lớn của cảnh-sát Ý-đại-lợi, nhưng chỉ không đầy ba mươi giây, ToTo Rina đã được thay thế bằng một người khác để cầm đầu băng đảng ấy. Như thế, đối thủ chính là tổ chức chớ không phải người này hay người kia. Tuy vậy ngày nay ta thấy xã-hội càng ngày càng có nhiều tổ chức tội phạm với mục-đích đạt lợi, hay ảnh hưởng chính-trị, hay cả hai. Và xã-hội không có phương-tiện gì để đối phó lại khác hơn là việc dùng vũ-lực. Đó là một sự chống bạo động.
M. - Các tội-phạm có tổ-chức chỉ là một tập hợp của nhiều tội phạm. Đặt các tội phạm vào vị thế không thể hại ai được chỉ là chất đống vấn đề, chỉ là trừ khử các hiện tượng. Nhưng nếu ta muốn giải quyết tận cỗi rễ, thì cần phải cải huấn những con người, phải giúp đỡ họ thay đổi.

| |

Chú thích: